Bao hoạt dịch tiết ra dịch khớp giúp bôi trơn, giảm ma sát, giúp khớp vận động được trơn tru. Ngoài ra còn có vai trò như một lớp đệm giữa xương và các bộ phận xung quanh như cơ bắp, gân, da giúp cho các hoạt động của khớp được dễ dàng hơn.

Bệnh viêm bao hoạt dịch thường xuất hiện ở những khớp xương phải hoạt động thường xuyên như khớp gối, khớp cổ tay... và có xu hướng tái phát sau khi đã điều trị khỏi. Viêm bao hoạt dịch khớp là một trong những bệnh lý xương khớp phổ biến hiện nay, bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ mắc bệnh viêm bao hoạt dịch. Tuy nhiên những trường hợp phải hoạt động chân tay nhiều và càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. 

1. Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch

Chấn thương

Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch là do chấn thương

Chấn thương có thể kích thích các mô bên trong túi dịch và gây viêm. Các khớp, gân hoặc cơ gần túi dịch có thể đã hoạt động quá nhiều. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra loại chấn thương này là các hoạt động lặp đi lặp lại.

Các trường hợp phổ biến gây viêm bao hoạt dịch như:

  • Hội chứng đau khuỷu tay (còn gọi là hội chứng Tennis Elbow): Viêm bao hoạt dịch ở những người chơi tennis và golf, đây là chấn thương phổ biến do khớp khuỷu tay thường xuyên co duỗi có thể dẫn đến chấn thương và viêm.
  • Thường xuyên phải quỳ gối có thể gây tổn thương và sưng bao hoạt dịch ở khu vực đầu gối.
  • Các hoạt động giơ tay cao lặp đi lặp lại có thể gây ra viêm túi hoạt dịch ở vai.
  • Chấn thương ở mắt cá chân có thể do đi bộ quá nhiều và mang giày không đúng kích thước có thể gây viêm túi hoạt dịch ở gót chân
  • Túi hoạt dịch ở vùng mông có thể bị viêm sau khi ngồi trên bề mặt cứng trong thời gian dài, chẳng hạn như ngồi xe máy đi phượt.
  • Kéo giãn cơ đùi có thể gây viêm túi dịch ở khu vực này.

Thoái hóa khớp: Khi khớp bị thoái hóa, bao hoạt dịch giảm tiết dịch nhờn, kết hợp với tổn thương các tổ chức xung quanh, làm cho khớp vận động khó khăn, đây là nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch.

Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch do thoái hóa khớp

Nhiễm trùng: Nhiễm trùng sẽ gây viêm các túi dịch ở gần bề mặt da, một vết rách ra gần khớp có thể tạo cơ hội để vi sinh vật vào trong và gây viêm.

Bệnh cơ xương khớp: Một số bệnh lý như bệnh gút, giả gút, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì… gây lắng đọng tinh thể hay tổn thương bao hoạt dịch, có thể kích thích túi dịch và gây viêm.

Ngoài các nguyên nhân trên thì nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng lớn
  • Nghề nghiệp: Lao động chân tay mà các động tác cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, lao động nặng nhọc, bê vác nặng, gánh nặng…
  • Suy giảm miễn dịch: Gặp trong các trường hợp như dùng thuốc ức chế miễn dịch, nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh tiểu đường, hóa trị hoặc xạ trị điều trị ung thư…
  • Mắc bệnh toàn thân: Bệnh suy gan, suy thận, ung thư…

2. Các dạng bệnh viêm bao hoạt dịch

cac-dang-benh-viem-bao-hoat-dich

Viêm bao hoạt dịch có nhiều dạng, mỗi dạng lại có thể diễn biến cấp tính hay mạn tính.

  • Viêm bao hoạt dịch bánh chè: Là tình trạng viêm xung quanh xương bánh chè, có thể viêm cấp tính hoặc mạn tính.
  • Viêm bao hoạt dịch khớp khuỷu: Thường ảnh hưởng đến các túi dịch ở đầu khuỷu tay. Đôi khi cũng có thể cảm thấy có các nốt sẩn nhỏ trong túi dịch. Đây là một tình trạng mạn tính.
  • Viêm bao hoạt dịch quanh mấu chuyển xương đùi: Thường ảnh hưởng đến vùng hông và khớp háng, bệnh thường tiến triển chậm và có thể xuất hiện cùng các tình trạng sức khỏe khác như viêm khớp.
  • Viêm bao hoạt dịch gân Achilles: Có thể gây đau và sưng ở gân gót chân, bệnh có thể tính hoặc mạn tính.
  • Các tình trạng viêm bao hoạt dịch do nhiễm khuẩn: Có thể làm cho bao hoạt dịch đỏ, nóng, sưng và đau. Kèm theo các triệu chứng ớn lạnh, sốt và có các triệu chứng nhiễm trùng khác như mệt mỏi, da khô, đau đầu, đau người…

