Tóm tắt nội dung
Ung thư miệng là sự xuất hiện và gia tăng không kiểm soát của các tế bào ác tính trong khoang miệng, khiến người bệnh có cảm giác đau nhức, khó chịu. Ung thư miệng, bao gồm ung thư môi, lưỡi, má, sàn miệng, vòm miệng, xoang và cổ họng. Bệnh có thể đe dọa tính mạng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ung thư biểu mô khoang miệng chiếm 30-40% các ung thư vùng đầu cổ. Theo thống kê, năm 2002 trên thế giới có trên 270.000 trường hợp mắc ung thư khoang miệng, khoảng 145.000 trường hợp tử vong do căn bệnh này và 2/3 số trường hợp mắc bệnh ở các nước đang phát triển.
1. Nguyên nhân gây ung thư miệng
Nguyên nhân gây ra căn bệnh này chủ yếu là do thói quen hút thuốc lá thường xuyên, hay niêm mạc miệng bị kích thích bởi vật nhọn như răng, đũa, xương cá...
- Hút thuốc lá: Theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, trong khói thuốc lá có hơn 3000 hóa chất độc hại, một phần sẽ tác động trực tiếp đến các cơ quan hệ hô hấp, một phần được giữ lại khoang miệng gây các bệnh về răng miệng.
- Uống quá nhiều rượu: Sử dụng quá nhiều rượu là nguyên nhân thứ hai gây ung thư miệng, chỉ đứng sau thuốc lá. Các chất kích thích trong rượu cũng có thể tác động trực tiếp làm tổn thương các mô mềm trong khoang miệng dẫn đến ung thư.
- Gia đình có tiền sử ung thư: Nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh ung thư, tỷ lệ mắc ung thư miệng và các nhóm bệnh ung thư khác cao hơn người bình thường.
- Các kích thích niêm mạc miệng: Như răng nhọn mọc lệch, mảnh răng hàn, xương cá…
- Thói quen ăn trầu, vệ sinh răng miệng kém... gây nên những tổn thương trong khoang miệng tạo điều kiện thuận lợi cho ung thư phát triển.
- Nhiễm HPV: Một số chủng HPV là các yếu tố nguy cơ gây ung thư miệng
- Các tổn thương tiền ung thư khác trong khoang miệng như bạch sản, hồng sản, viêm nấm candida quá sản mạn tính, các vết loét do sang chấn liên tục kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng.
2. Triệu chứng của bệnh ung thư miệng
Triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư miệng bao gồm:
- Xuất hiện các vết viêm loét: Trong khoang miệng xuất hiện các vết viêm loét kéo dài, gây đau đớn trong việc nhai nuốt, hay nói chuyện hàng ngày.
- Các vết đốm trắng hoặc đỏ, mềm xuất hiện bất thường trong khoang miệng, lưỡi hoặc vòm họng.
- Rối loạn cảm giác như cảm thấy tê tê, mất cảm giác, hoặc đau ở vùng mặt, miệng hoặc cổ không giải thích được nguyên nhân gây ra
- Cảm giác khó cử động miệng: Khó nhai hoặc khó nuốt, nói khó, hoặc di chuyển hàm hoặc lưỡi khó khăn
- Một số biểu hiện ở thanh quản, cổ họng: Khàn giọng, đau họng mạn tính, hoặc thay đổi giọng nói.
- Khám xoang miệng có thể phát hiện khối u, loét, sùi, có giả mạc trắng, dễ chảy máu… khối u có thể gây lệch, co kéo khoang miệng, lệch mặt.
Ngoài ra, có thể có cảm giác đau nhức, ù tai, chóng mặt, giảm thính lực, gầy sút cân nhanh...
Các triệu chứng này đôi khi nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường ở vùng miệng như nhiệt miệng, viêm loét miệng, viêm amydal… Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài thì nên đi khám sớm để được chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời.
3. Chẩn đoán ung thư miệng
Các triệu chứng lâm sàng của ung thư khoang miệng nói chung không điển hình. Để chẩn đoán chính xác, bên cạnh các triệu chứng thường gặp, bác sĩ thường yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm sàng lọc.
Các xét nghiệm và thủ thuật được sử dụng để chẩn đoán bao gồm:
- Khám sức khoẻ: Bác sĩ sẽ kiểm tra môi, miệng, lưỡi để tìm những bất thường, các vùng niêm mạc bị kích ứng, như vết loét và các vết loang trắng.
- Xét nghiệm tế bào học: Nếu phát hiện dấu hiệu đáng ngờ, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết để làm xét nghiệm tế bào. Phương pháp này cho kết quả rất chính xác giúp phát hiện tế bào lành hay ác tính.
Khi được chẩn đoán ung thư miệng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm để xác định tính chất và giai đoạn phát triển của ung thư.
- Nội soi: Giúp quan sát kỹ thành sau họng, thanh quản, các xoang, qua đó tìm ra các dấu hiệu ung thư đã lan ra ngoài miệng hay chưa.
