Nhóm xoang trước gồm xoang trán, xoang sàng trước, xoang hàm. Nhóm xoang sau gồm xoang sàng sau và xoang bướm. Mặt trong các xoang được phủ bời niêm mạc đường hô hấp. Các xoang đều có lỗ thông với hốc mũi qua lỗ thông mũi xoang.

Viêm xoang hàm là gì?

Dịch tiết từ các nhóm xoang trước để đổ vào ngách mũi giữa, sau đó dịch tiết sẽ đổ vào họng mũi. Xoang sàng sau đổ ra ngách mũi trên, còn xoang bướm đổ ra vùng khứu giác của hốc mũi. Do các xoang sau có lỗ thông với phía sau của ngách mũi trên nên dịch tiết thường chảy xuống họng.

Xoang hàm thuộc nhóm xoang trước nằm ở hai bên gò má và quanh mắt. Trong hốc xoang được bao phủ bởi một lớp niêm mạc và có lỗ thông với ngách mũi giữa. Khi lớp niêm mạc này bị vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài, gây viêm nhiễm, kích ứng, sưng tấy, phù nề và mưng mủ sẽ dẫn đến tình trạng viêm xoang hàm.

Viêm xoang hàm là bệnh lý phổ biến, thường xảy ra khi môi trường thay đổi. Triệu chứng viêm xoang hàm cấp tính thường kéo dài 6 tuần, sau đó chuyển sang mạn tính.

1. Nguyên nhân gây viêm xoang hàm

Các nguyên nhân gây viêm xoang hàm bao gồm:

Nhiễm khuẩn

Nguyên nhân gây viêm xoang hàm do nhiễm khuẩn

Có thể là vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng xâm nhập, khu trú và phát triển gây bệnh ở các xoang. Sống trong môi trường độc hại hoặc vệ sinh răng miệng kém sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm xâm nhập.

Những loại vi khuẩn gây viêm xoang phổ biến là: Hemophillus influenzae, Streptococcus pneumoniae, trực khuẩn mủ xanh, E.coli, cầu khuẩn…

Dị ứng

Cơ địa dị ứng, đặc biệt là dị ứng hóa mỹ phẩm, lông vật nuôi, phấn hoa… sẽ có niêm mạc mũi nhạy cảm. Khi mũi dễ bị viêm nhiễm, phù nề thì xoang cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực dẫn tới viêm nhiễm dây chuyền.

Ô nhiễm môi trường

Nguyên nhân gây viêm xoang hàm do ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí sẽ gia tăng tình trạng người mắc bệnh viêm mũi xoang vì trong hệ hô hấp, mũi là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với môi trường bên ngoài do đó đây chính là cơ quan dễ bị tác động nhất.

Giảm sức đề kháng

Hàng rào bảo vệ của cơ thể bị suy yếu sẽ là cơ hội thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh xâm nhập.

Bệnh lý đường hô hấp

Một số bệnh lý về hô hấp như tuyến nhầy niêm mạc xoang hoạt động quá mức, hệ thống lông chuyển chất nhầy ra ngoài hoạt động không hiệu quả hay viêm mũi dị ứng sẽ khiến niêm mạc xoang bị bít tắc, lâu dần dễ gây viêm xoang hàm.

Sâu răng hàm trên

Xoang hàm nằm ngay bên trên hệ thống răng hàm trên vì vậy khi răng hàm bị sâu hoặc viêm nhiễm, tình trạng này có thể lây lan lên xoang hàm một cách nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.

2. Những triệu chứng của viêm xoang hàm

Những triệu chứng của viêm xoang hàm

Viêm xoang hàm thường có những biểu hiện triệu chứng chính sau:

  • Sốt: Là biểu hiện thường gặp do phản ứng của cơ thể do nhiễm khuẩn, tùy theo mức độ và loại vi khuẩn mà có biểu hiện sốt nặng hay nhẹ.
  • Sổ mũi, chảy nước mũi: Tình trạng viêm sẽ tăng lượng dịch ở mũi, dẫn tới hiện tượng chảy dịch, sổ mũi.
  • Nghẹt mũi: Dịch bít tắc vùng mũi sẽ khiến người bệnh có cảm giác nghẹt mũi, khó thở, thậm chí phải thở bằng mồm.
  • Ho, hắt hơi: Cũng rất thường gặp do ứ dọng dịch và các dị vật trong đường thở
  • Khó thở, thở khò khè: Do tình trạng ứ đọng đờm rãi, hay co thắt đường thở gây ra
  • Đau nhức: Xoang hàm nằm trong xương hàm, có lỗ thông với hốc mũi rộng, liên quan với nhiều răng hàm trên nên khi xoang này bị viêm, vùng xương hàm, má cũng sẽ bị ảnh hưởng gây đau nhức.
  • Mất khứu giác: Hốc xoang bị viêm, phù nề chèn ép các dây thần kinh, người bệnh sẽ không còn khả năng nhận biết, phân được các mùi.

3. Các loại viêm xoang hàm

Các loại viêm xoang hàm

3.1. Viêm xoang hàm cấp tính

Viêm xoang hàm cấp tính thường có những triệu chứng điển hình như: Sốt, đau đầu, đau vùng mặt…Ngoài ra, cơn đau còn xuất hiện khi người bệnh dùng tay ấn nhẹ vào vùng mắt, hố răng…

Bên cạnh đó, viêm xoang hàm cấp tính còn bị chảy nước mũi, ban đầu là loãng, sau đó sẽ đặc dần và chuyển sang mầu vàng, chậm chí là có mủ.

