Họng là một ống cơ và màng ở trước cột sống cổ, đi từ mỏm nền sọ đến ngang mức đốt sống cổ 4, là ngã tư của đường tiêu hóa và hô hấp, nối liền với mũi ở phía trên, với miệng ở phía trước, với thanh quản và thực quản ở phía dưới.

Họng được chia làm 3 phần:

  • Họng mũi: Ở cao nhất, phía sau dưới của 2 lỗ mũi sau, thành sau họng mũi hợp với thành trên và 2 thành bên khoang mũi tạo thành hình vòm. Trên đỉnh vòm có tổ chức sùi gòi là V.A, hai bên có loa vòi nhĩ, phía dưới mở thông với họng miệng.
  • Họng miệng: Phía trên thông với họng mũi, phía trước hông với khoang miệng, phía sau tiếp nối với thành sau họng mũi bao gồm các lớp niêm mạc, cân và các cơ khít họng. Hai bên có amydal họng (hay amydal khẩu cái) nằm trong hốc amydal.
  • Họng thanh quản: Còn gọi là hạ họng, đi từ ngang mức xương móng đến miệng thực quản ở ngang mức đốt sống cổ 4. Hình dạng giống cái phễu, miệng to mở thông với họng miệng, đáy phễu là miệng thực quản. Thành sau liên tiếp với thành sau họng miệng, phía trước trên là đáy lưới, phía trước dưới là sụn thanh thiệt và hai sụn phễu của thanh quản. Thành bên như một máng hẹp từ trên xuống dưới, hợp với nếp phễu thanh thiệt của thanh quản tạo nên máng họng – thanh quản (còn gọi là xoang lê).
Bệnh ung thư hạ họng

Ung thư hạ họng là những ung thư xuất phát từ vùng hạ họng (điển hình là ở xoang lê) thuộc biểu mô đường tiêu hóa, khi lan rộng vào thanh quản được gọi là ung thư hạ họng – thanh quản. Bệnh khá phổ biến có ảnh hưởng nhiều đến các chức năng hít thở, nuốt, nói cũng như có thể nguy hại tới tính mạng. Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể hạ thấp tỉ lệ tử vong một cách đáng kể.

Ở Việt Nam ung thư hạ họng đứng hàng thứ hai sau ung thư vòm và chiếm tỉ lệ khoảng 20% trong các ung thư đường hô hấp tiêu hóa trên. So với ung thư thanh quản thì tỷ lệ khoảng 3/1. Thường gặp khoảng từ 45 – 65 tuổi, nam nhiều hơn nữ với tỉ suất là 5/1, tức là nam giới chiếm tới 85%. Độ tuổi bị bệnh có xu hướng trẻ hóa.

1. Nguyên nhân gây ung thư hạ họng

Nguyên nhân gây ung thư hạ họng vẫn chưa được sáng tỏ, nhưng có một số yếu tố nguy cơ như:

Hút thuốc lá kéo dài

Các công trình nghiên cứu đều đi đến kết luận rằng số lượng điếu thuốc được hút trong ngày càng nhiều và số năm hút thuốc càng cao tỉ lệ thuận với tỉ lệ mắc các loại ung thư hạ họng.

Nghiện rượu

Nghiện rượu cũng là một yếu tố nguy cơ cao gây bệnh, do rượu kích thích tại chỗ niêm mạc họng và thanh quản.

Nghiện thuốc lá kèm với nghiện rượu làm cho nguy cơ mắc bệnh tăng lên nhiều.

Các bệnh tiền ung thư thanh quản

polyp dây thanh có thể dẫn đến ung thư hạ họng

Đặc biệt bạch sản thanh quản (là những mảng trắng xám, sừng hóa ở trên bề mặt dây thanh) và u nhú thanh quản ở người cao tuổi được coi là giai đoạn tiền ung thư. Nếu sau khi cắt tái phát nhanh thì tỉ lệ ung thư là 70%. Ngoài ra, polyp dây thanh ở người cao tuổi có tỉ lệ ung thư thanh quản cũng cao (15%).

Vệ sinh răng miệng kém

Vệ sinh răng miệng kém, các vi khuẩn hội sinh phát triển mạnh dễ gây nên viêm nhiễm vùng miệng, họng và thanh quản. Kích thích viêm kéo dài là yếu tố thuận lợi cho ung thư thanh quản và hạ họng.

Nhiễm HPV

HPV có khoảng trên dưới 100 chủng khác nhau, có vài chủng gây bệnh u nhú, vài chủng gây bệnh sùi mào gà, vài chủng được chứng minh có nguy cơ gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Nhiễm HPV ở vùng họng là yếu tố nguy cơ của ung thư vòm mũi họng trong đó có ung thư hạ họng.

Môi trường bị ô nhiễm bụi và hơi hóa chất

Đặc biệt ở công nhân tiếp xúc thường xuyên với bụi amiăng hoặc thợ mộc thường tiếp xúc với bụi gỗ được coi như là những bệnh liên quan đến nghề nghiệp.

2. Biểu hiện lâm sàng của ung thư hạ họng

Biểu hiện lâm sàng của ung thư hạ họng

Ung thư hạ họng có nhiều thể, nhưng thể xoang lê là điển hình nhất. Vì vậy, triệu chứng lâm sàng được mô tả theo thể điển hình là ung thư xoang lê.

