Tóm tắt nội dung
Phổi được bao bọc ngay bên ngoài là màng phổi, gồm lá thành lót mặt trong thành ngực và lá tạng bao phủ bên ngoài lá phổi. Khoang màng phổi được gọi là khoang ảo bởi vì nó luôn dính với nhau. Bình thường khoang màng phổi không chứa khí, chỉ chứa một lượng nhỏ chất lỏng giúp cho bề mặt phổi được trơn láng khi cọ xát vào nhau, làm cho phổi được giãn nở tốt hơn trong mỗi nhịp thở.
Viêm màng phổi là tình trạng lớp màng bao bọc phổi bị viêm và gây ra các cơn đau nhói ở ngực với tần suất nhanh. Cơn đau thường tăng lên khi hít thở sâu hoặc ho, làm cho hai lá màng phổi vốn bị viêm lại bị cọ xát lên nhau.
Căn cứ vào nguyên nhân, bệnh viêm màng phổi được phân thành 2 loại là viêm màng phổi nguyên phát và viêm màng phổi thứ phát.
- Viêm màng phổi nguyên phát: Là tình trạng viêm khởi phát tại chính mô của màng phổi do một nhiễm trùng hoặc tổn thương nào đó gây ra.
- Viêm màng phổi thứ phát: Là tình trạng viêm xảy ra ở nơi khác hoặc bệnh lý khác như viêm phổi, u phổi, nhiễm trùng máu rồi lan đến màng phổi.
1. Nguyên nhân gây viêm màng phổi
Có nhiều nguyên nhân gây viêm màng phổi
Do nhiễm virus
Virus gây ra nhiều bệnh lý hô hấp, trong đó có viêm màng phổi. Sự tấn công của virus sẽ gây tổn thương ở một phần màng phổi và gây đau.
Đặc điểm viêm màng phổi do virus là tình trạng bệnh thường không nặng, sẽ cải thiện tốt sau một thời gian điều trị. Bệnh có những triệu chứng đặc trưng của nhiễm virus như sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau người, ho, hắt hơi, sổ mũi… Sức đề kháng của cơ thể đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu diệt virus và ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Do bệnh lý tại phổi
Viêm màng phổi tiến triển từ các bệnh lý ở phổi thường nghiêm trọng hơn, điều trị khó khăn và nguy cơ biến chứng cao. Các bệnh phổi biến ở phổi gây viêm màng phổi như: viêm phổi, ung thư phổi, viêm màng phổi tiến triển từ viêm khớp, tràn khí màng phổi, chấn thương lồng ngực, thuyên tắc phổi.…
Do bệnh lý khác
Dù ít gặp hơn nhưng viêm màng phổi cũng có thể tiến triển từ bệnh lý toàn thân khác như: Ttiểu đường, viêm phế quản mạn tính, bệnh tim mạch, khí phế thũng.…
2. Triệu chứng của viêm màng phổi
Triệu chứng viêm màng phổi tùy thuộc vào mức độ và giai đoạn sớm hay muộn.
Các triệu chứng sớm có thể gặp như:
- Sốt, ớn lạnh, đau đầu, đau người
- Ho khan kéo dài
- Đau tức ngực, đau tăng lên khi hít thở mạnh hoặc khi ho, hắt hơi
- Khó thở, mức độ khó thở phụ thuộc vào mắc độ viêm nặng hay nhẹ
- Người mệt mỏi.
Hầu hết trường hợp được điều trị sớm không diễn biến nặng. Nhưng một số ít trường hợp có thể diễn biến kéo dài nhiều tuần dù được điều trị tích cực, nhất là các trường hợp xuất hiện các triệu chứng như ho ra máu, khó thở, nhịp thở nhanh, đau ngực….
Tác nhân gây bệnh viêm màng phổi là virus, nấm, vi khuẩn, kí sinh trùng… theo đường hô hấp, đặc biệt là hoạt động ho, hắt hơi, nói có thể lây truyền bệnh cho người lành.
