Tóm tắt nội dung
Viêm tiểu phế quản là bệnh viêm cấp tính của các phế quản kích thước nhỏ, có đường kính dưới 2mm. Tác nhân gây viêm tiểu phế quản có đến 90% là do virus, chủ yếu là các virus như virus hợp bào đường hô hấp (RSV), adenovirus, virus cúm, á cúm…tác nhân do vi khuẩn rất hiếm gặp.
Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, thời tiết thay đổi đột ngột, lạnh và ẩm ướt, phần lớn gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt là từ 3 – 6 tháng tuổi. Bệnh cũng xảy ra ở người lớn nhưng thường là ở người có sức đề kháng yếu. Thành của các tiểu phế quản này không có sụn chỉ có cơ trơn nên dễ bị co thắt, xẹp lại khi bị viêm.
Các phế quản nhỏ bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn. Viêm phế quản bắt đầu với các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường nhưng sau đó tiến triển thành ho, khò khè và đôi khi khó thở. Các triệu chứng của viêm phế quản có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần, thậm chí một tháng.
1. Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây viêm tiểu phế quản như:
- Virus hợp bào hô hấp (RSV): Là nguyên nhân phổ biến nhất, thường gây bệnh cho trẻ em dưới 2 tuổi, thường gặp nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Nhiễm loại virus này gây ra tình trạng viêm, tích tụ chất nhầy và phù nề đường thở.
- Vius Adeno: Những virus này nhắm vào màng nhầy, gây ra khoảng 10% các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở trẻ em.
- Virus cúm: Chủng này gây viêm ở phổi, mũi và cổ họng. Cả người lớn và trẻ em đều có thể nhiễm cúm. Cúm đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện.
Bên cạnh các nguyên nhân trên thì có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ
- Trẻ sinh non, trẻ sinh nhẹ cân (dưới 2500g lúc sinh)
- Trẻ mắc bệnh tim hoặc phổi bẩm sinh
- Trẻ bị giảm sức đề kháng
- Tiếp xúc với khói thuốc lá
- Ở những nơi đông người có virus tồn tại
Các nguy cơ đối với người trưởng thành có thể gặp, đó là:
- Làm việc trong môi trường tiếp xúc với hơi hóa chất độc hại, dung môi hữu cơ như hơi amoniac, hơi acid, thuốc tẩy, khí clo
- Nhưng người ghép tạng, ghép tủy xương mà đang dùng thuốc chống thải ghép
- Hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử
- Mắc bệnh mô liên kết tự miễn
- Mắc bệnh tim phổi mạn tính
- Mắc bệnh viêm mũi xoang, viêm họng, viêm amydal, viêm thanh quản…
- Mắc bệnh toàn thân như tiểu đường, Basedow
- Nhiễm HIV/AISD
- Cơ thể suy nhược, gày nhỏ, sức đề kháng yếu.
2. Triệu chứng bệnh viêm tiểu phế quản
Triệu chứng của viêm tiểu phế quản khá đa dạng, nhưng không đặc hiệu, có thể gặp ở nhiệu bệnh cảnh viêm đường hô hấp khác.
Tiểu phế quản bị viêm, sưng phù, tiết nhiều dịch làm cho đường thở bị chít hẹp thậm chí tắc nghẽn. Khi đó sẽ gây ra các triệu chứng như:
- Ở trẻ em gặp quấy khóc, bỏ bú, người lớn thì mệt mỏi, khó chịu, đau đầu đau người
- Sốt nhẹ, ho có đờm
- Sổ mũi, chảy nước mũi
- Sau từ 3 - 5 ngày, ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít
- Những trường hợp nặng thì tím tái do thiếu oxy, thậm chí ngừng thở do kiệt sức
- Khám phổi thấy nhịp thở nhanh, sốt vừa, xuất hiện các cơn co kéo cơ hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, có thể có tiếng rên
- Nghe phối có tiếng ral rít, ral ngáy, tiêng kêu lách tách, thông khí phổi kém
Thông thường, các triệu chứng khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, ho giảm dần trong khoảng 14 ngày, rồi khỏi hẳn nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, trong khoảng 1/5 trường hợp, bệnh có thể kéo dài nhiều tuần lễ.
3. Chẩn đoán viêm tiểu phế quản
Các triệu chứng của viêm tiểu phế quản rất giống với nhiễm cúm hoặc cảm lạnh thông thường, nên việc chẩn đoán ngoài dựa vào các triệu chứng lâm sàng và thăm khám thì cần phải làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng.
- Lâm sàng gợi ý: Bệnh gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đặc biệt là 3 – 6 tháng tuổi, với các biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, ho, khò khè, sổ mũi, chảy nước mũi
- Khám phổi thấy có nhịp thở nhanh, co rút lồng ngực, nghe phổi thấy ral rít, ral ngáy, thông khí phổi kém
- Chụp X-quang ngực: Thấy có các dấu hiệu ứ đọng dịch trong phế quản.
