Tóm tắt nội dung
Ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm khoảng 10-15% của tất cả các trường hợp ung thư phổi. Ung thư phổi tế bào nhỏ phát triển nhanh và di căn sớm sang các cơ quan lân cận. Chính vì tốc độ phát triển và có xu hướng di căn sớm nên việc điều trị cho người bị ung thư phổi tế bào nhỏ thường khó khăn và gây ra nhiều đau đớn.
Ung thư phổi tế bào nhỏ có 2 dạng:
- Ung thư biểu mô tế bào nhỏ
- Ung thư biểu mô tế bào nhỏ kết hợp
Các tế bào trong 2 dạng ung thư này đều phát triển và lây lan theo nhiều cách khác nhau. Tên của các ung thư này được đặt theo hình dạng của tế bào ung thư được quan sát dưới kính hiển vi.
Đặc điểm của ung thư phổi tế bào nhỏ khác với ung thư phổi không tế bào nhỏ là:
- Bệnh lý ác tính với tiên lượng xấu, phát triển nhanh, di căn xa sớm. Hầu hết các trường hợp khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, đã có di căn xa. Dưới 1/3 số người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn khu trú.
- Nhiều trường hợp, ung thư phổi tế bào nhỏ tiết ra chất nội tiết thần kinh biệt hóa gây các hội chứng cận ung thư trên lâm sàng.
- Ung thư phổi tế bào nhỏ rất nhạy cảm với điều trị bằng hóa chất và xạ trị. Vì vậy, hóa trị và xạ trị đóng vai trò chủ yếu trong điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ.
1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi tế bào nhỏ
Cũng giống như ung thư phổi không tế bào nhỏ, hiện nguyên nhân gây ung thư phổi tế bào nhỏ vẫn chưa được biết rõ. Nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Hút thuốc lá hay ngửi mùi khói thuốc lá: Gần như tất cả các trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ đểu liên quan đến hút thuốc lá.
- Các yếu tố khác, không liên quan đến thuốc lá như chất thải môi trường, khí thải từ động cơ, các chất phóng xạ, arsen, khí radon, bụi amiăng, crom, nickel, các dung môi hữu cơ…
- Các bệnh mạn tính ở phổi như nốt vôi hóa, các sẹo cũ, tổn thương lao, các bệnh viêm phế quản mạn tính có dị sản dạng biểu bì.
2. Chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ
Để chẩn đoán xác định ung thư phổi tế bào nhỏ, phải căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.
2.1. Triệu chứng lâm sàng
Ho: Là triệu chứng hay gặp nhất ở bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ
Ho ra máu: Ho ra máu với các mức độ khác nhau, nhưng thường bao gồm đờm có vệt máu. Có trường hợp chảy máu số lượng lớn, có thể tử vong nhanh chóng.
Đau ngực: Cũng là triệu chứng thường gặp, có thể xảy ra rất sớm
Khó thở: Các nguyên nhân gây khó thở do khối u chèn ép làm hẹp khí quản, phế quản gốc, do tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng ngoài tim, hoặc trên nền người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính kèm theo.
Hội chứng nhiễm trùng phế quản – phổi: Viêm phổi, áp xe phổi có thể xuất hiện sau chỗ hẹp phế quản do khối u. Hoặc là khối u chèn ép khí quản gây ứ đọng đờm làm tăng khả năng nhiễm trùng.
Hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên: Với các biểu hiện nhức đầu, chóng mặt, tím, phù kiểu áo khoác, tĩnh mạch cổ nổi to.
Triệu chứng chèn ép thực quản: Khó nuốt, nuốt đau do u hay hạch chèn ép thực quản. Ban đầu có thể do nuốt thức ăn, giai đoạn sau uống nước cũng có thể bị đau.
Triệu chứng do chèn ép thần kinh:
- Chèn ép thần kinh quặt ngược trái: Nói khàn, có khi mất tiếng hoặc giọng đôi
- Chèn ép thần kinh giao cảm cổ: Có thể co đồng tử, khe mắt nhỏ, mắt lõm sâu làm mi mắt như sụp xuống, gò má đỏ lên
- Chèn ép thần kinh giao cảm lưng: Có thể tăng tiết mồ hôi một bên
- Chèn ép thần kinh phế vị: Hồi hộp đánh trống ngực, tim đập nhanh
- Chèn ép dây thần kinh hoành: Nấc, đau vùng cơ hoành, khó thở do liệt cơ hoành
- Chèn ép đám rối thần kinh cánh tay: Đau vai lan ra mặt trong cánh tay, rối loạn cảm giác, tê bì
Tràn dịch màng tim: Gặp ở khoảng 5 – 10% trường hợp, xảy ra điển hình trong trường hợp ung thư tiến triển tại chỗ
Tràn dịch màng phổi: Gặp ở khoảng 15% trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ ở thời điểm được chẩn đoán
Chèn ép ống ngực chủ: Gây tràn dưỡng chấp màng phổi, có thể kèm theo phù cánh tay trái hoặc tràn dưỡng chấp ổ bụng.
