Tóm tắt nội dung
Viêm họng cấp có thể gặp ở bất cứ ai nhất là trẻ em và người già, đặc biệt thường xảy ra khi trời lạnh hoặc thời điểm giao mùa. Viêm họng nói chung không phải là bệnh nguy hiểm, nếu được chăm sóc kịp thời và điều trị đúng cách bệnh có thể khói nhanh chóng.
1. Nguyên nhân viêm họng cấp
Viêm họng cấp có thể do các loại virus hoặc vi khuẩn gây ra, nhưng chủ yếu là gặp do virus.
Các loại virus gây viêm họng cấp bao gồm:
- Adenovirus
- Enterovirus
- Herpangia
- Coxsackie A16
- Herpes simplex (HSV)
- Virus sởi
Các loại vi khuẩn gây viêm họng cấp bao gồm:
- Liên cầu nhóm A
- Bạch hầu
- Vi khuẩn lậu cầu
- Tụ cầu vàng
2. Phân loại viêm họng cấp
Viêm họng cấp được chia thành 2 loại đó là viêm họng đỏ và viêm họng trắng. Cụ thể là:
- Viêm họng đỏ: là dạng viêm họng cấp thường gặp nhất, niêm mạc họng phía trong của người bệnh sẽ có màu đỏ tươi, có hiện tượng sưng và phù nề.
- Viêm họng trắng: nguyên nhân dẫn đến viêm họng trắng thường là do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra, tuy ít gặp hơn nhưng lại có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm thận, viêm khớp hay viêm nội tâm mạc, viêm van tim.
3. Triệu chứng viêm họng cấp
Các triệu chứng chung thường bao gồm họng sưng, đỏ, ngứa, rát, đau, có thể ho, khàn giọng, sốt, khó nuốt, mệt mỏi. Các dấu hiệu này thường chỉ kéo dài từ 1-2 tuần.
Ngoài ra, tùy vào nguồn gây bệnh mà các triệu chứng có thể biểu hiện khác nhau như sau:
3.1. Viêm họng cấp do nhiễm virus
- Nhiễm Adenovirus: thời gian ủ bệnh từ 2-4 ngày, viêm đường hô hấp trên thường gây sốt, sung huyết hầu họng và phì đại amidan, cùng với xuất tiết đờm và hạch cổ sưng to. Khi viêm kết mạc xảy ra cùng với viêm họng do virus sẽ gây ra hội chứng sốt – kết mạc – họng. Trẻ em có thể bị tái nhiễm nhiều lần.
- Nhiễm enterovirus: các enterovirus (coxsackie và echovirus) có thể gây đau họng, đặc biệt là vào mùa hè. Triệu chứng thường gặp bao gồm sốt cao, họng sung huyết, amidan xuất tiết và viêm hạch cổ.
- Nhiễm virus herpes simplex (HSV): viêm nguyên phát do virus Herpes simplex (HSV) thường gây sốt cao kèm theo viêm nướu răng cấp tính, bao gồm các mụn nước (trở thành vết loét) khắp phần trước của miệng và môi.
- Nhiễm virus sởi: trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi mắc bệnh sởi thường có những biểu hiện nổi bật ở miệng trong giai đoạn đầu của bệnh. Ngoài sốt cao, ho, sổ mũi và viêm kết mạc, hầu họng có thể sung huyết nhiều và lan tỏa nhưng amidan không bị sưng và không tiết dịch. Khi khám lâm sàng có sự hiện diện của các đốm Koplik, hình ảnh có màu trắng hoặc xanh trắng trên niêm mạc lợi gần răng hàm dưới.
3.2. Viêm họng cấp tính do nhiễm khuẩn
Liên cầu nhóm A
Khi đánh giá bệnh viêm họng, mối quan tâm hàng đầu là chẩn đoán chính xác và điều trị viêm họng do liên cầu nhóm A (GAS) hoặc Streptococcus pyogenes, chiếm khoảng 15% tổng số các đợt viêm họng.