3. Triệu chứng viêm bao hoạt dịch

Triệu chứng viêm bao hoạt dịch

Các triệu chứng viêm bao hoạt dịch thường gặp gồm:

  • Khớp sưng nóng và tấy đỏ
  • Đau nhức hoặc cứng khớp, cơn đau sẽ chuyển biến nặng hơn khi di chuyển hoặc ấn vào
  • Có thể xuất tiết dịch nhiều gây ứ dịch trong bao hoạt dịch hoặc tràn dịch khớp

Ngoài ra, các triệu chứng còn tùy thuộc vào vị trí viêm bao hoạt dịch như:

  • Viêm bao hoạt dịch khớp gối: Đau và hạn chế vận động khớp gối, khó khăn khi đi lại
  • Viêm bao hoạt dịch khớp khuỷu: Khó co và duỗi khuỷu tay
  • Viêm bao hoạt dịch cổ tay: khó cầm, nắm đồ vật
  • Viêm bao hoạt dịch quanh mấu chuyển: Sẽ đau khi nằm nghiêng
  • Viêm bao hoạt dịch gân Achilles: Khó vận động khớp cổ chẩn, đi lại khó khăn

4. Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch

Chẩn đoán viêm bao hoạt dịch

Các bác sĩ có thể chẩn đoán viêm bao hoạt dịch dựa trên tiền sử bệnh và khám thực thể. Ngoài ra có thể yêu cầu một số xét nghiệm cận lâm sàng như:

  • Chụp X quang: Không giúp chẩn đoán xác định bệnh viêm bao hoạt dịch nhưng có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác, như thoái hóa, tổn thương xương, chấn thương…
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đánh giá khá rõ các tổn thương khớp và dây chằng
  • Nội soi khớp: Rất có giá trị giúp chẩn đoán xác định viêm bao hoạt dịch
  • Xét nghiệm công thức máu và CRP: Xác định xem có dấu hiệu viêm hay hay không
  • Xét nghiệm các yếu tố miễn dịch: Như kháng thể kháng nhân (ANA), kháng nguyên bạch cầu người (HLA-B27), yếu tố dạng thấp (RF)… chẩn đoán các trường hợp viêm khớp liên quan đến bệnh tự miễn dịch.
  • Xét nghiệm dịch khớp: Soi tươi tìm vi khuẩn, bạch cầu, hay nuôi cấy tìm vi khuẩn…
  • Xét nghiệm dịch khớp: Cũng giúp phát hiện các tinh thể urat, qua đó chẩn đoán xác định bệnh gút.

5. Điều trị viêm bao hoạt dịch

Điều trị viêm bao hoạt dịch

Nói chung, tình trạng viêm bao hoạt dịch có thể tự phục hổi, chỉ cần thực hiện nghỉ ngơi, bất động khớp viêm.

Một số trường hợp cần phải điều trị thêm như:

  • Thuốc giảm đau: Có thể dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs), giúp giảm đau, cải thiện chức năng khớp bị viêm. Có thể dùng một trong các thuốc như meloxicam, ibuprofen, cerecoxib, etoricoxib…
  • Điều trị kháng sinh: Viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Tiêm corticosteroid vào túi dịch có thể làm giảm đau và viêm ở vai hoặc hông. Các thuốc này có thể bắt đầu có tác dụng nhanh chóng.
  • Phẫu thuật: Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật túi dịch bị viêm để dẫn lưu. Rất hiếm khi chỉ định phẫu thuật cắt bỏ túi dịch.

Các biện pháp điều trị không dùng thuốc: 

  • Đai cố định hoặc dùng nạng hay gậy đi bộ: Sẽ giúp giảm áp lực lên khu vực bị ảnh hưởng, qua đó giúp giảm đau và nhanh hồi phục.
  • Vật lý trị liệu, các bài tập có thể tăng cường cơ ở khu vực bị ảnh hưởng để giảm đau và ngăn ngừa tái phát.
  • Nghỉ ngơi và không vận động quá sức các khu vực tổn thương
  • Chườm đá để giảm sưng trong 48 giờ đầu sau khi xuất hiện triệu chứng, sau đó chườm nóng để tăng cường lưu thông máu, giúp nhanh hồi phục.

6. Dự phòng viêm bao hoạt dịch

Phòng ngừa viêm bao hoạt dịch

Một số biện pháp có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh như:

  • Hạn chế lao động gắng sức, nâng vật nặng đúng cách
  • Tránh các tư thế xấu trong lao động và học tập như ngồi nhiều, đứng lâu
  • Có thời gian nghỉ ngơi hợp lý khi thực hiện các động tác lặp đi lặp lại, nhất là trong luyện tập thể dục thể thao
  • Phải khởi động đúng cách trước khi chơi thể thao, đặc biệt là bơi lội
  • Duy trì cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì
  • Điều trị sớm và triệt để các bệnh lý cơ xương khớp
  • Hạn chế tối đa các chấn thương, các vết chương rách da, nhất là khu vực gần các khớp.

Viêm bao hoạt dịch