Tóm tắt nội dung
Bộ não giữ nhiều chức năng vô cùng quan trọng, có thể nói là sống còn của cơ thể. Não bộ điều khiển chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể, như điều khiển lời nói, suy nghĩ, hành động, điều hòa thân nhiệt, điều hòa hô hấp…Cấu trúc não với các tổ chức khác nhau, mỗi cấu trúc lại có một chức năng riêng biệt, vừa độc lập vừa thống nhất với nhau tham gia chung vào chức năng điều khiển cơ thể.
Ung thư não là các khối u phát triển ác tính ở não, bao gồm 2 loại chính là ung thư não nguyên phát và ung thư não thứ phát. Ung thư não thứ phát phần lớn do di căn từ phổi, vú, … Tùy vào vị trí, kích thước mà bệnh ung thư não có các triệu chứng cũng như có ảnh hưởng nguy hiểm khác nhau đến tính mạng.
1. Nguyên nhân gây ung thư não
Cũng giống như nhiều bệnh ung thư khác, ung thư não nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ ràng, nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố nguy cơ đó là:
- Yếu tố di truyền: Những người trong gia đình có người mắc ung thư não thì có nguy cơ mắc cao hơn
- Tuổi: Độ tuổi từ 3 – 12 và từ 40 – 70 có nguy cơ cao hơn nhóm tuổi khác
- Hội chứng Turcot: Phát triển nhiều polyp lành tính trong đại tràng cùng với khối u não nguyên phát
- Hội chứng Neurofibromatosis: Gọi là u sợi thần kinh, là một bệnh di truyền liên quan đến rối loạn thần kinh có ảnh hưởng tới não, tủy sống, dây thần kinh.
- Phóng xạ: Tiếp xúc với chất phóng xạ hoặc có tiền sử xạ trị vùng đầu mặt cổ, tiền sử tiếp xúc với hóa chất độc hại (thuốc trừ sâu, dầu khí, dung môi hòa tan, hóa chất cao su, nhựa vinyl…) cũng có nguy cơ mắc ung thư não cao hơn.
- Nhiễm EBV (Epstein-Barr virus) và CMV (Cytomegalovirus) làm tăng nguy cơ ung thư não
- Người mắc ung thư phổi, ung thư vú… có nguy cơ cao di căn não.
2. Biểu hiện lâm sàng ung thư não
Tùy theo vị trí và kích thước khối u mà ung thư não có các biểu hiện khác nhau. Nhưng triệu chứng đặc trưng và hay gặp nhất là biểu hiện tăng áp lực nội sọ mà nguyên nhân do kích thước khối u choán chỗ và ứ đọng dịch.
Tăng áp lực nội sọ với các biểu hiện:
- Đau đầu: 80-90% trường hợp ung thư não đều có đau đầu cục bộ hoặc toàn thể. Đau do khối u chèn ép các dây thần kinh sọ não, các xoang tĩnh mạch gây phản xạ co thắt mạch máu não. Đau có thể dữ dội hoặc mơ hồ không rõ vị trí đau, đau thường xuyên, có xu hướng ngày tăng dần, không đáp ứng với thuốc giảm đau.
- Nôn: Nôn vọt, nôn không liên quan đến bữa ăn và không có đau bụng trước hay sau nôn.
- Phù gai thị: Phù hoặc teo gai thị xảy ra khi tăng áp lực nội sọ đè ép các bó mạch thần kinh thị giác. Xuất hiện nhìn mờ tăng dần kèm theo đau đầu và nôn.
