Thanh quản nằm ngay dưới hạ họng, ở ngã ba miệng và khí quản, có một lớp phủ giống như nắp gọi là nắp thanh quản. Bình thường nắp thanh quản mở giúp không khí lưu thông vào hoặc ra khỏi phổi trong quá trình hít thở, nhưng sẽ đóng lại trong khi nuốt. Chính động tác đóng nắp thanh quản giúp ngăn chặn thức ăn và nước bọt xâm nhập vào thanh quản khi nuốt.

Bệnh viêm thanh quản mạn tính

Thanh quản còn là hộp thoại cho phép con người nói. Do vậy, viêm thanh quản là tình trạng viêm của hộp thoại và dây thanh âm gây khàn giọng hoặc mất hẳn tiếng trong trường hợp nặng. Viêm thanh quản thường khỏi trong 2 - 3 tuần, nhưng nếu không được điều trị đúng bệnh có thể kéo dài và chuyển thành viêm thanh quản mạn tính.

Được coi là viêm thanh quản mạn tính khi mà bệnh viêm thanh quản kéo dài trên 3 tuần, quá trình viêm này có thể dẫn tới quá sản, loạn sản hoặc teo niêm mạc thanh quản. Đây là loại viêm thanh quản thường do tiếp xúc với các chất kích thích theo thời gian. Viêm thanh quản mạn tính tốn nhiều thời gian để bình phục, phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và phụ thuộc vào điều trị, sức khỏe người bệnh, nhất là người cao tuổi.

1. Nguyên nhân gây viêm thanh quản mạn tính

Nguyên nhân gây viêm thanh quản mạn tính

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra bệnh viêm thanh quản mạn tính, trong đó các nguyên nhân chính bao gồm:

  • Hít phải các chất kích thích như hóa chất, chất gây dị ứng hoặc khói...
  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD), rất thường gặp
  • Viêm mũi xoang mạn tính, viêm họng, viêm amydal, viêm phế quản…
  • Hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều
  • Viêm thanh quản ở người bị bệnh tiểu đường
  • Do đặc thù công việc phải nói nhiều như giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên, nhân viên trực tổng đài điện thoại…
  • Các nguyên nhân ít gặp hơn như viêm thanh quản do nhiễm vi khuẩn, nhiễm nấm, kí sinh trùng, ung thư hạ họng – thanh quản, các rối loạn dây thanh do chấn thương hoặc đột quỵ…

2. Biểu hiện lâm sàng viêm thanh quản mạn tính

Biểu hiện lâm sàng viêm thanh quản mạn tính
  • Thay đổi giọng nói: Ban đầu tiếng nói không cao, làm cho người bệnh phải cố gắng nhiều mới nói to được, về sau tiếng nói bị rè, đặc biệt là khàn giọng và yếu. Khàn tiếng là dấu hiệu quan trọng nhất, khàn kéo dài lúc tăng, lúc giảm, kèm theo ho, đôi khi có kèm cảm giác nói đau, luôn phải đằng hắng cho giọng nói được trong.
  • Ho khan: Thường ho khan vào buổi sáng do chất nhầy xuất tiết bám ở thanh quản, ngoài ra còn có cảm giác ngứa, cay và khô rát ở vùng thanh quản.
  • Khám họng thường không phát hiện dấu hiệu gì, vì các tổn thương ở sâu dưới hạ họng. Tuy nhiên có thể phát hiện các dấu hiệu kèm theo như họng đỏ, amydal sưng, có thể có hốc mủ…

Nội soi họng thanh quản có thể thấy:

  • Chất nhày đọng lại ở một số điểm của thanh quản, như điểm giưa 1/3 trước và 1/3 giữa của dây thanh.
  • Hình thành hạt xơ ở dây thanh nếu quá trình viêm kéo dài
  • Khi ho thì chất nhày mất đi, nhìn thấy tổn thương sung huyết ở vị trí trên.
  • Tổn thương dây thanh: Ở mức độ nhẹ dây thanh bị sung huyết đỏ, mạch máu dưới dây thanh giãn làm toàn bộ dây thanh đỏ, có khi nhìn thấy những tia đỏ. Ở mức độ nặng dây thanh bị quá sản và tròn như sợi dây thừng, niêm mạc hồng, đỏ, mất bóng.
  • Trong trường hợp viêm thanh quản lâu ngày có thể thấy được đường vằn hoặc kẻ dọc trên mặt thanh đai.
  • Nếu viêm thanh quản do đái tháo đường, thấy niêm mạc ở màn hầu và họng cũng dày và xuất tiết.
Nội soi họng thanh quản

Chụp X quang: Ít có giá trị chẩn đoán viêm thanh quản, nhưng X quang tim phổi có thể giúp chẩn đoán các bệnh lý liên quan.

