Những điều cần biết về ung thư thực quản

Thực quản là đoạn đầu của ống tiêu hóa còn gọi là ống nuốt, có chiều dài khoảng 25 cm ở người trưởng thành. Thực quản giúp cho thức ăn và chất lỏng lưu thông từ miệng xuống dạ dày. Các tuyến của thực quản bài tiết ra các chất nhày, có tác dụng giúp thức ăn dễ dàng lưu thông hơn.

Ung thư thực quản là khối u ác tính được hình thành từ niêm mạc thực quản. Khi phát triển khối u sẽ xâm nhập vào sâu trong thành thực quản. Theo thời gian, khối u to lên và có thể xâm lấn vào các cấu trúc xung quanh, di căn hạch, di căn theo đường mạch máu, mạch bạch huyết tới các cơ quan khác như phổi, gan, xương… 

Có hai loại chính là ung thư biểu mô vảy và ung thư biểu mô tuyến. Ung thư biểu mô vảy xuất phát từ tế bào dạng biểu bì ở thành thực quản và thường xuất phát ở phần trên và giữa thực quản. Ung thư biểu mô tuyến thường phát triển từ tổ chức tuyến ở phần dưới thực quản.

1. Nguyên nhân gây ung thư thực quản

Nguyên nhân gây ung thư thực quản

Nguyên nhân chính gây ung thư thực quản hiện nay chưa rõ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản:

  • Tuổi: Thường gặp ở những người lớn tuổi, phần lớn mắc bệnh ở tuổi trên 60.
  • Giới: Nam có tỷ lệ măc cao hơn nữ
  • Yếu tố gia đình: Ung thư thực quản cũng có tính gia đình khá rõ, tức những người có người thân trong gia đình từng bị ung thư thực quản có nguy cơ mắc cao hơn. Trong đó nguy cơ từ người bố là cao nhất. 
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá hoặc các chế phẩm có thuốc lá là nguy cơ chủ yếu gây ung thư thực quản.
  •  Uống rượu: Những người nghiện rượu hoặc uống rượu thường xuyên có nguy cơ cao bị ung thư thực quản, nguy cơ này đặc biệt cao ở những người sử dung cả rượu và thuốc lá. 
  • Chế độ ăn uống không khoa học: Uống nhiều nước chứa có nhiều Nitrit và Nitrat (là nguồn sinh ra Nitrosamin-chất gây ung thư) thì khả năng mắc ung thư thực quản càng cao.
  • Bệnh viêm thực quản Barrett: Loét thực quản kéo dài làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản. Tổ chức ở đáy thực quản có thể bị hoại tử nếu dịch vị dạ dày thường xuyên bị trào ngược lên thực quản hay gặp trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Các tế bào ở thực quản thay đổi nhiều và bắt đầu trở nên giống các tế bào ở dạ dày, đây là một tổn thương tiền ung thư và có thể phát triển thành bệnh ung thư biểu mô tuyến của thực quản.
  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Cũng có nguy cơ cao mắc ung thư thực quản
  • Tiền sử bệnh tật: Các trường hợp bị các bệnh ung thư vùng đầu mặt cổ có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư thứ hai ở vùng này trong đó có ung thư thực quản.
  • Các bệnh lý khác gây hoại tử niêm mạc thực quản như nuốt phải chất acide hoặc các chất phụ gia khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản.

Tuy nhiên, ở một số người có một hoặc thậm chí vài yếu tố nguy cơ nhưng không bị ung thư thực quản. Nhưng cũng không nên chủ quan mà cần đi thăm khám khi thấy những dấu hiệu đó.

2. Các dấu hiệu ung thư thực quản

Các dấu hiệu ung thư thực quản

Ở giai đoạn sớm, ung thư thực quản thường không có biểu hiện triệu chứng gì. Tuy nhiên khi khối u phát triển, có thể xuất hiện các triệu chứng:

  • Nuốt đau, nuốt khó, nếu khối u to gây chít hẹp lòng thực quản có thể gây nuốt nghẹn
  • Đau họng hoặc lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai
  • Mệt mỏi, ăn kém, gầy sút cân nhiều
  • Rát họng hoặc ho kéo dài
  • Nôn, nôn ra máu
  • Ho ra máu

3. Phân loạn ung thư thực quản

Dựa vào nguồn gốc, ung thư thực quản gồm các loại:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: Chiếm khoảng 95% các loại ung thư thực quản nguyên phát, khối u bắt nguồn từ các tế bào vảy lót ở niêm mạc thực quản, thường gặp ở 1/3 trên và 1/3 giữa thực quản.
  • Ung thư biểu mô tuyến: chiếm 2,5 - 8% ung thư thực quản nguyên phát. Loại này bắt đầu trong các mô tuyến ở 1/3 dưới của thực quản, nơi thực quản nối với dạ dày.
  • Các loại khác: Rất hiếm, chiếm chưa tới 1%, bao gồm ung thư tế bào nhỏ, u sắc tố ác tính, u lympho, u xuất phát từ cơ thực quản (sarcom).

