Tóm tắt nội dung
Mycoplasma pneumoniae là tác nhân đáng chú ý nhất trong viêm phổi cộng đồng với tỉ lệ gây bệnh chiếm khoảng 10-30%. Bệnh cảnh lâm sàng thường gặp là viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, viêm phế quản. Các dạng ít gặp hơn là sốt kéo dài, tổn thương thần kinh, da, tim mạch, cơ, xương.
1. Nguyên nhân gây viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae
Tác nhân gây bệnh là Mycoplasma pneumoniae, một loại vi khuẩn rất nhỏ, không di động, hình thể rất đa dạng.
Bệnh lây nhiễm từ người sang người do hít phải những giọt nhỏ bắn ra từ người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Hoặc có thể nhiễm bệnh do tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của người nhiễm rồi đưa lên miệng, mũi hay mắt.
Viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma thường lây truyền nhanh chóng giữa những người sống hoặc làm việc trong một không gian hẹp như trong gia đình, trường học hoặc nơi làm việc.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh:
- Tuổi tác: Không giống như các bệnh viêm phổi khác hay gặp ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae thường gặp ở người dưới 40 tuổi và trẻ lớn.
- Người có sức đề kháng yếu như thể trạng gầy, suy nhược cơ thể, suy giảm miễn dịch
- Người bị bệnh tiểu đường
- Những người sống trong điều kiện chật trội, đông người, môi trường ô nhiễm, ẩm thấp…
2. Triệu chứng bệnh viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae
Không giống như các bệnh viêm phổi do nhiễm virus cúm hay adenovirus khởi phát nhanh và rầm rộ, bệnh viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae khởi bệnh từ từ, thời gian ủ bệnh kéo dài 2 – 3 tuần. Sau đó xuất hiện các triệu chứng như:
- Đau đầu, mệt mỏi, sốt, sổ mũi, ho, khò khè…
- Ở trẻ em, sốt và ho thường là triệu chứng khởi phát, cũng là lý do khiến bệnh nhi nhập viện
- Sốt thường không cao, dưới 39 độ C
- Triệu chứng ho nổi bật nhất, ho liên tục, khởi đầu ho khan sau đó có đờm, ho nặng dần trong 2 tuần đầu rồi giảm dần.
- Có trường hợp ho kéo dài từ 3-4 tuần, đây là triệu chứng quan trọng và gợi ý ngay đến chẩn đoán nhiễm M. pneumoniae thể phổi.
- Ngoài ra có thể gặp các triệu chứng như nôn, tiêu chảy, chán ăn… đặc biệt là ở trẻ em. Trong khi mệt mỏi, nhức đầu thường ghi nhận ở trẻ lớn.
- Triệu chứng toàn thân không có gì đặc biệt, nói chung toàn trạng ít thay đổi dù bệnh có thể diễn biến kéo dài nhiều tuần.
- Nghe phổi có thể thấy các triệu chứng của viêm phổi như ral ẩm, ral nổ, ral rít, hoặc cũng có thể không phát hiện triệu chứng gì.
- Các triệu chứng ngoài phổi có thể gặp như phát ban ngoài da, mề đay, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, thiếu máu, viêm não, viêm màng não, viêm tủy… nhưng rất hiếm gặp.
3. Chẩn đoán viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae
Lâm sàng
- Xảy ra ở trẻ lớn hoặc người dưới 40 tuổi
- Diễn biến từ từ với các triệu chứng sốt nhẹ, sổ mũi, chảy nước mũi
- Ho khan, sau ho có đờm, ho kéo dài trên 2 tuần, thậm chí 4 tuần
- Trẻ em xuất hiện nôn, tiêu chảy, chán ăn… người lớn thì gặp mệt mỏi, nhức đầu
- Triệu chứng toàn thân ít thay đổi
- Khám phổi triệu chứng cũng nghèo nàn, có thể phát hiện ral ẩm, ral nổ, nhưng cũng có thể không phát hiện gì.
Cận lâm sàng
- Chụp X quang phổi: Có hình ảnh viêm phổi kẽ, viêm phổ tập trung, tràn dịch màng phổi
- Chụp CT lồng ngực: Chẩn đoán rõ hơn các trường hợp viêm phổi mà trên phim X quang không phát hiện được
- Nội soi phế quản: Vừa giúp chẩn đoán vừa có thể giúp can thiệp trong một số trường hợp, chẳng hạn như hút dịch phế quản
- Đo độ bão hòa oxy trong máu, nói chung là bình thường, một số ít trường hợp có thể giảm nếu có khó thở
- Xét nghiệm công thức máu: Bạch cầu bình thường hoặc tăng nhẹ, CRP tăng
- Xét nghiệm đờm hoặc cấy đờm tìm Mycoplasma
- Xét nghiệm RT-PCR dịch tỵ hầu, dịch nội khí quản hoặc dịch màng phổi để tìm sự hiện diện của Mycoplasma pneumoniae. Xét nghiệm này cho kết quả chẩn đoán chính xác nhất, tuy nhiên trong thực tế ít làm vì giá thành cao và cho kết quả chậm.
4. Điều trị viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae
Bệnh viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae nói chung khá nhẹ, có thể điều trị tại nhà với trường hợp vừa và nhẹ. Chỉ nhập viện điều trị với trường hợp nặng mà có khó thở hay suy hô hấp.
Điều trị triệu chứng:
- Hạ sốt bằng paracetamol, thường dùng liều 15mg/kg cân nặng mỗi 4h/lần nếu có sốt trên 38 độ C
- Thuốc ho long đờm: Có thể dùng acetylcystein, bromhexin
- Làm thông thoáng đường thở bằng cách kích thích ho, khạc đờm, hoặc hút sạch đờm rãi
- Bù dịch, bù nước và điện giải, bổ sung vitamin và khoáng chất nâng cao thể trạng
- Liệu pháp kháng sinh: Có thể dùng azithromycine hoặc clarithromycin, thường dùng kháng sinh 7 – 10 ngày, thậm chí 3 tuần
- Thở oxy nếu có khó thở
Trường viêm phổi nặng, có suy hô hấp thì phải nhập viện điều trị. Các biện pháp điều trị trong trường hợp này:
- Thở máy
- Hút đờm rãi, khai thông đường thở
- Kháng sinh đường tĩnh mạch
- Bù nước điện giải
- Dùng corticoid: Sử dụng cân nhắc trong trường hợp viêm phổi nặng
5. Phòng bệnh viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn hoặc dung dịch rửa tay khô
- Tránh tiếp xúc với người đang bị nhiễm bệnh, hoặc đứng cách xa tối thiểu 2m, hoặc dùng dụng cụ bảo hộ thích hợp để chống giọt bắn vào vùng mặt
- Không hút thuốc lá, với trẻ em thì không cho tiếp xúc với khói thuốc
- Tiêm vaccine phòng một số bệnh viêm đường hô hấp như cúm mùa, viêm phổi do HI…
Viêm phổi