Tổng quan về bệnh xẹp phổi

Xẹp phổi là một trong những biến chứng về hô hấp thường gặp nhất sau phẫu thuật, hoặc các bệnh lý hô hấp khác như xơ nang phổi, khối u phổi, chấn thương ngực, tràn dịch trong phổi và suy yếu hô hấp. Ngoài ra, hít phải dị vật cũng có thể dẫn đến bệnh xẹp phổi.

Hầu như tất cả những người từng phẫu thuật đều mắc phải tình trạng xẹp phổi do gây mê toàn thân. Gây mê toàn thân làm thay đổi hô hấp và ảnh hưởng đến sự trao đổi khí ở phổi. Điều này có thể khiến cho các túi phế nang trong phổi bị xẹp xuống. Bệnh xẹp phổi có thể gây khó thở, đặc biệt nếu đã mắc bệnh phổi trước đó. Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

1. Nguyên nhân gây xẹp phổi

Xẹp phổi do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có hai nhóm nguyên nhân chính là do tắc nghẽn và do lực tác động từ bên ngoài.

Nguyên nhân gây xẹp phổi

Nguyên nhân xẹp phổi do tắc nghẽn đường thở bao gồm:

  • Do chất nhầy: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất, do tình trạng tích tụ chất nhầy trong đường hô hấp dẫn đến bệnh xẹp phổi. Thường xảy ra trong và sau gây mê khi phẫu thuật vì không thể ho khác ra được. Hút dịch phế quản trong khi phẫu thuật giúp làm sạch những chất tiết nhưng chúng có thể tiếp tục hình thành ngay sau đó. Tắc nghẽn do chất nhầy cũng phổ biến ở trẻ em, trẻ bị xơ nang và trong cơn hen phế quản nặng.
  • Hít phải dị vật: Gặp phổ biến ở trẻ em khi hít phải dị vật, chẳng hạn như đậu phộng hoặc một phần đồ chơi nhỏ.
  • Hẹp phế quản do bệnh lý: Nhiễm trùng mạn tính bao gồm cả nhiễm nấm, lao và các bệnh khác, có thể gây sẹo và làm hẹp lòng phế quản.
  • Khối u chèn ép: Tình trạng tăng trưởng bất thường của khối u có thể làm hẹp đường hô hấp gây xẹp phổi.
  • Cục máu đông: Xảy ra khi có chảy nhiều máu vào phổi nhưng không thể ho ra được.
Bị xẹp phổi do tràn màng dịch phổi

Các nguyên nhân của bệnh xẹp phổi không do tắc nghẽn bao gồm:

  • Chấn thương ngực: Như ngã hoặc tai nạn xe hơi, tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động… gây đau và không dám thở sâu, điều này có thể dẫn đến chèn ép phổi.
  • Tràn dịch màng phổi: Đây là sự tích tụ dịch ở màng phổi gây chèn ép dẫn đến xẹp phổi.
  • Viêm phổi: Các loại viêm phổi khác nhau có thể gây xẹp phổi tạm thời.
  • Tràn khí màng phổi: Khí rò rỉ vào khoang màng phổi, gián tiếp gây ra xẹp một phần phổi hoặc hoàn toàn.
  • Sẹo mô phổi: Sẹo có thể được gây ra bởi chấn thương, bệnh phổi hoặc phẫu thuật. Trong những trường hợp này, bệnh xẹp phổi không nghiêm trọng như những tổn thương mô phổi do sẹo gây ra.
  • Khối u: Khối u lớn có thể ép và làm xẹp phổi nhưng không làm tắc nghẽn đường dẫn khí.

2. Các đối tượng có nguy cơ cao bị xẹp phổi

Các đối tượng có nguy cơ cao bị xẹp phổi
  • Tuổi tác: Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi hoặc người trên 60 tuổi có nguy cơ dễ bị xẹp phổi
  • Suy giảm chức năng nuốt, đặc biệt ở người lớn tuổi: Việc hít chất tiết vào phổi là một tác nhân chính gây nhiễm trùng.
  • Mắc một số bệnh lý tại phổi như: Hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tín, giãn phế quản hoặc bệnh xơ nang phổi.
  • Hút thuốc kéo dài
  • Phẫu thuật bụng hoặc ngực gần đây
  • Gây mê toàn thân gần đây
  • Yếu cơ hô hấp do chứng loạn dưỡng cơ, chấn thương tủy sống hoặc một tình trạng thần kinh cơ
  • Người bị giảm phản xạ ho do bệnh lý hoặc dùng thuốc
  • Những người mắc bệnh đau dạ dày, gãy xương sườn hay do tác dụng phụ của thuốc gây ra tình trạng hạn chế hô hấp hoặc thở nông.

