Tóm tắt nội dung
Tụy là một tạng thuộc hệ tiêu hóa, nằm sau phúc mạc, phía sau thành bụng, phía trước tụy được che phủ bởi dạ dày. Tụy được chia thành 3 phần chính lần lượt từ phải qua trái gồm: đầu tụy, thân tụy, đuôi tụy.
Tụy có 2 chức năng chính là chức năng ngoại tiết và nội tiết. Chức năng ngoại tiết bài tiết ra men tụy đổ vào tá tràng giúp cho quá trình tiêu hóa thức ăn ở ruột non. Chức năng này do khối mô tụy ngoại tiết đảm nhiệm. Chức năng nội tiết bài tiết ra hormon insulin và glucagon đổ thẳng vào máu để tham gia quá trình chuyển hóa glucose của cơ thể. Chức năng nội tiết do các tế bào nội tiết của tụy đảm nhiệm, các tế bào này nằm xen kẽ với các nang tuyến của tụy ngoại tiết và được gọi là các tiểu đảo Langerhans.
Ung thư tuyến tụy là những tổn thương ác tính xuất phát từ bất kỳ thành phần nào của mô tụy, bao gồm các tế bào của mô tụy ngoại tiết, tế bào tụy nội tiết (tế bào đảo Langerhans) và các tế bào thuộc mô liên kết của tụy.
Trên 95% ung thư tụy có nguồn gốc từ mô tụy ngoại tiết, bao gồm ung thư tế bào biểu mô ống tụy, tế bào “acinar”, tế bào mầm, … trong đó khoảng 85% là xuất phát từ tế bào biểu mô ống tụy ngoại tiết. Ung thư xuất phát từ tế bào tụy nội tiết và của mô liên kết rất hiếm gặp.
Theo Tổ chức y tế thế giới, ung thư tuyến tụy chỉ đứng thứ 14 về tỉ lệ mắc (458.918 ca mắc/năm), tuy nhiên ung thư tuyến tụy lại đứng hàng thứ 7 về tỉ lệ tử vong do ung thư (432.242 ca tử vong/năm). Điều này cho thấy tiên lượng của ung thư tụy rất xấu, trên thực tế tỉ lệ sống trung bình sau 5 năm của ung thư tụy chỉ khoảng 9.3%.
Nguyên nhân chủ yếu khiến ung thư tuyến tụy có tiên lượng xấu so với ung thư tiêu hóa khác là bởi tụy có vị trí đặc biệt ở rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn lại dễ nhầm với bệnh khác nên người bệnh thường được chẩn ở giai đoạn muộn.
1. Nguyên nhân gây ung thư tuyến tụy
Hiện nay nguyên nhân cụ thể của ung thư tuyến tụy vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được các yếu tố nguy cơ có liên quan mật thiết tới cơ chế bệnh sinh của ung thư tụy.
- Yếu tố di truyền: Khoảng 10-15% ung thư tụy có liên quan tới yếu tố di truyền
- Bệnh lý mạn tính ở tụy: Một số bệnh lý mãn tính ở tụy làm tăng nguy cơ bị ung thư tuyến tụy gồm tiểu đường, viêm tụy mạn tính, xơ nang tụy…
- Chế độ ăn và lối sống: Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy như hút thuốc lá, chế độ ăn nhiều mỡ, béo phì, ít hoạt động thể lực, nghiện rượu… cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tụy.
- Nhóm máu: Nghiên cứu cho thấy những người thuộc nhóm máu A và B có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn. Người nhóm máu A có 32% nguy cơ mắc ung thư tụy cao hơn, nguy cơ tăng lên 51% cho nhóm máu AB, và tăng đến 72% cho nhóm máu B.
2. Triệu chứng của ung thư tuyến tụy
Triệu chứng của ung thư tuyến tụy giai đoạn sớm thường nghèo nàn, nhưng khi khối u đã phát triển và xâm lấn thì triệu chứng lâm sàng khá đa dạng, thay đổi tùy theo vị trí khối u và mức độ lan rộng của nó.
