Trực tràng là đoạn cuối của ống tiêu hóa, dài khoảng 15cm, phần lớn nằm ngoài phúc mạc. Trực tràng chia làm 3 phần là trực tràng trên, trực tràng giữa và trực tràng dưới.

Ung thư trực tràng khá thường gặp ở nước ta cũng như trên thế giới, bệnh thường gặp sau 40 tuổi, nam mắc nhiều hơn nữ.

1. Yếu tố nguy cơ ung thư trực tràng

Yếu tố nguy cơ ung thư trực tràng
  • Phần lớn ung thư xuất phát từ polyp, nhất là bệnh polyp gia đình
  • Ngoài ra cũng có xuất phát từ u lành, u nhú
  • Các bệnh nhiễm trùng của trực tràng
  • Chế độ ăn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành ung thư trực tràng, như ăn nhiều thịt, nhiều mỡ, ít chất xơ gây táo bón, ứ đọng phân, niêm mạc trực tràng thường xuyên tiếp xúc với các chất ung thư như nitrosamin, indol, scatol …

2. Biểu hiện lâm sàng của bệnh ung thư trực tràng

Biểu hiện lâm sàng của bệnh ung thư trực tràng
  • Đi ngoài ra máu, đây là biểu hiện thường gặp nhất và có giá trị. Ở đây là đi ngoài phân lẫn máu, khác với đi ngoài phân dính máu trong bệnh trĩ. Với bệnh trĩ, thường do táo bón, khi phân cứng đi qua búi trĩ sẽ làm cho búi tĩnh mạch giãn căng và máu chảy ra dính ở xung quanh khối phân cứng. Còn trong u thư, máu chảy ra lẫn với phân.
  • Rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân táo xen kẽ với đi lỏng, có nhày hoặc lẫn máu tươi. Khuôn phân biến dạng (nhỏ, dẹt,…)
  • Có thể kèm theo các triệu chứng của viêm trực tràng đau quặn, mót rặn, đau rát hậu môn, nặng trực tràng
  • Trường hợp nặng có thể có biểu hiện tắc ruột
  • Thăm trực tràng có thể sờ thấy khối u, nhưng chỉ phát hiện được những khối u ở 1/3 dưới.

3. Cận lâm sàng

  • Nội soi trực tràng, rất có giá trị, giúp xác định vị trí, kích thước khối u, xác định được khoảng cách từ khối u đến cơ thắt hậu môn. Nội soi cũng giúp sinh thiết, làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, cho kết quả chẩn đoán xác định.
  • Chụp X quang có bơm thuốc cản quang, thấy hình khối khuyết hay chít hẹp, bờ nham nhở, ngoài ra cho biết vị trí khối u, tình trạng đại tràng phía trên khối u.
  • Chụp cắt lớp (CT scanner), xác định được vị trí, kích thước, tình trạng xâm lấn và di căn.
  • Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân, có tác dụng sàng lọc và phát hiện sớm
  • Siêu âm qua thành bụng, siêu âm đầu dò trực tràng có thể xác định được khối u, tình trạng xâm lấn, di căn hạch.

4. Chẩn đoán ung thư trực tràng

Cách chẩn đoán ung thư trực tràng
  • Chẩn đoán xác định dựa vào thăm trực tràng, nội soi trực tràng, chụp X quang có bơm thuốc cản quang, đặc biệt là kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh.
  • Chẩn đoán phân biệt với các bệnh như trĩ, polyp, khối u lành tính, viêm trực tràng…

5. Chẩn đoán giai đoạn ung thư trực tràng

Chẩn đoán giai đoạn tùy thuộc vào độ sâu, sự xâm lấn vào thành ruột, di căn hạch vùng, di căn xa.

Theo phân loại của Dukes, hiện được áp dụng rộng rãi, ung thư đại tràng có 4 giai đoạn:

Dukes A: Tổn thương ở nông, chỉ ở bề mặt niêm mạc, không xâm lấn vào lớp

Dukes B: Tổn thương xâm lấn xuống sâu hơn đến lớp cơ, nhưng chưa di căn hạch vùng. Giai đoạn này lại chia ra 2 mức độ:

  • B1: Tổn thương chỉ giới hạn ở lớp cơ.
  • B2: Tổn thương xâm lấn đến thanh mạc.

Dukes C: Ung thư đã căn hạch vùng.

Dukes D: Đã di căn xa đến gan, phổi, não, xương….