- Chụp X quang, CT, MRI: Phát hiện các tổn thương lân cận, tình trạng xâm lấn, di căn của khối u, các bệnh lý liên quan
4. Các giai đoạn phát triển của ung thư miệng
Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư bắt đầu xuất hiện và nằm ở lớp niêm mạc của miệng hoặc hầu, chưa ăn sâu vào lớp niêm mạc và chưa lan rộng sang các mô xung quanh.
Giai đoạn 1: Ung thư đã bắt đầu phát triển thông qua các mô lót miệng hoặc miệng hầu và vào các mô sâu hơn bên dưới, khối u có kích thước nhỏ hơn 2cm và không lan sang các mô lân cận, hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác.
Giai đoạn 2: Khối u đang phân chia và phát triển mạnh, có kích thước trên 2cm, nhưng nhỏ hơn 4cm, chưa có dấu hiệu xâm lấn hoặc lây lan sang các hạch bạch huyết lân cận hoặc các cơ quan khác.
Giai đoạn 3: Khối u lớn hơn 4cm nhưng không lan sang bất kỳ hạch bạch huyết hoặc bất kỳ bộ phận khác của cơ thể, hoặc u có kích thước bất kỳ nhưng đã lan tới một hạch bạch huyết ở cùng một phía của cổ và hạch lymphô không vượt quá 3cm
Giai đoạn 4:
Ung thư bắt đầu phát triển mạnh, khó kiểm soát. Giai đoạn này được chia thành 3 mức độ:
- Giai đoạn 4a: Ung thư đã phát triển qua các mô quanh môi và miệng, lan đến một hạch bạch huyết ở cùng phía của cổ xa hơn 3cm
- Giai đoạn 4b: Khối u có thể phát triển bất kỳ kích thước nào và đã lan rộng đến nhiều hơn một nút bạch huyết ở cùng một phía của cổ, hoặc lan đến các hạch bạch huyết ở cả hai bên cổ. Ngoài ra ung thư lan đến bất kỳ nút bạch huyết nào xa hơn 6cm cũng được chẩn đoán ở giai đoạn 4b.
- Giai đoạn 4c: Ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể như phổi hoặc xương. Giai đoạn này còn gọi là ung thư giai đoạn cuối.
5. Điều trị ung thư miệng
Hiện có 3 biện pháp chủ yếu là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị liệu để điều trị ung thư khoang miệng.
Phẫu thuật:
Với các ung thư miệng được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, việc điều trị có thể tiến hành bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Tùy theo tiến triển của khối u mà áp dụng các mức độ phẫu thuật khác nhau như cắt bỏ khối u đơn thuần, cắt u và nạo vét hạch cổ, cắt u và nạo vét hạch cổ kèm phẫu thuật tái tạo.
Xạ trị:
Xạ trị được áp dụng phối hợp trước hoặc sau phẫu thuật để tăng thêm hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như khô miệng, sâu răng, loét, chảy máu khoang miệng, hoại tử xương hàm...
Hóa trị liệu:
Hóa trị liệu có thể dùng phối hợp với xạ trị để làm tăng tác dụng của xạ trị. Việc điều trị có thể gây ra những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, rụng tóc.
6. Dự phòng bệnh ung thư miệng
- Không hút thuốc lá: Thuốc lá là tác nhân của hầu hết trường hợp ung thư miệng, bỏ thuốc lá là loại bỏ được nguy cơ rất lớn gây ra ung thư miệng.
- Hạn chế uống rượu: Nguy cơ ung thư khoang miệng tăng gấp sáu lần ở những người nghiện rượu so với những người không uống rượu. Vì vậy, không nên uống nhiều rượu hoặc chỉ uống khoảng một ly/ngày.
- Giữ vệ sinh răng miệng: Tình trạng răng miệng kém vệ sinh có thể dẫn đến giảm khả năng miễn dịch của cơ thể trong việc chống lại các tế bào ung thư. Bởi vậy việc giữ gìn vệ sinh răng miệng là rất quan trọng để phòng tránh bệnh ung thư miệng.
- Tránh tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời: Việc tiếp xúc quá lâu với ánh nắng mặt trời có thể làm tăng nguy cơ ung thư môi. Do đó, hãy luôn đeo khẩu trang hoặc thoa kem dưỡng môi chống nắng để bảo vệ đôi môi bất cứ khi nào phải ra ngoài vào lúc trời nắng gắt. Ung thư môi sẽ dẫn đến ung thư biểu mô khoang miệng.
- Kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ ít nhất 2 lần/năm.
- Duy trì chế độ thể dục thể thao giúp tăng cường sức khỏe thể lực, tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bệnh tật.
- Chế độ ăn nhiều loại trái cây và rau quả, các vitamin và chất chống oxy hóa có trong các loại thực phẩm này được chứng minh có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư khoang miệng.
Ung thư miệng