Tìm hiểu về bệnh ung thư thận

Thận là cơ quan hình hạt đậu nằm ngoài phúc mạc, ở hai bên mạn sườn, phía sau thành bụng. Thận có nhiều chức năng rất quan trọng đối với cơ thể, có thể coi là các chức năng sống còn. Trong đó quan trọng nhất là chức năng lọc máu, tạo nước tiểu. Ngoài ra, các chứng khác cũng hết sức quan trọng là điều chỉnh huyết áp, cân bằng nước và điện giải, tham gia sản xuất các tế bào máu và giữ xương chắc khỏe.

Ung thư thận thuộc loại hiếm gặp, có tỷ lệ mắc ở người trưởng thành đứng thứ 9 trong các loại ung thư và đứng thứ 3 trong ung thư hệ tiết niệu (sau ung thư tiền liệt tuyến ở nam và ung thư bàng quang). Bệnh thường gặp ở nam giới với tỷ lệ nam/nữ = 2/1. Nhóm tuổi mắc cao nhất là 60-70 tuổi, rất hiếm gặp ở người dưới 50 tuổi.

Tuy nhiên vẫn gặp các trường hợp ung thư thận ở trẻ em, chiếm 5% các trường hợp ung thư ở trẻ nhỏ. Lứa tuổi hay gặp nhất từ 3-4 tuổi, trong đó khoảng 1-2% có tính chất gia đình (bệnh di truyền). Ung thư thận ở trẻ em thường kết hợp với nhiều dị tật bẩm sinh như dị tật tiết niệu, tật không mống mắt hay phì đại nửa người…

1. Nguyên nhân của ung thư thận

Nguyên nhân của ung thư thận

Nguyên nhân của ung thư thận chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các yếu tố có làm tăng nguy cơ ung thư thận bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Tăng nguy cơ mắc ung thư thận gấp 2 lần
  • Tiếp xúc hóa chất độc hại: Công nhân tiếp xúc với các hóa chất như thuốc nhuộm aniline hay kim loại nặng có nguy cơ mắc ung thư thận cao hơn
  • Béo phì: Người béo phì có nguy cơ bị ung thư thận cao hơn.
  • Suy thận giai đoạn cuối có lọc máu
  • Sử dụng thuốc giảm đau kéo dài như paracetamol hay thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
  • Yếu tố di truyền: Người có bố mẹ, anh chị em ruột bị ung thư thận có nguy cơ mắc ung thư thận cao hơn.

2. Biểu hiện của ung thư thận

Biểu hiện của ung thư thận

Sở dĩ ung thư thận tỷ lệ mắc thấp nhưng tỷ lệ tử vong cao là vì các triệu chứng rất âm thầm, không có biểu hiện gì cho tới khi khối u đã phát triển lớn hoặc được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe.

Ở giai đoạn muộn, triệu chứng của ung thư thận được biểu hiện bởi tam chứng cổ điển là tiểu máu, đau và khối u vùng thắt lưng.

  • Tiểu máu: Nước tiểu có màu hồng, nâu hoặc thay đổi màu nhẹ, trường hợp lượng máu ít thì phải xét nghiệm nước tiểu mới phát hiện được (còn gọi là tiểu máu vi thể).
  • Đau vùng thắt lưng: Đau thường xuất phát ở một bên sườn và vùng hông lưng, đau âm ỉ, liên tục và kéo dài, cũng có trường hợp đau dữ dội.
  • Khối u vùng sườn lưng: Có thể người bệnh tự sờ tay và cảm nhận thấy khối u, nhưng thường khối u ở sâu trong ổ bụng nên rất khó sờ thấy, chỉ có thể phát hiện trên chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ.

Ngoài ra còn một số triệu chứng không đặc hiệu sau như sốt, mệt mỏi, thiếu máu, gầy sút cân đột ngột không rõ nguyên nhân, mất cân bằng điện giải, hạ canxi máu.

3. Chẩn đoán ung thư thận

Thận nằm sâu trong ổ bụng, triệu chứng giai đoạn sớm rất nghèo nàn nên việc chẩn đoán ung thư thận rất khó khăn. Để chẩn đoán ung thư thận cần thực hiện các bước:

Thăm khám lâm sàng đầy đủ: Bao gồm hỏi kỹ tiền sử bệnh lý, tiền sử gia đình, khám thực thể, trong đó quan trọng nhất là tìm tam chứng cổ điển là tiểu máu, đau và khối u vùng sườn lưng.

Xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư thận

Các xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm máu: Công thức máu, đông máu, chức năng gan, chức năng thận…
  • Xét nghiệm nước tiểu: Xem có máu trong nước tiểu không?
  • Siêu âm ổ bụng tổng quát: Có thể phát hiện được khối u, đo được kích thước khối u, các tổn thương do khối u chèn ép gây ra
  • Siêu âm nội soi hệ tiết niệu: Rất có giá trị, có thể phát hiện được khối u kích thước nhỏ
  • Chụp cắt lớp (CT scan): Được sử dụng như một trong những công cụ hình ảnh chính để đánh giá và chẩn đoán mức độ ung thư thận.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Nếu kết quả chụp CT scan chưa rõ ràng, bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI, kết quả có thể phát hiện ra vị trí, kích thước khối u trong cơ thể.
  • Xạ hình xương khi có nghi ngờ di căn xương
  • Chụp X quang phổi
  • Soi bàng quang, niệu quản khi khối u ở giữa thận, hoặc nghi ngờ là ung thư biểu mô đường tiết niệu
  • Sinh thiết nếu biểu hiện lâm sàng có chỉ định: Với khối u lớn hơn 3 cm mà chẩn đoán hình ảnh còn nghi ngờ thì phải sinh thiết, rồi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định. Còn nếu hình ảnh học đã rõ là khối u ác tính thì không cần sinh thiết.
  • PET scan (Positron Emission Tomography): Trường hợp nghi ngờ khối u bắt đầu có hiện tượng di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể, bác sĩ có thể chỉ định chụp PET. Chụp PET là một nghiên cứu chẩn đoán rất chuyên sâu cung cấp thông tin về mức độ lan rộng của ung thư, dựa trên các hoạt động nhất định của tế bào. Kết quả là chụp PET có thể giúp phân biệt khối u lành tính với các khối u ác tính và giúp các bác sĩ xác định mức độ di căn ung thư. 
​​Phân loại ung thư thận

Phân loại theo TNM

T: khối u nguyên phát

  • Tx: Không đánh giá được khối u nguyên phát
  • T0: Không có khối u nguyên phát
  • T1: Khối u < 7 cm, khu trú tại thận
  • T1a: Khối u < 4 cm, khu trú tại thận
  • T1b: Khối u từ 4 - 7 cm, khu trú tại thận
  • T2: Khối u > 7cm, khu trú tại thận
  • T2a: Khối u từ 7 -  10 cm, khu trú tại thận
  • T2b: Khối u > 10 cm, khú trú tại thận
  • T3:Khối u đã xâm lấn tĩnh mạch lớn, tuyến thượng thận, mô quanh thận, nhưng chưa vượt ra khỏi cân Gerota
  • T3a: Khối u xâm lấn các tĩnh mạch thận hay các nhánh của tĩnh mạch thận, mô quanh thận, nhưng chưa ra khỏi cân Gerota
  • T3b: U xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới đoạn dưới cơ hoành
  •  T3c: U xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới đoạn trên cơ hoành hay xâm lấn vào thành tĩnh mạch chủ dưới
  • T4: U xâm nhập qua cân Gerota

N: hạch vùng

  • Nx: Chưa xác định được hạch vùng
  • N0: Không có di căn hạch vùng
  • N1:Di căn hạch vùng

M: di căn xa

  • Mx: Chưa đánh giá được di căn xa
  • M0: Không có di căn xa
  • M1: Di căn xa

Phân loại giai đoạn bệnh dựa trên phân loại TNM

  • Giai đoạn 1: T1, N0, M0
  • Giai đoạn 2: T2, N0, M0
  • Giai đoạn 3: T1-2, N1, M0 hoặc T3, N0-1, M0
  • Giai đoạn 4: T4, Nx, Mx hoặc Tx, Nx, M1

4. Điều trị ung thư thận

 Điều trị ung thư thận căn cứ chủ yếu vào giai đoạn bệnh.

Điều trị ung thư thận

Ung thư thận giai đoạn sớm (giai đoạn 1, 2):

  • Phẫu thuật: Tùy vào tính chất khối u chỉ định cắt bán phần hoặc toàn bộ thận có hay không có cắt tuyến thượng thận.
  • Có thể sử dụng kỹ thuật điều trị xâm lấn tối thiểu bằng nhiệt giúp tiêu diệt khối u.

Ung thư thận giai đoạn 3:

  • Cắt khối u thận kèm theo điều trị toàn thân bổ trợ.  
  • Cắt bỏ khối u di căn xa (nếu có thể) giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng

Ung thư thận giai đoạn cuối:

  • Điều trị phẫu thuật giải phóng chèn ép nếu có
  • Xạ trị giảm đau, xạ trị chống chèn ép
  • Điều trị giảm đau
  • Điều trị đích và điều trị miễn dịch

5. Dự phòng ung thư thận

Vì chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ung thư thận nên chưa có các biện pháp dự phòng đặc hiệu. Các biện pháp dự phòng chủ yếu là loại bỏ các yếu tố nguy cơ:

  • Không hút thuốc lá
  • Hạn chế tối đa sử dụng thuốc kích thích
  • Tập luyện thể dục thể thao đều đặn, tránh thừa cân béo phì, duy trì cân nặng ở mức phù hợp
  • Trang phục bảo hộ phù hợp khi làm việc tiếp xúc với hóa chất, dung môi hữu cơ, tia phóng xạ…
  • Điều quan trọng là cần đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

Ung thư thận