Tóm tắt nội dung
Nói chung ung thư xoang khá hiếm gặp, nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư này cao hơn so với phụ nữ. Hầu hết các bệnh ung thư khoang mũi và xoang cạnh mũi xảy ra ở các xoang hàm trên hoặc trong khoang mũi. Chúng xảy ra ít phổ biến hơn trong các xoang sàng và hiếm gặp ở các xoang trán và xoang bướm.
1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh
- Nam giới có nhiều khả năng bị ung thư xoang hơn phụ nữ
- Người trung niên và cao tổi có nguy cơ mắc cao
- Hút thuốc lá và khói thuốc lá là một yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ung thư mũi xoang, cũng giống như các ung thư khác của đường hô hấp.
- Tiếp xúc với bụi từ gỗ hoặc vải dệt, bông, sợi, cũng như hơi formaldehyde, dung môi, niken, crôm, cồn và radium làm tăng nguy cơ ung thư mũi xoang.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là tránh hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ ung thư mũi xoang.
2. Các loại ung thư xoang
Một số loại ung thư khác nhau có thể gặp trong khoang mũi hoặc xoang, bao gồm:
- Ung thư tế bào vảy (phổ biến nhất, khoảng 70% ung thư xoang) xảy ra trong đường hô hấp
- Ung thư tuyến (khoảng 10 - 20%) xảy ra ở lớp niêm mạc xoang
- U lympho (khoảng 5% bệnh ung thư) gây ra bởi các tế bào trong hệ miễn dịch hay bạch huyết
- Khối u ác tính (khoảng 3%) phát sinh từ các tế bào ở niêm mạc xoang có chứa sắc tố và rất ác tính
- U nguyên bào thần kinh khứu giác phát triển từ các dây thần kinh, nơi thần kinh đi vào khoang mũi và cung cấp cảm giác về mùi
- Nhiễm virut HPV có thể gây ra u nhú, giống như mụn cóc tăng trưởng trong mũi xoang, hầu hết là lành tính nhưng có khoảng 10% tiến triển thành ung thư.
3. Biểu hiện của ung thư xoang
Giai đoạn đầu các triệu chứng có thể gặp:
- Nghẹt mũi, tắc mũi: Thường nghẹt hoặc tắc một bên và tiến triển từ nhẹ đến nặng, khi bị nghẹt hoàn toàn sẽ kèm theo chảy máu mũi, mủ nhày.
- Chảy máu mũi: Là triệu chứng quan trọng, có thể chảy tự nhiên hoặc do va chạm... chảy máu mũi ngày càng tăng về số lần và lượng máu chảy (khi khám bệnh thấy không phải chảy ở điểm mạch do cao huyết áp).
- Đau: Thường xảy ra muộn hơn và ít gặp ở giai đoạn sớm, người bệnh có cảm giác nặng ở vùng rễ mũi hay vùng trán, ở một số trường hợp đặc biệt thì xuất hiện cơn đau dữ dội ở vùng trán.
- Sưng vùng mũi-mắt: Trong thực tế thường gặp nhiều nhất là dấu hiệu “biến dạng vùng mặt và mắt” do tổ chức u lan ra quá giới hạn xoang sàng làm cho rễ mũi phồng ra, sưng vùng gò má và nhất là biến dạng vùng mắt cùng bên (nhãn cầu lồi ra trước và ra ngoài), đôi khi mi trên bị sưng nề.
- Ngoài ra ở một số trường hợp có hiện tượng giảm thị lưc, song thị. Một số cá biệt bị bội nhiễm ở vùng lệ đạo.
Giai đoạn rõ rệt các triệu chứng có thể gặp:
- Ở giai đoạn này, các triệu chứng trên ngày càng nặng dần. U ở xoang sàng sau thì cơn đau xuất hiện ở đỉnh đầu hoặc vùng chẩm, cơn đau tuy không dữ dội nhưng liên tục (cơn đau ở vùng trán) giống như cơn đau do viêm xoang bướm, thường là đau nửa đầu và lan ra sau.