Bác sĩ chẩn đoán giai đoạn ung thư trực tràng

Phân loại theo TNM được coi là tốt nhất để đánh giá, tiên lượng và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Phân loại căn cứ vào khối u (Tumor), hạch vùng (Nodes) và di căn xa (Metastase).

T: Khối u

  • T1: U giới hạn ở lớp niêm mạc hay dưới niêm mạc.
  • T2: U xâm lấn vào lớp cơ niêm và có thể lan rộng nhưng không vượt quá lớp thanh mạc.
  • T3: U xuyên qua lớp thanh mạc, hoặc xuyên qua thanh mạc.

N: Hạch vùng

  • N0: Không có xâm lấn hạch bạch huyết vùng.
  • N1: Di căn hạch vùng

M: Di căn xa

  • M0: Không có di căn xa.
  • M1: Có di căn xa.

6. Biến chứng của ung thư trực tràng

  • Nhiễm trùng tại chỗ, rất thường gặp
  • Di căn vào đám rối thần kinh gây đau dữ rội
  • Tắc ruột do khối u làm hẹp lòng trực tràng
  • Khối u xấm lấn vào bàng quang, niệu quản, gây viêm tiết niệu, rối loạn tiểu tiệt.

7. Điều trị ung thư trực tràng

Điều trị ung thư trực tràng

7.1. Điều trị triệt căn

  • Phẫu thuật là ưu tiên hàng đầu, cắt bỏ đoạn trực tràng phía trên khối u ít nhất 5 – 7cm và phía dưới khối u ít nhất 2 – 3cm.
  • Lấy bỏ rộng rãi tế bào và lớp mỡ trước xương cùng cụt, cắt bỏ mạc treo trực tràng.
  • Nạo vét hạch bạch huyết rộng rãi, bao gồm nhóm hạch sau trực tràng, hạch dọc động mạch trực tràng trên

7.2. Điều trị hỗ trợ

Sau phẫu thuật, điều trị hỗ trợ rất quan trọng để làm giảm tỷ lệ tái phát và kéo dài thời gian sống, tuy nhiên hiện biện pháp này còn đang tranh cãi. Có hai phương pháp thường áp dụng là xạ trị và hóa trị liệu.

  • Xạ trị: Có thể áp dụng trước hoặc sau phẫu thuật. Xạ trị trước phẫu thuật không làm giảm tỷ lệ tái phát mà chỉ làm hạn chế sự phát triển của khối u để chuẩn bị cho phẫu thuật được thuận lợi. Xạ trị sau phẫu thuật, kết hợp với hóa trị liệu có thể làm giảm tái phát tại chỗ và cải thiện tiên lượng ở những trường hợp ung thư trực tràng có di căn hay xâm lấn tổ chức xung quanh.
  • Hóa trị liệu: Phối hợp với xạ trị, làm giảm tái phát tại chỗ và cải thiện đời sống sau phẫu thuật.

7.3. Điều trị biến chứng ung thư trực tràng

 Làm hậu môn nhân tạo trong trường hợp tắc ruột, viêm phúc mạc, rò hậu môn,... 

8. Theo dõi sau phẫu thuật ung thư trực tràng

Theo dõi sau phẫu thuật ung thư trực tràng

Rất quan trọng để phát hiện sớm di căn và tái phát. Các biện pháp theo dõi bao gồm:

  • Thăm khám toàn diện ít nhất 3 tháng một lần
  • Định lượng CEA, CA 19-9, nội soi trực tràng: Cứ 3 tháng/lần trong năm đầu tiên, 6 tháng/lần trong 2 năm tiếp theo, sau đó thì làm xét nghiệm hàng năm
  • Ngoài ra có thể kiểm tra thêm bằng siêu âm ổ bụng, chụp X quang, chụp CT,... để phát hiện sớm tái phát, hoặc di căn các tổ chức.

9. Tiên lượng

Tiên lượng của ung thư trực tràng phụ thuộc vài giai đoạn, mức độ xâm lấn, mức độ biệt hóa và tùy thuộc vào can thiệp phẫu thuật đúng phương pháp, đúng chỉ định.

Tiên lượng tốt nếu phát hiện sớm và điều trị đúng phương pháp. Cho nên khám sàng lọc ung thư trực tràng trong cộng đồng có vai trò vô cùng quan trọng, phải có biện pháp tuyên truyền rộng rãi, khi có các triệu chứng gợi ý như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, phân nhày máu mũi, gầy sút cân... thì phải đến cơ sở y tế để khám sớm.

Ung thư trực tràng