Sụn khớp là lớp mô trong suốt, vừa cứng vừa bền dai và có tính đàn hồi tốt. Sụn đóng vai trò như lớp đệm bảo vệ, giúp giảm chấn động và tránh ma sát giữa hai đầu xương khi khớp cử động. Tuy quan trọng như vậy, sụn lại không chứa mạch máu hay dây thần kinh nên không được máu nuôi trực tiếp, chỉ tiếp nhận dinh dưỡng thẩm thấu nhờ tổ chức xương dưới sụn, màng hoạt dịch, dịch khớp. Do vậy, sụn rất dễ bị thoái hóa âm thầm theo thời gian mà không có dấu hiệu nào.

Tổng quan về bệnh vôi hóa sụn khớp

Sụn khớp bị vôi hóa có thể hình thành các gai xương hoặc nốt vôi hóa ở mô mềm xung quanh khớp xương.

Vôi hóa sụn khớp có 2 thể:

  • Thể nguyên phát: Chiếm phần lớn trường hợp, đôi khi có tính chất gia đình
  • Thể thứ phát: Xảy ra sau một số bệnh như cường tuyến cận giáp, tiểu đường, bệnh gút, suy tuyến giáp…

Vôi hóa sụn khớp khá thường gặp, chiếm 6% ở người lớn, là bệnh của người cao tuổi, tuổi càng cao tỷ lệ mắc càng lớn. Bệnh có triệu chứng rất đa dạng, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khớp khác, nhưng dấu hiệu X quang thì rất đặc trưng và đó là cơ sở để chẩn đoán xác định.

1. Nguyên nhân gây vôi hóa sụn khớp

Có hai dạng tinh thể canxi chính có thể gây viêm và đau khớp, gồm tinh thể pyrophosphate canxi và tinh thể canxi apatite. Tinh thể pyrophosphate canxi thường tích tụ trong sụn khớp và là nguyên nhân gây sụn khớp vôi hóa.

Ngược lại, các tinh thể canxi apatite thỉnh thoảng xuất hiện trong sụn, nhưng thường lắng đọng ở gân cơ, gây vôi hóa gân cơ hoặc dây chằng. Đôi khi, sụn khớp vôi hóa có thể do cả hai tinh thể gây ra.

Nguyên nhân gây vôi hóa sụn khớp

Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ vôi hóa ở sụn khớp bao gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao nguy cơ mắc càng nhiều
  • Chấn thương: Các chấn thương nhỏ nhưng lặp đi lặp lại trong thời gian dài có nguy cơ cao gây sụn khớp bị vôi hóa, chẳng hạn như chấn thương do lao động lặp đi lặp lại 1 động tác, ảnh hưởng của máy rung cầm tay ở công nhân trong các hẩm mỏ, công nhân đóng tàu…
  • Thói quen sinh hoạt: Ít vận động thể lực, ngồi nhiều, đứng lâu, các tư thế xâu trong sinh hoạt và làm việc…

2. Biểu hiện vôi hóa sụn khớp

Biểu hiện vôi hóa sụn khớp

Biểu hiện lâm sàng của vôi hóa ở sụn khớp rất khác nhau tùy theo thể bệnh:

  • Thể tiềm tàng: Không có triệu chứng gì, chỉ được phát hiện trên X quang do được chụp tình cờ hoặc khám sức khỏe định kỳ.
  • Thể giả gút: Có biểu hiện giống như bệnh gút, có những cơn viêm cấp ở một vài khớp (gối, cổ chân, bàn ngón chân, cột sống), sưng đau xuất hiện đột ngột, mức độ viêm nhiều, sốt cao…. Tình trạng viêm cũng diễn biến nhanh chóng và nhạy cảm với điều trị bằng Colchicin, nhưng xét ngiệm có axit uric máu bình thường.
  • Thể đa khớp: Viêm có xu hướng kéo dài ở nhiều khớp nhỡ và nhỏ, đối xứng, bệnh cảnh rất giống với viêm khớp dạng thấp, chẩn đoán dựa vào dấu hiện trên phim X quang.
  • Thể giống hư khớp: Đau và hạn chế vận động tăng dần ở một vài khớp, vận động có thể thấy tiếng lạo xạo. Trên phim X quang thấy hình ảnh hư khớp và hình ảnh vôi hóa ở sụn khớp.
  • Các thể khác: Thể tràn dịch khớp, thể tràn máu khớp, thể có nhiều dị vật trong ổ khớp, thể phá hủy khớp…. Thể phá hủy khớp có tổn thương bào mòn, phá hủy một phần đầu xương gây lệch trục, biến dạng khớp.

3. Chẩn đoán vôi hóa sụn khớp

Sụn khớp vôi hóa có nhiều biểu hiện khác nhau, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khớp khác và khá nhiều trường hợp không có bất kỳ triệu chứng gì. Tuy nhiên, dấu hiệu Xquang thì rất đặc trưng và đó là cơ sở để chẩn đoán xác định bệnh.

