Tóm tắt nội dung
Dấu hiệu thường gặp nhất của viêm khớp là đau và hạn chế vận động của khớp. Các triệu chứng khác có thể gặp là sưng, nóng, đỏ tại khớp và cứng các cơ liên quan đến khớp. Viêm khớp có thể là bệnh viêm khớp đơn thuần, viêm đa khớp hoặc viêm khớp có ảnh hưởng đến các cơ quan khác hay viêm khớp tự miễn.
Viêm khớp là bệnh khá thường gặp, tuổi càng cao tỷ lệ mắc càng lớn. Ở độ tuổi 35 chỉ có khoảng 30% số người bị viêm khớp thì đến độ tuổi 65 tỷ lệ mắc bệnh này đã lên đến 60%. Còn ở độ tuổi 80 thì tỷ lệ bị viêm khớp đã tăng lên đến 85%.
Hiện có khoảng 100 loại bệnh viêm khớp khác nhau, do nhiều nguyên nhân gây ra. Vì số lượng bệnh quá nhiều như vậy, nên các chuyên gia đã phân loại các bệnh lý viêm khớp này thành các nhóm nhỏ để thuận lợi cho việc tìm kiếm giải pháp đối phó. Trong đó có hai nhóm phổ biến nhất là viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.
Viêm xương khớp hay còn được gọi là thoái hóa khớp. Bệnh gây phá hủy sụn khớp khiến đầu xương cọ sát vào nhau khi di chuyển, từ đó dẫn đến sưng viêm khớp. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở lứa tuổi ngoài 40 và ảnh hưởng đến các khớp cột sống, khớp gối, háng, các khớp ở bàn tay…
Viêm khớp dạng thấp, là một dạng viêm khớp mạn tính có liên quan đến yếu tố tự miễn. Bệnh này trước tiên ảnh hưởng đến màng hoạt dịch rồi lan dần đến sụn khớp, đầu xương dưới sụn và các mô mềm xung quanh. Bệnh không chỉ gây tổn thương tại khớp mà còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác như da, tim, phổi…
1. Nguyên nhân gây viêm khớp
Mỗi loại viêm khớp lại có nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Các nguyên nhân có thể kể đến như:
- Chấn thương: Là một trong những yếu tố phổ biến trực tiếp dẫn đến thoái hóa, đặc biệt khi đối tượng mắc bệnh là người trẻ tuổi.
- Rối loạn chuyển hóa trong cơ thể: Góp phần hình thành bệnh gút và giả gút
- Di truyền: Yếu tố di truyền cũng có liên quan đến sự phát triển của căn bệnh này, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, nếu trong gia đình có tiền sử bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống thì bạn cũng có nguy cơ bị bệnh viêm khớp cao.
- Nhiễm trùng: Là nguyên nhân gây viêm khớp nhiễm khuẩn, lao khớp
- Rối loạn chức năng hệ miễn dịch: Là nguyên nhân chủ yếu của bệnh lý viêm khớp liên quan đến tự miễn như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp, hay bệnh viêm khớp trong lupus ban đỏ hệ thống.
Bên cạnh các nguyên nhân trên thì có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm khớp như:
- Tuổi tác: Chính là ảnh hưởng của quá trình lão hóa cơ thể, tuổi tác càng cao thì xương khớp càng bị thoái hóa, suy yếu. Hiện tượng này diễn ra mạnh mẽ ở lớp sụn bao bọc quanh khớp khiến cho lớp sụn bị mỏng đi. Do vậy mà các đầu xương có hiện tượng ma sát mạnh hơn khi vận động dẫn đến tổn thương, sưng đau khớp.
- Giới tính: Thống kê cho thấy 60% người mắc bệnh viêm khớp là nữ. Tuy nhiên, một số dạng lại phổ biến ở nam hơn, chẳng hạn như bệnh gút.
- Béo phì: Thừa cân không chỉ góp phần phát sinh viêm khớp mà còn thúc đẩy bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.
