Tóm tắt nội dung
Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng. Khi viêm, các phế nang và ống dẫn khí trong phổi có thể chứa đầy chất lỏng hoặc mủ, gây ho có đờm hoặc mủ kèm theo sốt, ớn lạnh và khó thở.
Có nhiều tác nhân gây ra viêm phổi, nhưng thường gặp nhất là do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Bệnh viêm phổi có nhiều mức độ khác nhau từ viêm nhẹ, đến viêm phổi nặng, từ khu trú ở một vùng, một thùy hay thậm chí toàn bộ phổi. Bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trên 65 tuổi có nhiều bệnh nền, hoặc người bị suy giảm miễn dịch.
1. Phân loại viêm phổi
Phân loại viêm phổi theo tác nhân gây bệnh, có các loại:
- Viêm phổi do vi khuẩn
- Viêm phổi do virus
- Viêm phổi do nấm
- Viêm phổi do hóa chất
Phân loại viêm phổi theo nguyên nhân lây nhiễm:
- Viêm phổi bệnh viện: Xảy ra ở những người bệnh đang điều trị trong bệnh viện mà sau khi nhập viện 48 giờ.
- Viêm phổi cộng đồng: Chỉ tất cả các loại viêm phổi mà không phải là viêm phổi bệnh viện.
2. Nguyên nhân gây bệnh viêm phổi
Viêm phổi do vi khuẩn
Vi khuẩn là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp viêm phổi cộng đồng ở người trưởng thành. Những người có hệ miễn dịch suy yếu, những người có các bệnh lý nền mạn tính sẽ dễ bị viêm phổi do vi khuẩn hơn người bình thường.
Viêm phổi do nhiễm virus
Có nhiều loại virus gây viêm phổi, thường gặp nhất phải kể đến như virus cúm, virus thuộc họ corona, virus gây cảm lạnh…
Viêm phổi do nấm
Loại viêm phổi này do hít phải các bào tử của nấm, hay gặp ở những người có bệnh lý mạn tính, hoặc hệ miễn dịch suy yếu. Viêm phổi do nấm phát triển rất nhanh, các bào tử nấm khi hít phải bám vào phổi. Người hút thuốc lá, sinh sống ở môi trường bụi bẩn, ẩm mốc, dễ mắc bệnh viêm phổi do nấm.
Viêm phổi do hóa chất
Viêm phổi do hóa chất hay còn được gọi là viêm phổi hít, rất ít gặp nhưng mức độ nguy hiểm cao. Viêm phổi do hóa chất xảy ra với nhiều mức độ khác nhau, mức độ nặng sẽ phụ thuộc vào loại hóa chất (ví dụ acid, base), thời gian phơi nhiễm, thể trạng người bệnh, các biện pháp sơ cứu đã thực hiện… Ngoài ra, các hóa chất gây viêm phổi còn có thể gây hại cho nhiều cơ quan khác.
Viêm phổi bệnh viện
Là viêm phổi xảy ra sau 48 giờ nhập viện mà trước đó người bệnh không có các triệu chứng của viêm phổi. Viêm phổi bệnh viện thường do những vi khuẩn gây ra là P. aeruginosa (trực khuẩn mủ xanh), Enterobacteriacae, Haemophillus influenza, S. aureus (tụ cầu vàng),….
Viêm phổi cộng đồng
Viêm phổi cộng đồng là cách chỉ tất cả các loại viêm phổi mà không phải là viêm phổi bệnh viện. Nguyên nhân gây ra viêm phổi cộng đồng rất đa dạng, thông thường nhất là viêm phổi do vi khuẩn, virus.
3. Đối tượng dễ mắc bệnh viêm phổi
Trẻ em
Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt dưới 2 tháng tuổi, là nhóm tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất.
Phụ nữ mang thai
Thời kỳ mang thai, hệ miễn dịch của phụ nữ suy giảm nên dễ bị virus, vi khuẩn tấn công. Do đó, phụ nữ mang thai dễ mắc viêm phổi. Bệnh viêm phổi trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mẹ và thai nhi. Bệnh làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ, sinh non, có thể gây sẩy thai.
Người cao tuổi
Người cao tuổi do sự lão hóa của cơ thể dẫn dến sức khỏe yếu, khả năng thích nghi kém nên vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa mưa nắng thất thường họ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm phổi. Người cao tuổi mắc bệnh viêm phổi nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng, điển hình là suy hô hấp.
