Tóm tắt nội dung
Mắt là bộ phận thu nhận ánh sáng và truyền tín hiệu về não để giúp cho cơ thể nhìn được mọi vật xung quanh. Mắt có vai trò vô cùng quan trọng, được ví như cửa sổ tâm hồn, là cơ quan giúp thu nhận thông tin cho cơ thể.
Ung thư mắt là một loại u ác tính phát triển ở vùng mắt, có thể là ở trong mắt hay mi mắt. Ban đầu ung thư ở một bên mắt, sau đó di căn sang mắt còn lại. Đây là loại ung thư rất hiếm gặp.
Nhìn chung ung thư mắt có tiên lượng tốt, trong đó 80% trường hợp có thời gian sống trên 5 năm, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ này là 85%. Ung thư mắt dạng u tế bào sắc tố, có cơ hội sống trên 5 năm vào khoảng 80% khi phát hiện sớm, tỷ lệ này chỉ còn 15% khi đã di căn.
1. Nguyên nhân gây ung thư mắt
Nguyên nhân gây ra ung thư mắt được cho rằng là do tình trạng đột biến của gen Rb khi còn trong dạng phôi thai. Đột biến gen có thể là do nhiễm chất phóng xạ, hóa chất độc hại, di truyền từ gia đình.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh ung thư mắt:
- Chủng tộc: Người da trắng có tỉ lệ mắc bệnh ung thư mắt cao hơn người da vàng và da màu.
- Châu lục: Châu u tỉ lệ cao nhất đến châu Á và châu Phi.
- Người suy giảm miễn dịch
- Người có sắc tố mắt gam màu tối như nâu, đen ít có nguy cơ hơn người gam màu mắt sáng.
2. Triệu chứng của ung thư mắt
Các triệu chứng ung thư mắt thường không đặc trưng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh như đau mắt hột, viêm kết mạc, viêm dị ứng thời tiết...
Các triệu chứng thường gặp:
- Bất thường về thị lực: Mờ mắt, mất một số vùng thị giác, tầm nhìn bị hạn chế, hay nhìn thấy đốm đen hoặc chớp sáng…
- Xuất hiện nốt nhỏ trong mắt: Nốt nhỏ hay khối u nhỏ có xu hướng tăng dần kích thước và thay đổi màu sắc. Dần dần khối u sẽ nhạt màu hơn màu của mắt và có thể nhận biết được.
- Xuất hiện nốt đen trên mống mắt, thay đổi màu mống mắt
- Tổn thương ở vùng mắt: Mắt có thể bị sưng, đau, viêm, phù, đỏ… có thể bị rụng lông mi, tăng tiết nước mắt hoặc nước mắt lẫn máu
- Bất thường khác về mắt: Có thể cảm nhận thấy mắt bị lồi lên, khả năng chuyển động của mắt trong hốc mắt bị cản trở, vị trí của mắt trong hốc mắt bị lệch
3. Giai đoạn ung thư mắt
- Giai đoạn 1: Khối u kích thước nhỏ, phát triển khu trú không lan đến các khu vực khác trong mắt, người bệnh không cảm nhận thấy triệu chứng nào đáng kể.
- Giai đoạn 2: Khối u lớn dần lên, phát triển khu trú không lan đến các khu vực khác trong mắt, bắt đầu có 1 số triệu chứng nhẹ về thị lực.
- Giai đoạn 3: Khối u lây lan sang các mô khác xung quanh mắt nhưng chưa xâm nhập và hệ bạch huyết, triệu chứng gặp phải nặng lên.
- Giai đoạn 4: Tế bào ung thư xâm lấn hệ bạch huyết xung quanh mắt và di căn đến các bộ phận khác trên cơ thể.
4. Chẩn đoán ung thư mắt
Ung thư mắt có thể được chẩn đoán dựa vào các biện pháp sau:
- Khám mắt: Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng gặp phải đồng thời sẽ quan sát mắt của người bệnh thông qua kính soi mắt để phát hiện khối u hay các bất thường khác của mắt. Trong nhiều trường hơp, bác sĩ có thể chẩn đoán xác định ung thư mắt chỉ thông qua quá trình khám mắt.
- Siêu âm: Khi khối u được phát hiện thông qua sóng siêu âm, bác sĩ có thể xác định vị trí, kích thước, mật độ khối u thông qua hình ảnh siêu âm.
- Chụp mạch huỳnh quang: Các chất màu huỳnh quang sẽ được đưa vào trong mạch máu của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ chụp lại hình ảnh huỳnh quang của các mạch máu mắt để chẩn đoán ung thư đồng thời xác định các bệnh lý liên quan khác.
- Sinh thiết: Lấy mẫu tế bào khối u rồi tiến hành xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định xem là u lành hay ác, phương pháp này có độ chính xác cao đến 95%.
- Các kỹ thuật đánh giá tiến triển bệnh: Bao gồm chụp X-quang, CT, MRI để đánh giá sự di căn của tế bào ung thư, cũng như các tổn thương lân cận, các bệnh lý liên quan để qua đó lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp.
5. Điều trị ung thư mắt
Việc lựa chọn phương pháp cũng như phối hợp điều trị ung thư mắt dựa trên tiến triển của ung thư và mong muốn của người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp thường sử dụng để điều trị ung thư mắt.
5.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp thường sử dụng nhất đối với ung thư, tùy theo kích thước và vị trí khối u mà có thể phẫu thuật loại bỏ bao nhiêu phần của mắt. Một số trường hợp có thể phải loại bỏ hoàn toàn mắt.
Phẫu thuật sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị lực, khi phải loại bỏ nhiều hoặc toàn bộ mắt, sẽ bị mất thị lực vĩnh viễn.
5.2. Xạ trị
Xạ trị cũng thường được sử dụng để diệt tế bào ung thư mắt, có thể sử dụng tia xạ từ bên ngoài để loại bỏ khối ung thư hoặc phẫu thuật cấy một hạt pellet nhỏ chứa nguồn phóng xạ vào khu vực có khối u.
Ngoài ra, một vài phương pháp mới của xạ trị là sử dụng tia proton hoặc phẫu thuật xạ trị có thể hạn chế bớt các tác dụng không mong muốn của các biện pháp xạ trị truyền thống.
5.3. Điều trị bằng tia laser
Biện pháp này sử dụng chùm ánh sáng để đốt cháy và thu nhỏ khối u, có thể được sử dụng với thể u tế bào sắc tố mắt với kích thước khối u nhỏ.
5.4. Hóa trị liệu
Hóa trị là biện pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên biện pháp này mang lại nhiều tác dụng không mong muốn như rụng tóc, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, suy kiệt sức khỏe…
6. Theo dõi sau khi điều trị
Sau khi điều trị cần được theo dõi về sức khỏe trong vòng nhiều năm sau đó, mục đích là ngăn chặn ung thư tái phát, hạn chế tác dụng không mong muốn đồng thời điều chỉnh thể trạng của người bệnh.
Quá trình này bao gồm thăm khám sức khỏe thường xuyên kết hợp với các điều trị hỗ trợ để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm phẫu thuật chỉnh hình mắt, sử dụng thuốc, các biện pháp dinh dưỡng, tâm lý, các biện pháp nghỉ ngơi, thư giãn… góp phần giảm nhẹ các triệu chứng của ung thư cũng như tác dụng không mong muốn của việc điều trị.
Ung thư mắt