Theo thống kê, khoảng 60-70% khối u nằm ở vùng đầu tụy, 20-25% nằm ở thân/đuôi tụy, u chiếm toàn bộ thể tích của tụy chiếm tỉ lệ thấp. Các triệu chứng thường gặp của ung thư tuyến tụy:
- Đau bụng: Là một trong những dấu hiệu thường gặp nhất, xuất hiện khoảng 1 – 2 tháng trước khi phát hiện bệnh và tăng dần theo thời gian. Ban đầu chỉ đau thoáng qua ở vùng thượng vị nên dễ nhầm với bệnh dạ dày, sau đó lan sang 2 bên, xuyên ra sau lưng. Cơn đau có thể không liên tục nhưng thường nặng hơn sau khi ăn hoặc khi nằm ngửa khiến người bệnh phải nằm tư thế cuộn tròn cho đỡ đau.
- Hội chứng tắc mật: Do u gây tắc ống mật chủ làm dịch mật từ gan không xuống được tá tràng. Hậu quả là mật vào trong máu gây vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu, ngứa… Vàng da thường gặp, vàng da liên tục, tăng dần và xuất hiện sớm với những khối u vùng đầu tụy.
- Đi ngoài sống phân: U gây cản trở men tụy xuống ruột non để tiêu hóa thức ăn, khiến người bệnh không hấp thu được chất dinh dưỡng. Ngoài ra khối u đầu tụy làm tắc đường mật, khiến dịch mật không xuống được ruột, nên không hấp thu được các chất béo và vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Đây là một trong những nguyên nhân làm người bệnh ung thư tuyến tụy bị suy kiệt rất nhanh.
- Phân bạc màu: Do khối u đầu tụy chèn ép vào đường mật, làm cho sắc tố mật không xuống được ruột, gây ra tình trạng phân bạc màu. Trường hợp tắc hoàn toàn ống mật thì phân sẽ có màu trắng.
- Nước tiểu sẫm màu: Nguyên nhân cũng do u làm tắc đường mật, gây ứ mật, làm tăng bilirubin trong máu, rồi bài tiết qua nước tiểu làm cho nước tiểu sẫm màu, có thể có màu nâu hoặc màu cam.
- Triệu chứng toàn thân có thể gặp: Suy nhược cơ thể, gầy sút cân, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy.
- Tiểu đường: Tiểu đường có thể xuất hiện đồng thời với ung thư tuyến tụy, nhưng có khoảng 25% trường hợp ung thư tuyến tụy lại có khởi phát bệnh tiểu đường trước khi phát hiện ung thư tuyến tụy trong thời gian dưới 2 năm.
3. Chẩn đoán ung thư tụy
Tụy nằm rất sâu trong ổ bụng, triệu chứng rất nghèo nàn, nên ở giai đoạn sớm rất khó chẩn đoán, dễ nhầm với bệnh khác. Thường khi được chẩn đoán bệnh đã nặng, khối u đã xâm lấn sang các tổ chức lân cận, thậm chí đã di căn đi xa.
- Lâm sàng: Đau bụng vùng thượng vị tăng dần, đi ngoài phân sống, phân bạc màu, vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, thể trạng suy kiệt, cơ thể gầy sút cân nhanh chóng, đường máu cao…
- Khám thực thể: Bác sĩ có thể cảm nhận được khối u ở giữa bụng người bệnh. Trên thực tế, ung thư tuyến tụy hiếm khi được chẩn đoán bằng lâm sàng.
Nếu không phát hiện được điều gì bất thường thì thầy thuốc cũng cần phải dùng thêm các xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh khi có những triệu chứng gợi ý của ung thư tuyến tụy.
Những xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng để phát hiện ung thư tuyến tụy gồm:
- Siêu âm ổ bụng: Đây là chỉ định đầu tiên khi gặp một trường hợp có đau bụng và vàng da. Siêu âm có thể phát hiện sỏi mật là một bệnh lý có những triệu chứng tương tự với ung thư tuyến tụy thường gặp. Nếu quan sát thấy một khối u tụy trên siêu âm, chụp CT scan vẫn cần thiết để có thêm nhiều thông tin hơn nữa.
- Siêu âm qua nội soi: Có thể góp phần chẩn đoán ung thư tuyến tụy một cách rõ ràng hơn, ngoài ra còn dùng kim để sinh thiết hoặc tiêm hóa chất điều trị vào khối u tụy.
