Tóm tắt nội dung
Gân là dạng dải mô xơ dày, có đặc điểm là độ dẻo dai cao do hình thành từ những sợi collagen nhỏ. Gân kết nối các cơ với xương giúp cho xương khớp vận động dễ dàng hơn. Ngoài ra, gân bao bọc quanh xương cũng có nhiệm vụ giữ đúng vị trí của xương trong vận động hàng ngày. Như vậy, gân có mặt ở mọi bộ phận trên cơ thể người, vì thế viêm gân có thể xảy ra ở nhiều nơi.
Điểm mà gân hình thành gắn với cơ được gọi là điểm nối cơ, điểm mà gắn vào xương được gọi là điểm nối xương. Gân có chức năng là truyền lực sinh ra từ cơ đến xương và kích thích các khớp xương chuyển động. Đầu gần của gân còn được gọi là gốc và gân xa được gọi là phần chèn.
Nếu viêm gân nghiêm trọng và dẫn đến rách gân, có thể cần phải phẫu thuật sửa chữa. Nhưng hầu hết các trường hợp viêm gân có thể được điều trị thành công với nghỉ ngơi cùng các thuốc giảm đau và giảm viêm.
1. Nguyên nhân gây viêm gân
Nguyên nhân gây viêm gân vẫn chưa hoàn toàn được sáng tỏ, nhưng các nghiên cứu chỉ ra rằng, tình trạng này chủ yếu liên quan đến việc vận động quá mức. Nhất là các vận động lặp đi lặp lại trong công việc, khiến cho gân phải chịu nhiều áp lực.
Các nguyên nhân chủ yếu liên quan đến sự khởi phát bệnh như:
- Chấn thương: Gặp trong tai nạn giao thông, tai nạn lao động, sinh hoạt
- Các bệnh lý khớp mạn tính: Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, thấp khớp, thoái hóa khớp
- Cử động sai tư thế hoặc căng cơ quá mức
- Thường xuyên lặp lại các hoạt động trong thời gian dài gây sức ép cho gân
Ngoài ra, các yếu tố là làm tăng nguy cơ viêm gân:
- Tuổi tác: Các vị trí gân trên cơ thể người cao tuổi thường kém linh hoạt hơn, vì vậy dễ bị tổn thương và dẫn đến viêm gân hơn.
- Nghề nghiệp: Các vận động viên thể thao, những người làm công việc nặng nhọc, thường xuyên lặp lại động tác ở một vị trí hoặc hoạt động sai tư.
- Tiểu đường: Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ cao bị viêm gân.
2. Các vị trí gân dễ bị viêm
Bất kỳ gân ở vị trí nào cũng đều có khả năng bị viêm, nhưng thường gặp ở những vị trí như:
- Vùng vai: Viêm gân nhị đầu vai, viêm gân chóp xoay
- Cánh tay: Viêm cầu lồi trong hoặc ngoài xương cánh tay.
- Khuỷu tay: Viêm điểm bám gân mỏm trên lồi cầu.
- Cổ và bàn tay: Viêm bao gân cổ tay, bao gân gấp bàn tay
- Vùng hông đùi: Viêm bao gân khớp háng
- Vùng khớp gối: Viêm điểm bám gân bánh chè
- Bàn chân: Viêm bao gân cơ bàn chân
- Gót chân: Viêm vùng gót nơi bám gân Achilles.
3. Các dạng viêm gân
- Viêm gân bám tận: Gồm viêm cốt mạc ngoài gân và viêm túi thanh dịch
- Viêm bao gân: Bao gân bị tổn thương sẽ gây cản trở hoạt động của gân
- Viêm bao gân vùng mỏm châm quay: Triệu chứng sưng đau bờ ngoài mỏm châm quay, đau nhiều hơn khi cử động ngón cái và làm các động tác duỗi
- Hội chứng đường hầm cổ tay: Gây ra dị cảm, tê bì như kim châm, đau buốt, hạn chế vận động và rối loạn dinh dưỡng ở bàn tay và các ngón tay, tê và đau gan bàn tay, cổ tay sưng....
- Ngón tay lò xo: Khó khăn như gập ngón tay, ngón tay bật ra như lò xo
- Viêm gân gót Achille: Xảy ra sau khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh gây sưng đau vùng gót chân, ấn vào thấy đau, nổi cục
4. Biểu hiện triệu chứng của viêm gân
Biểu hiện của viêm gân tùy thuộc vào vị trí và mức độ. Nói chung các triệu chứng thường gặp bao gồm:
- Phần mềm quanh vị trí viêm sẽ đau và sưng, thường đau âm ỉ và kéo dài, khi vận động khớp liên quan thì cơn đau nặng hơn.
- Khu vực viêm có cảm giác nóng, đỏ, cảm nhận rõ khi chạm tay vào.
