Viêm amidan là bệnh gì?

Amidan hoạt động như một cơ chế bảo vệ và giúp ngăn cơ thể khỏi bị nhiễm khuẩn đặc biệt là viêm đường hô hấp dưới. Khi virus hoặc vi khuẩn tấn công với số lượng lớn vào cơ thể khiến amidan không thể chống lại được, gây ra viêm, và amidan là tổ chức viêm đầu tiên, tình trạng này được gọi là viêm amidan.

Viêm amidan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở trẻ em. Viêm amidan thường được chẩn đoán ở trẻ em từ tuổi mẫu giáo đến tuổi thiếu niên. Các triệu chứng bao gồm sốt, đau họng, sưng amidan, amidan có mủ.

1. Nguyên nhân gây viêm amidan

Do cấu tạo của amidan có nhiều khe và hốc, lại ở vị trí cửa ngõ đường hô hấp nơi tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên rất hay bị viêm.

Viêm amidan thường gặp ở những đối tượng có sức đề kháng yếu, chẳng hạn như trẻ em, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch…

Nguyên nhân gây viêm amidan

Các nguyên nhân gây viêm amidan có thể bao gồm:

  • Do virus như Adenoviruses, Enteroviruses, virus cúm, á cúm, herpes…
  • Do vi khuẩn như liên cầu, phế cầu, tụ cầu, trực khuẩn…

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm amidan:

  • Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá
  • Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh, ô nhiễm môi trường, nhiều khói, bụi độc hại…
  • Người có tiền sử từng mắc viêm amidan, viêm xoang, viêm lợi, sâu răng…

2. Triệu chứng viêm amidan

Triệu chứng viêm amidan

Biểu hiện của viêm amidan là tình trạng viêm tấy và sưng đỏ. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, có thể khó thở bằng miệng. Các dấu hiệu viêm amidan bao gồm:

  • Sốt và ớn lạnh
  • Đau cổ họng, amidan sưng đỏ
  • Xuất hiện lớp dịch phủ màu trắng hoặc vàng
  • Xuất hiện vết phồng rộp hoặc vết loét đau rát trên cổ họng
  • Đau đầu, đau tai, ăn uống kém,
  • Khó nuốt, sưng hạch cổ hoặc hạch dưới hàm
  • Hôi miệng, giọng nói khó nghe hoặc khàn giọng, ngạt thở

Ở trẻ em, có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như:

  • Rối loạn tiêu hóa như nôn, đau bụng, chảy nước dãi
  • Biếng ăn

Viêm amidan được coi là bệnh phổ biến ở trẻ em, thực tế hầu như trẻ em nào cũng bị viêm amidan ít nhất 1 lần trong đời.

3. Chẩn đoán viêm amidan

Chẩn đoán viêm amidan

Khám lâm sàng

  • Triệu chứng cơ năng có thể có sốt, đau đầu, người mệt mỏi, đau họng, khó nuốt
  • Nhìn bằng mắt thường có thể phát hiện thấy amidan sưng, đỏ, có thể có mủ

Xét nghiệm

Bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng viêm là do virus hay vi khuẩn, từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp.

4. Phân loại bệnh viêm amidan

Phân loại bệnh viêm amidan

Viêm amidan cấp tính

  • Dấu hiệu đầu tiên khi bị viêm amidan cấp tính là tình trạng cơ thể sốt 39-40 độ C, cảm giác khô rát họng và đau khi nuốt hoặc ho.
  • Các triệu chứng tiếp theo có thể xuất hiện như lưỡi trắng, niêm mạc họng đỏ và sưng
  • Toàn thân mệt mỏi, chán ăn và có dấu hiệu tiểu ít, táo bón.
  • Các triệu chứng nhanh chóng giảm hoặc hết trong vòng 10 ngày

Viêm amidan mãn tính

Tình trạng viêm amidan cấp tính, nếu không được điều trị kịp thời thì có thể kéo dài, tái phát nhiều lần trong năm thì được coi là viêm amidan mạn tính.

Viêm amidan mạn tính, ngoài các triệu chứng giống viêm cấp tính thì có thêm các triệu chứng như:

  • Miệng có mùi hôi
  • Sốt tái lại nhiều lần
  • Cảm giác vướng víu nơi cổ họng khi nuốt thức ăn hoặc uống nước
  • Thể trạng kém, yếu ớt và có thể sốt khi về chiều
  • Ho khan từng cơn, khạc nhổ có đờm và thường có những cơn ho kéo dài
  • Giọng nói thay đổi do ho nhiều gây đau họng, rát cổ họng
  • Thở khò khè, người lớn ngủ ngáy, trẻ em có thể gặp hội chứng ngưng thở khi ngủ

Viêm amidan quá phát

  • Viêm amidan quá phát có nguồn cơn từ viêm amidan mạn tính.
  • Các tác nhân gây bệnh có sẵn trong amidan chỉ chờ thời cơ là chuyển qua giai đoạn quá phát.
  • Khi bước sang giai đoạn này, người bệnh thường bị sốt, đau họng, amidan sưng to.
  • Các triệu chứng tương tự như viêm amidan cấp tính nhưng sẽ kéo dài hơn. Viêm amidan quá phát xảy ra khoảng 4 lần mỗi năm.

