Tìm hiểu về bệnh viêm phổi do tụ cầu

Tụ cầu là loại vi khuẩn hình cầu đứng thành từng đám, trong đó tụ cầu vàng là loại thường gặp nhất gây bệnh nhiễm trùng ở người, trong đó có viêm phổi cấp. Tụ cầu vàng sống ký sinh ở lớp niêm mạc của đường hô hấp trên như mũi, họng và chúng cũng có thể tồn tại ở bề mặt da của cơ thể.

Khi tấn công và xâm nhập vào phổi, tụ cầu gây ra nhiều ổ viêm nhiễm trùng nghiêm trọng ở tiểu phế quản và phế quản, dẫn đến hoại tử và xuất huyết. Tại các ổ viêm phổi do tụ cầu, nhiều bạch cầu hạt trung tính gây ra tình trạng phù nề và tạo thành các ổ áp xe, có thể dẫn đến phá hủy thành của các phế nang.

Từ ổ nhiễm trùng tại phổi, tụ cầu có thể xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng máu, hoặc theo máu đến các cơ quan khác gây nhiễm trùng các cơ quan khác trong cơ thể. Nhiễm trùng máu do tụ cầu rất nguy hiểm, có thể gây tử vong nhanh chóng.

1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm phổi do tụ cầu

Vi khuẩn tụ cầu vàng có tên khoa học là Staphylococcus aureus có thể xâm nhập vào nhu mô phổi qua hai con đường là hít phải dịch tiết có chứa vi khuẩn hoặc hoặc lây truyền qua đường máu đến phổi.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm phổi do tụ cầu

Thường ở người sau bị bệnh cúm hoặc suy giảm miễn dịch, tụ cầu theo dịch tiết đường hô hấp trên bị hít vào phổi, rồi gây viêm phổi. Trường hợp thứ hai tụ cầu theo đường máu đến gây viêm phổi, hay xảy ra ở những người bị mụn nhọt ngoài da, viêm tắc tĩnh mạch, viêm màng trong tim...

Các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh:

  • Tuổi tác: Bệnh thường xảy ra ở người sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi
  • Người suy giảm miễn dịch, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, hóa chất điều trị ung thư
  • Sau khi bị cảm cúm, cảm lạnh thông thường
  • Sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi, không đủ đủ liều lượng, không đủ thời gian gây kháng thuốc
  • Người mắc bệnh phải điều trị lâu ngày trong bệnh viện…

2. Triệu chứng viêm phổi do tụ cầu

Triệu chứng viêm phổi do tụ cầu

Triệu chứng lâm sàng phụ thuộc vào tuổi và sức khoẻ của người bệnh. Các triệu chứng của viêm phổi do tụ cầu phổ biến là:

  • Sốt cao 39 – 40 độ C
  • Ho khan, sau đó có thể ho khạc đợm thậm chí khạc ra mủ, rất hiếm khi gặp ho ra máu
  • Đau tức ngực
  • Mệt mỏi, tím tái, mạch nhanh, thở nhanh
  • Đôi khi có bụng chứng
  • Nghe phổi có thể thấy rì rào phế nang giảm, có nhiều ổ ral nổ

Nếu bệnh viêm phổi do tụ cầu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra các biến chứng như tràn dịch màng phổi, mủ màng phổi, nhiễm trùng huyết.

3. Chẩn đoán viêm phổi do tụ cầu

Chẩn đoán viêm phổi do tụ cầu

Chẩn đoán viêm phổi do tụ cầu khi có các triệu chứng:

  • Lâm sàng: Xuất hiện các triệu chứng sốt cao, ho khan, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, nhịp thở nhanh…
  • X quang phổi: Hình ảnh X quang phổi xuất hiện nhiều ổ viêm (những đám mờ) có hình tròn, không đều nhau, nằm rải rác ở hai trường phổi, không đối xứng nhau.
  • Xét nghiệm công thức máu: Bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính tăng
  • Xét nghiệm CRP tăng cao
  • Nhuộm gram đờm: Thấy cầu khuẩn tụ tập từng đám và tụ cầu trong bạch cầu vì tụ cầu còn sống nhiều giờ sau khi bị thực bào.
  • Cấy đờm hoặc dịch từ ổ viêm: Xuất hiện vi khuẩn hình cầu mọc thành đám trông như chùm nho. Đây là khuẩn lạc đặc trưng của tụ cầu vàng. Xét nghiệm này ngoài chẩn đoán xác định chính xác viêm phổi do tụ cầu, thì còn giúp làm kháng sinh đồ cho phép lựa chọn kháng sinh tốt nhất để điều trị. Tuy nhiên kết quả thường chậm, và độ nhạy không cao (tức nhiều trường hợp âm tính giả).

4. Điều trị viêm phổi do tụ cầu

Điều trị bằng kháng sinh

Điều trị viêm phổi do tụ cầu bằng kháng sinh

Khi được chẩn đoán là viêm phổi do tụ cầu, điều trị đầu tiên là phải dùng kháng sinh. Tùy mức độ, có thể dùng kháng sinh đường uống hoặc đường tĩnh mạch.

Hiện nay tụ cầu thường đề kháng với thuốc penicilin do chúng có men penicilinase, cho nên thuốc kháng sinh phải chống lại được men này mới có hiệu quả.

Tốt nhất là lựa chọn theo kháng sinh đồ, tuy nhiên nếu đợi kết quả kháng sinh đồ (thường chậm sau 5 – 7 ngày) có thể làm bệnh diễn biến nặng. Do đó, phải dùng thuốc kháng sinh sớm, ngay khi có được chẩn đoán.

Điều trị triệu chứng

  • Điều trị sốt, long đờm, 
  • Dẫn lưu dịch màng phổi (nếu có tràn dịch màng phổi), vô rung lồng ngực (giúp kích thích phản ứng ho, tống dịch và đờm trong phổi ra ngoài)…
  • Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, tránh suy dinh dưỡng
  • Nằm đầu cao, thở oxy nếu có khó thở

Hồi sức tích cực: Cần phải điều trị hồi sức tích cực trong trường hợp có suy hô hấp, nhiễm trùng máu…

5. Dự phòng viêm phổi do tụ cầu

Phòng ngừa viêm phổi do tụ cầu

Các biện pháp dự phòng viêm phổi do tụ cầu bao gồm:

  • Khi chăm sóc người bệnh tại bệnh viện phải đảm bảo vô trùng, tránh lây nhiễm chéo
  • Khi vào viện thăm người ốm phải đeo khẩu trang để tránh làm bắn vi khuẩn, trong đó có tụ cầu vào người bệnh
  • Những người bị cúm, bị suy giảm miễn dịch, đang điều trị hóa chất hay thuốc ức chế miễn dịch… cũng thường xuyên đeo khẩu trang để tránh bị lây bệnh do tụ cầu và các bệnh khác.
  • Giữ vệ sinh da bằng cách tắm rửa hằng ngày
  • Điều trị triệt để các bệnh nhiễm khuẩn da như mụn nhọt, các vết thương hở
  • Các bệnh là nguyên nhân có thể dẫn đến viêm phổi do tụ cầu như viêm tắc tĩnh mạch, viêm màng trong tim… cũng phải điều trị tích cực.
  • Nâng cao sức đề kháng bằng việc ăn uống đầy đủ chất và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.
  • Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, dùng kháng sinh phải đủ liều lượng, đủ thời gian, tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh uống để hạn chế vi khuẩn kháng thuốc.

Viêm phổi