Tóm tắt nội dung
Vòm họng có cấu trúc hình hộp sáu mặt, mặt trước là cửa mũi sau, mặt sau là niêm mạc họng tương ứng với đốt sống cổ 1 và 2, hai bên là loa vòi nhĩ, mặt trên là bờ dưới của thân xương bướm và mảnh nền xương chẩm, mặt dưới thông với họng miệng.
Ở nước ta ung thư vòm họng có tỷ lệ mắc cao, đứng hàng đầu trong các loại ung thư đầu cổ, thứ 5 trong các bệnh ung thư nói chung.
Triệu chứng của ung thư vòm họng không điển hình, hầu hết các triệu chứng giống các biểu hiện bệnh ở các cơ quan lân cận như tai, mũi, họng, thần kinh, hạch,… vì thế mà việc chẩn đoán gặp rất nhiều khó khăn.
1. Nguyên nhân gây ung thư vòm họng
Nguyên nhân gây ung thư vòm họng chưa được biết rõ hoàn toàn, có thể bắt đầu do một hoặc nhiều đột biến gen gây ra, các tế bào bình thường phát triển ngoài tầm kiểm soát, xâm nhập cấu trúc xung quanh và cuối cùng di căn tới các bộ phận khác của cơ thể.
Một số yếu tố khác cũng được xác định như nhiễm virus Epstein-Barr làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng. Nhưng chưa giải thíc được lý do vì sao, một số người với tất cả các yếu tố nguy cơ mà không phát triển thành ung thư, trong khi những người khác yếu tố nguy cơ không rõ lại bị ung thư.
2. Yếu tố gây nguy cơ ung thư vòm họng
Hiện đã xác định được một số yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng, bao gồm:
- Giới: Ung thư vòm họng phổ biến ở nam giới hơn là nữ giới
- Chủng tộc: Hay gặp ở người Châu Á và Bắc Phi
- Tuổi: Ung thư vòm họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường được gặp ở nhóm tuổi từ 30 – 50.
- Hóa chất bảo quản thực phẩm: Một số hóa chất bảo quản thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng.
- Virus Epstein – Barr: Gây ra các biểu hiện viêm nhẹ ở mũi họng, hiện đã chứng minh có liên quan đến ung thư vòm họng.
- Tiền sử gia đình: Trong gia đình có người bị ung thư vòm họng cũng là một yếu tố nguy cơ, nhưng hiện không xác định được là do di truyền hay do môi trường.
- Hút thuốc là và uống rượu, bia: Làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng.
3. Biểu hiện lâm sàng của bệnh ung thư vòm họng
Giai đoạn đầu, ung thư vòm họng hầu như không gây ra triệu chứng gì, đến một giai đoạn nhất định có thể có các biểu hiện như:
- Nổi hạch vùng: Hạch dưới hàm, hạch vùng cổ, hạch dọc cơ ức đòn chũm
- Chảy máu từ mũi, miệng: Máu lẫn trong dịch mũi, trong nước bọt
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi, nghe kém, ù tai
- Biểu hiện toàn thân có thể gặp thường xuyên đau đầu, đau đầu không rõ nguyên nhân, mệt mỏi thường xuyên, gấy sút cân, chán ăn, ăn không ngon miệng,…
4. Cận lâm sàng
- Nội soi tai mũi họng: Có thể phát hiện thấy vị trí, kích thước và tình trạng khối u. Ngoài ra có thể thấy các tổn thương lân cận như co kéo, nổi hạch vùng. Tuy nhiên ở giai đoạn sớm, nhiều khi không phát được.
- Sinh thiết: Nội soi phát hiện thấy khối u hoặc nghi ngờ, phải sinh thiết làm xét nghiệm tế bào học để chẩn đoán xác định.
- Chụp cắt lớp (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI): Khi đã chẩn đoán xác định ung thư rồi, các biện pháp này có giúp chẩn đoán giai đoạn, qua đó quyết định phương pháp điều trị.
5. Điều trị ung thư vòm họng
Tùy theo vị trí, giai đoạn ung thư mà có biện pháp điều trị khác nhau. Thường bắt đầu bằng xạ trị, hoặc kết hợp xạ trị và hóa trị.
5.1. Xạ trị
Sử dụng tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Đối với khối u nhỏ chỉ cần xạ trị, đối với khối u lớn hoặc đã di căn xạ trị có thể được kết hợp với hóa trị. Xạ trị có thể gây một số tác dụng phụ như đỏ da, nghe kém, khô miệng.
5.2. Hóa trị
Sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư, có thể dạng thuốc viên hoặc thuốc truyền tĩnh mạch.
Hóa trị có thể áp dụng đồng thời với xạ trị, làm tăng cường hiệu quả của xạ trị, nhưng cũng làm tăng tác dụng phụ. Một số trường hợp, hóa trị được thực hiện sau khi xạ trị hoặc sau khi điều trị xạ trị và hóa trị kết hợp, còn gọi là hóa trị bổ trợ.
Hóa trị cũng có thể được thực hiện trước khi xạ trị đơn thuần hoặc trước khi xạ trị đồng thời với hóa trị. Hiện còn cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả cũng như tính an toàn của phương pháp này.
5.3. Phẫu thuật
Phẫu thuật không phải là lựa chọn ưu tiên cho điều trị ung thư vòm họng. Chỉ được sử dụng để loại bỏ khối u nhỏ khu trú ở vòm, chưa di căn. Trong một số trường hợp phẫu thuật chỉ để loại bỏ ung thư hạch bạch huyết ở cổ.
6. Phòng bệnh ung thư vòm họng
Không có biện pháp nào hiệu quả để ngăn ngừa ung thu vòm họng. Tuy nhiên, có thể thay đổi một số thói quen có thể có nguy cơ dẫn đến u thư vòm như:
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là thực phẩm sử dụng hóa chất bảo quản.
- Ăn nhạt, hàng ngày uống nhiều nước, khoảng 2,5 lít nước sôi để nguội mỗi ngày.
- Bỏ hút thuốc (nếu có)
- Uống ít rượu, bia, đồ uống có ga, các chất kích thích
- Khám sức khỏe định kỳ, làm xét nghiệm phát hiện ung thư sớm, xét nghiệm tình trạng nhiễm virus Epstein – Barr, nội soi tai mũi họng kiểm tra,….
Ung thư vòm họng