Các yếu tố nguy cơ khác
Người bệnh nằm viện có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn nếu đang ở trong phòng chăm sóc đặc biệt như đang sử dụng máy thở.
Người mắc các bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, hen tim… có nhiều khả năng bị viêm phổi.
Hút thuốc lá làm giảm nhu động phế quản, gây tổn thương hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể chống lại vi khuẩn và vi rút, do đó dễ gây viêm phổi.
Những người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống thải ghép, điều trị ung thư, suy gan, suy thận, nhiễm HIV/AIDS… đều có nguy cơ cao mắc viêm phổi.
4. Các triệu chứng bệnh viêm phổi
Các biểu hiện bệnh viêm phổi khác nhau từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào các yếu tố như loại vi khuẩn, loại virus gây viêm phổi, tuổi tác và thể trạng của người bệnh.
Triệu chứng thường gặp
Đa số trường hợp có các triệu chứng như:
- Sốt cao, ớn lạnh, rét run
- Ho, cơn ho kéo dài liên tục và kèm theo đờm
- Họ rơi vào cảm giác mệt mỏi, cơ thể uể oải và cực kỳ khó chịu vì cơn ho liên tục làm phiền
- Đau tức ngực, khó thở
Triệu chứng của người bệnh nặng:
Nhiều trường hợp viêm phổi nặng, triệu chứng rất nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng nặng có thể gặp như:
- Sốt cao 39 - 40 độ
- Khó thở, nhịp thở nhanh
- Rút lõm lồng ngực, tức ngực
- Tím tái
- Vật vã, kích động hoặc lơ mơ thậm chí hôn mê.
Triệu chứng ở trẻ em:
Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo viêm phổi. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể có dấu hiệu như:
- Sốt cao, co giật
- Nôn, tiêu chảy
- Ho
- Trẻ bứt rứt, mệt mỏi
- Trẻ khó thở, bỏ bú, bỏ ăn
- Tím tái, li bì, rút lõm lồng ngực.
5. Chẩn đoán bệnh viêm phổi
Viêm phổi có thể có triệu chứng lâm sàng rõ ràng, nhưng cũng có nhiều trường hợp viêm phổi không có triệu chứng. Để chẩn đoán viêm phổi, bác sĩ dựa vào:
Khám lâm sàng:
- Hỏi bệnh sử tìm các dấu hiệu ho, khó thở, sốt và các triệu chứng khác đi kèm. Đồng thời tìm các dấu hiệu nguy hiểm như khó thở, tím tái, li bì…
- Đếm nhịp thở theo dõi người bệnh thở nhanh hay chậm
- Nghe phổi để tìm các tiếng ral bất thường: ral ẩm, ral nổ, ral rít
Cận lâm sàng:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra tình trạng nhiễm trùng phổi thông qua số lượng bạch cầu
- Nuôi cấy đờm: Tìm vi khuẩn hoặc nấm gây nhiễm trùng phổi, từ đó bác sĩ tìm loại kháng sinh tốt nhất để điều trị nhiễm trùng.
- Chụp X- quang ngực: X quang ngực giúp chẩn đoán viêm phổi, trên X quang sẽ xuất hiện các hình ảnh của tổn thương nhu mô như tổn thương phế nang, mô kẽ phổi.
- Chụp CT: Có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chẩn đoán xác định các đám mờ ở phổi. Tìm ra những tổn thương dù là nhỏ hay khó thấy nhất mà phim chụp X-quang bỏ sót.
- Nội soi phế quản: Đây là một thủ thuật giúp bác sĩ quan sát đường hô hấp bằng một ống soi mềm (soi phế quản) để chẩn đoán các bệnh lý về phổi. Ngoài ra, thủ thuật cho phép bác sĩ lấy các mẫu mô, tế bào hoặc dịch của phổi.
Kết hợp lâm sàng và cận lâm sàng giúp bác sĩ chẩn đoán phân biệt bệnh viêm phổi với các bệnh nguy hiểm khác như: dị vật đường thở, hen phế quản, bệnh lý phổi bẩm sinh, hay các nguyên nhân gây suy hô hấp khác như bệnh lý tim mạch, suy tim, tim bẩm sinh…
6. Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm phổi
Ngay cả khi được điều trị, một số trường hợp viêm phổi, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao, có thể gặp các biến chứng bao gồm:
- Nhiễm khuẩn huyết: Vi khuẩn xâm nhập vào máu từ phổi có thể lây nhiễm bệnh sang các cơ quan khác, có khả năng gây suy nội tạng.