Triệu chứng cơ năng

  • Rối loạn về nuốt: Nuốt đau xuất hiện sớm và tăng dần, lúc đầu là cảm giác vướng họng, sau đó là nuốt đau kèm nuốt khó ngày càng tăng.
  • Khàn tiếng và khó thở: Khi khối u lan rộng vào thanh quản, chèn ép vào dây thanh âm sẽ gây khàng tiếng, rồi khó thở.

Khám thực thể

  • Khám họng thông thường sẽ không phát hiện được gì, vì khối u ở sâu trong hạ họng
  • Soi thanh quản gián tiếp hoặc trực tiếp: Giai đoạn đầu thấy xoang lê ứ đọng nước bọt, có thể thấy tổn thương loét sùi. Giai đoạn muộn u lan rộng ra toàn bộ xoang lê, hạ họng và lan vào thanh quản.
  • Khối u cũng có thể lan rộng ra phía ngoài thâm nhiễm vào cánh sụn giáp và da vùng cổ, khi đó khám vùng cổ có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường như sờ thấy dưới da, lệch vùng cổ
  • Hạch cổ thường xuất hiện sớm ngay từ giai đoạn đầu của bệnh, thường ở vị trí cảnh giữa ngang tầm xương móng. Hạch to dần lên, cứng, cố định.

Triệu chứng toàn thân

  • Thể trạng suy kiệt dần do ăn uống kém, gầy sút cân nhanh chóng, người mệt mỏi.
  • Khó thở, tím tái do thiếu oxy.

3. Chẩn đoán ung thư hạ họng

Chẩn đoán ung thư hạ họng

Ngoài các triệu chứng được mô tả trên, để chẩn đoán xác định ung thư hạ họng cần thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng.

  • Giải phẫu bệnh: Sinh thiết qua nội soi họng thanh quản tiến hành xét nghiệm giải phẫu bệnh, cho kết quả chính xác nhất. Có thể kết hợp với chọc tế bào hạch để xác định xâm lấn hạch của khối u.
  • Chụp CT scan hoặc MRI: Vừa giúp chẩn đoán xác định khối u, vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn, các tổn thương liên quan. Ngoài ra còn giúp đánh giá chính xác sự lan rộng của ung thư để dự kiến phẫu thuật.
  • Các xét nghiệm cơ bản để đánh giá thể trạng chung, như xét nghiệm tế bào máu, chức năng gan, thận…

4. Chẩn đoán giai đoạn ung thư hạ họng

Ung thư hạ họng được chia làm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Khối u nhỏ hơn 2cm, phát triển tại 1 vùng hạ họng, chưa xâm lấn ra xung quanh và chưa nổi hạch cổ.
  • Giai đoạn 2: Khối u lớn hơn 2cm nhưng nhỏ hơn 4cm, hoặc xâm lấn vị trí khác của hạ họng hoặc lan ra xung quanh nhưng chưa xâm lấn dây thanh âm, thanh quản chưa bị cố định. Chưa nổi hạch cổ và chưa di căn tới cơ quan xa.
  • Giai đoạn 3: Khối u lớn hơn 4cm hoặc đã ảnh hưởng đến dây thanh âm hoặc đã xâm lấn tới thực quản. Có thể nổi hạch với kích thước hạch nhỏ hơn 3cm ở 1 bên cổ.
  • Giai đoạn 4: Khối u đã xâm lấn tới sụn, xương và phần mềm, có thể nổi hạch cổ ở hai bên, xuất hiện các di căn xa.

5. Điều trị ung thư hạ họng

Điều trị ung thư hạ họng

Mặc chưa điều trị được triệt để, nhưng ung thư hạ họng điều trị càng sớm hiệu quả càng cao. Các biện pháp điều trị chính bao gồm phẫu thuật, tia xạ, hóa chất và điều trị miễn dịch.

  • Phẫu thuật: Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh mà chỉ định phẫu thuật phù hợp, như phẫu thuật cắt họng - thanh quản bán phần, cắt toàn phần có hay không kèm nạo vét hạch cổ.
  • Xạ trị: Có thể xạ trị đơn độc hoặc xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật
  • Hóa trị: Chỉ áp dụng với ung hạ họng giai đoạn cuối, ít có tác dụng vì chỉ dùng theo đường toàn thân. Các hóa chất thường dùng là Cysplantine, 5FU…
  • Miễn dịch trị liệu: Được chỉ định cho ung thư giai đoạn cuối, làm tăng sức đề kháng của cơ thể.

6. Phòng bệnh ung thư hạ họng

Để phòng bệnh ung thư hạ họng, biện pháp tốt nhất là dự phòng các yếu tố nguy cơ. Các biện pháp thực hiện là:

  • Quan trọng nhất là bỏ thuốc lá (nếu có) và uống ít rượu bia, vì đây là hai yếu tố nguy cơ chính.
  • Tránh tiếp xúc với bụi, nhất là bụi amiăng, bụi gỗ… Trong điều kiện bất khả kháng phải có trang bị bảo hộ lao động trong môi trường hóa chất độc hại.
  • Điều trị sớm và dứt điểm các bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
  • Phòng nhiễm HPV bằng vaccine, quan hệ tình dục an toàn.
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, điều trị các bệnh lý vùng mũi họng triệt để.
  • Khi xuất hiện các triệu chứng khàn tiếng, khó thở, khó nuốt, đặc biệt ở người trên 40 tuổi cần phải đi khám tai mũi họng để phát hiện sớm bệnh ung thư hạ họng.

Ung thư hạ họng