Các di chứng của viêm họng GAS, đặc biệt là sốt thấp khớp cấp (ARF) và viêm cầu thận cấp (AGN).
- Bệnh có biểu hiện đặc trưng nhất là khởi phát đột ngột gây sốt và đau họng. Nhức đầu, khó chịu, đau bụng, buồn nôn và nôn cũng thường xuyên xảy ra.
- Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bị ho, viêm kết mạc, đau buốt, tiêu chảy, tổn thương và loét niêm mạc họng rải rác, khàn tiếng.
- Khám họng thấy sung huyết hầu họng rõ rệt, có thể ghi nhận các đốm xuất huyết trên vòm miệng hoặc trong họng, amidan to ra, có màu đỏ, trên bề mặt có những hốc mủ. Các nhú của lưỡi có thể đỏ và sưng lên, các hạch cổ thường mềm và sưng to. Xét nghiệm có thể thấy có tăng bạch cầu.
Sốt tinh hồng nhiệt
Bệnh do nhiễm một chủng liên cầu nhóm A sinh ra độc tố hồng cầu (tạo ra mẩn đỏ), thường là ngoại độc tố A.
- Các triệu chứng thường gặp nhất là ban đỏ xuất hiện trên mặt và sau 24 giờ sẽ lan ra toàn thân. Các vệt ban sẽ bong ra sau vài ngày xuất hiện trông giống như bị cháy nắng nhẹ.
- Ngoài ra, ho, chảy máu cam, viêm kết mạc, viêm thanh quản, hôi miệng, mũi họng hoặc tiêu chảy là những biểu hiện của viêm họng cấp tính do sốt tinh hồng nhiệt.
Nhiễm khuẩn bạch hầu
- Bạch hầu là một bệnh rất nghiêm trọng do nhiễm trùng hầu họng bởi các chủng vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae sinh độc tố.
- Thời gian ủ bệnh từ 1-5 ngày với các triệu chứng đau họng, chán ăn, khó chịu và sốt nhẹ.
- Màng màu xám hình thành trong vòng 1-2 ngày trên amidan và thành họng nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở thanh quản và khí quản.
Nhiễm khuẩn lậu cầu
Nhiễm khuẩn lậu cầu Neisseria gonorrhoeae thường có các triệu chứng viêm amidan có mủ, loét nhưng có thể không có triệu chứng và sau đó tự khỏi.
Nhiễm vi khuẩn Haemophilus influenzae type B
- Đây là loại vi khuẩn gây ra viêm thanh thiệt và viêm khí quản.
- Bệnh có biểu hiện với sự khởi đầu cấp tính là sốt và đau họng nghiêm trọng, sau đó tiến triển nhanh chóng gây tổn thương đường thở.
- Thường gây chảy nước bọt, nói lắp hoặc nói khó.
4. Chẩn đoán viêm họng cấp
Viêm họng nhiều khi chẩn đoán khá dễ, chỉ cần khám lâm sàng là có thể chẩn đoán được. Trường hợp sau khi khám chưa đủ cơ sở xác định bệnh thì cần làm thêm các xét nghiệm.
Khám lâm sàng
Các triệu chứng lâm sàng của viêm họng cấp thường kéo dài 1-2 tuần bao gồm:
- Khàn tiếng
- Loét miệng
- Cảm giác đau rát họng
- Viêm kết mạc
- Ho, hắt hơi
- Viêm thanh quản
- Nổi hạch dưới hàm, hạch mang tai
Một số loại virus như virus á cúm và virus cúm, Rhinovirus, Coronavirus và virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra các hội chứng lâm sàng riêng biệt bao gồm sổ mũi, ho, viêm họng có thể chẩn đoán dễ dàng mà không cần làm xét nghiệm, cụ thể.