Các hội chứng nội tiết:
Thường xuất hiện do khối u tiết ra hormone bản chất protein. Thông thường các triệu chứng này hết khi khối u đáp ứng với các phương pháp điều trị và sẽ tăng lên khi bệnh tiến triển.
- Hội chứng tăng tiết ADH
- Tăng canxi máu (không phải do ung thư di căn)
- Hội chứng Cushing
- Vú to ở nam giới
Các hội chứng thần kinh:
- Bệnh lý thần kinh cảm giác bán cấp
- Hội chứng nhược cơ
- Giả tắc ruột non
- Viêm não tủy
- Bệnh võng mạc do ung thư
Bệnh xương:
- Bệnh xương khớp phì đại
- To đầu chi
Các hội chứng thận:
- Viêm cầu thận
- Hội chứng thận hư
Bệnh huyết học:
- Thiếu máu
- Tăng bạch cầu ái toan
- Huyết khối
- Ban xuất huyết giảm tiểu cầu
Các triệu chứng của khối u di căn ngoài lồng ngực:
- Di căn não: Ung thư phổi tế bào nhỏ thường gặp di căn não, các biểu hiện tùy thuộc vào vị trí tổn thương và mức độ phù não. Các biểu hiện thường gặp là đau đầu, nôn, buồn nôn, co giật, lú lẫn, liệt các dây thần kinh sọ não, thất ngôn, các dấu hiệu thần kinh khu trú…
- Di căn màng não: Đau đầu, lú lẫn, dấu hiệu tổn thương dây thần kinh sọ, nhìn đôi, thất ngôn, đau cứng gáy, có tổn thương chèn ép ống sống
- Di căn xương: Ung thư phổi tế bào nhỏ có thể di căn tới bất kỳ xương nào, trong đó các xương như xương sọ, cột sống, các xương dài dễ bị di căn nhất. Biểu hiện có thể đau xương tại vị trí di căn, gãy xương tự nhiên, các dấu hiệu chèn ép ống sống…
- Di căn gan, tuyến thượng thận và hạch trong ổ bụng: Đây là những vị trí di căn khá thường gặp và thường có tiên lượng xấu
- Di căn vị trí khác: Đôi khi ung thư di căn đến một số vị trí khác như da, mô mềm, ruột, tụy, buồng trứng, tuyến giáp.
Các triệu chứng toàn thân: Có thể gặp sốt, mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút cân.
2.2. Cận lâm sàng
Một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể phát hiện ung thư phổi tế bào nhỏ như:
- X-quang ngực
- CT scan hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Nội soi phế quản
- Sinh thiết phổi qua nội soi phế quản hoặc xuyên thành ngực dưới hướng dẫn của CT scan, kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh có giá trị chẩn đoán rất cao là u lành hay ác tính.
3. Chẩn đoán giai đoạn ung thư phổi tế bào nhỏ theo TNM
T: Khối u nguyên phát
T0: Không có khối u
Tx: U nguyên phát không xác định được bằng lâm sàng
Tis: Khối u tại chỗ
T1: U kích thước <= 3cm, bao quanh bởi nhu mô hoặc màng phổi tạng, không xâm lấn gần hơn cuống phổi (trên nội soi phế quản)
- T1a: Kích thước <= 1cm
- T1b: Kích thước u > 1cm nhưng <=2cm
- T1c:Kích thước u > 2cm, nhưng <= 3cm
T2: Kích thước u > 3cm, nhưng <= 5cm hoặc có bất kỳ đặc tính sau đây xâm lấn màng phổi tạng, xâm lấn phế quản gốc cách carina xa hơn 2cm, xẹp/viêm phổi thùy nhưng không hết toàn bộ phổi
- T2a: U kích thước > 3cm, nhưng <= 4cm
- T2b: U kích thước > 4cm, nhưng <= 5cm
T3: Kích thước u > 5cm nhưng <= 7cm hoặc xâm lấn trực tiếp vào thành ngực, cơ hoành, thần kinh hoành, màng phổi trung thất, màng ngoài tim; hoặc u xâm lấn phế quản gốc cách carina gần gơn 2cm; hoặc xẹp/viêm phổi tắc nghẽn toàn bộ một bên phổi; hoặc nốt di căn cùng thùy phổi.