4. Giai đoạn của ung thư thực quản

Giai đoạn của ung thư thực quản
  • Giai đoạn 1: Ung thư chỉ nằm ở lớp trên cùng của thành thực quản.
  • Giai đoạn 2: Ung thư lan đến lớp sâu hơn của thành thực quản hoặc xâm lấn đến tổ chức bạch huyết lân cận. Ung thư chưa xâm lấn đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Giai đoạn 3: Ung thư xâm lấn lớp sâu hơn của thành thực quản hoặc xâm lấn tổ chức hoặc hạch bạch huyết trong vùng cạnh thực quản.
  • Giai đoạn 4: Ung thư xâm lấn các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư có thể lan đến mọi vị trí như gan, phổi, não, xương.

5. Chẩn đoán ung thư thực quản

Để chẩn đoán ung thư thực quản, phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.

Triệu chứng lâm sàng gợi ý như: Nuốt nghẹn, nuốt đau, khó nuốt, đau họng, đau sau xương ức, nôn ra máu, ho ra máu, kèm theo các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, ăn uống kém, gầy sút cân…

Chẩn đoán ung thư thực quản

Cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm công thức máu: ít có biến đổi rõ, có thể có thiếu máu
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: thường không có gì bất thường
  • Nội soi thực quản: Có thể phát hiện vị trí, kích thước, tính chất khối u
  • Chụp thực quản có thuốc cản quang: Giai đoạn sớm thường các dấu hiệu không rõ ràng, có thể gặp hình ảnh khuyết do khối u lồi vào lòng thực quản. Ở giai đoạn muộn có thể thấy hình ảnh chít hẹp thực quản hay co kéo thực quản.
  • Chụp CT: Ngoài phát hiện khối u, chụp CT còn phát hiện các tổn thương lân cận như xâm lấn tổ chức, tình trạng di căn hạch, hoặc di căn xa
  • Chụp X quang tim phổi, xạ hình xương: để phát hiện sớm di căn
  • Chụp PET/CT: Trường hợp nghi ngờ khối u bắt đầu có hiện tượng di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể, bác sĩ có thể chỉ định chụp PET/CT. Là một nghiên cứu chẩn đoán rất chuyên sâu cung cấp thông tin về mức độ lan rộng của ung thư, dựa trên các hoạt động nhất định của tế bào. Kết quả là có thể giúp phân biệt khối u lành tính với các khối u ác tính và giúp các bác sĩ xác định mức độ di căn ung thư. 

6. Điều trị ung thư thực quản

Điều trị ung thư thực quản phụ thuộc vào kích thước, vị trí, sự xâm lấn của khối u và thể trạng chung của người bệnh. Điều quan trọng nhất trong điều trị ung thư thực quản là phải điều trị dinh dưỡng trước khi tiến hành các biện pháp điều trị khác.

6.1. Phẫu thuật

Phẫu thuật ung thư thực quản

Là biện pháp điều trị chủ yếu ung thư thực quản. Thông thường khối u được lấy cùng với một phần hoặc toàn bộ thực quản, nạo vét hạch bạch huyết kế cận và các tổ chức khác trong vùng. Sau đó phần còn lại của thực quản sẽ được nối với dạ dày giúp người bệnh vẫn tiếp tục nuốt như bình thường. Trong một số trường hợp, đoạn nối có thể được tạo bởi một đoạn ruột non hoặc một ống nhựa nhân tạo.

6.2. Xạ trị

Xạ trị có thể được điều trị đơn thuần hoặc kết hợp hóa chất như một biện pháp điều trị khởi đầu thay cho phẫu thuật đặc biệt khi khối u lớn và ở vị trí khó khăn cho phẫu thuật. Thậm chí cả khi khối u không thể lấy bỏ được bằng phẫu thuật hoặc xạ trị thì điều trị bằng tia xạ có thể giúp giảm đau và giúp người bệnh nuốt dễ dàng hơn.

6.3. Hóa trị liệu

Hóa chất có thể kết hợp xạ trị như biện pháp điều trị khởi đầu thay cho phẫu thuật hoặc nhằm làm giảm kích thước u trước phẫu thuật. Hóa trị liệu cũng được chỉ định khi ung thư ở giai đoạn cuối, đã di căn xa và không còn khả năng phẫu thuật. Lúc này hóa trị chỉ giúp cải thiện phần nào khả năng nuốt của người bệnh.

6.4. Điều trị laser

Điều trị laser ung thư thực quản

Laser liệu pháp chỉ ảnh hưởng đến các tế bào trong vùng điều trị và được sử dụng nhằm phá hủy tổ chức ung thư và giải phóng vùng tắc nghẽn của ung thư thực quản, giúp làm giảm triệu chứng khó nuốt.

6.5. Điều trị quang động học

 Có thể sử dụng liệu pháp quang động học giúp giảm các triệu chứng khó nuốt của ung thư thực quản.

7. Dự phòng ung thư thực quản

Ung thư thực quản nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ, nên việc dự phòng chủ yếu là phòng tránh các yếu tố nguy cơ. Các biện pháp có thể thực hiện đó là:

  • Bỏ hút thuốc lá (nếu có)

  • Hạn chế uống rượu, bia

  • Chế độ ăn, uống lành mạnh

  • Khám và điều trị sớm các bệnh lý dạ dày, thực quản, như bệnh Barrett, bệnh trào ngược dạ dày thực quản…

  • Nếu trong gia đình từng có người bị ung thư thực quản thì phải đi khám, nội soi thực quản định kỳ để phát hiện sớm các bất thường.

Ung thư thực quản