Tóm tắt nội dung
Phần lớn những trường hợp này đều từng bị viêm họng cấp nhưng không được điều trị phù hợp, bệnh tái phát nhiều lần và dần dẫn đến mạn tính.
Viêm họng mạn tính có thể phân loại như sau:
- Viêm họng mạn tính sung huyết: niêm mạc họng đỏ, thấy rõ nhiều mạch máu
- Viêm họng mạn tính xuất tiết: niêm mạc họng sung huyết, đỏ, đồng thời tăng tiết nhiều chất nhày và có thể dính vào thành sau họng.
- Viêm họng hạt: niêm mạc họng dày lên và đỏ, các tổ chức bạch huyết phát triển thành những đám to nhỏ rải rác.
- Viêm họng mạn tính teo: niêm mạc họng mỏng và teo, khô dần đồng thời giảm tiết, nhợt nhạt có màu vàng.
1. Nguyên nhân gây viêm họng mạn tính
Viêm họng mạn gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau như:
- Nhiễm khuẩn: rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây viêm họng như liên cầu, tụ cầu, trực khuẩn…
- Nhiễm virus: các loại virus thường gây viêm họng như cúm, sởi, quai bị…
- Hậu quả của các bệnh viêm khu vực lân cận như: viêm amidan, viêm xoang hoặc viêm thanh quản mạn tính
- Trào ngược dạ dày thực quản: khi dịch vị dạ dày bài tiết ra nhiều có thể trào ngược lên vùng cổ họng, thực quản gây ra tổn thương niêm mạc, dẫn đến sưng, viêm, đau họng kéo dài
- Do dị ứng: người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc thời tiết thay đổi làm tình trạng sưng niêm mạc cổ họng, tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ khiến niêm mạc họng bị viêm và đau nhức.
- Do hút thuốc lá: thuốc lá có chứa các chất làm kích thích niêm mạc hầu họng và gây viêm.
- Uống nhiều rượu, bia cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ viêm họng mạn tính
- Nói quá nhiều: viêm họng mạn tính xảy ra ở những người do đặc thù công việc phải nói nhiều như giáo viên, nhân viên tổng đài điện thoại…
- Ô nhiễm môi trường: môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, hoặc làm việc trong điều kiện môi trường có nhiều hơi khí độc, hơi acid, dung môi hữu cơ.
2. Triệu chứng của viêm họng mạn tính
- Đau họng: có thể kéo dài nhiều tuần, kèm theo những biểu hiện như nóng, rát ngứa và có cảm giác vướng ở họng. Đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh và thường xảy ra vào thời điểm sáng sớm.
- Nuốt khó và đau: khi họng bị viêm, các niêm mạc vùng họng sưng đỏ, người bệnh sẽ cảm thấy khó nuốt và đau khi nuốt, kể cả uống nước cũng khó khăn.
- Ho nhiều khéo dài, thường nhiều đờm đặc
- Khàn giọng, giọng nói có sự thay đổi.
- Ợ hơi hoặc ợ chua đối những người bị trào ngược dạ dày thực quản. Bên cạnh đó là cảm giác nóng rát ở vùng ngực phía sau xương ức.
- Triệu chứng toàn thân có thể gặp như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau đầu, đau nhức toàn thân.
3. Chẩn đoán viêm họng mạn tính
Viêm họng mạn tính được chẩn đoán khá dễ, đôi khi chỉ cần thăm khám và hỏi lịch sử bệnh là có thể chẩn đoán được. Nhưng để tìm nguyên nhân và chẩn đoán các bệnh lí liên quan thì cần phải chụp X quang và làm xét nghiệm.
Chẩn đoán xác định viêm họng mạn tính dựa vào:
- Lâm sàng: họng bị viêm tấy, sưng đau, khó nuốt kéo dài hơn 1 tuần hoặc tái đi tái lại nhiều lần trong năm
- Xét nghiệm máu: có thể thấy dấu hiệu tăng bạch cầu trung tính, tăng CRP trong trường hợp viêm họng do vi khuẩn
- Nội soi họng: thấy hình ảnh niêm mạc họng quá phát, nổi nhiều mạch, xuất tiết…
- Chụp X quang: phát hiện các biểu hiện viêm phế quản, viêm mũi xoang.
4. Điều trị viêm họng mãn tính
4.1. Điều trị nguyên nhân
Khi tìm được nguyên nhân gây viêm họng, điều trị theo nguyên nhân là tốt nhất. Điều trị theo nguyên nhân bao gồm:
- Viêm họng do nhiễm khuẩn: điều trị chính là dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm
- Viêm họng do virus: chủ yếu điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng
- Điều trị bệnh lí liên quan, như điều trị viêm amidan, viêm mũi xoang, viêm phế quản, điều trị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản
4.2. Điều trị triệu chứng
Điều trị triệu chứng được áp dụng với tất cả các trường hợp, trong đó trường hợp viêm họng do virus thì điều trị triệu chứng là chủ yếu.
- Điều trị ho, long đờm: nếu có ho nhiều đờm
- Điều trị sốt, đau đầu, đau người
- Chống dị ứng
- Xịt rửa họng hàng ngày bằng nước muối biển, tốt nhất nên dùng các loại xịt họng có nguồn gốc thảo dược
4.3. Điều trị bằng thủ thuật
Trong một số trường hợp niêm mạc họng quá phát nhiều, có thể điều trị bằng biện pháp đốt điện, đốt lazer.
5. Dự phòng viêm họng mạn tính
Để phòng ngừa cần thực hiện những điều sau:
- Nên có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và khoa học giúp cơ thể luôn khỏe mạnh và tăng cường đề kháng để kháng lại virus và vi khuẩn gây bệnh.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, trong lành.
- Tránh tiếp xúc với khói bụi, hơi hóa chất và dung môi hữu cơ.
- Bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá.
- Uống ít rượu, bia, các chất kích thích.
- Vệ sinh răng miệng đúng cách để vùng họng luôn sạch sẽ, để vi khuẩn không có cơ hội tấn công.
- Nếu có bệnh viêm xoang hay viêm amidan hoặc trào ngược dạ dày thực quản thì cần phải điều trị sớm và dứt điểm.
- Khi ra đường nên đeo khẩu trang, giữ ấm khi thời tiết lạnh.
- Mặc đồ phòng hộ khi lao động, nhất là những người phải làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi.
- Nên chú ý vệ sinh tay bằng các dung dịch sát khuẩn, đặc biệt là sau khi hắt hơi, hoặc ho.
Viêm họng