- Đau tăng khi dùng tay ấn vào vị trí viêm.
- Hạn chế vận động khớp ở gần phạm vi viêm gân.
5. Chẩn đoán viêm gân
Chẩn đoán viêm gân chủ yếu dựa vào lâm sàng, với các biểu hiện như:
- Đau, sưng nóng đỏ ở vị trí gân bám vào xương
- Đau âm ỉ, đau tăng lên khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi
- Hạn chế vận động khớp trong phạm vi gân bị viêm
Ngoài ra, chẩn đoán cần dựa vào một số xét nghiệm cận lâm sàng:
- Xét nghiệm công thức máu: Không có giá trị chẩn đoán viêm gân, nhưng giúp loại trừ các bệnh lý viêm khác ở khớp như viêm khớp phản ứng, viêm khớp nhiễm khuẩn
- Siêu âm gân cơ: Có thể giúp phát hiện các trường hợp viêm gân khá sớm
- Chụp X quang: Ít có giá trị chẩn đoán viêm gân, nhưng có thể đánh giá các tổn thương xương khớp
- Chụp cộng hưởng từ: Đánh giá chính xác và mức độ tổn thương gân, tuy nhiên hiện ít thực hiện vì giá thành cao.
6. Điều trị viêm gân
Đây không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nếu không điều trị sớm bệnh hoàn toàn có thể nặng lên, lan rộng sang các gân khác và nguy cơ gây rách gân, đứt gân. Nếu đứt gân xảy ra, nguy cơ có thể phải đối mặt là tàn tật, mất khả năng vận động, mất khả năng thi đấu với vận động viên.
Vì vậy, cần phát hiện sớm và điều trị tích cực, giúp gân bị viêm hồi phục và có chức năng bình thường. Các biện pháp điều trị viêm gân bao gồm:
6.1. Điều trị bằng thuốc
- Thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAIDs): Là thuốc cơ bản để điều trị giảm đau trong viêm gân, có thể dùng một trong các loại như ibuprofen, myloxicam, cerecoxib…
- Thuốc kháng viêm dạng gel bôi: Được chỉ định với trường hợp gân viêm nằm gần bề mặt da.
- Cortisone đường tiêm tại chỗ: Phù hợp với các trường hợp viêm gân nghiêm trọng nhưng không bị nhiễm trùng, thuốc tiêm vào khu vực gân bị viêm giảm đau, giảm viêm nhanh chóng.
6.2. Vật lý trị liệu
Các trường hợp mạn tính không quá nghiêm trọng, các phương pháp vật lý trị liệu như xoa bóp, mát xa, siêu âm, bài tập vận động… cũng mang lại hiệu quả. Mục đích là giảm đau, cải thiện tình trạng viêm, phục hồi khả năng vận động….
- Áp dụng vật lý trị liệu nhiệt nóng như túi chườm, hồng ngoại, sóng ngắn, điện di....
- Tập luyện các bài tập nhẹ nhàng, phù hợp giúp căng cơ để kéo giãn gân khớp, giảm co thắt cơ, cố định gân khớp, giảm đau
- Chườm lạnh: Dùng túi nước đá chườm vào vị trí đau mỗi ngày từ 3 - 4 lần, thời gian chườm tối đa là 20 phút, không nên chườm quá dài sẽ gây tổn thương ngược lại gân viêm. Không dùng đá chườm trực tiếp vì có thể gây bỏng da, dùng nước đá hoặc bọc đá trong miếng vải mỏng để áp trên da.
- Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi tránh vận động sẽ tạo điều kiện cho gân viêm có thời gian phục hồi, điều trị tổn thương.
- Đeo đai cố định: Fùng đai để cố định vị trí khớp gần khu vực gân bị viêm, giúp cho gân ít bị kích thích, giảm viêm và hồi phục. Ngoài ra, cố định cũng giúp giảm đau.
6.3. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng nếu không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Phẫu thuật nội soi là kỹ thuật mới, an toàn, ít xâm lấn đang được áp dụng rộng rãi.
7. Dự phòng bệnh viêm gân
Bệnh viêm gân hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu chủ động thực hiện các biện pháp:
- Tránh hoạt động nặng, căng thẳng, quá sức, nhất là những hoạt động kéo dài. Nếu cảm thấy đau bất ngờ, đột ngột, làm việc hoặc chơi thể thao thì cần dừng lại nghỉ ngơi và theo dõi tình trạng bệnh.
- Luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với sức lực của bản thân
- Phải có động tác khởi động trước khi tập thể dục hay làm việc nặng
- Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường cơ bắp để tăng khả năng chịu đựng trọng tải
- Đi khám sớm chuyên khoa cơ xương khớp nếu cảm thấy có dấu hiệu bệnh viêm gân.
Viêm gân