Tóm tắt nội dung
Tuyến nước bọt là tên gọi chung của tất cả các tuyến ngoại tiết có chức năng bài tiết nước bọt mà thành phần chính là men amylase có tác dụng tiêu hóa thức ăn. Các tuyến này phân bố ở vùng khoang miệng và cổ họng, gồm có 3 cặp tuyến lớn nằm dưới lưỡi, mang tai và dưới hàm. Ngoài ra có hàng trăm tuyến nhỏ khác phân bố trong khoang miệng và cổ họng.
Ung thư tuyến nước bọt xảy ra khi tình trạng các tế bào tuyến nước bọt tăng sinh mất kiểm soát tạo thành khối u ác tính và có thể di căn đi xa. Ung thư tuyến nước bọt là bệnh ung thư hiếm gặp nhưng nó tiềm ẩn mối nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Ước tính tỷ lệ mắc mới ung thư tuyến nước bọt tại Mỹ năm 2018 là 1/100.000 dân. Tổng số ca mắc ung thư tuyến nước bọt chiếm chưa đến 1% tổng số ca ung thư. Bệnh thường gặp ở người cao tuổi với độ tuổi trung bình chẩn đoán là 64.
Tỷ lệ sống trên 5 năm của ung thư tuyến nước bọt thay đổi rất nhiều phụ thuộc vào mức độ, vị trí của khối u cũng như giai đoạn của ung thư. Ước tính tỷ lệ sống trên 5 năm của bệnh này trung bình là 72%. Trong đó nếu bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn 1 tỷ lệ sống sót trên 5 năm là 91%, giai đoạn 2 là 75% và giai đoạn 3 là từ 39-65%.
Tuy nhiên ung thư tuyến nước bọt thường có ít triệu chứng điển hình nên thường được phát hiện khá muộn, gây khó khăn cho quá trình điều trị, cũng như tính mạng của người bệnh. Ước tính chỉ 43% số trường hợp được chẩn đoán ở giai đoạn sớm.
1. Nguyên nhân gây ung thư tuyến nước bọt
Cũng giống như hầu hết các bệnh ung thư khác, nguyên nhân gây ung thư tuyến nước bọt hiện vẫn chưa được sáng tỏ. Tuy nhiên, các bác sĩ có đưa ra một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến nước bọt:
- Tuổi: Độ tuổi cao làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến nước bọt.
- Giới tính: Theo thống kê, nam giới có tỷ lệ mắc ung thư tuyến nước bọt nhiều hơn nữ giới
- Tiếp xúc với phóng xạ: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc đã từng xạ trị vùng đầu và cổ làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh lý ung thư tuyến nước bọt.
- Các yếu tố môi trường: Một số yếu tố về môi trường như tiếp xúc nhiều hóa chất, dung môi hữu cơ, bụi bặm hoặc làm những công việc trong hầm mỏ, sản xuất cao su, làm nghề mộc, thuộc da… có khả năng dẫn đến ung thư tuyến nước bọt.
- Các yếu tố về lối sống: Như uống nhiều rượu bia, khói thuốc lá, chế độ ăn mất cân bằng… có khả năng tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến nước bọt.
2. Triệu chứng bệnh ung thư tuyến nước bọt
Ung thư tuyến nước bọt là ung thư vùng đầu cổ, tuy hiếm gặp nhưng là bệnh rất nguy hiểm. Nói chung giai đoạn sớm, ung thư tuyến nước bọt cũng giống như các bệnh ung thư khác các triệu chứng rất mờ nhạt.
Triệu chứng của ung thư tuyến nước bọt còn tùy thuộc vào vị trí xuất hiện khối u:
Khối u ở tuyến nước bọt mang tai
- Theo nghiên cứu thì khoảng 70 - 80% ung thư tuyến nước bọt xuất hiện ở khu vực mang tai.
- Khi mới bắt đầu xuất hiện thì khối u sẽ không có biểu hiện gì nguy hiểm đến sức khỏe, cũng rất ít các triệu chứng, nói chung cũng rât khó phát hiện.