Chẩn đoán vôi hóa sụn khớp

Dấu hiệu X quang:

Hình ảnh cơ bản của sụn khớp bị vôi hóa là hiện tượng lắng đọng canxi ở sụn khớp và tổ chức xơ - sụn, tạo thành một lớp mỏng nhìn thấy trên phim như là được “khảm” vào sụn.

Các khớp thường gặp theo thứ tự như sau:

  • Khớp gối: Gặp 90% các trường hợp, hình cản quang thành một đường song song với lớp xương dưới sụn và nằm ở khoảng giữa, cách xương 3 - 4 cm. Trên phim chụp nghiêng, đường cản quang thấy ở lồi cầu xương đùi tạo hình 2 đường viền. Hình lắng canxi có thể thấy ở sụn chêm (hình tam giác), ở túi dưới cơ tứ đầu đùi của bao hoạt dịch khớp gối.
  • Khớp cổ tay: Hình ảnh cản quang ở các khe giữa xương tháp và bán nguyệt, giữa mặt dưới xương trụ và xương bán nguyệt.
  • Khớp mu: Hình cản quang giữa khớp mu.
  • Khớp vai: Hình chỏm xương cánh tay hai đường viền.
  • Khớp háng và các khớp khác: Đều có thể thấy nhưng ít gặp hơn.
  • Cột sống: Canxi lắng tạo nên cản quang cả ở phần vòng xơ và phần nhân nhầy, đoạn lưng - thắt lưng thấy nhiều hơn các đoạn khác.

Xét nghiệm dịch khớp:

  • Sự xuất hiện tinh thể pyrophosphat canxi ở dịch khớp: Đó là những tinh thể hình gậy hai đầu vuông góc, ngắn, có thể lưỡng triết quang nằm ở trong và ngoài tế bào.
  • Có nhiều bạch cầu đa nhân trung tính.

4. Điều trị vôi hóa sụn khớp

Điều trị vôi hóa sụn khớp

Tùy theo thể bệnh và biểu hiện triệu chứng mà có biện pháp điều trị khác nhau:

  • Điều trị triệu chứng: Chủ yếu dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) để giảm đau, có thể dùng một trong các loại thuốc như Diclofenac, Meloxicam, Celecoxib, Etoricoxib…
  • Thuốc chống chống thoái khớp tác dụng chậm: Có thể dùng đơn đọc hoặc kết hợp các loại thuốc Glucosamine sulfate và chondroitin sulfate, Diacerheine…. Lưu ý là các thuốc này phải dùng kéo dài hàng năm mới phát huy hiệu quả.
  • Tiêm corticoid giảm đau tại chỗ: Thường áp dụng với các khớp lớn như khớp gối, cổ chân, khớp vai hay các điểm bám gân… Có thể tiêm corticoid, acid hyaluronic.
  • Điều trị phẫu thuật: Nếu lắng đọng canxi gây tổn thương nhiều sụn đầu xương hoặc tạo nhiều gai xương, gây đau đớn khi vận động mà điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả thì phải phẫu thuật.
  • Đối với thể thứ phát thì điều trị bệnh là nguyên nhân gây ra vôi hóa, khi bệnh chính được kiểm soát tốt thì tình trạng vôi hóa sẽ được cải thiện.

5. Dự phòng vôi hóa sụn khớp

Phòng ngừa bệnh vôi hóa sụn khớp

Phần lớn trường hợp vôi hóa sụn khớp là do sự lão hóa của cơ thể, nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu. Các biện pháp dự phòng chủ yếu là làm chậm sự hình thành và chậm diễn biến của bệnh mà thôi.

Các biện pháp dự phòng bao gồm:

  • Tăng cường thể dục thể thao, có thể luyện tập các môn phù hợp với sở thích, không có chống chỉ định, ngày tập ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
  • Hạn chế các tư thế xấu trong lao động và sinh hoạt, như hạn chế ngồi nhiều, đứng lâu, uốn vặn người, vặn cơ ở một tư thế…
  • Hạn chế bê vác nặng, hạn chế tiếp xúc với thiết bị rung cầm tay, nếu vì điều kiện làm việc thì tốt nhất phải có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
  • Hạn chế tối đa các chấn thương trong lao động và sinh hoạt…
  • Có chế độ ăn phù hợp, khoa học, như hạn chế thức ăn giầu đạm động vật, không ăn phủ tạng động vật, ăn nhiều rau xanh, củ quả… 
  • Giữ trọng lượng cơ thể ở mức phù hợp, tốt nhất là chỉ số BMI ở mức từ 18 – 24, tránh thừa cân, béo phì.

Vôi hóa sụn khớp