Tóm tắt nội dung
Ù tai khá thường gặp trở thành tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến khoảng 15% đến 20% dân số, đặc biệt là người trung niên và cao tuổi.
Phần lớn ù tai do một tình trạng tiềm ẩn, chẳng hạn như mất thính giác do tuổi tác, chấn thương tai hoặc rối loạn vận mạch. Đối với nhiều người, chứng ù tai được cải thiện khi điều trị nguyên nhân cơ bản hoặc với các phương pháp điều trị khác làm giảm hoặc che bớt tiếng ồn, làm cho chứng ù tai ít được chú ý hơn.
1. Nguyên nhân gây ù tai
Nhiều trường hợp, nguyên nhân ù tai không được xác định chính xác. Trong khi, một số tình huống bệnh lí có thể làm nặng thêm tình trạng ù tai.
Nguyên nhân phổ biến gây ù tai:
Mất thính lực
Ở tai trong (ốc tai) có những tế bào lông nhỏ và rất mỏng, các tế bào này di chuyển khi tai nhận được sóng âm thanh. Chuyển động của những tế bào lông này kích hoạt các tín hiệu điện dọc theo dây thần kinh từ tai đến não (dây thần kinh thính giác). Bộ não sẽ diễn giải những tín hiệu này thành âm thanh.
Nếu các sợi lông ở tai trong bị cong hoặc gãy, rất hay gặp ở người già hoặc thường xuyên tiếp xúc với âm thanh lớn, chúng có thể làm “rò rỉ” các xung điện ngẫu nhiên đến não, gây ra chứng ù tai.
Nhiễm trùng tai hoặc tắc nghẽn ống tai
- Viêm ống tai có thể gây tắc do tích tụ dịch lỏng
- Nhiều ráy tai gây bít tắc ống tai
- Bụi bẩn hoặc dị vật ống tai…
Các tác nhân tắc nghẽn này làm thay đổi áp suất trong tai, gây ù tai.
Chấn thương đầu hoặc cổ
Các chấn thương sọ não hoặc chấn thương cổ có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh thính giác, đến tai trong hoặc chức năng não liên quan đến thính giác. Ảnh hưởng này có thể gây ra tình trạng ù tai.
Nguyên nhân do thuốc
Một số thuốc gây tác dụng phụ là ù tai như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc kháng sinh, thuốc điều trị ung thư, thuốc lợi tiểu, thuốc trị sốt rét và thuốc chống trầm cảm.
Một số nguyên nhân khác gây ù tai
- Bệnh Meniere
- Rối loạn chức năng vòi nhĩ (vòi Eustache)
- Co thắt cơ ở tai trong
- Rối loạn khớp thái dương hàm
- U thần kinh âm thanh hoặc các khối u khác ở đầu và cổ
- Rối loạn mạch máu
- Các bệnh lí mạn tính: như tiểu đường, bệnh tuyến giáp, đâu nửa đầu, rối loạn tiền đình, thiếu máu, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp…
Một số bệnh lí khác như: béo phì, các bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiền sử bị chấn thương đầu đều làm tăng nguy cơ bị ù tai.
- Tiếp xúc với tiếng ồn lớn
- Tuổi tác: tuổi càng cao, nguy cơ ù tai càng lớn
- Hút thuốc lá, nghiện rượu
2. Triệu chứng ù tai
- Ù tai liên quan đến việc nghe thấy âm thanh trong tai nhưng thực tế lại không có âm thanh gì bên ngoài.
- Người bị ù tai có thể thấy những âm phức như tiếng sóng biển, tiếng chuông reo, tiếng quạt điện, tiếng nước chảy…
- Trong một số trường hợp, âm thanh có thể lớn đến mức gây cản trở việc nghe âm thanh bên ngoài.
- Ù tai có thể xảy ra mọi lúc, tại mọi thời điểm và địa điểm.
3. Các phương pháp chẩn đoán ù tai
Để chẩn đoán ù tai, bác sĩ cần phải phải thăm khám khám lâm sàng, cận lâm sàng.
Thăm khám lâm sàng:
Các thông tin cần khai thác bao gồm:
- Bệnh sử: tuổi, thời gian khởi phát ù tai, kiểu tiến triển của ù tai, tiền sử gia đình và các triệu chứng nghe hoặc các triêu chúng tiền đình kèm theo như nghe kém, đầy tai, chóng mặt.
