Tóm tắt nội dung
Phổi là cơ quan hô hấp rất quản trọng của cơ thể, nằm trong lồng ngực, được bao bọc bởi xương ức ở phía trước, cột sống ở phía sau và các xương sườn bao quanh. Chức năng chính là trao đổi khí giữa cơ thể và môi trường bên ngoài. Chính cấu tạo có tính đàn hồi, mềm và xốp của phổi giúp đưa oxy từ không khí vào máu, đồng thời đưa khí CO2 từ trong máu ra ngoài. Bên cạnh đó, phổi còn có chức năng thải chất độc qua đường hô hấp.
Bệnh xơ phổi hay xơ hóa phổi là tình trạng các mô trong phổi bị tổn thương, dày lên, xơ cứng, mất chức năng đàn hồi và tạo thành sẹo ở phổi. Những vết sẹo ở phổi ngăn chặn và cản trở hoạt động trao đổi khí, khiến người bệnh khó thở cùng các biến chứng nguy hiểm khác.
1. Nguyên nhân gây xơ phổi
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tổn thương gây xơ phổi, các nguyên nhân thường gặp là:
Ô nhiễm môi trường lao động
Việc tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường lao động, như bụi silic, sợi amiăng, bụi bông, hơi acid, dung môi hữu cơ… trong thời gian dài có thể làm tổn thương có thể dẫn đến xơ phổi.
Ngoài ra, quá trình phơi nhiễm kéo dài với một số chất hữu cơ kể cả bụi ngũ cốc, mía đường, phân động vật… cũng có thể gây xơ phổi.
Ảnh hưởng của bức xạ
Theo thống kê có một tỷ lệ nhỏ người bệnh xơ vôi phổi đã từng trải qua trị liệu bằng bức xạ trong điều trị các bệnh liên quan đến phổi và ung thư vú. Các tổn thương và mức độ ảnh hưởng của quá trình trị liệu phụ thuộc vào diện tích phổi tiếp xúc với bức xạ, tổng số lần bức xạ, hóa trị liệu được sử dụng…
Tác dụng phụ của một số thuốc
Việc sử dụng một số thuốc trong thời gian dài, nhất là các loại thuốc hóa trị như methotrexate, cyclophosphamide… thuốc điều trị rối loạn nhịp tim và các vấn đề tim mạch như amiodarone, propranolol… các thuốc tâm thần và thuốc kháng sinh như nitrofurantoin, sulfasalazine… cũng có thể dẫn đến xơ phổi.
Một số bệnh lý liên quan
- Những bệnh nhiễm trùng phổi nghiêm trọng như bệnh lao, viêm phổi, áp xe phổi… có thể gây tổn thương phổi vĩnh viễn
- Viêm khớp dạng thấp, bệnh lupus ban đỏ, trào ngược dạ dày thực quản, nhồi máu phổi… ảnh hưởng đến tất cả các mô trong cơ thể, trong đó có phổi.
Không rõ nguyên nhân
Một số trường hợp xơ phổi tự phát, không rõ nguyên nhân. Nhưng các nghiên cứu cho thấy có một số yếu tố nguy cơ, như thói quen hút thuốc lá, viêm phổi do virus, yếu tố di truyền.
Dựa vào nguyên nhân, xơ phổi được chia thành 3 dạng:
- Xơ phổi thứ phát: Xảy ra sau khi có tổn thương phổi như lao phổi, viêm phổi, nhồi máu phổi.
- Xơ phổi khu trú: Khi hít phải các chất gây kích thích như bụi than, silica.
- Xơ phổi vô căn: Gặp trong bệnh phổi mô kẽ lan tỏa và bệnh viêm phế nang dị ứng ngoại lai, hay còn gọi là bệnh viêm phổi tăng cảm.
2. Triệu chứng của bệnh xơ phổi
Biểu hiện triệu chứng bệnh xơ phổi rất khác nhau, tùy theo bệnh lý nền có sẵn. Có thể biểu hiện cấp tính với đợt bệnh bùng phát rồi sau đó thuyên giảm, hay cũng có thể xuất hiện bán cấp với các đợt bệnh tái phát rồi thuyên giảm nhiều lần, cũng có thể xuất hiện âm ỉ, mạn tính, tiến triển từ từ theo thời gian.
