Viêm đường hô hấp trên là gì?

Hệ hô hấp được xác định bắt đầu từ cửa mũi trước tới các phế nang trong phổi. Trong đó, đường hô hấp trên bao gồm mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản. Chức năng của đường hô hấp trên là lấy không khí bên ngoài, làm ẩm, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Đường hô hấp dưới là thực hiện các chức năng lọc và trao đổi khí.

Viêm đường hô hấp trên là tổng hợp nhiều bệnh lý khác nhau, bao gồm viêm họng, cảm lạnh, viêm xoang, viêm mũi, viêm thanh quản… Hệ hô hấp trên chính là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với mọi điều kiện bất lợi từ môi trường, kể cả vi khuẩn, nấm mốc… do đó cơ quan này vô cùng nhạy cảm và dễ mắc bệnh.

Những đối tượng dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên là trẻ em, người cao tuổi, người bị bạch cầu, bị suy giảm miễn dịch… Hiện nay, rất nhiều người vẫn còn thờ ơ và chủ quan với các biến chứng gây ra do viêm đường hô hấp trên vì nghĩ rằng đây là bệnh đơn giản, không đáng ngại. Tuy nhiên, có thể gặp các vấn đề như viêm phế quản, viêm phổi, nguy hiểm hơn là suy hô hấp gây tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

1. Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên

Nguyên nhân gây viêm đường hô hấp trên
  • Viêm đường hô hấp trên nguyên nhân từ sự xâm lấn trực tiếp của các virus hoặc vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng vào niêm mạc của đường hô hấp trên.
  • Các tác nhân gây bệnh có thể kí sinh ở ngay đường hô hấp, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển và gây bệnh.
  • Các tác nhân cũng có thể bị nhiễm từ người khác hoặc từ môi trường bên ngoài vào đường hô hấp.

Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng xâm nhập của một số loại virus, vi khuẩn gây bệnh viêm đường hô hấp trên như:

  • Tình trạng sức khỏe: Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, trẻ sinh non, còi xương, suy dinh dưỡng, hoặc người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính…
  • Môi trường sống: Môi trường ẩm thấp, thường xuyên tiếp xúc với điều kiện vệ sinh kém, trẻ nằm ở phòng có điều hòa với nhiệt độ thấp, khiến mũi họng thường bị khô dẫn đến viêm
  • Khí hậu: Nhiệt độ môi trường lạnh, thay đổi đột ngột, nhất là về mùa đông xuân ở miền bắc nguy cơ mắc bệnh rất cao.

2. Triệu chứng bệnh viêm đường hô hấp trên

Triệu chứng bệnh viêm đường hô hấp trên

Triệu chứng của bệnh đường hô hấp trên thường rất đa dạng, chúng có thể là dấu hiệu đơn lẻ hoặc kết hợp. Nói chung là triệu chứng viêm đường hô trên thường là nhẹ, hiếm khi có triệu chứng nguy kịch.

Các triệu chứng thường gặp là:

  • Sốt: Thường gặp nhất, trẻ em thường dễ sốt cao hơn người lớn, thân nhiệt có thể tăng cao 39-40 độ C, kèm theo các dấu hiệu như viêm kết mạc, ngứa, đau mắt, chảy nước mắt…
  • Ho: Xuất hiện trong hầu hết các bệnh viêm đường hô hấp, thông thường ho thường xuất hiện từng cơn, ho khan có đờm hoặc không đờm.
  • Sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng, mệt mỏi chán ăn…
  • Một số trẻ em bị viêm VA mạn tính kéo dài do trực khuẩn, có chất nhầy màu xanh ở mũi
  • Trường hợp viêm xoang thường kèm theo triệu chứng đau đầu, ù tai, nghe kém.
  • Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm: Khó thở, đau vùng xoang, ngứa mắt, chảy nước mắt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy. Khi xuất hiện các triệu chứng này thì bệnh đã có dấu hiệu trở nặng, nếu không chữa trị tốt, bệnh có thể chuyển sang viêm đường hô hấp trên mạn tính với triệu chứng thường là ho, rát họng, nuốt thấy hơi vướng trong họng, nghẹt mũi do hiện tượng phì đại cuống mũi.

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường hô hấp trên thường kéo dài từ 3 đến 14 ngày, nếu dài hơn có thể gợi ý đến các bệnh khác như viêm dị ứng, viêm phổi, viêm phế quản.