5. Điều trị viêm amidan

Có rất nhiều phương pháp điều trị:

Điều trị nội khoa

Điều trị bệnh viêm amidan nội khoa bằng thuốc

  • Nếu nguyên nhân là do nhiễm khuẩn: bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm, chống sưng nề.
  • Nếu nguyên nhân là do virus: chỉ cần điều trị triệu chứng, như hạ sốt, giảm ho, giảm sổ mũi…

Điều trị ngoại khoa

Nếu điều trị nội khoa thất bại, hoặc viêm amidan đã gây ra các biến chứng thì phải phẫu thuật để điều trị triệt để.

Chỉ định phẫu thuật cắt amidan

  • Tổ chức amidan viêm mạn tính tái đi tái lại trên 5 lần mỗi năm
  • Viêm amidan đã gây biến chứng tại chỗ như viêm tấy, áp xe quanh amidan. Trong trường hợp này cần điều trị kháng sinh chích rạch tháo mủ, sau khi ổn định cần cắt amidan.
Điều trị bệnh viêm amidan ngoại khoa qua phẫu thuật

Viêm amidan gây biến chứng ở các tổ chức kế cận, chẳng hạn như là ổ nhiễm khuẩn gây nên viêm họng, viêm mũi xoang, viêm tai cũng như là thanh quản.

Viêm amidan gây nên những biến chứng xa mỗi khi vi khuẩn được tung vào máu gây nên những biến chứng nguy hiểm như viêm thận, viêm khớp, viêm tim thì cũng cần cắt amidan để giải quyết ổ nhiễm khuẩn.

Amidan quá to ảnh hưởng đến ăn uống, thở, phát âm và ngủ ngáy cũng có chỉ định cắt amidan.

Chống chỉ định cắt amidan

Chống chỉ định tuyệt đối: 

  • Có bệnh về máu, tim mạch như bệnh chảy máu kéo dài, suy tim nặng…
  • Có bệnh mạn tính: bệnh lao, đái tháo đường, suy thận…

Chống chỉ định tương đối:

  • Amidan trong thời kì viêm cấp: đang trong tình trạng đau rát họng, niêm mạc xung huyết đỏ, bạch cầu cao trên 10 G/L.
  • Đang trong thời kỳ nhiễm khuẩn cục bộ hay toàn thân như mụn nhọt.
  • Phụ nữ trong thời kỳ có thai, hay đang hành kinh.
  • Sống trong vùng đang có dịch như cúm, sởi, sốt xuất huyết…
  • Thời tiết có biến động lớn: có thể nóng quá hoặc lạnh quá.
  • Trẻ dưới 5 tuổi hoặc người trên 55 tuổi.

6. Dự phòng viêm amidan

Đối với trẻ em

Phòng viêm amidan đối với trẻ em

Đưa trẻ đi khám khi những dấu hiệu viêm amidan xuất hiện, phối hợp điều trị với bác sĩ chuyên khoa.

Cha mẹ cần phải chăm sóc trẻ đúng cách:

  • Chú ý đến chế độ dinh dưỡng, bổ sung đầy đủ những dưỡng chất cần thiết giúp củng cố hệ miễn dịch và tăng cường sức khỏe cho trẻ.
  • Nhắc trẻ súc miệng thường xuyên bằng nước muối sinh lí để vệ sinh họng, răng miệng.
  • Giữ môi trường, phòng ở, nhà cửa, khu vui chơi của trẻ luôn sạch sẽ
  • Cho trẻ uống nhiều nước (gồm nước trái cây) để bù nước cho cơ thể do sốt, đồng thời giảm tình trạng viêm, khô họng.
  • Tuân thủ lịch tái khám theo chỉ định và liệu trình của bác sĩ, tránh viêm amidan tái phát gây nhiều biến chứng không mong muốn.
  • Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ.

Đối với người lớn

Phòng viêm amidan đối với người lớn

Bệnh viêm amidan rất dễ tái phát, nhất là gặp các điều kiện thuận lợi như thời tiết thay đổi, người lớn có tiền sử mắc các bệnh hô hấp hay thường xuyên hút thuốc, ăn uống không lành mạnh.

Do đó, mỗi người cần chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình bằng những biện pháp sau:

  • Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lí
  • Uống nhiều nước
  • Sử dụng thức ăn mềm nếu cảm thấy đau khi nuốt
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ nếu không khí quá khô
  • Súc miệng nhiều lần trong ngày bằng nước muối sinh lí
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm, thức uống khiến tình trạng tổn thương vùng họng thêm nặng như thực phẩm cay nóng, nhiều chất béo, thức uống quá lạnh…
  • Hạn chế các chất kích thích không tốt cho sức khỏe, gây ảnh hưởng vùng họng như thuốc lá, nước uống có ga, cà phê, chè…
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ, loại bỏ các tác nhân gây ô nhiễm
  • Hạn chế nói to, nói nhiều tránh những tổn thương đến họng
  • Giữ ấm vùng họng khi trời lạnh
  • Tăng cường việc luyện tập thể thao, duy trì sức khỏe, tăng sức đề kháng.

Viêm amidan