Các triệu chứng xơ phổi chính có thể gặp:
- Khó thở, đặc biệt là trong hoặc sau khi hoạt động thể lực gắng sức
- Ho khan, ho kéo dài, thở khò khè, có thể ho ra máu
- Đau tức ngực
- Đau nhức các bắp thịt và khớp
- Luôn luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi, sụt cân… mà không rõ lý do
- Thăm khám thấy có ral nổ nhỏ ở thì hít vào, tím môi, tím đầu chi, ngón tay dùi trống
- Ở giai đoạn muộn thấy tăng áp lực động mạch phổi, suy tim phải
3. Chẩn đoán bệnh xơ phổi
Phổi bị xơ hóa tiến triển từ từ và có những triệu chứng gần giống nhiều bệnh lý khác, do đó việc chẩn đoán bệnh khá khó khăn. Để chẩn đoán chính xác, bác sĩ cần thăm khám, hỏi tiền sử bản thân cũng như tiền sử gia đình.
Cụ thể, khai thác các dấu hiệu bệnh hiện tại, các phơi nhiễm với khói bụi, nghề nghiệp, hóa chất ô nhiễm nếu người bệnh có tiếp xúc... Bên cạnh đó, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng để kết quả chẩn đoán bệnh được đầy đủ và chính xác hơn.
Chẩn đoán hình ảnh
- Chụp X quang phổi: Có thể cho thấy các mô sẹo điển hình của bệnh, rất có giá trị cho việc theo dõi tiến triển bệnh và hướng điều trị đúng đắn. Tuy nhiên, một số trường hợp chụp X quang chưa thấy rõ tổn thương phổi, người bệnh cần thực hiện thêm một số xét nghiệm khác hỗ trợ cho việc chẩn đoán.
- Chụp cắt lớp độ phân giải cao: Cho thấy nhiều chi tiết sắc nét, rõ ràng các tổn thương ở phổi, các dạng xơ phổi khác nhau sẽ có những đặc điểm hiển thị khác nhau. Do đó đây được xem là công cụ có giá trị hỗ trợ cho việc chẩn đoán.
Một số thủ thuật và xét nghiệm giúp chẩn đoán
Để đánh giá chức năng và hoạt động hiện tại của phổi, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các kiểm tra như:
- Đo độ bão hòa oxy máu: Sử dụng một thiết bị nhỏ đặt trên ngón tay để đo độ bão hòa oxy trong máu. Bình thường độ bão hòa oxy trong máu từ 96 – 100%, trong xơ phổi có thể thấy chỉ số này giảm xuống.
- Thử nghiệm gắng sức: Thử nghiệm trên máy chạy bộ hoặc xe đạp để theo dõi chức năng của phổi khi đang hoạt động.
- Đo khí máu động mạch: Lấy một ít máu ở động mạch của người bệnh để đo các chỉ số oxy và CO2.
- Sinh thiết phổi: Xơ phổi cũng có thể được chẩn đoán bằng cách sinh thiết rồi tiến hành xét nghiệm tế bào học.
Các phương pháp sinh thiết phổi
- Sinh thiết qua nội soi phế quản: Sử dụng một ống nhỏ đi qua mũi hoặc miệng vào phổi. Lưu ý, phương pháp này khi thực hiện ở trẻ vị thành niên có thể gây đau họng, khàn tiếng tạm thời.
- Rửa phế quản: Bơm nước muối qua soi phế quản, sau đó lại hút ra ngay lập tức. Các chất thu hồi được có chứa các tế bào từ phế nang.
- Phẫu thuật nội soi sinh thiết: Một số trường hợp người bệnh được khuyên thực hiện phẫu thuật nội soi sinh thiết để có kết quả chẩn đoán chính xác nhất, mặc dù đây là phương pháp chẩn đoán xâm lấn nhất. Ưu điểm của phương pháp này là không cần cắt xương người bệnh, ít đau đớn hơn, chẩn đoán chính xác và điều trị nhanh hơn so với phẫu thuật mổ hở truyền thống.