- Động kinh: Các khối u có thể đè đẩy vào các tế bào thần kinh não, tác động và làm biến đổi các tín hiệu điện từ trong não sẽ gây ra các cơn động kinh. Cơn động kinh đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của một khối u não, nó cũng có thể gặp ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Khoảng 50% người bệnh bị u não trải qua ít nhất một lần cơn động kinh. Tuy nhiên động kinh không phải lúc nào cũng vì sự xuất hiện của một khối u não. Các nguyên nhân gây co giật khác bao gồm dị dạng mạch máu não, sau đột quỵ não, sau chấn thương não, viêm nhiễm ký sinh trùng trong não…
Các triệu chứng khác có thể gặp như:
- Kích thước vòng đầu tăng bất thường: Ở các trẻ nhỏ, nhất là trẻ em dưới 2 tuổi thì nhiều khi không có các triệu chứng đau đầu, nôn, phù gai mà biểu hiện bằng kích thước vòng đầu tăng lên bất thường, các khớp sọ giãn rộng, thóp phồng, da đầu căng, giãn các tĩnh mạch dưới da đầu, có thể thấy mắt ở vị trí nhìn xuống. Ngoài ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể có biểu hiện tăng động và rối loạn hành vi, nên cha mẹ cần hết sức lưu ý đến biểu hiện của trẻ.
- Mất kiểm soát hành vi: Biểu hiện này khiến cho người bệnh đi lại loạng choạng, hay bị ngã, rối loạn thăng bằng, liệt các dây thần kinh sọ não.
- Căng thẳng kéo dài, thậm chí là trầm cảm: Biểu hiện cáu gắt, mệt mỏi, căng thẳng, dễ kích động, kém tập trung, ngủ nhiều hoặc luôn ở trạng thái buồn ngủ cũng là một trong những biểu hiện cần chú ý.
- Yếu liệt và tê bì: Cảm giác yếu liệt, tê bì, cảm giác kiến bò ở bàn tay, bàn chân. Tê, yếu thường có xu hướng một bên thân người, nhất là có có hội chứng của trên lều tiểu não. Trường hợp này thường sẽ giảm hoặc mất cảm giác nửa người, yếu hoặc liệt vận động nửa người, rối loạn nói (có thể hiểu lời nói nhưng không nói được hoặc nói được nhưng không hiểu lời nói), rối loạn nhìn, rối loạn ý thức, giảm sự tập chung, rối loạn giấc ngủ.
Các triệu chứng liên quan đến vị trí khối u, tùy theo mức độ mà có các biểu hiện khác nhau:
- U thùy trán: Giảm trí nhớ hay giảm sự chú ý là triệu chứng thường gặp trong u não thùy trán. Có thể mất khứu giác và teo dây thần kinh thị giác, cũng có thể mất ngôn ngữ nếu u ở phía sau thùy trán.
- U thùy đỉnh: Đặc trưng bởi rối loạn cảm giác và rối loạn vận động, giảm cảm giác, xúc giác, không định vị được vị trí không gian.
- U thùy thái dương: Có thể có các triệu chứng ảo khứu, ảo thính, ảo thị và rối loạn ngôn ngữ, không thể gọi đúng tên đồ vật. Nếu u chèn ép dây thần kinh vận nhãn chung, có thể bị sụp mi mắt, giãn đồng tử.
- U thùy chẩm: Biểu hiện giảm thị lực, hội chứng tăng áp lực nội sọ thường xuất hiện sớm vì chèn ép vào cống não Sylvius.
- U não thất: Đau đầu thành cơn, đau dữ dội và có biểu hiện tăng áp lực nội sọ sớm.
- U tuyến yên: Đau đầu, giảm thị lực, rối loạn giấc ngủ. Người bệnh ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều. Có thể béo phì, to đầu ngón chân ngón tay hoặc có thể trạng khổng lồ kèm theo thiểu năng sinh dục. Nếu là thể tăng tiết prolactin ở phụ nữ sẽ gây vô kinh, là nguyên nhân gây vô sinh.
- U góc cầu tiểu não: Ù tai, chóng mặt, giảm thính lực. Có thể tê ở mặt và lưỡi do u chèn ép vào dây thần kinh số V.
- U tiểu não: Bệnh nhân có triệu chứng tăng áp lực nội sọ rõ, đi lại không vững, rối loạn thăng bằng.
