Kết mạc là một màng trong suốt, nhày bao phủ bề mặt của nhãn cầu, chạy từ rìa giác mạc đến bờ tự do của mặt sau mi mắt, gấp mép lại tại cùng đồ. Kết mạc được phân ra làm 2 phần là kết mạc nhãn cầu và kết mạc mi. Kết mạc nhãn cầu che phù mặt trước nhãn cầu (phần lòng trắng của mắt), còn kết mạc mi thì che phủ mặt sau mi mắt từ bờ tự do đến cùng đồ.

Tổng quan về bệnh viêm kết mạc

Kết mạc có chức năng bảo vệ bề mặt mắt, giúp nhãn cầu vận động nhờ vào nếp gấp ở cùng đồ và nếp bán nguyệt. Chính những tác động này giúp cho mi mắt có thể di động dễ dàng mà không gây chà xát hay kích thích.

Ngoài ra, còn giúp bề mặt mắt trở nên trơn láng duy trì sinh lý giác mạc, nhờ vào sự tiết các tuyến ở trong nó. Kết mạc còn cấu thành một hàng rào bảo vệ chống lại các xâm nhập bên ngoài dựa vào sự hiện diện của cấu trúc hạnh nhân và thành phần lysozyme có trong nước mắt.

Viêm kết mạc là tình trạng viêm ở kết mạc nhãn cầu hoặc kết mạc mi. Khi bị viêm, kết mạc sung huyết, đỏ nhiều nên còn được gọi là đau mắt đỏ. Bệnh rất thường gặp, nhưng khá lành tính, có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì.

Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi: trẻ em, người trưởng thành, người già. Viêm kết mạc dễ lây lan và có thể lan rộng thành dịch vào mùa xuân – hạ, nhất là ở nhóm trẻ học mầm non.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc

Nguyên nhân gây bệnh viêm kết mạc

Có nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc và tình trạng bệnh cũng khác nhau gồm:

Do virus

Nhiều loại virus có thể gây viêm kết mạc, nhưng Herpesvirus và Adenovirus là phổ biến hơn cả chiếm đến 80% các trường hợp. Bệnh thường xảy ra đồng thời với tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp trên, đau họng hoặc cảm lạnh.

Viêm kết mạc do virus rất dễ lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với dịch mắt của người bệnh, như dùng chung khăn mặt chẳng hạn. Vì thế mà bệnh có thể lây thành dịch, nhất là ở nhóm trẻ em trong lớp mầm non.

Do vi khuẩn

Trẻ em đang lứa tuổi đi học là đối tượng dễ mắc viêm kết mạc do vi khuẩn nhất, bệnh có thể diễn tiến nặng nếu không điều trị kịp thời. Vi khuẩn gây bệnh cũng dễ dàng lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp dịch mắt.

Do dị ứng

Những người có cơ địa dị ứng có thể bị viêm kết mạc khi gặp dị nguyên như phấn hoa, lông vật nuôi, bụi, thuốc… Bệnh thường tái phát lại nhiều lần, không lây nhiễm và thường xuất hiện theo mùa.

2. Triệu chứng bệnh viêm kết mạc

Triệu chứng bệnh viêm kết mạc

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà các biểu hiện viêm kết mạc có khác nhau.

Triệu chứng viêm kết mạc do virus

Các triệu chứng nổi bật như:

  • Kết mạc đỏ ở một hoặc cả 2 mắt
  • Ngứa, dễ chảy nước mắt, mỏi mắt, có cảm giác cộm xốm mắt.
  • Thường đi kèm với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên như: Sốt, hắt hơi, ho, viêm họng, nổi hạch.

Đặc điểm quan trọng của viêm kết mạc do virus là bệnh lây lan rất nhanh, có thể bùng thành dịch theo mùa nhất định.

Triệu chứng bệnh thường giảm dần và biến mất sau 7 - 10 ngày. Trường hợp nặng hơn có thể gây biến chứng giảm thị lực, thâm nhiễm giác mạc, chói mắt với ánh sáng.