- Chế độ ăn không lành mạnh: Chế độ ăn uống nhiều nhân purine có trong thịt màu đỏ như thịt bò, thịt chó, hải sản…hay là uống rượu lâu ngày là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh gút.
- Tính chất công việc: Một số ngành nghề yêu cầu thường xuyên phải ngồi nhiều, ngồi xổm, đứng nhiều, tư thế không thoải mái… nếu kéo dài có nguy cơ cao bị viêm khớp, cụ thể hơn là thoái hóa do lạm dụng chức năng khớp. Ngoài ra, những người làm việc phải vận động tay chân nhiều, khuân vác, gánh nặng cũng có nguy cơ cao mắc viêm khớp.
- Tiền sử bệnh lý: Các bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, suy gan, suy thận đều có nguy có cao mắc bệnh viêm khớp
- Hút thuốc lá: Trong một số trường hợp, hút thuốc lá có thể tạo điều kiện cho các bệnh viêm khớp phát triển.
- Thay đổi thời tiết: Nhiệt độ lên xuống thất thường làm ảnh hưởng đến độ nhớt của dịch khớp và khả năng tuần hoàn máu đến các khớp. Đặc biệt là trong mùa đông dịch khớp đặc quánh lại khiến cho ổ khớp không được bôi trơn ở mức cần thiết. Điều này khiến khớp dễ bị tổn thương, viêm nhiễm và đau nhức.
- Ít vận động: Làm tăng nguy cơ bị béo phì, mắc bệnh tim mạch và các bệnh lý về xương khớp, trong đó bao gồm cả bệnh viêm khớp.
2. Một số bệnh viêm khớp thường gặp
- Thoái hóa khớp
- Viêm cột sống dính khớp
- Thấp khớp
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh gút
- Viêm khớp tự phát tuổi thiếu niên
- Viêm khớp vảy nến
- Viêm khớp phản ứng
- Viêm khớp nhiễm khuẩn
- Lao khớp
3. Triệu chứng bệnh viêm khớp
Hầu hết trường hợp viêm khớp đều mang tính chất mạn tính nên các triệu chứng có thể xuất hiện rồi tự mất đi hoặc kéo dài không ngừng.
Khi mới khởi phát, bệnh viêm khớp thường tiến triển một cách âm ỉ trong giai đoạn đầu. Sang đến giai đoạn tiến triển, các triệu chứng bộc lộ ra bên ngoài nhiều hơn.
Nói chung bệnh viêm khớp các triệu chứng thường gặp bao gồm:
Đau nhức xương khớp
Tùy thuộc vào khớp bị viêm mà vị trí đau có thể khác nhau. Các khớp bị viêm đau nhiều nhất thường là khớp gối, khớp háng, khớp vai, khớp cổ tay, các khớp ngón tay chân, cột sống… Có thể bị đau nhức khớp dữ dội cả ngày lẫn đêm nếu bị viêm khớp nặng.
Cứng khớp
Khớp bị viêm thường có biểu hiện bị cứng, khó cử động. Triệu chứng này được nhìn thấy rõ nét nhất là sau khi ngủ dậy, còn gọi là cứng khớp buổi sáng. Cần nghỉ ngơi, xoa bóp vài phút tình trạng này sẽ khá hơn.
Sưng đỏ khớp
Sưng khớp là hậu quả tất yếu khi bị viêm nhiễm. Khớp bị viêm thường có biểu hiện sưng phù, đỏ, nóng ấm, chỉ ấn nhẹ cũng thấy đau.
Hạn chế vận động
Đi kèm với triệu chứng đau và cứng khớp là triệu chứng hạn chế vận động, tức là khớp bị viêm cử động khó hơn. Càng đau nhiều thì khớp cử động càng khó.
Có tiếng kêu lạ phát ra từ khớp khi cử động
Đây cũng là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh viêm khớp. Khi bị viêm, lượng chất dịch bôi trơn khớp bị giảm sút, cùng với đó lớp sụn bảo vệ khớp cũng bị hao mòn đáng kể. Chính vì vậy, các đầu xương có sự cọ sát vào nhau mỗi khi cử động làm phát ra tiếng kêu “lục cục”, “lạo xạo” tại khớp bị tổn thương.