- Sau đó có thể vài tháng đến vài năm, ở khu vực mang tai xuất hiện khối u, kích thước dần tăng, xâm lấn xâm lấn khu vực đầu, cổ. Kèm theo có thể xuất hiện triệu chứng tê, liệt hay đau nhức vùng mặt, đầu cổ, rồi xuất hiện các hạch to ở vùng mang tai, vùng đầu, họng, mũi, có thể chảy dịch từ tai…
- Triệu chứng toàn thân có thể gặp mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân
Khối u xuất hiện ở tuyến nước bọt dưới hàm
- Chiếm khoảng 10 đến 15 % trên tổng số người bị bệnh ung thư tuyến nước bọt.
- Đối với khối u xuất hiện ở vị trí này rất khó nhận biết và đến khi giai đoạn nặng nề mới phát hiện một số triệu chứng như miệng cảm thấy khó chịu, đau nhức thường xuyên, đau khi ăn uống, một số trường hợp lưỡi bị tê cứng…
Triệu chứng ung thư các tuyến nước bọt nhỏ
Với loại ung thư tuyến nước bọt nhỏ triệu chứng sẽ xuất hiện ở vùng mũi, thanh quản… Người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, mệt mỏi với các biểu hiện:
- Ngạt mũi, khó thở, khó nuốt
- Khàn giọng, nói khó
- Vùng khoang miệng bị đau nhức
3. Các giai đoạn ung thư tuyến nước bọt
Ung thư tuyến nước bọt thường chia thành 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Đây là giai đoạn mới bắt đầu, các tế bào ung thư xuất hiện và chưa có bất cứ một biểu hiện nào để người bệnh cảm nhận được.
- Giai đoạn 2: Các tế bào ung thư bắt đầu phát triển và lây lan sang một số vùng lân cận, nhưng chưa di căn sang cơ quan khác.
- Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư phát triển mạnh mẽ và bệnh nhân cảm nhận được dấu hiệu mệt mỏi, đau nhức và khó chịu, lúc nay tế bào ung thư đã di căn sang cơ quan khác.
- Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối của ung thư tuyến nước bọt, không có khả năng chữa trị cũng như cơ hội sống sót thấp.
4. Chẩn đoán ung thư tuyến nước bọt
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ là bệnh ung thư tuyến nước bọt, nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Chẩn đoán ung tuyến nước bọt khi:
Lâm sàng
- Có các biểu hiện như xuất hiện khối u hoặc sưng ở má, miệng, cằm hay cổ, thường các u cục này không có cảm giác đau.
- Có cảm giác đau ở vùng miệng, quanh miệng, cổ… kéo dài dai dẳng không rõ nguyên nhân.
- Bị tê cứng một phần mặt, yếu cơ, liệt cơ ở một bên mặt và có xu hướng lan rộng.
- Khó khăn trong việc nuốt, mở to miệng, khàn giọng, chảy dịch từ tai
Thăm khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ khám triệu chứng trên vùng mặt, miệng, cổ, cổ họng… đồng thời hỏi thêm bệnh nhân về tiền sử bệnh lý, tiền sử gia đình, môi trường sống và làm việc, lối sống…
Chẩn đoán hình ảnh
Người bệnh siêu âm, chụp X-quang, chụp CT, MRI… để xác định vị trí xuất hiện khối u, kích thước, mật độ khối u cũng như mức độ xâm lấn các mô xung quanh để chẩn đoán xác định, chẩn đoán giai đoạn, đánh giá tiến triển của bệnh.
Sinh thiết
Lấy các tế bào từ khối u tiến hành làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, tế bào học. Phương pháp này được coi là có độ tin cậy cao nhất giúp chẩn đoán xác định khối u lành hay ác tính.
5. Điều trị ung thư tuyến nước bọt
Chỉ định điều trị tùy theo giai đoạn và tiến triển của bệnh, thông thường người bệnh sẽ được điều trị bởi một phương pháp duy nhất hoặc phối hợp nhiều phương pháp với nhau.
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến nước bọt phổ biến bao gồm:
5.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật được coi là biện pháp điều trị chính cho ung thư tuyến nước bọt. Khi chỉ định phẫu thuật, bác sĩ sẽ cố gắng loại bỏ hết các tế bào ung thư. Mức độ loại bỏ sẽ phụ thuộc vào độ lớn của khối u cũng như mức độ xâm lấn của khối u đến các mô xung quanh.
