Tóm tắt nội dung
Túi mật là một tạng rỗng hình quả lê nằm ngay dưới gan vùng dưới sườn bên phải, có nhiệm vụ dự trữ dịch mật, một dịch lỏng do gan tiết ra. Khi thức ăn vào đến dạ dày và ruột, túi mật sẽ tiết ra dịch mật thông qua ống mật chủ đổ vào tá tràng để tiêu hóa chất béo.
Ung thư túi mật là khi các tế bào ác tính hình thành trong các mô của túi mật. Ung thư mật là bệnh khá hiếm gặp, có tiên lượng xấu. Tuy nhiên nếu được phát hiện sớm vẫn có cơ hội điều trị khỏi bệnh. Thực tế, hầu hết ung thư túi mật được phát hiện ở giai đoạn muộn nên việc điều trị trở nên rất khó khăn.
Điều đáng nói là, ung thư túi mật rất khó chẩn đoán vì ở giai đoạn sớm thường không có dấu hiệu gì. Bên cạnh đó, tính chất tương đối ẩn của mật là bệnh tăng trưởng mà không hề bị phát hiện.
1. Nguyên nhân gây ung thư túi mật
Cho đến nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư túi mật vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, các đột biến trong các phân tử ADN có thể là nguyên nhân gây ra các biến đổi ở tế bào. Những đột biến này khiến các tế bào phát triển không thể kiểm soát, rồi phát triển thành khối u ác tính ở túi mật.
Ban đầu khối u chỉ khu trú ở túi mật, do tế bào phát triển không kiểm soát nên khối u dần phát triển to ra. Sau đó lan sang các tổ chức lân cận, thậm chí theo đường máu hoặc bạch huyết để có thể di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.
2. Yếu tố nguy cơ gây ung thư túi mật
Mặc dù nguyên nhân chính xác chưa rõ nhưng các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư túi mật như:
- Giới tính: Phụ nữ có nhiều khả năng bị ung thư túi mật hơn nam giới
- Tuổi tác: Nguy cơ ung thư túi mật tăng dần theo độ tuổi, độ tuổi trung bình của ung thư túi mật khoảng 72 tuổi
- Tiền sử sỏi túi mật: Ung thư túi mật hay gặp nhất ở những người có tiền sử sỏi túi mật trong quá khứ.
- Tiền sử gia đình: Gia đình có người mắc ung thư túi mật cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- Béo phì: Ung thư túi mật cũng thường gặp hơn ở người béo phì, thừa cân
- Các bệnh lý về mật: Người từng mắc sỏi mật, vôi hóa túi mật, polyp túi mật có nguy cơ mắc ung thư túi mật cao hơn người bình thường.
- Tiếp xúc với hóa chất và môi trường ô nhiễm cũng làm tăng nguy cơ ung thư túi mật.
- Chủng tộc và địa lý: Một số chủng tộc có tỷ lệ mắc ung thư túi mật cao hơn các chủng tộc khác, như Ấn Độ, Pakistan, Trung Âu và các nước Nam Mỹ.
3. Triệu chứng của ung thư túi mật
Ung thư túi mật ở giai đoạn sớm thường không có biểu hiện gì cả. Các triệu chứng chỉ bắt đầu xuất hiện khi bệnh đã nặng, có dấu hiệu xâm lấn hoặc chèn ép các tổ chức xung quanh.
Triệu chứng điển hình có thể gặp bao gồm:
- Đau bụng, đặc biệt đau ở vùng dưới sườn phải, đau âm ỉ liên tục, đau có dấu hiệu tăng dần
- Đầy hơi, chướng bụng
- Chán ăn, ăn không tiêu
- Ngứa khắp toàn thân (thường kèm theo với bệnh cảnh vàng da)
- Thể trạng suy kiệt, gầy sút cân
- Sốt, vàng da, vàng mắt, vàng niêm mạc miệng
- Buồn nôn, nôn
Các triệu chứng khi khối u đã di căn có thể gặp:
- Vàng da, vàng mắt đậm: Tình trạng này thường xuất hiện ngay ở giai đoạn đầu của bệnh, nhưng càng vào giai đoạn cuối thì màu vàng của da và mắt sẽ càng trở nên đậm hơn.
- Đau bên phải bụng: Đau rõ rệt hơn giai đoạn đầu
- Gan to: Khi khối u đã di căn lên gan sẽ xuất hiện tình trạng gan to, mềm và có thể sờ thấy được với mật độ mềm.
- Rối loạn tiêu hóa: Các biểu hiện như phân bạc màu, phân sống, chán ăn, chướng bụng, thiếu nước.... ngày càng có dấu hiệu rõ ràng.