T4: Kích thước u > 7cm hoặc bất kỳ kích thước xâm lấn vào tim, mạch máu lớn, khí quản, thần kinh hồi thanh quản, thực quản, thân đốt sống, carina; hoặc nốt di căn khác thùy cùng bên phổi
N: Hạch vùng
- N0: Không di căn hạch vùng
- N1: Di căn hạch quanh phế quản, hạch rốn phổi, trong phổi cùng bên, kể cả do xâm lấn trực tiếp
- N2: Di căn hạch trung thất cùng bên hoặc hạch dưới carina
- N3: Di căn hạch trung thất đối bên, hạch rốn phổi đối bên, hạch cơ bậc thang hoặc hạch thượng đòn.
M: Di căn xa
- M0: Không di căn xa
- M1a: Di căn thùy phổi đối bên, nốt màng phổi hoặc tràn dịch màng phổi
- M1b: Di căn ngoài lồng ngực đơn ổ 1 vị trí
- M1c: Di căn ngoài lồng ngực nhiều ổ một hoặc nhiều vị trí
4. Phân loại giai đoạn ung thư phổi tế bào nhỏ theo TNM
Không xác định được u: Tx, N0, M0
Giai đoạn 0: Tis, N0, M0
Giai đoạn I:
- IA1: T1a, N0, M0
- IA2: T1b, N0, M0
- IA3: T1c, N0, M0
- IB: T2a, N0, M0
Giai đoạn II:
- IIA: T2b, N0, M0
- IIB: T1a-c, N1, M0 hoặc T2a-b, N1, M0 hoặc T3, N0, M0
Giai đoạn III:
- IIIA: T1a-c, N2, M0 hoặc T2a-b, N2, M0 hoặc T3, N1, M0 hoặc T4, N0-1, M0
- IIIB: T1a-c, N3, M0 hoặc T2a-b, N3, M0 hoặc T3-4, N2, M0
Giai đoạn IV: T bất kỳ, N bất kỳ, M1
Giai đoạn IVA: T bất kỳ, N bất kỳ, M1a-b
Giai đoạn IVB: T bất kỳ, N bất kỳ, M1c
5. Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ
Phát hiện bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ sớm và điều trị kịp thời là hai yếu tố vô cùng quan trọng giúp mang lại hiệu quả điều trị cao nhất. Tuy nhiên, khi ung thư đã ở giai đoạn muộn việc điều trị trở nên rất khó khăn, không thể chữa khỏi được. Lúc này, các phương pháp điều trị thường sẽ giúp giảm các triệu chứng của bệnh.
5.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ được thực hiện khi có một khối u duy nhất và ung thư chưa lan rộng. Tuy nhiên, phần lớn các ca ung thư phổi tế bào nhỏ khi phát hiện đã di căn đến các bộ phận khác. Do đó, phẫu thuật thường không hiệu quả.
Nếu phải phẫu thuật, bác sĩ có thể lựa chọn các loại phẫu thuật sau đây:
- Phẫu thuật cắt bỏ phổi, liên quan đến việc loại bỏ toàn bộ phổi
- Cắt thùy phổi
- Segmentectomy: Loại bỏ một đoạn của thùy phổi
- Tạo hình khí phế quản
5.2. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp dùng thuốc trị liệu tích cực nhằm tấn công các tế bào ung thư. Các loại thuốc này có thể được uống hoặc tiêm qua tĩnh mạch. Chúng đi theo dòng máu để tiêu diệt các tế bào ung thư trong các cơ quan ở xa.
Mặc dù hóa trị đã cho thấy hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư, nhưng nó có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Bao gồm:
- Tiêu chảy, mệt mỏi, buồn nôn, nôn
- Rụng tóc nhiều
- Chán ăn, khô miệng, lở miệng
- Đau do tổn thương thần kinh
Cân nhắc những tác dụng phụ này trước khi quyết định thực hiện hóa trị.
5.3. Xạ trị
Phương pháp xạ trị sử dụng chùm tia bức xạ tập trung để tiêu diệt tế bào ung thư. Loại xạ trị phổ biến nhất là bức xạ tia ngoài.
Xạ trị có thể được kết hợp với hóa trị để giảm đau và hạn chế các triệu chứng khác. Mặc dù có một số tác dụng phụ liên quan đến xạ trị, nhưng hầu hết các triệu chứng biến mất trong vòng 2 tháng điều trị.
Ung thư phổi