- Nhiễm virus cúm: có thể gây sốt cao, ho, nhức đầu, khó chịu, đau cơ và nổi hạch cổ. Ở trẻ nhỏ, có thể xảy ra viêm phổi hoặc viêm tiểu phế quản.
- Nhiễm RSV: ở trẻ lớn thường không thể phân biệt được với các loại virus khác, còn ở trẻ nhỏ có thể xảy ra viêm tiểu phế quản và viêm phổi. Trong khi đó, viêm họng không phải là dấu hiệu nổi bật của nhiễm RSV ở mọi lứa tuổi.
- Virus á cúm: virus á cúm có thể gây viêm tiểu phế quản, đau họng nhẹ nhưng nhanh chóng khỏi.
Nhiễm virus á cúm, virus cúm và RSV thường gặp trong các dịch theo mùa, nhất là vào mùa đông.
Bệnh nhân có các triệu chứng virus rõ ràng không cần xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm A. Tuy nhiên, bác sĩ không thể sử dụng phương pháp khám lâm sàng để phân biệt viêm họng do virus và viêm họng do liên cầu nhóm A khi không có các triệu chứng do virus.
Cận lâm sàng
- Xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh: các bác sĩ lâm sàng cần sử dụng xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh (RADT) để xác định viêm họng do liên cầu nhóm A. Tuy nhiên, xét nghiệm viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A không được chỉ định thường quy cho trẻ em dưới 3 tuổi và người bị sốt thấp khớp cấp tính.
- Nuôi cấy dịch họng: đây là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán nguyên nhân viêm họng cấp.
- Xét nghiệm máu: được chỉ định khi có nghi ngờ viêm họng cấp do liên cầu khuẩn.
- Chụp cắt lớp (CT scaner): thường được chỉ định để xác định biến chứng áp xe thành sau họng do viêm họng cấp.
5. Điều trị viêm họng cấp
5.1. Điều trị bằng thuốc
Viêm họng cấp do virus
Nói chung là chỉ điều trị triệu chứng, như điều trị hạ sốt, giảm đau, giảm ho, long đờm, bù nước và điện giải…
Viêm họng do nhiễm khuẩn
Dùng thuốc kháng sinh Penicillin hoặc Amoxicillin được chỉ định cho những trường hợp có xét nghiệm phát hiện kháng nguyên nhanh (RADT) dương tính hoặc cấy dịch cổ họng dương tính.
Tùy theo cấp độ bệnh, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh đường uống hoặc tiêm bắp. Việc điều trị bằng kháng sinh còn giúp giải quyết nhanh hơn các dấu hiệu và triệu chứng, đồng thời chấm dứt khả năng lây nhiễm trong vòng 24 giờ.
5.2. Điều trị phẫu thuật
- Phẫu thuật thường được chỉ định để điều trị các biến chứng do viêm họng cấp gây ra mà không đáp ứng với điều trị y tế thông thường, chẳng hạn như áp xe thành sau họng.
- Khi phát hiện thấy áp xe trên lâm sàng hoặc bằng chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp (CT), phẫu thuật dẫn lưu sẽ được chỉ định.
6. Phòng ngừa viêm họng cấp tính
Viêm họng cấp có nguyên nhân phổ biến nhất từ virus. Vì vậy việc phòng ngừa chủ yếu tập trung vào việc phòng nhiễm virus và ngăn chặn sự lây lan của các loại virus. Các biện pháp thực hiện dự phòng như:
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài
- Hạn chế tụ tập nơi đông người
- Tránh tiếp xúc với người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm virus
- Giữ ấm cơ thể, tránh uống nước đá, bỏ hút thuốc (nếu có), uống ít rượu, bia, chất kích thích
- Vệ sinh tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi trở về nhà
- Thực hiện thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần hoặc ít nhất là mỗi năm một lần để phát hiện và điều trị sớm các nguyên nhân có thể gây viêm họng cấp.
Viêm họng