Tóm tắt nội dung
Phế quản là một ống dẫn khí thuộc đường hô hấp dưới, tiếp nối với khí quản. Từ khí quản phân chia thành 2 phế quản chính (còn gọi là phế quản gốc), là phế quản chính phải và trái, vị trí phân chia ở ngay sau xương ức, ngang khoang liên sườn 2. Hai phế quản chính tạo với nhau một góc 70 độ. Phế quản chính phải thường ngắn hơn, to hơn, dốc hơn nên khi có dị vật, dị vật thường lọt vào phổi phải.
Từ phế quản chính đi vào rốn phổi, tiếp tục được chia thành nhiều nhánh nhỏ là các phế quản, tiểu phế quản, tiểu phế quản tận…. đi sâu vào trong phổi tạo thành cây phế quản. Sự phân chia cây phế quản là cơ sở để phân chia các thuỳ phổi.
Các phế quản có chức năng như một ống dẫn khí cho không khí đi từ miệng và khí quản xuống phế nang, trao đổi khí tại phế nang, rồi lại dẫn khí quay trở lại môi trường. Phế quản còn có các tuyến tiết ra chất nhày và lông chuyển có tác dụng giữ lại các tác nhân có hại như bụi, các vi sinh vật có hại, rồi loại bỏ ra ngoài nhờ phản xạ ho và nhu động của các lông chuyển. Đây chính là chức năng lọc không khí rất tốt của phế quản.
Ung thư phế quản xảy ra khi các tế bào biểu mô phế quản tăng trưởng không kiểm soát được nữa, tế bào tăng lên thật nhanh chóng về số lượng, nhưng không đảm bảo chức năng bình thường như các tế bào biểu mô phế quản thông thường khác. Hơn nữa, các tế bào tăng sinh còn xâm lấn vào các cơ quan tổ chức lân cận, rồi sau đó là di căn đi xa làm rối loạn chức năng của các cơ quan tổ chức mà tế bào ung thư này di căn đến.
Thuật ngữ ung thư phế quản từng được sử dụng để mô tả một số bệnh ung thư bắt đầu ở phế quản và tiểu phế quản. Tuy nhiên, ngày nay gọi là ung thư phổi, là thuật ngữ chỉ tất cả các loại ung thư đường hô hấp. Trong đó có 2 loại chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ.
- Ung thư phổi tế bào nhỏ: Ung thư phổi tế bào nhỏ được đặt tên cho sự xuất hiện của các tế bào nhỏ dưới kính hiển vi. Loại ung thư này có ở khoảng 15% những người bị ung thư phổi.
- Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ: Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ chiếm phần lớn ung thư phế quản (khoảng 80%) gồm ung thư biểu mô tuyến phổi, ung thư biểu mô tế bào vảy của phổi và ung thư phổi tế bào lớn.
1. Nguyên nhân gây ung thư phế quản
Nguyên nhân ung thư phế quản chính xác thì hiện nay chưa được xác định, nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gồm:
Nguyên nhân phổ biến nhất là hút thuốc, chịu trách nhiệm cho khoảng 90% các trường hợp ung thư phổi. Bỏ hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ mắc và cho dù người không hút thuốc lá nhưng có tiếp xúc với khói thuốc lá cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi.
Nguyên nhân phổ biến thứ hai là tiếp xúc với khí radon, một loại khí phóng xạ có thể đi qua đất và vào các tòa nhà. Nó không màu và không mùi, vì vậy người bệnh không bao giờ biết bản thân bị tiếp xúc với khí radon, trừ khi sử dụng bộ dụng cụ kiểm tra radon. Nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi sẽ tăng lên khi vừa là người hút thuốc vừa tiếp xúc với radon.
Các nguyên nhân khác bao gồm:
- Hít phải các bụi hoặc hóa chất độc hại như bụi amiăng, asen, cadmium, crom, niken, urani và một số sản phẩm dầu mỏ.
- Tiếp xúc với khói thải và các hạt khác trong không khí
- Do di truyền: Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi có thể khiến thế hệ sau có nguy cơ cao hơn
- Bức xạ đến phổi
- Tiếp xúc với hàm lượng thạch tín cao trong nước uống
- Ung thư phổi phổ biến hơn ở nam giới, đặc biệt là nam giới người Mỹ gốc Phi.
2. Triệu chứng lâm sàng của ung thư phế quản
Triệu chứng của ung thư phế quản rất đa dạng và tùy theo giai đoạn tiến triển của bệnh mà các triệu chứng có thể nhiều hay ít.
Ung thư phế quản giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì cả: có đến 5 – 15% người bệnh ung thư phổi lúc được phát hiện là không hề có triệu chứng lâm sàng gì cả. Những người này được phát hiện là hoàn toàn tình cờ khi đi chụp phim X quang phổi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm.
