Tìm hiểu về bệnh ung thư thanh quản

Thanh quản là bộ phận nằm ở hạ họng, ngay phía trên khí quản, phía trước cổ. Thanh quản có vai trò giúp cơ thể hít thở, hỗ trợ nuốt, tạo ra âm thanh, giọng nói và thường được gọi là hộp âm. Khi thanh quản bị tổn thương thì các chức năng này cũng bị ảnh hưởng.

Theo thống kê 80% trường hợp ung thư thanh quản nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Vì vậy, một số tác giả còn gọi ung thư thanh quản là “ung thư lành tính” nhằm nhấn mạnh kết quả điều trị mỹ mãn của loại ung thư này.

Ở nước ta, ung thư thanh quản được đánh giá là loại ung thư hay gặp. Nếu chỉ tính trong nhóm ung thư tai-mũi-họng thì ung thư thanh quản đứng thứ 4 sau ung thư vòm họng, ung thư mũi xoang và ung thư hạ họng.

1. Nguyên nhân gây ung thư thanh quản

Nguyên nhân gây ung thư thanh quản

Nguyên nhân gây ung thư thanh quản chưa được biết rõ ràng, nhưng có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh. Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư thanh quản bao gồm:

  • Hút thuốc lá, uống rượu: Thuốc lá là một trong những yếu tố quan trọng góp phần gây ra căn bệnh ung thư thanh quản. Có tới 98% người bị ung thư thanh quản có hút thuốc lá. Sự kết hợp giữa thuốc lá và rượu làm tăng cao hơn nguy cơ mắc bệnh.
  • Tuổi tác: Khoảng 72% ung thư thanh quản gặp ở độ tuổi 50 – 70, trong khi ở độ tuổi 40 – 50 chỉ chiếm 12%.
  • Giới tính: Gặp ở nam nhiều hơn nữ, tỷ lệ nam: nữ khoảng 4:1. Nhiều ý kiến lý giải về tỷ lệ này cho rằng nữ giới ít mắc ung thư thanh quản hơn nam giới do ít tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ hơn.
  • Tiền sử bản thân: Người đã từng mắc ung thư vùng đầu mặt cổ sẽ có nhiều nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao hơn.
  • Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình đã có người bị mắc bệnh thì có nguy cơ mắc cao hơn
  • Một số bệnh thanh quản: viêm thanh quản mạn tính như tăng sản, bạch sản, tăng sừng hóa rất dễ bị ung thư hóa nên còn được coi là trạng thái tiền ung thư. Các loại u nhú lành tính của thanh quản ở người lớn cũng dễ ung thư hóa.
  • Nghề nghiệp: Công nhân tiếp xúc với bụi hữu cơ, dung môi hữu cơ… như hơi acid sulfuric, bụi niken hay amiăng có nguy cơ mắc cao hơn
  • Chế độ ăn: Ăn các thức ăn chế biến sẵn hay thức ăn chiên rán, thiếu vitamin A có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

2. Biểu hiện lâm sàng của ung thư thanh quản

Biểu hiện lâm sàng của ung thư thanh quản

Tùy theo cơ địa từng người, vị trí và các giai đoạn của bệnh khác nhau mà có các triệu chứng lâm sàng khác nhau. Nhưng có một số triệu chứng cơ bản, hay gặp nhất của ung thư thanh quản. Các triệu chứng hay gặp đó là:

  • Khàn tiếng:triệu chứng của ung thư thanh quản giai đoạn đầu, khối u phát triền làm cho thanh môn bị hẹp lại và từ đó giọng nói trở nên khàn. Tình trạng này ngày càng nặng và dẫn tới phát âm khó khăn, nặng hơn là mất tiếng. Triệu chứng khàn tiếng có giá trị chẩn đoán khi kéo dài trên 2 tuần mà không có dấu hiệu suy giảm.
  • Khó thở: Thường đi kèm hoặc sớm hơn so với khàn tiếng. Ban đầu, kích thước của khối u còn bé, khó thở chỉ ở mức độ nhẹ. Nhưng theo sự tiến triển của bệnh sẽ xuất hiện khó thở theo cơn, trầm trọng nhất là khi bị kích thích gây co thắt thanh quản.
  • Khó nuốt: Khi kích thước khối u tăng lên và lan xuống vùng hầu họng mà dẫn tới khó nuốt. Việc ăn uống dần trở nên khó khăn hơn và bệnh nhân chỉ có thể sử dụng thức ăn dưới dạng lỏng.
  • Ho: Là dấu hiệu phổ biến, gặp ở nhiều bệnh lý đường hô hấp không riêng gì căn bệnh ung thư thanh quản. Trong ung thư thanh quản có thể gặp ho liên tục, ho ra máu.
  • Loạn cảm hạ họng: Cảm giác khó chịu, như có vật lạ trong họng
  • Đau vùng hạ họng: Xuất hiện khi khối u lan đến bờ trên của thanh quản. Đau khi nuốt và thường đau lan lên vùng tai.
  • Xuất hiện u vùng cổ: Có thể khám thấy khối u vùng cổ, thậm chí khối u to có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
  • Hạch vùng: Giai đoạn muộn, có thể thấy nhiều hạch to vùng cổ, như hạch dưới hàm, hạch cơ ức đòn chũm
  • Triệu chứng toàn thân có thể gặp: Mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút cân không rõ nguyên nhân