Những triệu chứng của viêm xoang hàm cấp tính thường xuất hiện và kéo dài trong khoảng 6 tuần, nếu không điều trị kịp thời sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính.

3.2. Viêm xoang hàm mạn tính

Viêm xoang hàm mạn tính sẽ xuất hiện những triệu chứng bao gồm: Đau nhức mặt, nghẹt mũi, chảy mũi nước hoặc tiết ra dịch mũi có màu xanh.

Viêm xoang hàm mạn tính thể mủ thậm chí sẽ để lại một số biến chứng nguy hiểm như: Viêm xương tủy, viêm tấy hốc mắt, viêm màng não hay áp xe não…

4. Chẩn đoán viêm xoang hàm

Chẩn đoán viêm xoang hàm

Ngoài các triệu chứng lâm sàng, để chẩn đoán và đánh giá tình trạng bệnh lý viêm xoang hàm, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp như: Nội soi mũi, siêu âm mũi, chụp X-quang, CT scanner mũi xoang, xét nghiệm dị ứng…

Chụp X – quang

Là một phương pháp chẩn đoán viêm xoang hàm khá phổ biến, kết quả thu được sẽ là cơ sở vững chắc, giúp các bác sĩ quan sát được cụ thể, chi tiết tình trạng bên trong các hốc xoang. Từ đó giúp nhận biết được tình trạng xoang hàm, xoang trán và hốc mũi.

Nội soi mũi

Nội soi mũi là kỹ thuật dùng đầu dò kết hợp cùng hệ thống camera, nguồn sáng để thâm nhập trực tiếp vào các ngóc ngách vùng mũi. Nhờ có kính phóng đại với độ nghiêng khác nhau, kỹ thuật này sẽ giúp các bác sĩ quan sát được hình ảnh ở bên trong cuốn mũi một cách trực quan, chi tiết nhất. Từ đó có thể chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng bệnh lý viêm xoang.

Cấy mẫu dịch mũi và xoang

Mục đích để phát hiện các loại vi khuẩn gây viêm xoang, tuy nhiên hiện ít thực hiện vì kĩ thuật phức tạp và phải mất nhiều ngày mới có kết quả.

Phương pháp cấy vi khuẩn này thường chỉ được thực hiện khi điều trị kháng sinh không hiệu quả, hoặc ở những trường hợp bị suy giảm miễn dịch và một số nhiễm khuẩn bệnh viện gây ra viêm xoang.

5. Điều trị viêm xoang hàm

Điều trị viêm xoang hàm bằng thuốc kháng sinh

Viêm xoang hàm chủ yếu là điều trị nội khoa, chỉ một số ít điều trị cần thực hiện các thủ thuật.

5.1. Điều trị nội khoa

  • Điều trị triệu chứng: Hạ sốt, giảm ho, chống nghẹt mũi, sổ mũi, giảm đau đầu, đau mặt
  • Chống dị ứng: Nếu nguyên nhân là do dị ứng
  • Chống nhiễm khuẩn: Tùy theo tình trạng nhiễm khuẩn hay nhiễm nấm mà dùng thuốc kháng sinh hay kháng nấm.

5.2. Điều trị bằng thủ thuật

Nếu tình trạng viêm xoang hàm diễn tiến đến giai đoạn nặng, việc điều trị bằng thuốc không còn hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định một số thủ thuật để điều trị.

Các thủ thuật có thể áp dụng như:

  • Thực hiện thủ thuật súc rửa xoang Proezt: Đưa dung dịch thuốc vào trực tiếp các hốc xoang, rồi dùng dụng cụ chuyên dụng hút sạch dịch trong xoang.
  • Chọc xoang hàm rút mủ: Mục đích là lấy hết mủ đọng lại trong xoang, có thể kết hợp bơm thuốc trực tiếp vào vị trí xoang bị viêm để tăng hiệu quả điều trị.
  • Phẫu thuật để cắt polyp mũi, chỉnh hình vách ngăn… 
  • Phẫu thuật nội soi hút rửa hoặc dẫn lưu xoang
  • Trong trường hợp bệnh viêm xoang hàm bắt nguồn từ các nguyên nhân về răng, có thể sẽ được chỉ định phải nhổ răng.

6. Dự phòng viêm xoang hàm

Cách phòng ngừa viêm xoang hàm
  • Tuân thủ chế độ sinh hoạt, vận động và nghỉ ngơi khoa học, hợp lý.
  • Bỏ hút thuốc (nếu có), không sử dụng chất kích thích và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
  • Tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp, tăng cường sức đề kháng.
  • Khi thấy có những triệu chứng bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị viêm xoang hàm kịp thời.
  • Đối với những trường hợp đã mắc bệnh viêm xoang hàm, để tránh bệnh kéo dài và chuyển biến sang giai đoạn mạn tính cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình điều trị của bác sĩ, tái khám đúng hẹn.
  • Uống thuốc đúng thời gian, đủ liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý thay đổi loại thuốc, hoặc ngừng uống thuốc khi không được sự đồng ý của bác sĩ.

Viêm xoang