Ung thư phế quản giai đoạn tiến triển kế tiếp sẽ có triệu chứng. Những triệu chứng trong giai đoạn này có thể kể ra như sau:
Ho:
Là triệu chứng khởi đầu thường gặp nhất, nhưng đa số người bệnh đều bỏ qua triệu chứng này, cho rằng ho là do hút thuốc lá (lưu ý rằng đa số trường hợp ung thư phế quản có hút thuốc lá). Ung thư phế quản cũng có thể xuất hiện ngay trên người bệnh đang mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), khi đó không nghĩ rằng ho là do ung thư phế quản mà cứ cho rằng ho là do COPD.
Như vậy, dấu hiệu ho trên người hút thuốc lá, người bị COPD gợi ý họ có thể bị ung thư phổi. Nhất là ho có tính chất tự nhiên, nhiều hơn bình thường, thời gian một cơn ho có thể dài hơn, số lượng đàm có thể nhiều hơn, đàm có mủ hay tái đi tái lại hơn so với trước đây, có thể ho ra đàm vướng máu.
Ho ra máu:
Là một triệu chứng báo động quan trọng. Khác với ho đơn thuần, ho ra máu ít khi bị bỏ qua và thường người bệnh sẽ lo lắng, rồi sẽ đi khám ngay. Triệu chứng ho ra máu khá đặc hiệu cho ung thư phế quản, vì thế với người trên 40 tuổi, có hút thuốc lá, sau đó xuất hiện ho ra máu thì nên đi khám ngay chuyên khoa hô hấp để tìm nguyên nhân và chẩn đoán xác định.
Khó thở:
Khó thở xuất hiện khi khối u đã lớn làm tắc nghẽn phế quản, làm xẹp một vùng phổi, hoặc do khối u xâm lấn ra màng phổi làm tràn dịch màng phổi.
Là triệu chứng xuất hiện muộn hơn trong tiến triển của ung thư phế quản, tuy nhiên do khó thở xuất hiện từ từ lại hay xảy ra ở người lớn tuổi nên cũng thường bị bỏ qua vì cho rằng khó thở này do tuổi già hay do COPD.
Đau ngực:
Cũng là triệu chứng gợi ý ung thư phế quản, đặc điểm đau ngực trong ung thư phế quản ban đầu là đau ngực dai dẳng, mơ hồ không rõ vị trí, sau đó là đau ngực nhiều gây khó chịu, có thể bị chẩn đoán nhầm thành đau thần kinh liên sườn, đau cơ…
Ngoài các triệu chứng trên, ung thư phế quản giai đoạn muộn, có di căn thường có các triệu chứng sau:
Ung thư phế quản di căn trung thất:
Là khi các tế bào ung thư phế quản xâm lấn vào các cơ quan nằm trong trung thất (các cơ quan trong lồng ngực nằm giữa hai lá phổi).
- Xâm lấn tĩnh mạch chủ trên làm máu không chạy về tim được, có thể có chóng mặt, ù tai, nhức đầu, tím tái ở mặt và phần trên ngực.
- Xâm lấn động mạch chủ có thể gây vỡ động mạch chủ gây tràn máu màng phổi và đột tử.
- Thần kinh quặt ngược thanh quản trái bị xâm lấn, có thể bị liệt dây thanh âm gây khàn tiếng, giọng đôi.
- Thần kinh hoành bị tổn thương, có thể có triệu chứng nấc cụt, khó thở do liệt cơ hoành.
- Xâm lấn thực quản có thể nuốt khó, sặc, nuốt nghẹn.
Ung thư phế quản di căn màng phổi: Khá thường gặp, biểu hiện tràn dịch màng phổi nhiều, lượng dịch tái lập nhanh sau khi chọc dò.
Ung thư phế quản di căn thành ngực: Tạo thành khối u trên thành ngực, gây đau nhức dữ dội.
Ung thư phế quản di căn hạch: Các hạch trên đòn, hạch nách có thể sưng to, cứng, không đau.
Ung thư phế quản di căn cơ quan xa: Bao gồm các cơ quan như tuyến thượng thận, não, gan, xương, da…
3. Triệu chứng cận lâm sàng ung thư phế quản
X quang lồng ngực
Một số trường hợp ung thư phế quản được phát hiện tình cờ khi chụp X quang kiểm tra sức khoẻ. Vì vậy, với người trên 40 tuổi mà có hút thuốc lá nên đi khám và chụp X quang lồng ngực ít nhất mỗi năm 1 lần. Hoặc khi nào có triệu chứng hô hấp bất kỳ cũng nên khám để được kiểm tra.