Xét nghiệm máu: Chỉ có dấu hiệu phản ứng viêm trong giai đoạn cấp

Xét nghiệm đờm: Giúp loại trừ lao

Xét nghiệm glucose máu giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường kèm theo

3. Chẩn đoán xác định viêm thanh quản mạn tính

Chẩn đoán xác định bị viêm thanh quản mạn tính khi có các dấu hiệu sau:

  • Khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, kèm ho khan hoặc ho đờm đặc
  • Nội soi họng thanh quản: Thấy niêm mạc họng thanh quản tiết nhày, dây thanh dày, mất bóng đôi khi có bờ răng cưa, mạch máu nổi, sung huyết, có thể có hạt xơ…

Các thể lâm sàng

Chẩn đoán xác định viêm thanh quản mạn tính

  • Thể phù Reinke: Do khoảng Reinke có cấu trúc lỏng lẻo nên dịch viêm tích tụ làm phù nề một hoặc cả hai bên dây thanh, giống như dạng polyp, khàn tiếng nặng, kéo dài, tăng dần.
  • Hạt xơ dây thanh: Viêm thanh quản mạn tính tái phát hoặc phát triển thành hạt xơ dây thanh. Hạt xơ là loại u nhỏ bằng hạt tấm nhỏ, đường kính khoảng 1mm, mọc ở bờ tự do của dây thanh ở vị trí 1/3 trước và 1/3 giữa của hai dây thanh. Khi phát âm hai hạt xơ ở hai bên dây sẽ tiếp xúc với nhau làm cho dây thanh ở phía trước và phía sau không thể tiếp xúc được gây ra khàn tiến.

Chẩn đoán phân biệt

Viêm thanh quản mãn tính cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh:

  • Khối u ở thanh quản: U nang, polip, papilom, ung thư thanh quản... có khàn tiếng từ từ tăng dần, mức độ khàn nặng hơn, soi thanh quản và sinh thiết khối u cho chẩn đoán xác định.
  • Liệt thần kinh quặt ngược: Xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, sặc các chất lỏng vào phổi, mức độ khàn tiếng nặng ngay lập tức, thậm chí mất tiếng.

4. Điều trị viêm thanh quản mạn tính

Điều trị viêm thanh quản mạn tính

Nguyên tắc:

  • Hạn chế, thậm chí không nói hoàn toàn khi đang điều trị
  • Điều trị tại chỗ: Bằng thuốc giảm viêm, giảm phù nề như corticoide, men tiêu viêm…
  • Điều trị toàn thân: Bằng thuốc giảm viêm, giảm phù nề như corticoide, men tiêu viêm…
  • Điều trị các ổ viêm mũi họng, viêm xoang, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản và các bệnh toàn thân khác.
  • Liệu pháp luyện giọng
  • Phẫu thuật khi điều trị nội khoa không hiệu quả, hoặc bệnh viêm thanh quản có hạt xơ dây thanh.

Điều trị cụ thể:

  • Tại chỗ: Bằng các biện pháp như xông họng, khí dung hoặc làm thuốc thanh quản bằng các loại thuốc kết hợp hydrocortisone và alpha chymotripsine.
  • Toàn thân: Sử dụng thuốc chống viêm glucocorticoid toàn thân như prednisolon, dexamethasone… kết hợp với thuốc chống viêm dạng men như alpha chymotripsine, lysozym…

Luyện giọng: căn cứ vào tình trạng tổn thương giọng, cách thức sử dụng giọng nói để phối hợp cùng chuyên viên luyện giọng, đưa ra các bài tập thích hợp.

Phẫu thuật:

Phẫu thuật viêm thanh quản mạn tính

  • Vi phẫu thuật thanh quản qua soi thanh quản trực tiếp hoặc gián tiếp, qua ống soi mềm hoặc soi treo thanh quản…
  • Chỉ định với các thể viêm thanh quản mạn: Thể phù Reinke, hạ xơ dây thanh, viêm thanh quản mạn kết hợp bệnh lý khối u thanh quản.

Điều trị hỗ trợ: Nâng cao thể trạng, bổ sung yếu tố vi lượng, sinh tố, vitamin, dinh dưỡng...

5. Dự phòng viêm thanh quản mạn tính

  • Điều trị sớm và triệt để các bệnh lý viêm đường hô hấp như viêm mũi xoang, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản…
  • Điều trị triệt để bệnh trào ngược dạ dầy thực quản
  • Tránh tiếp xúc với các chất hơi, hoá chất độc, khói bụi
  • Bỏ hút thuốc lá (nếu có), uống ít rượu, bia
  • Sử dụng giọng nói một cách hợp lý, nếu vì đặc thù công việc phải nói nhiều thì phải nghỉ ngơi khi bị viêm mũi họng hay viêm thanh quản cấp. Tốt nhất là nghỉ ngơi hoàn toàn, tức ngừng nói khi có dấu hiệu khàn giọng.

Viêm thanh quản mạn