Trong nhiều trường hợp phẫu thuật cần loại bỏ các hạch bạch huyết xung quanh cổ nếu khối ung thư đã phát triển và xâm lấn vào hệ bạch huyết.
Nhìn chung thì phẫu thuật để lại nhiều di chứng do khối u thường gần lưỡi, mắt, não, và các dây thần kinh mặt…
Các biến chứng có thể gặp do phẫu thuật như:
- Trường hợp phải loại bỏ các mô chứa các dây thần kinh mặt, khi phẫu thuật dẫn đến thay đổi lớn gương mặt.
- Người bệnh sau phẫu thuật có thể bị mất kiểm soát các cơ, yếu cơ, tê liệt cơ ở vùng mặt và cổ, mất kiểm soát lưỡi, gặp khó khăn khi nói, nuốt, và hít thở…
- Trường hợp bị cắt bỏ một phần khuôn mặt như má, hàm bắt buộc phải dùng các biện pháp mở khí quản để hỗ trợ thở….
Các thương tổn này thường là vĩnh viễn và khó hồi phục.
5.2. Xạ trị
Trường hợp khối u không thể phẫu thuật hoặc không thể loại bỏ hoàn toàn khố u nhờ phẫu thuật thì người bệnh sẽ được cân nhắc điều trị bằng biện pháp xạ trị.
Điều trị ung thư tuyến nước bọt bằng xạ trị có thể diệt nhanh tế bào ung thư mà không tổn hại nhiều đến gương mặt. Tuy nhiên biện pháp này cũng để lại nhiều tác dụng không mong muốn như khô miệng, buồn nôn, mất khẩu vị, giảm thính giác…
Ngoài ra, ung thư vùng cổ và mặt sau xạ trị tỷ lệ tái phát cao nhất là ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến cận giáp và ung thư tuyến nước bọt. Do vậy, sau xạ trị, người bệnh ung thư tuyến nước bọt cần được kiểm tra sức khỏe thường xuyên để tránh nguy cơ phát triển một khối ung thư khác sau điều trị.
5.3. Hóa trị liệu
Hóa trị thường không được sử dụng nhiều trong điều trị ung thư tuyến nước bọt. Hóa trị có thể được cân nhắc khi ung thư đã di căn và xâm lấn các cơ quan khác của cơ thể.
5.4. Điều trị hỗ trợ
Các biện pháp điều trị hỗ trợ rất quan trong trước, trong và sau quá trình điều trị ung thư, giúp hỗ trợ giúp giảm nhẹ các vấn đề của ung thư cũng như các tác dụng không mong muốn của các biện pháp điều trị.
Các biện pháp điều trị hỗ trợ ung thư tuyến nước bọt bao gồm:
- Phẫu thuật phục hồi gương mặt sau điều trị bằng phẫu thuật
- Sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm để giảm các triệu chứng cho người bệnh.
- Tiến hành các biện pháp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh như thay đổi chế độ sinh hoạt, luyện tập, hỗ trợ điều trị tâm lý…
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng, phối hợp bổ sung các loại rau củ, vitamin, khoáng chất…
6. Dự phòng ung thư tuyến nước bọt
Để có một sức khỏe tốt và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến nước bọt cần thực hiện một số biến pháp phòng tránh như sau:
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Cần vệ sinh răng miệng ít nhất hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.
- Uống thật nhiều nước: Mỗi ngày cần bổ sung lượng nước đầy đủ, tốt nhất uống từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày, tùy theo nhu cầu.
- Không hút thuốc: Không chỉ hút thuốc mà ngay cả ngửi khói thuốc cũng rất nguy hại, tốt nhất nên tránh.
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học: Phải lên kế hoạch ăn uống, tập luyện phù hợp nhất. Hàng ngày cần bổ sung các dưỡng chất, các loại vitamin cho cơ thể.
- Không tiếp xúc với nguồn phóng xạ, nếu vì đặc thù công việc mà phải tiếp xúc thì phải có đồ bảo hộ.
- Không tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp, dung môi hữu cơ, bụi…
Ung thư tuyến nước bọt