- Tính chất ù tai: vị trí ù tai ở trong đầu, một bên hay hai bên; cao độ, âm đơn hay âm phức, tiếng ù đều đều, theo nhịp mạch, tiếng lích rích hay như tiếng thổi; cường độ, mức độ gây khó chịu, ảnh hưởng của môi trường, liên tục hay ngắt quãng.
- Các triệu chứng kèm theo như: chảy dịch tai, tiếp xúc với tiếng ồn, chấn thương đầu, sử dụng các loại thuốc gây hại cho tai.
- Khám lâm sàng: cần khám lâm sàng tai, khám thần kinh toàn diện kết hợp với đánh giá chức năng tai.
Kiểm tra cận lâm sàng:
- Đo thính học: kiểm tra thính lực đồ, chức năng thông khí vòi nhĩ.
- Chẩn đoán hình ảnh: cần chụp cắt lớp xương thái dương có và không có tiêm thuốc, chụp mạch não đồ.
- Xét nghiệm huyết học: gồm xét nghiệm công thức máu để xác định tình trạng thiếu máu, xét nghiệm chức năng tuyến giáp để biết người bệnh có bị bệnh cường giáp hoặc suy giáp hay không.
- Tác nhân dị ứng: cần đánh giá được tình trạng dị ứng bằng cách kiểm tra xem chất dị ứng trong thức ăn, khí thở hoặc môi trường sống.
4. Điều trị chứng ù tai
Ù tai phần lớn là do biểu hiện của các bệnh lí khác nhau, cho nên chỉ cần điều trị bệnh chính thì chứng ù tai sẽ giảm hoặc hết. Tuy nhiên, có khoảng 1% những người ù tai ảnh hưởng đến cuộc sống.
Các biện pháp có thể thực hiện để điều trị chứng ù tai:
Phẫu thuật
- Ù tai thường được chỉ định phẫu thuật chủ yếu có nguồn gốc cơ học hoặc có nguyên nhân từ các khối choán chỗ trong góc cầu – tiểu não, u tân sinh của thùy thái dương hoặc do điếc dẫn truyền.
- Phẫu thuật giúp giảm áp túi nội dịch ứ trong tai
- Phẫu thuật khoét mê nhĩ và phẫu thuật điều trị ù tai chóng mặt cắt dây thần kinh tiền đình
- Phẫu thuật cắt bỏ hạch thần kinh giao cảm
Điều trị nội khoa
Các phương pháp thường được phân làm hai loại chính bao gồm: các thuốc cắt đứt các cơ chế bệnh sinh tạo nên tiếng ù và các loại thuốc giúp giảm đi sự khó chịu đối với tiếng ù.
- Các thuốc tăng tuần hoàn ốc tai và hệ thần kinh trung ương
- Các thuốc kháng histamin và thuốc giảm phù nề
- Các thuốc an thần ức chế thần kinh trung ương
Tốt nhất là sử dụng theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
5. Phương pháp dự phòng ù tai
Sử dụng thiết bị bảo vệ tai:
Theo thời gian, việc tiếp xúc với âm thanh lớn có thể làm tổn thương các dây thần kinh trong tai, gây giảm thính lực và ù tai. Cố gắng hạn chế tiếp xúc với âm thanh lớn.
Nếu không thể tránh được âm thanh lớn, hãy sử dụng thiết bị bảo vệ tai để giúp bảo vệ thính giác.
Không nên nghe nhạc với âm lượng quá lớn qua tai nghe có thể gây giảm thính lực và ù tai.
Chăm sóc sức khỏe tim mạch:
Tập thể dục thường xuyên, ăn uống đúng cách để giữ cho mạch máu khỏe mạnh có thể giúp ngăn ngừa chứng ù tai liên quan đến béo phì và rối loạn mạch máu.
Hạn chế rượu, bia, chè cà phê, bỏ hút thuốc…. Khi sử dụng quá mức những chất này có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu và gây ra chứng ù tai.
Khám và điều trị sớm các bệnh lí về tai, mũi, họng, các bệnh lí mũi xoang…
Ù tai