3. Các giai đoạn ung thư thanh quản

Các giai đoạn ung thư thanh quản
  • Giai đoạn 1: Khối u ở thanh quản, dây thanh vẫn còn di động bình thường
  • Giai đoạn 2: Tế bào ung thư lan rộng hơn, làm các dây thanh di động trở nên khó khăn hơn
  • Giai đoạn 3: Khối u lây lan vào các hạch bạch huyết ở từng phần của thanh quản (thượng thanh môn, thanh môn hay hạ thanh môn). Tùy thuốc vào vị trí và mức độ lây lan mà chức năng của các bộ phận này giảm dần.
  • Giai đoạn 4: Là giai đoạn cuối và cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất của ung thư, có sự xâm lấn, di căn sang nhiều khu vực trong cơ thể (tạng, xương…)

4. Chẩn đoán ung thư thanh quản

Để chẩn đoán xác định ung thư thanh quản phải căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.

Chẩn đoán ung thư thanh quản 

Các triệu chứng lâm sàng có giá trị:

  • Khàn tiếng kéo dài trên 2 tuần, ngày càng tăng
  • Ho kéo dài, ho ra máu
  • Khó nuốt
  • Khó thở
  • Hạch vùng cổ
  • Các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, ăn kém, gầy sút cân

Các triệu chứng cận lâm sàng:

  • Nội soi: Soi thanh quản hạ họng giúp cho phát hiện sớm ung thư thanh quản
  • CT scan: Đánh giá khối ung thư, mức độ xâm lấn, hạch cổ.
  • Sinh thiết khối u: Giúp chẩn đoán xác định là u lành hay ác tính
  • Chọc hút hạch di căn làm xét nghiệm giải phẩm bệnh

Chẩn đoán phân biệt: Cần chẩn đoán phân biệt với lao thanh quản, phải khám chuyên khoa phổi, chụp phổi, sinh thiết. Biểu hiện của lao không có hiện tượng sùi, loét, niêm mạc bình thường.

5. Điều trị ung thư thanh quản

5.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật là biện pháp cơ bản nhất, giúp điều trị triệt căn. Tùy theo vị trí, độ lan của khối u, tình trạng hạch di căn mà lựa chọn phương pháp phẫu thuật khác nhau.

  • Phẫu thận bảo tồn: Tức cắt 1 phần thanh quản, áp dụng phương pháp này khi khối u chưa di căn, thường ở giai đoạn 1 hoặc 2. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể thở và phát âm qua đường mũi.
  • Phẫu thuật cắt toàn bộ thanh quản: Áp dụng trong trường hợp ung thư đã di căn hạch. Sau phẫu thuật người bệnh phải thở qua lỗ của khí quản mở thông ra vùng cổ. Còn phát âm qua thiết bị hỗ trợ.

5.2. Xạ trị

Xạ trị ung thư thanh quản
  • Biện pháp này dùng chùm tia xạ chiếu trực tiếp vào tế bào ung thư, nhằm ngăn chặn khối u phát triển và lan rộng
  • Thường áp dụng khi khối u chưa di căn
  • Có thể xạ trị đơn thuần hoặc phối hợp xạ trị sau phẫu thuật để làm tăng hiệu quả điều trị triệt căn

5.3. Hóa trị liệu

Biện pháp này dùng hóa chất tiêm vào cơ thể nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư. Do dùng hóa chất, nên sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.

Chỉ định hóa trị liệu ung thư thanh quản trong trường hợp:

  • Loại bỏ tế bào ung thư còn xót lại sau quá trình phẫu thuật hay xạ trị
  • Làm nhỏ kích thước khối u trước khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ, xạ trị.
  • Trường hợp khối u đã di căn xa, không còn khả năng phẫu thuật (thường ở giai đoạn 4).

Tuy nhiên, kết quả mà phương pháp này mang lại vẫn còn đang gây tranh cãi.

6. Dự phòng ung thư thanh quản

Ung thư thanh quản chưa biết được nguyên nhân rõ ràng, nên không có biện pháp dự phòng cụ thể. Chỉ có các biện pháp phòng tránh bằng cách hạn chế các yếu tố nguy cơ như:

  • Xây dựng cho mình chế độ dinh dưỡng lành mạnh và khoa học
  • Có những bài tập thể dục phù hợp với tình trạng cơ thể
  • Không hút thuốc lá, uống ít rượu bia
  • Không tiếp xúc với hóa chất, dung môi hữu cơ, các loại bụi hữu cơ
  • Khám và điều trị sớm các bệnh lý thanh quản…

Ung thư thanh quản