Đối với viêm thanh quản do virus, có dấu hiệu khàn tiếng hoặc mất tiếng do dây thanh âm bị viêm nhiễm, phù nề.

Viêm đường hô hấp trên thường lui dần sau 5-6 ngày, có thể tự khỏi trong vòng 2 tuần. Mặc dù là các bệnh viêm đường hô hấp trên có triệu chứng không nặng nhưng lại là một trong các nguyên nhân khiến người bệnh phải nghỉ học, nghỉ lao động.

Nếu đồng nhiễm với viêm đường hô hấp dưới, tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn do 2 bệnh tự làm nặng lẫn nhau, có nguy cơ dẫn đến tử vong. Ngoài ra ở các trường hợp viêm đường hô hấp thể nặng, vi khuẩn có thể gây ra một vài biến chứng đe dọa tính mạng như viêm não, viêm cơ tim, viêm cầu thận cấp.

3. Chẩn đoán bệnh viêm đường hô hấp trên

Chẩn đoán bệnh viêm đường hô hấp trên

Thông thường việc chẩn đoán viêm đường hô hấp trên dựa vào các triệu chứng lâm sàng, thăm khám tại chỗ và các xét nghiệm.

Lâm sàng với các triệu chứng: Sốt, ho, sổ mũi, chảy nước mũi, đau rát họng, khàn tiếng…

Thăm khám tại chỗ hoặc qua nội soi họng: Niêm mạc mũi họng đỏ, sưng nề, có thể phát hiện hốc mủ, amydal sưng to, phù nề dây thanh, nổi hạch dưới hàm, hạch mang tai…

Một số xét nghiệm giúp chẩn đoán nguyên nhân:

  • Xét nghiệm công thức máu
  • Xét nghiệm kháng nguyên virus
  • Nội soi mũi họng
  • Chụp X quang phổi

4. Điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên

Điều trị bệnh viêm đường hô hấp trên

Phần lớn trường hợp viêm đường hô hấp trên là do virus, nên chỉ cần điều trị triệu chứng. Cụ thể các biện pháp điều trị như sau:

  • Điều trị sốt, đau đầu: Bằng thuốc paracetamol, ibuprofen
  • Điều trị nghẹt mũi: Dùng thuốc kháng histamin đường uống kết hợp với thuốc xịt mũi họng có chứa xylometazolin, xịt rửa mũi hàng ngày bằng nước muối biển
  • Điều trị ho khan: Bằng thuốc cắt cơn ho như terpin codein
  • Điều trị ho có đờm: Bằng thuốc long đờm
  • Kháng sinh được sử dụng trong một số trường hợp viêm đường hô hấp trên liên quan đến vi khuẩn hoặc đồng nhiễm virus với vi khuẩn. Dùng kháng sinh phải đúng liều, đúng thời gian nên tốt nhất phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Bên cạnh điều trị bằng thuốc, thì nghỉ ngơi là một bước quan trọng trong điều trị nhiễm trùng hô hấp trên. Các hoạt động thường xuyên nên duy trì ở mức dung nạp được, không quá sức.

Cần uống nước nhiều để bù lại lượng nước mất đi do chảy nước mũi, sốt và ăn uống kém do viêm đường hô hấp trên.

5. Dự phòng bệnh viêm đường hô hấp trên

Phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp trên

Một số phương pháp giúp phòng ngừa viêm đường hô hấp trên:

  • Bỏ hút thuốc, giảm stress
  • Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng
  • Tập thể dục thường xuyên là các biện pháp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ là một cách để giúp hệ miễn dịch của trẻ khỏe mạnh hơn do các kháng thể trong sữa mẹ được truyền sang cho con.

Các biện pháp khác để ngăn ngừa sự lây truyền tác nhân gây bệnh như:

  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt trong mùa lạnh hoặc khi tiếp xúc với người bệnh
  • Tránh tiếp xúc với người bệnh trong thời kỳ ủ bệnh, phát bệnh và khỏi bệnh
  • Vệ sinh các vật dụng cá nhân, các đồ dùng công cộng
  • Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt xì
  • Tiêm vắc xin phòng cúm được khuyến cáo cho một số đối tượng như người già, người có bệnh mạn tính, nhân viên y tế có nguy cơ tiếp xúc cao…

Viêm đường hô hấp trên