- Chảy máu mũi: Thường bị chảy máu mũi rất nhiều lần, lượng máu nhiều hay ít tuỳ từng trường hợp, có người thì khi xỉ mũi có lẫn ít máu, có người thì chảy máu tươi nhỏ giọt, nhưng phần nhiều là mũi nhầy lẫn máu.
- Rối loạn khứu giác: Triệu chứng này ít gặp, nếu có do u ở phần cao của xoang sang hoặc u thần kinh khứu giác. Khứu giác có thể giảm nhưng cũng có thể mất hoàn toàn.
- Dị dạng: Do u đã lan ra ngoài phạm vi xoang sàng phá vỡ thành trước và thành ngoài của xoang làm cho góc trong của mắt bị phồng lên hoặc nhãn cầu bị đẩy lồi, triệu chứng này rất quan trọng trong chẩn đoán.
- Các triệu chứng về mắt: Nhãn cầu bị đẩy lồi ra ngoài, chảy nước mắt, viêm tuyến lệ, phù nề mi mắt có khi viêm kết mạc, khiến nhiều trường hợp đến khám ở khoa mắt trước tiên.
- Triệu chứng toàn thân có thể gặp là người mệt mỏi, chán ăn, ăn uống kém, gầy sút cân.
- Một số trường hợp ung thư xoang nhưng hoàn toàn không có biểu hiện gì, nhất là ở giai đoạn sớm.
4. Chẩn đoán ung thư xoang
Chẩn đoán ung thư xoang cần dựa vào các phương pháp có tính chất định hướng giúp chẩn đoán xác định bệnh, bao gồm:
- Lâm sàng: Có các triệu chứng của ung thư xoang
- Khám thực thể: Phát hiện thấy khối u ở xoang, hoặc phát hiện dấu hiệu gián tiếp của khối u như hình ảnh co kéo vách ngăn, lệch má, lệch mũi…
- Nội soi tai mũi họng: Có thể quan sát thấy khối u, tình trạng khối u, hình dạng đại thể. Nội soi cũng giúp sinh thiết để làm xét nghiệm tế bào học và giải phẫu bệnh.
- Chụp X quang: Hai kỹ thuật hay được áp dụng giúp chẩn đoán các bệnh lý xoang là chụp X quang Hirtz và Blondeau, nhưng ngày nay ít dùng do có nhiều kỹ thuật khác cho kết quả chẩn đoán chính xác hơn.
- Giải phẫu bệnh: Mẫu bệnh phẩm được lấy qua nội soi tai mũi họng, kết quả giải phẫu bệnh được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán ung thư xoang.
- Chụp CT hoặc cộng hưởng từ: Giúp xác định vị trí và kích thước khối u, mức độ xâm lấn, cũng như các ảnh hưởng của khối u đến các tổ chức lân cận.
Chẩn đoán giai đoạn
Theo hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (AJCC), việc xác định giai đoạn ung thư mũi xoang dựa trên 3 yếu tố chính, còn gọi là phân loại theo TNM:
- Khối u (T): Kích thước lớn hay nhỏ? Có xâm lấm tổ chức lân cận hay chưa?
- Hạch vùng (N): Ung thư có lan tới các hạch bạch huyết gần đó ở cổ không? Nếu có, bao nhiêu hạch bị ảnh hưởng, và kích thước lớn bao nhiêu?
- Di căn xa (M): Ung thư có di căn đến các phần xa của cơ thể không? Phổi là nơi lây lan phổ biến nhất, mặc dù nó cũng có thể lan sang các cơ quan khác chẳng hạn như xương.
5. Điều trị ung thư xoang
Ung thư mũi xoang nói chung khá hiếm gặp, để điều trị hiệu quả cần xác định chính xác mức độ tổn thương và giai đoạn tiến triển của bệnh. Các phương pháp có thể tiến hành trong điều trị đó là:
5.1. Phẫu thuật
Đối với hầu hết các loại ung thư khoang mũi hoặc xoang cạnh mũi, phẫu thuật để loại bỏ ung thư có vai trò quan trọng trong điều trị. Thông thường, phẫu thuật được sử dụng cho kết quả tốt hơn các phương pháp khác.
