Tóm tắt nội dung
Dịch kính nằm trong một khối hình cầu chiếm khoảng 80% thể tích nhãn cầu, phía trước là thủy tinh thể, phía sau là võng mạc, bao xung quanh là củng mạc mắt. Dịch kính có cấu tạo chủ yếu là collagen sắp xếp theo nhiều hướng khác nhau, lấp đầy giữa các khoảng trống là nước.
Bình thường dịch kích trong suốt, giúp cho các tia sáng từ ngoài vào đến tận đáy mắt. Ngoài ra còn cung cấp dinh dưỡng cho thủy tinh thể, võng mạc, duy trì áp lực ở trong mắt để võng mạc không bị bong rách và giúp thấu kính tập trung hình ảnh rõ nét hơn trên võng mạc.
Vẩn đục dịch kính là tình trạng có nhiều hình ảnh lơ lửng với nhiều hình dạng khác nhau trong tầm mắt của người bệnh, do lắng đọng hoặc ngưng tụ trong dịch kính. Phần lắng đọng này nằm lơ lửng trong dịch kính làm cho người bị bệnh thấy các hình ảnh trôi nổi trong mắt. Những vật này sẽ di chuyển theo động tác của mắt và có xu hướng rơi xuống vùng thấp nên sẽ rõ hơn khi nằm.
Vẩn đục dịch kính thường gặp và phần lớn không gây nguy cơ biến chứng gì cho mắt, cũng không gây suy giảm thị lực. Nhưng thường cảm thấy khó chịu, đặc biệt trong những trường hợp nặng khi vẩn đục dịch kính di chuyển không ngừng trong thị trường, một số ít trường hợp có thể gây ra biến chứng rách hoặc bong võng mạc ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực.
1. Nguyên nhân gây vẩn đục dịch kính
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây vẩn đục dịch kính, bao gồm:
Thoái hóa dịch kính
Do dịch kính có thành phần bao gồm 99% là nước và 1% là collagen và axit hyaluronic. Axit hyaluronic tạo ra bộ khung giữ nước trong dịch kính, khi chất này bị khử do lão hóa sẽ dẫn đến hóa lỏng dịch kính.
Theo thời gian, cấu trúc dịch kính trở nên lỏng lẻo hơn, các sợi collagen tách khỏi khối gel, chúng tụ lại thành từng đám làm xuất hiện vẩn đục dịch kính. Đây là nguyên nhân thường gặp gây vẩn đục dịch kính, và trường hợp nay bệnh lành tính, không gây tổn thương cũng như không gây ảnh hưởng đến thị lực.
Rách và bong võng mạc
Rách và bong võng mạc có thể là nguyên nhân gây xuất huyết vào dịch kính dẫn đến vẩn đục. Cũng có thể là biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới thị lực của tình trạng thoái hóa dịch kính.
Viêm màng bồ đào: Có thể là nhiễm khuẩn hay vô khuẩn, đây cũng là nguyên nhân gây ra vẩn đục dịch kính
Xuất huyết: Xuất huyết vào dịch kính có thể do chấn thương hay do các mạch máu bất thường.
Bên cạnh đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ bị vẩn đục dịch kính là:
- Tuổi cao là một yếu tố nguy cơ hàng đầu cho sự phát triển của tình trạng vẩn đục dịch kính. Thường thì những người trên 50 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Mắc bệnh tiểu đường: Gây ra vẩn đục dịch kính do bệnh võng mạc tiểu đường.
- Cận thị: Là một yếu tố nguy cơ thường xảy ra với những người trẻ.
- Chấn thương mắt
- Sau phẫu thuật đục thủy tinh thể.
2. Triệu chứng vẩn đục dịch kính
Các triệu chứng thường gặp của vẩn đục dịch kính:
- Trong thị trường xuất hiện các vết dạng hạt, dây, chấm tròn có màu đen hoặc xám như các vật chất trôi nổi.
- Những vật trôi nổi này di chuyển khi thay đổi hướng nhìn, nếu cố gắng để nhìn chúng, chúng sẽ di chuyển nhanh ra khỏi tầm nhìn.
- Những vệt đen dễ nhận thấy nhất khi nhìn vào một nền sáng trống, chẳng hạn như bầu trời màu xanh, một bức tường trắng.
- Khi nằm các vẩn đục này có xu hướng chìm xuống phía dưới mắt, rơi về gần hoàng điểm nên nhìn dễ hơn.
- Có thể xuất hiện các triệu chứng như mắt bị chớp sáng, giảm thị lực ngoại biên, thị lực hình ống.
- Ngoài ra còn có các triệu chứng của bệnh lý kèm theo, giảm thị lực hoàn toàn do xuất huyết vào nhãn cầu, đau nhức mắt do chấn thương, bong võng mạc…
3. Điều trị vẩn đục dịch kính
Mặc dù không phải là bệnh nguy hiểm, ít ảnh hưởng đến thị lực nhưng vẩn đục dịch kính có thể gây ra những khó chịu ảnh hưởng tới tầm nhìn.
Phấn lớn trường hợp lành tính, không cần điều trị gì, chỉ cần luyện tập làm quen với những ảnh hưởng của tình trạng vẩn đục, bởi vì hiện chưa có phương pháp điều trị được chứng minh là hiệu quả.
Trong một số trường hợp vẩn đục dịch kính ảnh hưởng tới thị lực, gây ra các biến chứng thì được chỉ định phẫu thuật:
- Phẫu thuật hút bỏ dịch kính: Nhằm loại bỏ dịch kính bị vẩn đục và thay thế bằng một dung dịch trong suốt có tác dụng tương tự. Tuy nhiên, phương pháp này ít được chỉ định do có thể gây ra một số biến chứng như dịch kính loãng, bong võng mạc, đục thủy tinh thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực.
- Dùng tia laser để phá vỡ các đốm đen: Sử dụng năng lượng cao của chùm tia laser để phá vỡ vùng dịch kính bị đục. Phương pháp này đơn giản và an toàn hơn phương pháp phẫu thuật, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu sâu chứng minh hiệu quả điều trị, cũng như mức độ an toàn mà nó mang lại.
Vẩn đục dịch kính