3. Chẩn đoán ung thư não
Để chẩn đoán xác định, bác sĩ ngoài dựa vào các biểu hiện lâm sàng còn phải làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng nữa.
- Chụp cắt lớp: Rất có giá trị, giúp xác định khu vực, kích thước cùng mức độ xâm lấn khu vực xung quanh, tình trạng phù não và tăng áp lực nội sọ.
- Chụp cộng hưởng từ: Giúp đánh giá chính xác khu vực cùng sự tương quan giữa khối u và các tổ chức xung quanh.
- Chụp động mạch não: Giúp phát hiện hình ảnh gián tiếp của u não.
- Chụp PET-CT: Giúp đánh giá khối u não cũng như những khối u toàn thân khác. PET-CT cũng có tác dụng phát hiện sớm ung thư não.
- Điện não đồ: Ghi chép lại các sóng bất thường.
4. Chẩn đoán giai đoạn ung thư não
Đa số khối u não nguyên phát không xâm lấn ra khỏi hệ thống thần kinh, nên việc phân chia giai đoạn của bệnh u não thường khác với các loại ung thư khác. Để mô tả mức độ tiến triển của ung thư não, thường dùng thuật ngữ mức độ. Theo đó, ung thư não được chia thành các mức độ sau:
- Mức độ 1: Khối u phát triển chậm, không ảnh hưởng xung quanh và thường được phẫu thuật để điều trị.
- Mức độ 2: Khối u phát triển rất ít nhưng lan rộng và có khả năng tái phát sau khi điều trị.
- Mức độ 3: Khối u có tốc độ tăng nhanh, tế bào ung thư phân chia nhanh mà không có tế bào nào chết đi.
- Mức độ 4: Khối u phát triển nhanh và lan rộng, xâm nhập vào mạch máu và các mô quanh não.
5. Điều trị ung thư não
Ung thư não là bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Các biện pháp điều trị bao gồm 3 phương pháp chính là phẫu thuật, tia xạ và hóa trị liệu.
- Phẫu thuật: Mục tiêu là loại bỏ khối u mà không gây tổn thương cơ quan lành lân cận. Tuy nhiên phẫu thuật phụ thuộc nhiều vào vị trí khối u, vị trí ở nông hay sâu, u có giới hạn rõ hay không, trình độ phẫu thuật viên cũng như các trang thiết bị y tế của cơ sở. Không phải loại u não nào cũng có thể lấy bỏ triệt để được. Các u não ở sâu, hành não, thân não, gần mạch máu lớn thì lấy bỏ u rất khó khăn do gần trung tâm hô hấp, tim mạch và khó cầm máu.
- Xạ trị: Tiêu diệt các tế bào ung thư còn lại sau khi phẫu thuật hoặc những u ác tính ở sâu mà phẫu thuật không thực hiện được.
- Hóa trị liệu: Chỉ định điều trị bổ trợ sau phẫu thuật và sau tia xạ. Hóa chất có tác dụng trong các trường hợp u phát triển nhanh, các Glioblastoma, Astrocytoma độ 3 và độ 4.
Ngày nay các điều trị đích trong ung thư não cũng được áp dụng, các thuốc tác dụng vào các yếu tố tăng sinh mạch, tác dụng vào gen và protein như Bevacizumab, Laorotrectinib...
6. Dự phòng bệnh ung thư não
Hiện nay vẫn chưa có các biện pháp phòng ngừa ung thư não đặc hiệu. Các biện pháp chỉ tập trung vào hạn chế các yếu tố nguy cơ và khuyến cáo đi khám sức khỏe kiểm tra khi có các dấu hiệu nghi ngờ như đau đầu, nôn, buồn nôn kéo dài hoặc đột ngột yếu, liệt nửa người, nói khó, rối loạn thị giác, thính giác…
Đặc biệt các trường hợp mắc ung thư nên được sàng lọc ung thư não di căn khi có các triệu chứng báo hiệu.
Ung thư não