Tùy vị trí tổn thương mà viêm xương có thể chia thành viêm màng xương, viêm tủy xương hay viêm xương khớp.

Tìm hiểu về bệnh viêm xương

Viêm màng xương là viêm đến phần màng của xương chưa lan đến phần tủy xương thường do nguyên nhân chấn thương, hoặc vi khuẩn đi theo đường máu từ một ổ viêm nhiễm nào đó trong cơ thể.

Viêm tủy xương là bệnh nhiễm trùng xương, tuỷ xương. Thường do nguyên nhân chấn thương đặc biệt gãy xương hở, gặp ở trẻ em và người lớn tuổi, thường viêm các xương dài hoặc vi khuẩn đi theo đường máu đến tủy xương gây tình trạng viêm xương.

Viêm xương khớp hay còn được gọi là bệnh thoái hóa khớp, là tình trạng phổ biến nhất. Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn ở khớp xương giảm, giảm tiết hoạt dịch và tổn thương các phần mền xung quanh. Thường gặp ở người trung niên và cao tuổi.

Như vậy, khái niệm viêm xương rất rộng lớn, bao gổm cả do nhiễm khuẩn, không nhiễm khuẩn hay do phản ứng. Vì thế, trong bài viết này chỉ đề cập đến tình trạng viêm xương do nhiễm khuẩn.

1. Nguyên nhân gây viêm xương

Nguyên nhân gây viêm xương
  • Chấn thương: Là nguyên nhân chủ yếu, vi khuẩn đi từ bên ngoài qua vết thương vào đến xương gây ra tình trạng viêm. Các vi khuẩn thường gặp là tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn gram âm.
  • Do ổ viêm ở cơ quan lân cận sau đó lan đến xương: Chẳng hạn như sâu răng hay việm lợi có thể gây viêm xương hàm, viêm sinh dục có thể gây viêm khớp háng hay viêm xương chậu....
  • Viêm xương do đường máu: Vi khuẩn có thể từ một ổ nhiễm khuẩn nào đó trong cơ thể như viêm phổi, áp xe phổi, viêm bể thận… rồi vi khuẩn theo đường máu đến xương gây viêm xương.

2. Triệu chứng của viêm xương

Tùy tình trạng cấp tính hay mạn tính mà có các biểu hiện khác nhau.

Viêm xương cấp

  • Biểu hiện các triệu chứng toàn thân rầm rộ như: Sốt cao 39 – 40 độ, sốt kéo dài, kèm theo rét run, người lờ đờ, mệt mỏi, đau đầu, đau người
  • Triệu chứng tim mạch có thể gặp mạch nhanh nhỏ, có thể lên đến 120 – 140 lần/ phút.
  • Triệu chứng tại chỗ: Thường gặp đau xương tự nhiên tại vùng viêm, đau dữ dội, đau tăng khi vận động hay sờ nắn, sưng toàn bộ vùng bị viêm, da nhạt hoặc tím. Khớp sưng to do phản ứng giao cảm, tuy nhiên đối với trẻ nhũ nhi, viêm có thể lan sang khớp thực sự và gây một viêm khớp mủ.

Viêm xương mạn

Triệu chứng của viêm xương mạn tính

  • Biểu hiện âm ỉ tại chỗ, có giai đoạn hết đau rồi đau tái lại, phần mềm sưng nhẹ, ấn hơi đau.
  • Tại chỗ vùng xương viêm to phình, xù xì, da hơi xám, có một vài lỗ dò hình phễu dính sát xương, có thể tái phát các đợt cấp.
  • Đau tại vị trí viêm, đau kiểu cơ học, đau khi vận động, giảm đau khi nghỉ ngơi
  • Cứng khớp buổi sáng: Đáng chú ý nhất khi thức dậy vào buổi sáng hoặc sau một thời gian không hoạt động.
  • Mất linh hoạt của chi: Có thể không có khả năng di chuyển khớp đầy đủ phạm vi chuyển động của nó.
  • Cảm giác: Có thể tế bì, mất cảm giác
  • Có khối cứng, có thể hình thành xung quanh các khớp bị ảnh hưởng.

3. Chẩn đoán bệnh viêm xương

Chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh là chủ yếu:

 Lâm sàng với các triệu chứng như đã mô tả: Trong đó quan trọng là các biểu hiện sưng, đau tại vị trí viêm, biến dạng xương, đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi…. Kèm các triệu chứng toàn thân như sốt cao, mệt mỏi, mạch nhanh.

Cận lâm sàng:

Chẩn đoán bệnh viêm xương

Chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán viêm xương, bao gồm các kỹ thuật chụp X quang, siêu âm, chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ.

  • X quang: Hình ảnh của viêm xương khớp như hình ảnh gai xương, mất chất vôi đầu xương, hẹp khe khớp... các hình ảnh biến dạng xương, đặc xương, phản ứng màng xương, xương tù, biến dạng xương.
  • Siêu âm: Sự dày lên của các xoang khớp kèm theo sự hình thành nang cũng như thay đổi thứ cấp của các cơ khép gần kề chính là dấu hiệu cho thấy viêm xương.
  • Chụp cắt lớp: Cho thấy hình ảnh viêm xương, biến dạng xương
  • Chụp cộng hưởng từ: Cho thấy phù tủy xương và có ưu điểm là không sử dụng bức xạ (như tia X và tia chụp cắt lớp). Như vậy, MRI là phương thức thích hợp để đánh giá, chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị. Tuy nhiên hiện chưa được áp dụng rộng rãi do giá thành cao và kỹ thuật rất phức tạp.
  • Cấy máu: Có thể phát hiện vi khuẩn, nhưng kết quả thường chậm, chỉ thực hiện trong quá trình theo dõi và điều trị.

4. Điều trị viêm xương

Thuốc cơ bản trong điều trị viêm xương do nhiễm khuẩn là kháng sinh. Có thể phải dùng kháng sinh đường tiêm tĩnh mạch. Các biện pháp điều trị cơ bản là:

Nghỉ ngơi tại giường: Giúp giảm áp lực lên xương, tránh gây thêm hư hại hoặc làm nặng thêm tình trạng viêm xương. Thời gian nghỉ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Thời gian phục hồi cho giai đoạn bán cấp có thể từ ba ngày đến ba tuần và giai đoạn mạn tính có thể từ ba tuần đến hai năm. Nên tránh các hoạt động làm căng khớp như đá hoặc nâng vật nặng.

Dùng thuốc kháng sinh đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch: Tốt nhất là sử dụng theo kháng sinh đồ, tuy nhiên nếu chờ kết quả kháng sinh đồ thường chậm, nên ngay khi có chẩn đoán là viêm xương nhiễm khuẩn phải dùng ngay kháng sinh.

Điều trị viêm xương bằng kháng sinh

Điều trị triệu chứng:

  • Điều trị giảm đau bằng thuốc paracetamol hoặc thuốc giảm đau chống viêm không steroid.
  • Điều trị sốt bằng thuốc hạ sốt paracetamol

5. Dự phòng viêm xương

Nguyên nhân gây viêm xương chủ yếu là do chấn thương, nên biện pháp dự phòng tốt nhất là dự phòng chấn thương nhất là dự phòng nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, tai nạn trong thể thao.

Trước khi luyện tập thể thao hay làm việc gắng sức cần có thời gian khởi động phù hợp, mục đích để có thể thích nghi dần với các hoạt động thể lực.

Khám và điều trị sớm các bệnh lý nhiễm khuẩn, như nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm thận bể thận…

Viêm xương