Triệu chứng viêm kết mạc do vi khuẩn

Các triệu chứng thường thấy:

  • Đỏ mắt, một hoặc hai bên
  • Chảy nhiều nước mắt, ngứa
  • Xuất hiện gỉ mắt màu vàng hoặc xanh nhiều, có thể dính vào 2 mí mắt, nhất là khi thức dậy vào buổi sáng

Bệnh dễ diễn tiến nặng gây giảm thị lực vĩnh viễn, viêm loét giác mạc.

Triệu chứng bệnh do dị ứng

Viêm kết mạc do dị ứng thường xảy ra ở cả hai bên mắt, gồm các triệu chứng:

  • Đỏ mắt
  • Chảy nước mắt
  • Ngứa mắt nhiều và kéo dài.

Bệnh thường xuất hiện theo mùa, dễ tái phát khi gặp phải các dị nguyên và thường kèm theo viêm mũi dị ứng.

3. Điều trị bệnh viêm kết mạc

Viêm kết mạc là bệnh lý lành tính, thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên để giảm triệu chứng khó chịu và nhanh khỏi thì cần có biện pháp điều trị và chăm sóc phù hợp.

Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà biện pháp điều trị khác nhau:

Viêm do virus

Điều trị bệnh viêm kết mạc do virus

  • Nếu triệu chứng nhẹ, chỉ cần chăm sóc mắt, vệ sinh sạch sẽ và ngăn ngừa lây nhiễm với những người xung quanh.
  • Nhỏ nước mắt nhân tạo, chườm mát hoặc rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0.9% giúp giảm triệu chứng khó chịu.
  • Trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng sinh khi có bội nhiễm.

Viêm do vi khuẩn

  • Triệu chứng nhẹ: chỉ cần điều trị bằng thuốc kháng sinh tại chỗ, như nhỏ mắt bằng dung dịch kháng sinh hay mỡ kháng sinh.
  • Trường hợp nặng có thể kết hợp thuốc kháng sinh tại chỗ và kháng sinh toàn thân, thuốc kháng viêm.
  • Tương tự như viêm do virus, rửa mắt nhiều lần trong ngày bằng nước muối sinh lý 0.9%, chườm mát cũng giúp giảm các triệu chứng khó chịu.

Viêm do dị ứng

  • Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng
  • Tại chỗ có thể nhỏ thuốc kháng sinh có phối hợp với corticoid
  • Kết hợp với thuốc kháng histamin đường toàn thân.
Điều trị bệnh viêm kết mạc do dị ứng

Dù là viêm kết mạc do nguyên nhân gì thì cũng có thể thực hiện các biện pháp chăm sóc sẽ giúp các triệu chứng cải thiện nhanh chóng. Cụ thể như:

  • Lau rửa sạch dử mắt ít nhất 2 lần mỗi ngày bằng bông hoặc giấy ẩm
  • Không dùng chung đồ dùng với người khác, như khăn mặt, giấy lau, kính, không nhỏ chung 1 lọ thuốc nhỏ mắt...
  • Nghỉ ngơi, cách ly, hạn chế tiếp xúc với người khác, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
  • Rửa sạch tay trước khi vệ sinh mắt, sau đó vẫn cần vệ sinh tay lại bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
  • Trẻ bị viêm kết mạc nên được nghỉ học, không đưa trẻ tới trường hoặc nơi đông người vì có thể gây lây bệnh cho những người khác.

4. Các biện pháp phòng bệnh viêm kết mạc

Có thể tránh được sự lan truyền và nhiễm bệnh viêm kết mạc cho bản thân và người nhà:

  • Sử dụng khăn, vật dụng cá nhân riêng trong gia đình và nơi làm việc
  • Không dụi mắt bằng tay, che miệng - mũi khi ho, hắt hơi
  • Nếu bị chảy nước mũi thì dùng khăn lau rồi bỏ vào thùng rác
  • Rửa tay thường xuyên đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh, ở nơi công cộng (trường học, bệnh viện, cơ quan có người bị viêm kết mạc)
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh sát khuẩn tay thường xuyên
  • Nếu sử dụng kính áp tròng cần được bác sĩ tư vấn và khám khi có triệu chứng cộm xốn chảy nước mắt. Ngâm rửa vệ sinh kính bằng contact lens hằng ngày.
  • Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài hoặc trong môi trường làm việc ô nhiễm khói bụi, đeo kính khi bơi.
  • Tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin C, A, E…

Viêm kết mạc