Tóm tắt nội dung
Phế quản là một ống dẫn khí nối tiếp từ khí quản đến tận phế nang. Được coi là viêm phế quản mạn tính khi tình trạng viêm ở ống phế quản diễn ra hầu hết các ngày trong ít nhất 3 tháng một năm và trong 2 năm liên tiếp, trong đó các nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng bệnh, chẳng hạn như bệnh lao hoặc các bệnh phổi khác phải được loại trừ.
Viêm phế quản mạn tính phổ biến ở những người hút thuốc, người cao tuổi, người có sức đề kháng kém. Những người bị viêm phế quản mạn tính có xu hướng dễ bị nhiễm trùng phổi hơn, có các đợt viêm phế quản cấp tính xen kẽ với các đợt ổn định.
1. Nguyên nhân gây viêm phế quản mạn tính
Có nhiều nguyên nhân và các yếu tố làm tăng nguy cơ gây viêm phế quản mạn tính như:
- Hút thuốc lá: Những người hút thuốc hoặc sống với người hút thuốc có nguy cơ cao hơn mắc cả hai bệnh viêm phế quản cấp tính và viêm phế quản mạn tính.
- Sức đề kháng yếu: Đây có thể là hậu quả của một bệnh cấp tính, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc một tình trạng mạn tính làm suy yếu hệ thống miễn dịch, trẻ em, người cao tuổi....
- Tiếp xúc với chất gây kích ứng phổi: Nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản tăng cao nếu làm việc trong một môi trường có các chất kích thích phổi, chẳng hạn như ngũ cốc, vải dệt hoặc tiếp xúc với hơi hóa chất.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Trào ngược dạ dày thực quản lặp đi lặp lại có thể gây kích thích cổ họng và dễ dẫn đến bệnh viêm phế quản.
- Tuổi: Hầu hết những người bị viêm phế quản mạn tính từ 40 tuổi trở lên.
2. Biểu hiện lâm sàng của viêm phế quản
Các triệu chứng thường gặp của viêm phế quản mạn tính là:
- Sốt nhẹ hoặc không sốt, ớn lạnh
- Ho kéo dài, ho có đờm trắng đục, vàng nâu hoặc xanh
- Mệt mỏi, ăn uống kém
- Khó thở, thở khò khè
- Đau tức ngực nhẹ
Các triệu chứng, đực biệt là ho khạc đờm, nhiều chất nhày trong cổ họng diễn ra trong nhiều năm trước khi bị khó thở.
Các triệu chứng khác có thể gặp bao gồm:
- Móng tay, môi và da hơi xanh do lượng oxy thấp hơn
- Thở khò khè
- Nếu nghe phổi sẽ thấy tiếng ral nổ, ran ngáy và ral rít ở 2 trường phổi
- Bàn chân sưng lên
- Suy tim, khi bị suy tim đưa đến bệnh cảnh bệnh tim phổi mạn tính.
3. Chẩn đoán viêm phế quản mạn tính
Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh, khám lâm sàng, nghe phổi. Nếu có nghi ngờ viêm phế quản mạn tính, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Chụp X-quang phổi: Kỹ thuật này khá đơn giản, có thể thực hiện được ở nhiều cơ sở y tế, giúp xác định xem có bị viêm phổi hay một tình trạng khác gây ra cơn ho không, điều này đặc biệt quan trọng ở những người hút thuốc lá.
- Xét nghiệm đờm: Soi tươi hoặc nhuộm soi dưới kính hiển vi, giúp phát hiện các vi khuẩn gây bệnh.
- Đo chức năng hô hấp: Đánh giá xem có tình trạng rối loạn thông khí phổi hay không? Nếu có thì là thông khí tắc nghẽn hay thông khí hạn chế.
4. Điều trị viêm phế quản mạn tính
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà phương pháp điều trị khác nhau. Nói chung, các phương pháp điều trị sẽ nhằm vào các triệu chứng của bệnh, bao gồm:
- Thuốc giãn phế quản: Bệnh viêm phế quản mãn tính thường được bác sĩ chỉ định cho sử dụng thuốc giãn phế quản, có tác dụng mở rộng đường lưu thông không khí đến phổi, giúp người bệnh có thể thở một cách dễ dàng hơn.
- Tùy theo mức độ bệnh mà có thể dùng thuốc giản phế quản dưới dạng uống, xịt, hay tiêm truyền tĩnh mạch…
- Một số trường hợp có thể hỗ trợ hô hấp bằng máy khí dung, máy trợ thở, thậm chí là máy thở
- Ngoài thuốc giãn phế quản, bác sĩ có thể chỉ định phối hợp với thuốc kháng viêm, giúp giảm phản ứng viêm, giảm xuất tiết ở phế quản
- Phục hồi chức năng: Biện pháp này bao gồm các bài tập thể dục, các bài tập về hô hấp và chế độ dinh dưỡng phù hợp với người mắc bệnh viêm phế quản mạn tính. Việc áp dụng một cách khoa học chương trình phục hồi chức năng phổi sẽ giúp người bệnh nâng cao thể lực, tăng cường sức đề kháng và giúp quá trình thở được diễn ra dễ dàng hơn.
- Hút đờm rãi: Có thể sử dụng máy móc, thiết bị làm sạch chất nhày như máy hút đờm rã giúp cho người bệnh dễ thở hơn
- Liệu pháp oxi: Trường hợp có giảm oxi trong máu do giảm thông khí phổi hoặc giảm trao đổi khí ở phổi, có thể phải thực hiện liệu pháp oxi, như cho người bệnh thở oxi qua mask hay oxi gọng kính.
- Sử dụng thuốc kháng sinh chỉ đặt ra trong giai đoạn cấp của viêm phế quản mạn tính, hoặc tìm thấy bằng chứng của vi khuẩn đang hoạt trong phổi, chẳng hạn như soi tươi đờm tìm thấy vi khuẩn gây bệnh.
5. Dự phòng viêm phế quản mạn tính
Để dự phòng và giảm nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản mạn tính, cần lưu ý thực hiện các biện pháp sau:
- Bỏ hút thuốc lá nếu có: Khói thuốc lá là một trong những tác nhân nguy hiểm gây ra bệnh viêm phế quản mạn tính nói riêng, và các bệnh lý về phổi nói chung, dẫn đến suy giảm chức năng hô hấp, thậm chí là ung thư phổi. Do đó, bỏ hút thuốc lá không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cho bản thân mà cả những người xung quanh.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, đồ bảo hộ khi tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi để tránh nguy cơ xâm nhập của những tác nhân gây hại đến đường hô hấp.
- Rửa tay đúng cách bằng xà phòng diệt khuẩn, vệ sinh đường hô hấp, vệ sinh mũi họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng…. vệ sinh sạch sẽ nơi ở, hạn chế tối đa bụi bẩn gây ảnh hưởng đến đường hô hấp.
- Tiêm vaccine phòng cúm và các bệnh gây viêm đường hô hấp khác. Đây là phương cách hữu hiệu giúp bảo vệ cơ thể khỏi một số bệnh về đường hô hấp, trong đó có bệnh viêm phế quản mạn tính.
Viêm phế quản