4. Các biến chứng nguy hiểm của xơ phổi
Bệnh xơ phổi tiến triển qua từng giai đoạn, điều đáng lo ngại là các dấu hiệu bệnh có thể kiểm soát được và thuyên giảm, nhưng không thể khôi phục được các tổn thương xơ phổi. Bệnh gây khó thở cùng một số biến chứng nguy hiểm như:
- Giảm độ bão hòa oxy trong máu: Phổi xơ hóa làm giảm trao đổi khí, giảm lượng oxy nạp thêm vào máu, nguy cơ thiếu oxy trong máu gây rối loạn hoạt động cơ thể, thậm chí có thể đe dọa tính mạng.
- Tăng áp lực động mạch phổi: Khi các động mạch và mao mạch nhỏ bị chèn ép sẽ dẫn đến sức kháng mạch máu trong phổi tăng, làm tăng áp suất trong động mạch phổi. Đây là hiện tượng đặc biệt nghiêm trọng, có thể gây tử vong cho người bệnh ngay sau đó.
- Suy tim phải: Xơ phổi làm tăng trở kháng ở động mạch phổi, tâm thất phải hoạt động mạnh hơn, sức bơm mạnh hơn bình thường để bớm máu đến phổi, lâu ngày có thể dẫn đến suy tim phải.
- Suy hô hấp: Hầu hết trường hợp này xảy ra ở giai đoạn cuối của bệnh phổi mạn tính, khi mức oxy trong máu giảm thấp đến mức nguy hiểm, có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, gây bất tỉnh và hôn mê sâu.
5. Điều trị bệnh xơ phổi
Hiện chưa có phác đồ điều trị triệt để bệnh xơ phổi, những phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu giảm thiểu các triệu chứng bệnh, làm chậm quá trình phát triển bệnh và cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
5.1. Điều trị xơ phổi bằng thuốc
- Một số trường hợp được chỉ định điều trị ban đầu bằng corticosteroid, có thể kết hợp thêm các loại thuốc ức chế miễn dịch khác như methotrexate, cyclosporin.
- + Các loại thuốc này có thể có một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy hoặc phát ban.
5.2. Điều trị nâng cao chất lượng cuộc sống
- Liệu pháp oxy: Thở oxy không thể ngăn các tổn thương phổi nhưng rất tốt cho hơi thở, vận động dễ dàng hơn, giảm các biến chứng, cải thiện giấc ngủ và tinh thần cho người bệnh. Bên cạnh đó, liệu pháp oxy còn giúp giảm áp lực ở tim phải, do đó người bệnh có thể được chỉ định sử dụng liệu pháp này tùy theo mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe.
- Phục hồi chức năng phổi: Mục đích chính của phương pháp này tập trung vào việc tập thể dục, cách hít thở hiệu quả để cải thiện tình trạng khó thở, tăng sức bền trong các hoạt động thể lực. Biện pháp này không chỉ điều trị bệnh mà còn giúp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
5.3. Ghép phổi
Là lựa chọn cuối cùng đối với những người trẻ tuổi bị xơ phổi nghiêm trọng mà không thể cải thiện sau khi áp dụng các phương pháp điều trị khác. Tuy nhiên, đây cũng là phương pháp điều trị khá phức tạp, tốn kém và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác.
6. Dự phòng bệnh xơ phổi
Cho đến thời điểm hiện tại, xơ phổi vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để, vì thế dự phòng là biện pháp vô cùng quan trọng.
Để phòng tránh xơ phổi và các biến chứng nguy hiểm của bệnh cần thực hiện:
- Không hút thuốc lá, nếu đang hút thuốc thì tốt nhất phải bỏ hút càng sớm càng tốt
- Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, hạn chế dạm động vật, hạn chế chất béo
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, nâng cao thể lực, ngày tập ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
- Thực hiện tiêm phòng vaccine đầy đủ để phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến phổi và các bệnh lý khác.
- Không tiếp xúc với các loại bụi như bụi silic, bụi amiăng, bụi bông, các loại hóa chất, dung môi hữu cơ… nếu vì đặc thù công việc mà tiếp xúc với các chất trên thì phải có biện pháp bảo hộ phù hợp.
- Điều trị sớm và triệt để các bệnh lý đường hô hấp có nguy cơ gây xơ phổi, như bệnh lao, viêm phổi, áp xe phổi, u phổi…
- Tái khám sức khỏe định kỳ, tốt nhất mỗi năm 2 lần để phát hiện sớm các bệnh lý có nguy cơ gây xơ phổi.
Xơ phổi