- Chụp cắt lớp (CT scan) ổ bụng: CT scan có thể xác định vị trí khối u nhỏ trong tuyến tụy đôi khi bị bỏ sót khi siêu âm. Ngoài ra, CT scan còn có thể hiển thị chính xác xem khối u đã xâm lấn, di căn ra khỏi tuyến tụy hay chưa và tương quan của nó với các mạch máu và cơ quan lân cận. Đây là những thông tin rất quan trọng giúp bác sĩ phẫu thuật lên kế hoạch cắt bỏ khối ung thư.
Khi nghi ngờ có u tụy, một mô thức chụp CT scan chuyên biệt gọi là quy trình CT scan tuyến tụy (pancreatic protocol scan) được lựa chọn thực hiện trước khi tiến hành phẫu thuật.
Khi phát hiện khối u trong tuyến tụy, bác sĩ cần làm sinh thiết để xác định ung thư bằng giải phẫu bệnh. Sinh thiết được thực hiện theo các cách sau:
- Sinh thiết qua da: Thực hiện sinh thiết bằng cách xuyên một cây kim qua da để vào cơ thể. Thủ thuật được tiến hành cùng lúc với siêu âm hoặc CT scan để hướng dẫn kim vào khối u.
- Nội soi sinh thiết: Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa thực hiện thủ thuật này bằng cách đưa một ống nội soi qua miệng, dạ dày, và sau đó vào tá tràng. Sinh thiết bằng kim ở đầu ống nội soi được thực hiện dưới hướng dẫn của siêu âm. Người bệnh được tiêm an thần gây ngủ nên thủ thuật thường không đau.
Nếu khối u được phát hiện trong tuyến tụy và có nhiều khả năng là ung thư, nhiều khi bác sĩ phẫu thuật có thể chọn lựa cắt bỏ hoàn toàn khối ung thư mà không cần phải sinh thiết.
Sau khi xác nhận chẩn đoán ung thư tuyến tụy, cần thực hiện thêm các xét nghiệm máu thường quy để đánh giá chức năng gan, thận.
Ngoài ra, cần xét nghiệm thêm marker ung thư CA 19-9. CA 19-9 được khối ung thư tuyến tụy sản xuất, mức độ của nó tăng cao trong 80% trường hợp ung thư tụy. Có thể theo dõi lượng CA 19-9 trong máu để đánh giá hiệu quả điều trị.
Sau khi điều trị, thường xuyên kiểm tra lượng CA 19-9 để xem ung thư có tái phát. Tuy nhiên, CA 19-9 không phải là một thử nghiệm chuyên biệt cho ung thư tuyến tụy. Nhiều bệnh lý khác cũng có thể làm tăng lượng CA 19-9. Ngược lại, chưa thể đảm bảo là ung thư không tái phát khi lượng CA 19-9 vẫn ở mức bình thường.
4. Phân loại ung thư tụy theo mức độ lan rộng của khối u
- Ung thư tuyến tụy tại chỗ: Khi tổn thương ung thư còn hoàn toàn trong tuyến tụy và không lan rộng ra bất cứ nơi nào khác trong cơ thể.
- Ung thư tuyến tụy tại vùng: Khi tổn thương ung thư đã lan đến các mô xung quanh tuyến tụy hoặc các hạch bạch huyết gần đó, hoặc bao quanh hay chặn các mạch máu lớn gần đó, nhưng không lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
- Ung thư tuyến tụy tiến triển lan tràn: Khi tổn thương ung thư lan ra ngoài mô tụy, nhưng chưa đến các vị trí xa khác trong cơ thể.
- Ung thư tuyến tụy di căn: Có nghĩa là ung thư bắt đầu từ tuyến tụy đã lan sang cơ quan khác của cơ thể, dẫn đến sự hình thành của di căn (khối u ung thư ở các vị trí xa).
5. Điều trị ung thư tuyến tụy
Điều trị ung thư tuyến tụy phụ thuộc vào kích thước, mức độ xâm lấn, đã di căn xa hay chưa… ngoài ra còn tùy thuộc vào điều kiện cũng như thể trạng của từng người. Nói chung điều trị càng sớm, hiệu quả càng cao.