- Suy hô hấp: Viêm phổi nặng hoặc mắc các bệnh mạn tính về phổi, có thể khó thở dẫn đến suy hô hấp.
- Tràn dịch màng phổi: Viêm phổi có thể gây ra chất lỏng tích tụ trong khoang màng phổi, lượng dịch trong khoang màng phổi tăng lên gây khó thở, có thể cần phải được chọc hút hoặc dẫn lưu dịch.
- Áp xe phổi: Áp xe xảy ra nếu mủ hình thành trong một khoang trong phổi, thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, đôi khi phải phẫu thuật hoặc dẫn lưu bằng kim hoặc ống dài đặt vào ổ áp xe là cần thiết để loại bỏ mủ.
7. Điều trị bệnh viêm phổi
Tùy theo nguyên nhân gây viêm phổi mà có biện pháp điều trị khác nhau. Điều trị viêm phổi liên quan đến việc điều trị nhiễm trùng và ngăn ngừa các biến chứng.
Điều trị tại nhà:
Hầu hết các trường hợp viêm phổi cộng đồng hoặc các trường hợp viêm phổi nhẹ chỉ cần điều trị tại nhà có sự giám sát của nhân viên y tế.
Khi điều trị tại nhà, bác sĩ kê thuốc theo nguyên nhân gây viêm phổi. Đồng thời được hẹn đến bệnh viện tái khám theo chỉ định, hoặc đến bệnh viện ngay nếu có biến chứng khó thở, sốt cao không hạ…
Hầu hết các triệu chứng giảm bớt trong một vài ngày hoặc vài tuần, cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài trong một tháng hoặc hơn.
Điều trị tại bệnh viện:
Với người trưởng thành khi mắc viêm phổi nặng với biểu hiện khó thở khi gắng sức thì cần phải đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Riêng với trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi có các biểu hiện viêm phổi đều phải nhập viện cấp cứu ngay. Trẻ từ 2-5 tuổi mà không ăn uống, co giật, ngủ li bì, khó đánh thức, thở có tiếng rít cũng phải lập tức nhập viện điều trị.
Các loại thuốc cho bệnh nhân viêm phổi:
Các thuốc điều trị bệnh viêm phổi phụ thuộc vào loại viêm phổi và mức độ nghiêm trọng của bệnh, tuổi tác và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Các bác sĩ thường kê các thuốc điều trị bao gồm:
Thuốc kháng sinh:
Những loại thuốc này được sử dụng để điều trị viêm phổi do vi khuẩn. Nếu các triệu chứng không cải thiện, bác sĩ có thể đề nghị một loại kháng sinh khác.
Thuốc hạ sốt/thuốc giảm đau:
Người bệnh có thể dùng những loại thuốc này khi cần thiết để hạ sốt, thông dụng nhất là nhóm paracetamol.
8. Dự phòng bệnh viêm phổi
Tiêm vaccine phòng bệnh
Là biện pháp tốt nhất để phòng các bệnh viêm đường hô hấp cấp, nhất là ở trẻ em. Hiện có nhiều loại vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp do vi khuẩn và virus, như vaccine phòng cúm, vaccine phòng HIB, phế cầu.…
Tăng cường vệ sinh
Để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng đường hô hấp mà đôi khi dẫn đến viêm phổi, hãy rửa tay thường xuyên hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn tay khô, đeo khẩu trang.
Súc miệng hằng ngày bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn. Thói quen này giúp tiêu diệt vi khuẩn ở cổ họng, làm loãng đờm, khai thông đường thở và hạn chế tối đa các biến chứng do nhiễm khuẩn.
Không hút thuốc chủ động hoặc thụ động
Khói thuốc lá có khả năng làm giảm tác dụng bảo vệ tự nhiên của phổi chống lại nhiễm trùng đường hô hấp.
Tăng cường sức đề kháng của cơ thể
Các biện pháp giúp tăng sức đề kháng là ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh và sử dụng các sản phẩm giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Viêm phổi