- Sốt và gầy sút cân bất thường: Tình trạng sốt không rõ nguyên nhân, giảm cân bất thường là biểu hiện rõ nét ở những trường hợp ung thư túi mật giai đoạn cuối.
4. Chẩn đoán ung thư túi mật
Để chẩn đoán xác định ung thư túi mật, ngoài dựa vào các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ còn chỉ định làm thêm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cơ bản và chuyên sâu nữa.
- Xét nghiệm máu: Để đánh giá chức năng gan có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra các dấu hiệu và triệu chứng.
- Siêu âm ổ bụng: Có thể quan sát được hình ảnh túi mật, phát hiện và đo được kích thước khối u, tình trạng xâm lấn tổ chức xung quanh
- Sinh thiết khối u qua da: Biện pháp này thường được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc chụp cắt lớp, mảnh mô sinh thiết được làm xét nghiệm giải phẫu bệnh sẽ chẩn đoán được chính xác là u lành hay u ác tính.
Các kỹ thuật chuyên sâu nhằm mục đích chẩn đoán giai đoạn ung thư:
- Phẫu thuật thăm dò: Phẫu thuật nội soi để nhìn vào bên trong bụng, dấu hiệu cho thấy ung thư túi mật còn khu trú ở túi mật hay đã xâm lấn tổ chức xung quanh, tình trạng di căn hạch vùng, di căn đến các cơ qua khác
- Chụp đường mật có tiêm thuốc cản quang: Tiêm thuốc nhuộm vào đường mật sau đó kiểm tra hình ảnh có ghi nơi mà thuốc nhuộm đi. Xét nghiệm này có thể hiển thị tắc nghẽn trong đường mật.
- Chụp cắt lớp và cộng hưởng từ: Kỹ thuật này vừa giúp chẩn đoán xác định khối u, vừa giúp phát hiện được các tổn thương xâm lấn và tình trạng di căn xa.
5. Các giai đoạn của ung thư túi mật
- Giai đoạn 1: Giai đoạn này, ung thư túi mật được giới hạn ở các lớp bên trong túi mật
- Giai đoạn 2: Ung thư đã phát triển xâm nhập ra lớp ngoài của túi mật và có thể nhô vào cơ quan gần đó như, gan, dạ dày, ruột hay tuyến tụy.
- Giai đoạn 3: Ung thư túi mật đã phát triển xâm nhập nhiều hơn một trong những cơ quan gần đó hoặc có thể xâm nhập vào tĩnh mạch cửa hay động mạch gan.
- Giai đoạn 4: Ung thư túi mật bao gồm các khối u với bất kỳ kích thước và đã di căn đi xa đến các cơ quan khác trong cơ thể.
6. Điều trị ung thư túi mật
Điều trị ung thư túi mật phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, sức khỏe tổng thể của người bệnh. Nói chung các biện pháp điều trị bao gồm:
Phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ túi mật khi phát hiện được ung thư ở giai 1 hoặc 2. Phẫu thuật cắt bỏ túi mật và một phần của gan khi ung thư túi mật mở rộng vượt ra ngoài túi mật và xâm lấn đến gan
Khi ung thư túi mật đã phát triển đến giai đoạn cuối thì phẫu thuật không thể chữa khỏi. Lúc này phương pháp điều trị có thể làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh và làm cho thoải mái như:
Hóa trị: Điều trị bằng thuốc có sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị cũng có thể được chỉ định sau phẫu thuật để phòng tái phát.
Bức xạ trị liệu: Bức xạ sử dụng công suất cao chùm năng lượng để giết chết tế bào ung thư.
Các biện pháp điều trị hỗ trợ như:
- Điều trị tắc mật bằng cách mở thông đường mật, đặt stend đường mật
- Điều trị giảm nhẹ, như giảm đau, nâng cao thể trạng
7. Dự phòng tái phát ung thư túi mật
Để phòng ngừa tái phát ung thư túi mật sau điều trị bản thân người bệnh cũng như người thân có thể đồng hành thực hiện những biện pháp sau:
- Có tư tưởng thoải mái, kết nối bạn bè và gia đình, hãy nghĩ về công việc yêu thích
- Tìm một người nào đó để nói chuyện, tâm sự, tránh tình trạng cô đơn, buồn bã
- Nên ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ và chất béo lành mạnh để giúp dự phòng ung thư và phòng ung thư tái phát. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ăn các loại ngũ cốc như gạo nâu và bánh mì nguyên chất, chất béo từ cá và dầu ô liu để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư túi mật.
- Tập luyện thân thể theo chỉ định, nâng cao sức đề kháng
- Phải khám sức khỏe định kỳ và tái khám theo lịch của bác sĩ để phát hiện sớm ung thư túi mật, cũng như là phát hiện sớm tình trạng tái phát.
Ung thư túi mật