Viêm cột sống dính khớp là bệnh viêm mạn tính ở khớp cùng chậu, cột sống và các khớp ở chi dưới, thường kèm theo viêm các điểm bám gân. Bệnh tiến triển chậm, nhưng có xu hướng dính khớp.

Nguyên nhân gây bệnh chưa được rõ ràng nhưng người ta thấy có vai trò của yếu tố kháng nguyên hòa hợp tổ chức HLA-B27.

Nguyên nhân gây bệnh

- Nguyên nhân chưa được biết rõ hoàn toàn, nhưng có đặc điểm chính là hiện tượng viêm và xơ hóa, canxi hóa các dây chằng, bao khớp, đặc biệt ở vị trí cột sống và các điểm bám gân.

- Kháng nguyên hòa hợp mô HLA-B27 gặp trong 90% các trường hợp. Trong khi yếu tố gia đình chiếm tỷ lệ 10%.

- Sự kết hợp giữa yếu tố gen và tác nhân nhiễm khuẩn ban đầu, gây phản ứng miễn dịch kéo dài, có sự tham gia của nhiều yếu tố hoại tử u, có thể là tác nhân khởi phát bệnh.

- Phản ứng miễn dịch gây ra một chuỗi phản ứng viêm, có vai trò xúc tác của men COX.

- Hiện tượng xơ hóa các mô sụn hoặc mô xương gây hạn chế vận động, có kèm sự phá hủy khớp cũng là nguyên nhân ban đầu của bệnh.

Biểu hiện lâm sàng

Khởi phát thường có biểu hiện:

- Ban đầu thường có biểu hiện đau vùng hông, đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân, hai bàn chân.

- Viêm gân Achille, viêm các khớp chi dưới như khớp cổ chẩn, khốp gối, khớp háng và đau cột sống thắt lưng. Các biểu hiện kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Giai đoạn toàn phát:

- Sau giai đoạn trên, biểu hiện sưng đau, hạn chế vận động, teo cơ, biến dạng khớp xảy ra ở nhiều khớp.

- Tính chất viêm thường đối xứng và đau tăng lên về đêm.

- Tại cột sống: Thường có biểu hiện đau liên tục vùng thắt lưng, kèm hạn chế vận động, teo cơ cạnh cột sống, có thể biến dạng, gù lưng hoặc cứng.

- Vùng khơp cùng chậu: Đau, đau lan xuống đùi, teo cơ, biểu hiện rõ nhất trên X quang.

- Biểu hiện toàn thân có thể gặp: Sốt nhẹ, gầy sút cân, viêm mống mắt, hở van tim,....

- Các biểu hiện hiếm gặp: Xơ teo da, xơ phổi, chép ép rễ thần kinh tủy, thoát vị bẹn,...

Tiến triển

- Tiến triển chung: Nặng dần, dẫn đến dính, biến dạng khớp. Nếu không được điều trị sớm và phù hợp, bệnh để lại nhiều tư thế xấu, thậm chí tàn phế.

- Biến chứng: Bệnh có thể gây suy hô hấp, tim phổi mạn, lao phổi, liệt hai chi do chèn ép tuỷ và rễ thần kinh.

Cận lâm sàng

- Xét nghiệm thông thường ít có giá trị chẩn đoán, ít có biến đổi về sinh hóa, huyết học, có thể có máu lắng tăng.

- Kháng nguyên hòa hợp mô HLA-B27 gặp trong 90% các trường hợp, trong khi ở người bình thường khoảng 4 – 8% có HLA-B27.

- X quang: Giai đoạn sớm có thể thấy viêm khớp cùng chậu hai bên, giai đoạn 3 (hẹp nhiều khe khớp, có chỗ dính) và giai đoạn 4 (dính hoàn toàn không còn ranh giới).. Giai đoạn muộn có thể thấy khuyết xương hoặc dính khớp háng hai bên, dải xơ cột sống, cầu xương cột sống.

Chẩn đoán

Tiêu chuẩn của hội thấp khớp NewYork, 1966:

- Lâm sàng:

+ Trong tiền sử hoặc hiện tại có đau vùng lưng, thắt lưng

+ Hạn chế vận động vùng thắt lưng cả 3 tư thế

+ Giảm độ giãn lồng ngực

- X quang: Viêm khớp cùng chậu 2 bên giai đoạn 3, 4.

Chẩn đoán xác định khi có một tiêu chuẩn lâm sàng và một tiêu chuẩn Xquang.

Áp dụng thực tế ở Việt Nam:

- Nam giới, trẻ tuổi.

- Đau và hạn chế vận động khớp háng hai bên.