5.1. Điều trị phẫu thuật ung thư tuyến tụy
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u là cách duy nhất có thể chữa khỏi ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, chỉ định điều trị phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ xâm lấn, có thể phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u hay không, thể trạng người bệnh có cho phép thực hiện cuộc phẫu thuật hay không…
Tại thời điểm chẩn đoán, chỉ 15-20% ung thư tuyến tụy còn khả năng được cắt bỏ bằng phẫu thuật. Không có chỉ định ngoại khoa nếu khối u không còn phẫu thuật được hoặc nếu việc phẫu thuật không an toàn.
Các đặc điểm của ung thư tuyến tụy không có chỉ định phẫu thuật bao gồm:
- Ung thư đã di căn ra khỏi tuyến tụy để đến các cơ quan khác (như gan, phổi).
- Ung thư bao bọc xung quanh một trong các mạch máu lớn gần tuyến tụy.
Nếu ung thư còn cắt bỏ được và nếu không có vấn đề sức khỏe nào khiến cho việc phẫu thuật không an toàn, bác sĩ phẫu thuật sẽ cố gắng loại bỏ toàn bộ khối u.
Các phương pháp phẫu thuật có thể thực hiện:
- Ung thư ở phần đầu và phần móc của tuyến tụy: Phẫu thuật loại bỏ đầu và phần móc của tuyến tụy, cùng với tá tràng, túi mật và thường cắt bỏ một phần dạ dày.
- Cắt bỏ tụy bán toàn phần: Thực hiện khi ung thư ở thân hoặc ở đuôi tụy. Phẫu thuật này loại bỏ phần thân và đuôi của tuyến tụy cùng với lá lách.
5.2. Điều trị nội khoa ung thư tuyến tụy
Căn cứ vào kết quả của phẫu thuật, hóa trị liệu có hoặc không phối hợp với xạ trị được dùng để giảm khả năng tái phát của ung thư (còn gọi là điều trị bổ trợ). Chưa có khuyến nghị tiêu chuẩn cho điều trị bổ trợ, và vấn đề này vẫn đang được khẩn trương nghiên cứu về mặt lâm sàng.
Những yếu tố tăng nguy cơ tái phát sau phẫu thuật cắt bỏ ung thư bao gồm:
- Tế bào ung thư hiện diện ở rìa của mẫu vật phẫu thuật (còn gọi là rìa dương tính)
- Tế bào ung thư hiện diện trong mạch máu hoặc các kênh bạch huyết
- Tế bào ung thư hiện diện dọc các dây thần kinh
- Các hạch bạch huyết chung quanh có chứa tế bào ung thư
Tùy chọn cho điều trị bổ trợ bao gồm những điều sau đây:
- Hóa trị liệu và xạ trị đồng thời
- Hóa trị liệu đơn độc
Đối với ung thư tuyến tụy tiến triển tại chỗ không thể phẫu thuật cắt bỏ được một cách an toàn, có thể sử dụng kết hợp hóa trị với xạ trị hoặc hóa trị liệu đơn độc. Phương pháp điều trị này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi. Các trung tâm điều trị đưa ra những khuyến nghị khác nhau dựa trên một số yếu tố như kích thước của khối u và triệu chứng mà chúng gây ra.
Hóa trị là nền tảng của điều trị ung thư tuyến tụy tiến triển tại chỗ hoặc đã di căn. Các tác nhân hóa trị phổ biến nhất được sử dụng trong các trường hợp này là gemcitabine.
- Vào những thời gian cụ thể khi người bệnh đang được điều trị, cần thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để đánh giá xem kích thước các khối u có thay đổi.
- Nếu khối u vẫn phát triển dù đang hóa trị, có thể là do ung thư đã đề kháng với liệu pháp này, một kế hoạch điều trị thay thế cần được xem xét.