Do hốc mũi và xoang nằm gần với nhiều dây thần kinh quan trọng, mạch máu và các cấu trúc khác như: não bộ, mắt, miệng và động mạch cảnh (động mạch cung cấp máu cho não) làm cho việc phẫu thuật trở nên khó khăn.
Mục tiêu của phẫu thuật ở những khu vực này là lấy toàn bộ khối u và một lượng nhỏ mô bình thường xung quanh nó (chưa bị tế bào ung thư xâm lấn). Việc cải thiện chức năng của khu vực xung quanh khối u là một phần quan trọng trong kế hoạch phẫu thuật.
Khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ sẽ cố gắng lấy ra các mô xung quanh vùng đã bị cắt bỏ và kiểm tra xem có tế bào ung thư hay không. Nếu không có các tế bào ung thư, ung thư được cho là đã bị loại bỏ. Nếu còn có các tế bào ung thư thì khối u chưa được loại bỏ hoàn toàn.
5.2. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó được sử dụng với nhiều mục đích điều trị ung thư:
- Là phương pháp điều trị chính đối với những người có khối u nhỏ, thường có thể được chữa khỏi bằng bức xạ.
- Những người không thể phẫu thuật do sức khỏe kém.
- Sau khi phẫu thuật, xạ trị có thể được sử dụng để tiêu diệt hết những tế bào ung thư còn sót lại.
- Xạ trị có thể được tiến hành trước khi phẫu thuật nhằm mục đích thu nhỏ khối u để dễ dàng loại bỏ.
- Xạ trị còn có thể giúp giảm bớt các vấn đề do ung thư gây ra như đau, chảy máu và khó nuốt.
- Xạ trị có thể được sử dụng để điều trị các hạch bạch huyết ở cổ ngay cả khi chúng không có các tế bào ung thư trong đó.
- Trước khi bắt đầu điều trị bằng xạ trị, cần phải đi khám chuyên khoa răng hàm mặt, bởi vì xạ trị có thể ảnh hưởng đến răng và nướu.
5.3. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc chống ung thư được đưa vào cơ thể theo đường tĩnh mạch hoặc đường uống. Những loại thuốc này đi vào máu và tiếp cận tất cả các khu vực của cơ thể, do vậy thích hợp với ung thư xoang đã di căn (lan rộng) đến các cơ quan khác.
Hóa trị được sử dụng với mục đích sau:
- Trước khi phẫu thuật (thường cùng với xạ trị) để thu nhỏ khối u và việc loại bỏ khối u dễ dàng hơn. Phương pháp này còn được gọi là hóa trị liệu bổ trợ.
- Cũng có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để nhanh chóng giảm bớt các triệu chứng mà khối u gây ra.
- Sau khi phẫu thuật (thường cùng với xạ trị) để giúp giảm nguy cơ ung thư sẽ tái phát trở lại. Đây cũng được gọi là hóa trị liệu bổ trợ.
- Hóa trị cũng có thể được sử dụng để kiểm soát sự phát triển ung thư khi nó đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể và không thể được điều trị bằng phẫu thuật hoặc xạ trị.
6. Dự phòng ung thư xoang
Để dự phòng ung thư xoang cũng như làm giảm nguy cơ tái phát, phải tiến hành loại bỏ các yếu tố nguy cơ bằng cách:
- Hạn chế hít phải các chất có thể gây nên ung thư mũi, như bụi gỗ, bụi bông, bụi vải… các hóa chất, dung môi hữu cơ…
- Bỏ hút thuốc hoặc tránh xa hói thuốc lá
- Giữ vệ sinh mũi sạch sẽ, thường xuyên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm không khí.
- Nâng cao sức khỏe, sức đề kháng bằng chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh.
- Điều trị dứt điểm khi nhiễm virut HPV.
Ung thư xoang