3. Triệu chứng của xẹp phổi

Triệu chứng của bệnh xẹp phổi

Triệu chứng của xẹp phổi thường gặp là:

  • Khó thở, thở nhanh, thở nông
  • Thở khò khè
  • Ho liên tục hoặc mất phản xạ ho
  • Sốt nếu có nhiễm trùng phổi
  • Khám phổi có thể nhìn thấy lồng ngực mất cân đối, lệch về một bên, khoang liên sườn xẹp, mất di động lồng ngực theo nhịp thở
  • Nghe phổi giảm hoặc mất hoàn toàn lưu thông khí ở một vùng (vùng phổi bị xẹp) hoặc toàn bộ một bên phổi.

4. Chẩn đoán xẹp phổi

Chẩn đoán xẹp phổi

Chẩn đoán xẹp phổi bác sĩ dựa vào khai thác tiền sử, các triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

  • Lâm sàng với các biểu hiện như ho, khó thở, thở nhanh nông, thở khò khè
  • Khám phổi thấy có khoang liên sườn xẹp, phổi không nở khi hít vào, nghe phổi thấy rì rào phế nang giảm hoặc mất hoàn toàn ở một vùng hay môt bên phổi, có tiếng ral nổ rải rác
  • Chụp X-quang tim phổi: Có thể chẩn đoán bệnh xẹp phổi, một số trường hợp phát hiện được cả hình ảnh khối dị vật là nguyên nhân của bệnh xẹp phổi trên phim X quang.
  • Chụp CT scan lồng ngực: Cho phép phát hiện rõ tình trạng xẹp phổi, phương pháp này có thể đo khối lượng hoàn toàn hoặc một phần của phổi. CT scan có thể giúp xác định liệu có khối u gây ra xẹp phổi hay không.
  • Đo độ bão hòa oxy trong máu: Bình thường độ bão hòa oxy máu từ 96 – 100%, trong xẹp phổi thường giảm.
  • Nội soi phế quản: Có thể phát hiện tình trạng xẹp phổi, xác định được vị trí dị vật đường thở. Nội soi phế quản ngoài chẩn đoán còn có thể thực hiện xử trí luôn một số tình trạng tắc nghẽn, như hút dịch nhày, lấy dị vật đường thở, thậm chí cắt bỏ khối khu qua nội soi.

5. Điều trị xẹp phổi

Việc điều trị bệnh xẹp phổi phụ thuộc vào nguyên nhân. Xẹp phổi ở một vùng nhỏ của phổi có thể thuyên giảm mà không cần điều trị. Nếu có nguyên nhân tiềm tàng như khối u thì phương pháp điều trị có thể bao gồm việc loại bỏ hoặc làm nhỏ khối u bằng phẫu thuật, hóa trị hay xạ trị. Còn nếu nguyên nhân là do dị vật thì bằng mọi cách phải lấy dị vật ra khỏi đường thở.

Biện pháp vật lý trị liệu ngực

Điều trị xẹp phổi bằng vật lý trị liệu

Kỹ thuật này rất quan trọng giúp người bệnh có thể hít thở sâu sau khi phẫu thuật để tái mở rộng mô phổi bị xẹp. Các bước thực hiện kỹ thuật này bao gồm:

  • Kích thích động tác ho và khạc đờm
  • Vỗ rung trên ngực ở vùng xẹp phổi để làm lỏng chất nhầy, cũng có thể sử dụng các thiết bị cơ học làm sạch chất nhầy, chẳng hạn như một máy xung đẩy khí hoặc một dụng cụ cầm tay
  • Thực hiện các bài tập thở sâu và sử dụng một thiết bị để có thể ho mạnh
  • Nằm đầu thấp hơn so với ngực giúp chất nhầy dẫn lưu tốt hơn từ phía dưới của phổi
  • Thở oxy hỗ trợ có thể giúp làm giảm tình trạng khó thở.

Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác

Điều trị xẹp phổi bằng các thủ thuật khác

  • Nội soi phế quản hút chất nhầy đường thở
  • Nội soi phế quản lấy dị vật đường thở trong trường hợp hít phải dị vật
  • Dẫn lưu màng phổi do tràn dịch hoặc tràn khí bằng hút chân không
  • Phẫu thuật khâu lỗ thủng phế quản do chấn thương
  • Trường hợp phổi bị xẹp do khối u có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u kết hợp với xạ trị hoặc hóa trị.
  • Thở oxy áp lực dương liên tục với những trường hợp không thể ho mà có nồng độ oxy máu thấp sau phẫu thuật.

6. Dự phòng xẹp phổi

Để dự phòng bệnh xẹp phổi cần phải thực hiện các biện pháp giúp giảm các yếu tố nguy cơ như:

  • Bỏ hút thuốc lá (nếu có)
  • Khám và điều trị sớm các bệnh lý viêm đường hô hấp
  • Tránh để dị vật vào đường thở, nhất là ở trẻ em tuyệt đối không cho chơi những đồ chơi nhỏ có thể nuốt được, không cho trẻ ăn những loại thức ăn có nguy cơ gây sặc như thạch chẳng hạn…
  • Với người phải gây mê sau phẫu thuật cần thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ giúp dẫn lưu tốt chất nhầy ra khỏi phổi. Các biện pháp có thể áp dụng như kích thích cơn ho, vỗ rung phổi.

Xẹp phổi