5.3. Thuốc dùng cho hóa trị liệu điều trị ung thư tuyến tụy
Các thuốc hóa trị sau đây có thể được dùng như là một phần của phác đồ điều trị tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư tuyến tụy:
- Gemcitabine (Gemzar): Gemcitabine được dùng tiêm tĩnh mạch mỗi tuần một lần trong 7 tuần (hoặc cho đến khi độc tính hạn chế việc điều trị), kế đến là ngưng điều trị trong 1 tuần. Sau đó, các chu kỳ gemcitabine được thực hiện trở lại mỗi tuần một lần trong 3 tuần liên tiếp, rồi lại nghỉ 1 tuần. Thuốc này có tác dụng trực tiếp trên các tế bào ung thư và thường được dùng đơn độc để điều trị ung thư tuyến tụy di căn. Tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, thiếu máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng do ảnh hưởng của thuốc trên hệ miễn dịch.
- Fluorouracil (5-FU): Fluorouracil thường được dùng tiêm truyền tĩnh mạch liên tục bằng bơm tiêm tự động. Thuốc có tác dụng trực tiếp lên tế bào ung thư và thường được sử dụng kết hợp với xạ trị vì nó khiến các tế bào ung thư nhạy cảm hơn với tác động của tia xạ. Tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi, tiêu chảy, loét miệng, hội chứng tay-chân (đỏ da, bong tróc và đau ở lòng bàn tay, bàn chân).
- Capecitabine (Xeloda): Capecitabine dùng đường uống, vào cơ thể sẽ được biến đổi thành một hợp chất tương tự 5-FU. Capecitabine có tác dụng tương tự 5-FU trên các tế bào ung thư và cũng thường được sử dụng kết hợp với xạ trị. Tác dụng phụ của capecitabine tương tự với việc tiêm truyền tĩnh mạch 5-FU liên tục.
Hiện nay, nhiều loại thuốc khác đang được nghiên cứu để điều trị ung thư tuyến tụy, thường là kết hợp với gemcitabine. Các thuốc này bao gồm bevacizumab, vatalanib, cetuximab, và erlotinib. Chưa rõ chúng có cải thiện kết quả so với sử dụng gemcitabine đơn độc hay không.
Một số thuốc có thể giảm bớt tác dụng phụ của việc điều trị. Bác sĩ chuyên khoa ung thư cần được thông báo ngay khi tác dụng phụ xảy ra để có thể giải quyết kịp thời. Cần xét nghiệm máu và nước tiểu để theo dõi độc tính của thuốc.
Có thể dùng pancrelipase (enzyme tụy thay thế) khi các chức năng tụy suy yếu, thường là sau phẫu thuật cắt bỏ bán phần tuyến tụy. Thuốc dùng uống trong các bữa ăn để giúp tiêu hóa thức ăn và đề phòng chứng tiêu mỡ (steatorrhea).
Ung thư tuyến tụy có thể gây đau, và một loạt thuốc giảm đau có thể giúp kiểm soát các triệu chứng khó chịu. Cần trao đổi với bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa ung thư để hạn chế các cơn đau đến mức tối thiểu.
5.4. Xạ trị ung thư tuyến tụy
Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng tia xạ năng lượng cao nhắm vào khối u để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc để ngăn không cho chúng phát triển. Đối với ung thư tuyến tụy, xạ trị thường được dùng kết hợp với hóa trị liệu.
Các mục tiêu của liệu pháp tia xạ như sau:
- Tiêu diệt các tế bào ung thư không thể phẫu thuật cắt bỏ được để giảm nguy cơ ung thư di căn hoặc tái phát.
- Điều trị các khối u không thể phẫu thuật cắt bỏ được đang gây ra các triệu chứng, như đau hoặc vàng da.
Thông thường, phương pháp xạ trị được dùng 5 ngày một tuần, trong thời gian 6 tuần. Mỗi lần điều trị chỉ kéo dài một vài phút và hoàn toàn không đau, tương tự như khi chụp phim x-quang. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu ở bụng trong những tuần điều trị cuối cùng hoặc nhiều tháng sau khi hoàn tất việc xạ trị.
Các tác dụng phụ của xạ trị bao gồm kích ứng da nhẹ, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, hoặc mệt mỏi. Những tác dụng phụ này thường chấm dứt ngay sau khi đã hoàn tất liệu trình xạ trị (khoảng 1-2 tháng).
