Tuyến lệ, còn gọi là tuyến nước mắt nằm bên trong ở góc trên ngoài của mỗi mắt. Có 2 loại là tuyến lệ chính và tuyến lệ phụ. Tuyến lệ chính nằm giữa hố lệ của thành xương hốc mắt và nhãn cầu, bao gồm tuyến lệ hốc và một phần tuyến lệ mi. Tuyến lệ phụ có rất nhiều tuyến nhỏ, nằm dưới kết mạc.

Tuyến lệ là một tuyến ngoại tiết, tiết ra chất lỏng được gọi là nước mắt. Nước mắt là chất lỏng đẳng trương, giúp giữ ẩm và cung cấp chất dinh dưỡng cho kết mạc và giác mạc. Nó có tác dụng bôi trơn, giảm ma sát, loại bỏ bụi và mảnh vụn ra khỏi mắt để tránh nhiễm trùng.

Tổng quan về bệnh viêm tắc tuyến lệ

Nước mắt được tiết ra liên tục từ tuyến lệ, sau đó thoát vào hai điểm lệ rất nhỏ nằm ở góc trong mi trên và dưới và tiếp tục chảy qua hai ống lệ nằm trong mí mắt để vào đến túi lệ ở mặt bên sống mũi, rồi được dẫn xuống mũi thông qua ống lệ mũi. Tại đây, nước mắt sẽ bốc hơi hoặc được tái hấp thu.

Viêm tắc tuyến lệ là tình trạng hệ thống dẫn lưu nước mắt của mắt bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Mắt dễ bị kích ứng hoặc nhiễm trùng mạn tính khi nước mắt không thể lưu thông bình thường.

Khoảng 20% trẻ em bị tắc tuyến lệ bẩm sinh, hầu hết tự khỏi khi trẻ được 1 tuổi. Tắc tuyến lệ ở người lớn thường xảy ra khi bị các nhiễm trùng tại mắt, tình trạng sưng nề, chấn thương hoặc khối u.

1. Nguyên nhân dẫn đến viêm tắc tuyến lệ

Nguyên nhân dẫn đến viêm tắc tuyến lệ

Nguyên nhân gây ra bệnh có thể là do:

  • Tắc nghẽn tuyến lệ bẩm sinh: Gặp ở khoảng 20% trẻ em mới sinh, nhưng thường khỏi khi trẻ được 1 tuổi.
  • Người cao tuổi: Ở người cao tuổi, các lỗ nhỏ dẫn lưu nước mắt có thể bị thu hẹp lại và gây ra tắc nghẽn.
  • Các nhiễm trùng ở mắt: Nhiễm trùng mạn tính ở mắt, ở các ống lệ có thể làm tắc ống dẫn nước mắt. Viêm xoang mạn tính có thể kích thích các mô và hình thành sẹo và làm tắc nghẽn hệ thống ống dẫn nước mắt.
  • Phẫu thuật ở mắt: Chẳng hạn như phẫu thuật mắt, mí mắt, mũi hoặc giải phẫu xoang.
  • Mắc bệnh tăng nhãn áp: Có nguy cơ cao mắc bệnh viêm tắc tuyến lệ nếu như đã từng sử dụng thuốc điều trị tăng nhãn áp.
  • Chấn thương: Những chấn thương mũi như gãy mũi và mô sẹo có thể làm tắc ống dẫn nước mắt.
  • Khối u: Các khối u có thể đè lên hệ thống ống dẫn nước mắt và cản trở sự dẫn lưu.
  • Thuốc hóa trị và xạ trị ung thư: Các loại thuốc hóa trị và phương pháp xạ trị có thể có một số tác dụng phụ, một trong số đó là gây ra bệnh tắc tuyến lệ.

2. Biểu hiện lâm sàng của viêm tắc tuyến lệ

Biểu hiện lâm sàng của viêm tắc tuyến lệ

Các dấu hiệu thường gặp của viêm tắc tuyến lệ bao gồm:

  • Chảy nước mắt quá nhiều
  • Đỏ mắt nhiều ở lòng trắng và mi mắt
  • Sưng đau ở gần góc trong của mắt
  • Mí mắt đóng váng
  • Trường hợp nặng có thể chảy mủ mắt, giảm thị lực, nước mắt nhuốm máu
  • Triệu chứng toàn thân có thể gặp: sốt, mệt mỏi, đau đầu

3. Biến chứng có thể gặp của viêm tắc tuyến lệ

Nước mắt lưu thông kém và vẫn còn lại trong ống lệ, làm thúc đẩy tăng trưởng của vi khuẩn, virus và nấm. Hậu quả là có thể bị nhiễm trùng mắt tái đi tái lại. Bất kỳ phần nào của hệ thống ống lệ cũng có thể bị nhiễm trùng, thậm chí dẫn đến rách ống lệ.

4. Chẩn đoán viêm tắc tuyến lệ

Chẩn đoán viêm tắc tuyến lệ

Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng, khám mắt và các xét nghiệm.

Lâm sàng: Chảy nước mắt nhiều, đỏ mắt, sưng nề ở góc trong mắt, mí mắt đóng váng.

Các xét nghiệm dùng để chẩn đoán tắc tuyến lệ bao gồm:

  • Kiểm tra hệ thống dẫn lưu nước mắt: xét nghiệm này kiểm tra xem nước mắt được dẫn lưu như thế nào.
  • Bơm rửa và thăm dò: có thể dùng một dung dịch muối bơm rửa vào hệ thống dẫn lưu nước mắt của để kiểm tra nó dẫn lưu có tốt không.
  • Các kỹ thuật hình ảnh ở mắt như X-quang, chụp CT, MRI: thực hiện các xét nghiệm này để tìm ra vị trí và nguyên nhân gây ra tắc nghẽn tuyến lệ.

5. Điều trị viêm tắc tuyến lệ

Điều trị viêm tắc tuyến lệ

Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Massage ống dẫn lưu nước mắt: Biện pháp này đơn giản, có thể áp dụng cho mọi trường hợp viêm tắc tuyến lệ.
  • Dùng thuốc kháng sinh: Khi có nhiễm trùng ở mắt hoặc hệ thống ống lệ, có thể dùng thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh hoặc dùng kháng sinh đường toàn thân.
  • Nếu tắc tuyến lệ do chấn thương: Phải điều trị tình trạng chấn thương trước, sau đó mới điều trị tắc luyến lệ sau.
  • Nong ống lệ: Dùng dụng cụ chuyên dụng để nong ống lệ, túi lệ và ống lệ mũi. Biện pháp này phải được bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám và thực hiện.
  • Đặt stent hoặc luồn ống thông: Thủ thuật này thường được thực hiện sau khi đã gây mê toàn thân.
  • Phẫu thuật mở thông túi lệ xuống mũi: Dùng để mở ra lối thoát cho nước mắt vào mũi, chỉ định trong trường hợp tắc hoàn toàn ống lệ mũi.

6. Dự phòng viêm tắc tuyến lệ

Các biện pháp dự phòng viêm tắc tuyến lệ:

  • Viêm tắc tuyến lệ bẩm sinh không có biện pháp dự phòng, nhưng thường lành tính, có thể tự khỏi khi trẻ được 1 tuổi.
  • Cố gắng không dụi tay lên mắt
  • Hạn chế tối đa để bụi hay dị vật bắn vào mắt
  • Bỏ hút thuốc lá (nếu có), tránh xa khói thuốc lá, nhất là ở trẻ em.
  • Khám và điều trị sớm tình trạng nhiễm trùng ở mắt.

Viêm tắc tuyến lệ