Nếu viêm màng phổi tiến triển nặng, ổ viêm lan rộng, tổn thương nhiều cơ quan khác vùng ngực sẽ gây ra triệu chứng tương ứng như:
- Rò rỉ thành ngực
- Ổ viêm chứa mủ vỡ vào phổi
- Tràn dịch màng phổi
- Ho ra máu
- Tràn dịch màng ngoài tim
- Tràn khí thứ phát, tràn khí phối hợp
- Áp xe phổi
- Nhiễm trùng huyết.
Khi xảy ra các biến chứng nặng này có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Cần phải can thiệp sớm để hạn chế các rui ro.
3. Chẩn đoán viêm màng phổi
Triệu chứng có thể gợi ý về căn bệnh viêm màng phổi, song để chẩn đoán xác định cũng như tình trạng bệnh cần tới các xét nghiệm chuyên sâu hơn.
Để xác định xem bạn có bị viêm màng phổi hay không và xác định nguyên nhân, bác sĩ có thể đề nghị:
- Xét nghiệm máu: Cho biết có bị nhiễm trùng hay không, các xét nghiệm máu khác cũng có thể phát hiện rối loạn tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp hoặc lupus, trong đó dấu hiệu ban đầu có thể là viêm màng phổi.
- Chụp X-quang phổi: Đánh giá sơ bộ tổn thương bất thường ở màng phổi, nhu mô phổi và tiên lượng bệnh, hình ảnh X quang có thể cho biết có tràn dịch màng phổi hay không, khoang màng phổi có bị giãn hay không…
- Chụp CT: Hình ảnh phổi được thể hiện chi tiết hơn so với X-quang, chẩn đoán tổn thương vì thế cũng chính xác và chi tiết hơn.
- Siêu âm: Có thể phát hiện các khối viêm, ổ áp xe ở màng phổi.
- Điện tâm đồ: Theo dõi nhịp tim, loại bỏ nguyên nhân tim mạch gây đau tức ngực hoặc biến chứng viêm màng phổi gây bệnh lý tim mạch.
- Cấy máu: Nếu nghi ngờ nhiễm trùng huyết
- Chọc dịch màng phổi: Trường hợp ổ áp xe ở màng phổi có thể tiến hành chọc dò dẫn lưu ổ áp xe hoặc chọc hút dịch để làm xét nghiệm, vừa giúp chẩn đoán xác định và giúp điều trị.
- Sinh thiết: Một số trường hợp, bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô phổi nhỏ để xác định xem có bị ung thư hoặc bệnh lao hay không.
4. Điều trị viêm màng phổi
Cách điều trị viêm màng phổi tập trung chủ yếu vào nguyên nhân và mức độ bệnh.
Cụ thể:
- Viêm màng phổi do virus: Chủ yếu là điều trị triệu chứng, nhiều trường hợp bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì.
- Viêm màng phổi do vi khuẩn: Sử dụng kháng sinh để điều trị, có thể dùng đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch tùy mức độ.
- Thuốc giảm đau: Trường hợp viêm màng phổi gây đau, có thể dùng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid hoặc paracetamol.
- Viêm màng phổi gây trành dịch, tràn khí màng phổi: Ngoài điều trị bằng thuốc ra thì việc dẫn lưu màng phổi là vô cùng quan trọng.
- Nghỉ ngơi: Nằm nghiêm sang bên phổi lành, hoặc nằm đầu cao (tư thế nửa nằm), điều này giúp đỡ đau và dễ thở hơn, qua đó giúp nhanh hồi phục.
5. Dự phòng viêm màng phổi
Để dự phòng viêm màng phổi cần thực hiện các biện pháp sau:
- Tăng sức đề kháng bằng chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng
- Luyện tập thể lực phù hợp
- Khám và điều trị sớm các bệnh lý viêm đường hô hấp
- Tiêm vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp.
Viêm màng phổi