Yếu cơ
Để tránh bị đau, nhiều người chủ yếu nghỉ ngơi ở một chỗ, không cử động khớp bị đau. Chính điều này làm cho máu khó lưu thông, vị trí khơp viêm không được tưới máu tốt, các cơ bắp xung quanh khớp bị viêm cũng suy yếu dần, thậm chí bị teo lại.
Biến dạng khớp
Khi bị viêm khớp nặng, hệ thống sụn xương và dây chằng bị tổn thương nghiêm trọng khiến cho khớp bị biến dạng. Đầu xương có thể lệch hẳn ra ngoài gây đau, hạn chế vận động.
Các dấu hiệu khác
Bên cạnh các triệu chứng trên, người bị viêm khớp có thể gặp các dấu hiệu toàn thân như sốt, mệt mỏi, mất ngủ, căng thẳng, kém tập trung trong công việc…
4. Biến chứng của viêm khớp
Nếu không được điều trị kịp thời ngay ở giai đoạn cấp tính, bệnh viêm khớp sẽ ngày càng tiến triển nặng hơn, có khuynh hướng tái phát nhiều lần trong năm và trở thành một căn bệnh mạn tính khó điều trị.
Nhiều trường hợp bị giảm dần chức năng cử động của khớp, giảm khả năng lao động, thậm chí tàn phế.
Một số biến chứng nặng có thể gặp của bệnh viêm khớp như:
- Teo cơ
- Dính khớp, biến dạng khớp, lệch trục khớp
- Bại liệt, tàn phế suốt đời
- Tổn thương về tim mạch và thận trong các trường hợp bị viêm khớp do tự miễn.
5. Chẩn đoán viêm khớp
Để chẩn đoán bệnh viêm khớp, đồng thời xác định loại viêm khớp các bác sĩ phải căn cứu vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng:
Lâm sàng với các triệu chứng đặc trưng của viêm khớp đó là: Đau khớp, sưng khớp, cứng khớp và hạn chế vận động.
Cận lâm sàng:
- Chụp X-quang: Là kỹ thuật thường được chỉ định đầu tiên để chẩn đoán các bệnh lý viêm khớp. Trên phim có thể quan sát tình trạng bào mòn sụn khớp cũng như sự hình thành của gai xương. X quang rất hữu ích trong việc đánh giá khả năng đáp ứng của cơ thể đối với phác đồ điều trị, đồng thời theo dõi mức độ phát triển của bệnh.
- Chụp CT và MRI: Quan sát chi tiết tình trạng ở xương, khớp và các mô mềm xung quanh, chẳng hạn như gân và dây chằng. Đây là kỹ thuật cho chẩn đoán viêm khớp khá chính xác và ngày càng được chỉ định rộng rãi.
- Xét nghiệm máu: Tìm kiếm sự hiện diện của một số kháng thể như anti-CCP, yếu tố dạng thấp (RF), kháng thể kháng nhân (ANA), kháng nguyên hòa hợp tổ chức HLA-B27, xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng.… Từ đó, các bác sĩ có thể đưa ra kết luận loại viêm khớp mắc phải là gì.
6. Điều trị viêm khớp
Tùy theo loại viêm khớp và nguyên nhân gây bệnh mà có biện pháp điều trị khác nhau.