5.5. Các liệu pháp khác
Ung thư tuyến tụy có thể gây ra các triệu chứng không phải bao giờ cũng giảm bớt sau khi đã phẫu thuật, hóa trị, hoặc xạ trị. Những triệu chứng này bao gồm:
- Đau
- Vàng da do tắc nghẽn đường mật
Các phương pháp điều trị nhằm làm giảm các triệu chứng của ung thư tụy, nhưng không tác động vào bản thân khối u bao gồm:
- Hủy đám rối thần kinh celiac (CPN): Còn gọi là block đám rối thần kinh celiac, bằng cách tiêm một hóa chất (thường là cồn) vào tập hợp các dây thần kinh nhận tín hiệu đau từ tuyến tụy có tên gọi là đám rối thần kinh celiac. Hóa chất này thường gây tổn thương hoặc làm tê liệt các dây thần kinh, làm giảm cảm giác đau do ung thư tuyến tụy gây ra. Tiêm hóa chất để hủy đám rối thần kinh celiac được thực hiện qua một ống nội soi dưới hướng dẫn của siêu âm, hoặc qua da dưới hướng dẫn của CT scan. Tác dụng phụ bao gồm tiêu chảy, hạ huyết áp tạm thời, đau bụng, xảy ra trong và ngay sau khi thực hiện thủ thuật.
- Đặt stent đường mật: Đặt một ống rỗng, gọi là stent vào đường mật để giữ cho nó được thông suốt dù có sự chèn ép từ phía ngoài của khối u tụy tiến triển. Thủ thuật này ngăn ngừa tình trạng vàng da bằng cách cho phép dịch mật từ gan chảy tự do không bị cản trở qua tuyến tụy, và vào ruột. Thủ thuật thường được thực hiện với một ống nội soi đường tiêu hóa trên, nhưng cũng có thể được tiến hành xuyên qua da dưới hướng dẫn của CT scan.
Theo dõi sau điều trị ung thư tuyến tụy
Do ung thư tuyến tụy có nguy cơ tái phát sau điều trị phẫu thuật hoặc điều trị nội khoa, bệnh nhân cần được theo dõi kỹ lưỡng và liên tục. Các việc sau đây cần được thực hiện theo một lịch trình thường xuyên:
- Khám thực thể về lâm sàng
- Xét nghiệm máu, bao gồm cả xét nghiệm marker CA 19-9
- Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh định kỳ, thường là CT scan mỗi 6 tháng hoặc sớm hơn nếu cần thiết để đánh giá khi xuất hiện các triệu chứng mới.
6. Tiên lượng của ung thư tụy
Mặc dù gần đây đã có những tiến bộ trong điều trị phẫu thuật và nội khoa ung thư tuyến tụy, tiên lượng bệnh vẫn còn tương đối kém.
- Đối với những bệnh nhân có khối ung thư tụy đã được loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật, tỷ lệ sống còn 5 năm là 20-30%.
- Tại thời điểm phẫu thuật, nếu các hạch bạch huyết được phát hiện có chứa tế bào ung thư, tỷ lệ sống 5 năm giảm xuống chỉ còn 10%.
- Việc bổ sung hóa trị liệu sau phẫu thuật cắt bỏ ung thư tuyến tụy có khả năng tăng tỷ lệ sống còn trong 5 năm, nhưng chỉ được khoảng 10%.
- Đối với những bệnh nhân ung thư tuyến tụy tiến triển tại chỗ, tỷ lệ sống còn quá 3 năm là rất hiếm.
- Đối với những bệnh nhân ung thư tụy đã có di căn cùng các triệu chứng sụt cân và đau, cơ hội sống sót được 1 năm là dưới 20% cho những người được hóa trị và dưới 5% cho những người chọn lựa không nhận hóa trị.
Các thống kê này nhấn mạnh tầm quan trọng của thử nghiệm lâm sàng trong việc cố gắng tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho bệnh này. Và đặc biệt quan trọng là làm sao để phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư tuyến tụy.
6. Dự phòng ung thư tuyến tụy
Hiện không có biện pháp phòng ngừa nào cho ung thư tuyến tụy, tuy nhiên, việc giảm thiểu các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng. Các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được bao gồm hạn chế hút thuốc, uống ít rượu, bia. Nên tránh các thức ăn có quá nhiều chất mỡ, chất béo và đường ngọt.
Ung thư tuyến tụy