Các hình ảnh của ung thư phế quản có thể thấy được trên phim X quang phổi bao gồm nốt mờ, khối mờ trong nhu mô phổi, có thể thấy hình ảnh trung thất nở rộng, hình bóng mờ ở rốn phổi hoặc hình ảnh tổn thương tràn dịch màng phổi. Tuy nhiên các hình ảnh trên X quang phổi chỉ gợi ý chứ không giúp chẩn đoán xác định.
Chụp cắt lớp lồng ngực (CT scan)
Khi nghi ngờ ung thư phế quản nên chụp CT lồng ngực có cản quang vì đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh học rất đáng tin cậy trong chẩn đoán ung thư phế quản.
CT scan giúp định vị khối u, xác định những đặc tính hình ảnh học u, đánh giá thương tổn hạch trung thất, di căn gan và thượng thận. Cũng như X quang, CT scan lồng ngực giúp định hướng nhưng không phân biệt chắc chắn lành ác.
Nội soi phế quản kết hợp sinh thiết
Nội soi phế quản cho phép tiếp cận được khối u phế quản đặc biệt là khối u phế quản ở vị trí trung tâm, cho phép sinh thiết khối u để thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh, là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư phế quản.
Sinh thiết xuyên thành
Với khối u ở vị trí gần màng phổi không thể tiếp cận khối u qua nội soi phế quản, thì có thể tiến hành sinh thiết xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của CT scan, rồi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.
4. Điều trị ung thư phế quản
Tùy theo đặc điểm mô học và giai đoạn tiến triển của bệnh ung thư phế quản mà người ta có thể áp dụng các biện pháp điều trị khác nhau. Thông thường nếu bệnh tiến triển xa thì không còn chỉ định điều trị triệt căn mà chỉ có điều trị bảo tồn mà thôi.
Nên nhớ rằng, ung thư phế quản không thể điều trị khỏi hẳn được trừ khi bệnh được phát hiện vào những giai đoạn rất sớm. Mục tiêu điều trị ung thư phế quản như vậy là hướng đến việc làm giảm nhẹ triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
Hai nhóm biện pháp điều trị ung thư phế quản gồm có điều trị triệt căn và điều trị bảo tồn.
4.1. Điều trị triệt căn
- Phẫu thuật là biện pháp duy nhất có thể chữa khỏi ung thư phế quản. Tuy nhiên vấn đề là phẫu thuật chỉ có hiệu quả khi ung thư được chẩn đoán ở giai đoạn rất sớm. Vì thế vấn đề cốt lõi là người bệnh phải được khám, làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh ung thư phế quản thật sớm.
- Xạ trị là phương pháp dùng tia phóng xạ chiếu vào khối u để tiêu diệt tế bào ung thư. Ung thư phế quản nhưng không thể phẫu thuật được, xạ trị có thể thay thế cho phẫu thuật. Cũng có thể kết hợp xạ trị sau phẫu thuật để giảm nguy cơ di căn xa, xạ trị phối hợp với điều trị bằng hóa chất để tăng hiệu quả điều trị.
- Ngoài ra trong trường hợp ung thư phế quản di căn xa quá gây đau đớn nhiều, có thể dùng xạ trị để giảm đau trong di căn xương, giảm triệu chứng di căn não, giảm chèn ép tĩnh mạch chủ trên do di căn trung thất, giảm triệu chứng ho ra máu do ung thư xâm lấn mạch máu lớn.
- Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư phế quản bằng hóa chất, sử dụng khi ung thư phế quản giai đoạn tiến triển xa không còn có chỉ định phẫu thuật nữa, hoặc là ung thư phế quản loại tế bào nhỏ, hóa trị cũng có thể dùng làm điều trị phối hợp với xạ trị và phẫu thuật để tăng cường hiệu quả điều trị.
4.2. Điều trị bảo tồn
Điều trị bảo tồn có ý nghĩa là không điều trị tấn công tế bào ung thư mà chỉ là điều trị nâng đỡ thể trạng, điều trị giảm triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Điều trị bảo tồn sẽ bao gồm nhiều phần việc như là: Điều trị giảm đau, giảm ho ra máu, giảm khó thở, điều trị dinh dưỡng, hỗ trợ về mặt tâm thần kinh, điều trị chống trầm cảm….
5. Phòng tránh ung thư phế quản
Các biện pháp phòng tránh ung thư phế quản chủ yếu tập trung vào việc giảm các yếu tố nguy cơ. Các biện pháp cụ thể bao gồm:
- Không hút thuốc lá, nếu có hút thì tốt nhất bỏ hút thuốc lá
- Không ngửi mùi khói thuốc lá, tức là không đứng gần người hút thuốc lá
- Không tiếp xúc với nguồn phóng xạ, nếu vì đặc thù công việc mà tiếp xúc với nguồn phóng xạ thì phải có biện pháp bảo hộ phù hợp.
- Không tiếp xúc với khói, bụi, hơi hóa chất, dung môi hữu cơ…
Ung thư phế quản