Mục tiêu của việc chữa viêm khớp gồm:
- Kiểm soát cơn đau
- Giảm thiểu mức độ thương tổn ở khớp
- Cải thiện hoặc duy trì chức năng hoạt động của khớp
Để đạt mục tiêu điều trị các biện pháp thường được lựa chọn bao gồm:
6.1. Điều trị bằng thuốc
- Thuốc giảm đau: Paracetamol, tramadol, hydrocodone… là những loại thuốc thông dụng có khả năng giảm đau. Nhóm thuốc này khá an toàn, ít tác dụng phụ nếu sử dụng đúng liều lượng, nhưng tác dụng giảm đau khá hạn chế, lại không có tác dụng kháng viêm. Vì thế mà trường hợp đau nặng ít mang lại hiệu quả.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Tác dụng giảm đau và kháng viêm rất mạnh, đáp ứng với hầu hết các trường hợp đau trong viêm khớp. Các loại phổ biến có thể kể đến như ibuprofen, naproxen, myloxicam, celecoxib.… Tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ như có thể gây viêm loét dạ dày, xuất huyết… nên phải sử dụng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm: Được chỉ định trong điều trị các trường hợp thóa hóa khớp, giúp tái tạo mô sụn, tăng tiết hoạt dịch. Các thuốc thông dụng là glucosamin sulfat, chondroitin sulfat, diacerein.
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm: Chủ yếu điều trị cho trường hợp viêm khớp dạng thấp, có khả năng làm chậm tiến trình phát triển của bệnh hoặc cản trở các tế bào bạch cầu tiếp tục tấn công khớp. Methotrexate và hydroxychloroquine là hai loại thuốc thường dùng nhất.
- Tác nhân sinh học: Thường áp dụng chung với nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm, tập trung vào các phân tử protein liên quan đến phản ứng miễn dịch. Các ví dụ cụ thể cho nhóm thuốc này là etanercept và infliximab.
- Corticosteroid: Prednison và cortisone có tác dụng giảm viêm và ức chế hệ thống miễn dịch, được chỉ định nhiều trong các bệnh xương khớp do tự miễn, điều trị giảm đau trong trường hợp có chống chỉ định với thuốc chống viêm không steroid. Corticosteroid cũng được chỉ định nhiều theo đường tiêm tại chỗ điều trị giảm đau trong các bệnh lý xương khớp.
6.2. Phẫu thuật
Đối với những trường hợp viêm khớp nghiêm trọng, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật:
- Phẫu thuật làm cứng khớp
- Phẫu thuật thay khớp nhân tạo, thường áp dụng với khớp háng và khớp gối
- Rửa ổ khớp cải thiện mô sụn
- Khoan ổ khớp kích thích tạo xương
- Phẫu thuật tạo hình xương
- Cấy ghép tế bào sụn, phục hồi sụn
- Phẫu thuật loại bỏ 1 phần khớp
- Phẫu thuật hợp nhất các khớp…
7. Dự phòng bệnh viêm khớp
Một số bệnh viêm khớp là do quá trình lão hóa của cơ thể, bệnh diễn biến từ từ, đến một lúc nào đó gây viêm khớp. Một số bệnh lại do tự kháng thể, tức là do hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động bất thường gây ra.
Trong khi một số lại do nguyên nhân bên ngoài tác động vào như chấn thương hay nhiễm khuẩn. Vì thế bệnh viêm khớp không thể dự phòng triệt để được, chỉ có thể thực hiện các biện pháp giúp bệnh diễn biến chậm hơn mà thôi.
Các biện pháp có thể thực hiện để tránh nguy cơ bị viêm khớp có thể áp dụng:
- Duy trì trọng lượng cơ thể cân đối, tránh thừa cân, béo phì
- Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, hạn chế chất béo có nguồn gốc động vật
- Thể dục thể thao hợp lý, phù hợp với lứa tuổi và tình trạng bệnh lý nền, nên luyện tập đều đặn mỗi ngày ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
- Hạn chế tối đa các chấn thương có thể xảy ra trong hoạt động thể thao, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày
- Đối với phụ nữ, hãy hạn chế mang giày cao gót
- Hàng ngày uống đủ nước, khoảng 2 – 2,5 lít nước sôi để nguội mỗi ngày.
- Bổ sung đầy đủ các vitamin và dưỡng chất thiết yếu theo nhu cầu của cơ thể, trong đó quan trọng là canxi, vitamin D và MK7.
Viêm khớp