- Xét nghiệm virus: Lấy dịch mũi họng làm xét nghiệm PCR để phát hiện sự hiện diện của các chủng virus, đây là xét nghiệm cho kết quả chính xác. Tuy nhiên trong thực tế ít thực hiện do tốn kém và thời gian cho kết quả chậm.
- Xét nghiệm máu: Ít có giá trị chẩn đoán xác định nhưng có thể được chỉ định để chẩn đoán bội nhiễm vi khuẩn.
- Xét nghiệm khí máu động mạch đo lượng oxy và carbon dioxide trong máu, thấy có dấu hiệu giảm oxy và tăng carbon dioxide trong máu động mạch
4. Điều trị bệnh viêm tiểu phế quản
Với người lớn viêm tiểu phế quản nói chung là lành tính, có thể tự khỏi hoặc chỉ cần điều trị triệu chứng. Việc điều trị viêm tiểu phế quản chủ yếu được đặt ra với trẻ em.
Các biện pháp điều trị cụ thể:
Trường hợp bệnh nhẹ, không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ thì có thể được chăm sóc tại nhà.
- Tiếp tục cho trẻ bú hay ăn uống đầy đủ, cho uống nhiều nước để tránh thiếu nước.
- Cần làm thông thoáng mũi cho trẻ để giúp trẻ dễ thở hơn và bú tốt hơn.
- Có thể nhỏ mũi với 2-3 giọt nước muối sinh lý sau đó dùng dụng cụ hút mũi hút sạch dịch nhày trong mũi của trẻ
- Điều trị triệu chứng bằng các thuốc theo chỉ định của bác sĩ, như điều trị hạ sốt hằng paracetamol, điều trị ho đờm bằng thuốc long đờm
- Tránh khói thuốc lá, các loại bụi, phấn hoa, các mùi có thể gây kích thích… vì có thể làm bệnh của trẻ nặng hơn và dễ bị hen sau này.
- Nếu các triệu chứng không cải thiện trong vài ngày cần đi khám bác sĩ hoặc khám lại theo hẹn của bác sĩ.
Khi trẻ có dấu hiệu nặng như khó thở, bú kém, tím tái, có biến chứng cần cho trẻ nhập viện để điều trị:
- Đối với các thể thông thường, không có suy hô hấp thì ngay khi vào viện các bác sĩ sẽ tiến hành hút thông đường thở, giải phóng các chất xuất tiết. Dùng khí dung ẩm thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh như salbutamol, terbutalin, pulmicort. Kết hợp với lý liệu pháp hô hấp như vỗ rung, hút đờm.
- Những trẻ sốt cao, nôn, thở nhanh: Phải điều trị sốt, chống nôn và bù đủ dịch và điện giải theo nhu cầu cơ thể trẻ. Cần cho trẻ dinh dưỡng đủ chất và cân nhắc cẩn thận trước khi sử dụng kháng sinh.
- Đối với những trường hợp nặng có suy hô hấp thì phải cho thở ôxy, hút thông đường hô hấp trên, dùng thuốc giãn phế quản đường khí dung ẩm, truyền nước, điện giải theo nhu cầu cơ thể bù lượng thiếu hụt.
- Nếu những biện pháp trên không cải thiện tình trạng suy hô hấp thì phải tiến hành đặt nội khí quản và các biện pháp hô hấp hỗ trợ khác như thở máy xâm nhập.
Do phần lớn trường hợp viêm tiểu phế quản là do virus, nên chỉ sử dụng kháng sinh khi có bằng chứng của bội nhiễm viêm phổi do vi khuẩn. Đặc biệt là hết sức lưu ý không dùng corticoid cho trẻ vì có thể làm tình trạng bệnh dai dẳng hoặc nặng thêm.
5. Phòng bệnh viêm tiểu phế quản
Bệnh viêm tiểu phế quản hoàn toàn có thể phòng tránh được nhất là ở trẻ em. Để phòng tránh cần thực hiện các biện pháp sau đây:
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh nếu mẹ đủ sữa. Sữa mẹ chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, đồng thời chứa cả các kháng thể từ mẹ giúp bảo vệ trẻ chống lại tác nhân gây bệnh trong các tháng đầu đời. Sữa mẹ còn chứa chất xơ hòa tan giúp trẻ tiêu hóa tốt và không bị táo bón.
- Người mẹ khi mang thai cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý, phải bổ sung thêm canxi, viên sắt và các chất dinh dưỡng giúp cho thai nhi phát triển tốt, đảm bảo cân nặng lúc sinh phải từ 2500g trở lên.
- Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bụi, phấn hoa… còn với người lớn thì bỏ hút thuốc, hạn chế uống rượu bia
- Giữ ấm cho trẻ về mùa đông, vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè
- Với những trẻ bị bệnh tim phổi bẩm sinh, cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt, vì trẻ dễ mắc bệnh và nếu mắc thì tiến triển xấu.
- Cần thăm khám và điều trị sớm các bệnh lý viêm đường hô hấp như viêm mũi xoang, viêm họng, viêm amydal…
Viêm tiểu phế quản