- Đau và hạn chế vận động cột sống thắt lưng.

- Tốc độ lắng máu tăng cao.

- Xquang: Viêm khớp cùng chậu hai bên giai đoạn 2 trở lên.

Điều trị viêm cột sống dính khớp

Nguyên tắc chung:

- Bao gồm điều trị nội khoa, vật lý trị liệu và ngoại khoa

- Mục đích: Giảm đau, chống viêm; phòng chống cứng khớp, đặc biệt là phòng chống cứng ở tư thế xấu và khắc phục dính khớp (nếu có).

Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs):

- Đây là lựa chọn đầu tiên chỉ định cho trường hợp viêm cột sống dính khớp có đau, cứng khớp.

- Có thể sử dụng trong thời gian dài nếu tình trạng viêm kéo dài.

- Cần chú ý đến các tác dụng không mong muốn trên tim mạch, dạ dày, thận khi điều trị kéo dài.

- Có thể lựa chọn một trong các loại celecoxib, meloxicam, diclofenac, etoricoxib.

Thuốc giảm đau giãn cơ: Nên sử dụng kết hợp với thuốc giảm đau như paracetamol và thuốc giãn cơ eperisone, thiocolchicoside, tolperisone.

Glucocorticoids: Tiêm corticosteroids tại chỗ được chỉ định trong trường hợp viêm điểm bám gân, hoặc các khớp ngoại biên kéo dài. Không khuyến cáo điều trị corticosteroid đường toàn thân.

Thuốc thấp khớp làm biến đổi bệnh-DMARD: DMARD như sulfasalazine, methotrexat được chỉ định cho những trường hợp có biểu hiện viêm khớp ngoại biên, liều lượng dựa vào đáp ứng lâm sàng.

Chế phẩm sinh học: Điều trị bằng chế phẩm sinh học hay thuốc kháng TNF, cho các thể bệnh hoạt động dai dẳng, mặc dù đã điều trị thường quy. Có thể kết hợp với thuốc kháng viêm không steroid, nhưng không được kết hợp với DMARD.

Điều trị phẫu thuật

- Thay khớp háng, được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân đau kéo dài, hạn chế vận động, và có phá hủy cấu trúc rõ trên hình ảnh X quang.

- Chỉnh hình cột sống, chỉ định khi có biến dạng cột sống, cong vẹo, dính đốt sống

Điều trị không dùng thuốc:

- Giáo dục cho người bệnh biết về bệnh và tầm quan trọng của luyện tập trong điều trị bệnh. Luyện tập có thể thực hiện tại nhà hoặc tại cơ sở y tế

- Vật lý trị liệu phục hồi chức năng, thực hiện các bài tập có các thiết bị hỗ trợ tại trung tâm phục hồi chức năng.

Điều trị hỗ trợ:

Trong tất cả các trường hợp, điều trị hỗ trợ bằng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng cũng có vai trò quan trọng.

- Giúp cột sống khỏe mạnh, giảm lực đè lên vị trí bị chèn ép bằng sản phẩm chứa canxi, vitamin D, MK7 cùng các dưỡng chất thiết yếu.

MK7 ngoài tác dụng vận chuyển canxi vào tận xương, vào đúng nơi cần thiết, nó còn có tác dụng vận chuyển canxi ra khỏi chỗ không cần thiết. Vì vậy, sản phẩm chứa MK7 còn có tác dụng làm giảm hình thành gai xương và giảm nguy cơ lắng đọng canxi ở các điểm bám gân.

- Làm giảm chèn ép rễ thần kinh và mạch máu, giảm đau, giảm tê bì, giúp tăng tái tạo sụn khớp bằng sản phẩm chứa tiền vitamin B1 (Fursultiamin) , các vitamin nhóm B, chondroitin, Ginkgo Biloba và cao Blueberry.

Phòng bệnh

Nguyên nhân của bệnh chưa biết rõ nên chưa có biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên có thể thực hiện một số biện pháp sau để hạn chế nguy cơ mắc bệnh:

- Tránh ẩm thấp, tránh viêm nhiễm đường tiết niệu, sinh dục và viêm đường ruột

- Nên nằm thẳng, trên ván cứng, tránh kê độn (cổ và gối), tránh nằm võng…

- Nên tập thể dục thường xuyên, bơi hoặc đi xe đạp, đi bộ, chạy bộ….

- Trong một số trường hợp để hạn chế tư thế xấu có thể sử dụng đai lưng, hoặc ngồi ghế chỉnh hình cột sống.

Mọi thắc mắc cần được giải đáp, xin gửi về songkhoe@bacsituvan.vn

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Viêm cột sống dính khớp