Viêm bờ mi thường ít ảnh hưởng đến thị lực, bệnh cũng khá nhẹ, có thể điều trị khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, có thể khiến mắt bị kích ứng, mí mắt đỏ, có thể dẫn tới viêm kết mạc.

1. Nguyên nhân gây viêm bờ mi

Nguyên nhân gây viêm bờ mi

Nhiều trường hợp viêm bờ mi nguyên nhân chưa được xác định rõ, tuy nhiên có một số nguyên nhân như:

  • Do nhiễm khuẩn: Tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn… ki sinh trên da gây viêm
  • Vết thương rách da vùng mi mắt
  • Do dị ứng: Viêm bờ mi do tác nhân dị ứng, gây ngứa, nổi mẩn đỏ, nổi mụn nước
  • Viêm da tiết bã: Hay gặp ở tuổi dậy thì do tình trạng tăng tiết bã nhờn
  • Do virus: Hay gặp nhất là do virus Herpes
  • Do kí sinh trùng

Viêm bờ mi đươc chia ra làm 2 loại:

Viêm bờ mi trước:

  • Viêm ở mặt ngoài mí mắt
  • Nguyên nhân thường do nhiễm tụ cầu hoặc do tăng tiết bã, vết thương da vùng mi mắt

Viêm bờ mi sau:

  • Viêm ở mặt trong mi mắt
  • Thường do tắc tuyến tiết dịch nhờn mi mắt hoặc do dị ứng

2. Triệu chứng viêm bờ mi

Triệu chứng viêm bờ mi

Các triệu chứng thường gặp như:

  • Cảm giác sưng nhức, đỏ và nóng rát ở mi mắt
  • Khô mắt, chảy nước mắt nhiều
  • Có cảm giác như có dị vật ở trong mắt
  • Nhiều dử mắt
  • Đỏ mắt (do xung huyết kết mạc)
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Nếu bệnh kéo dài có thể gây rụng lông mi
  • Viêm do nhiễm khuẩn có thể tạo thành ổ mủ ở mi mắt
  • Viêm do dị ứng thì ngứa nhiều, nổi mẩn đỏ hoặc mụn nước nhỏ

3. Chẩn đoán viêm bờ mi

Chẩn đoán viêm bờ mi chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng như:

  • Sưng đỏ, cộm ở mí mắt, đỏ mắt, ngứa hay nổi mụn bọc chứa mủ ở mi mắt
  • Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây bệnh. Như soi tư soi tươi chất nhờn tích tụ trên lông mi tìm tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, nấm, kí sinh vật…), xét nghiệm máu…

4. Điều trị viêm bờ mi

Điều trị viêm bờ mi

Tùy theo nguyên nhân gây viêm mà có biện pháp điều trị khác nhau. Các biện pháp điều trị có thể là:

  • Vệ sinh mắt, mi mắt: Rửa mắt và mi mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý
  • Đắp gạc lên mắt: Dùng gạc vô trùng, thấm nước ấm và đắp lên mi mắt, giúp làm bong lớp gàu và cặn bám quanh lông mi, làm loãng chất tiết có dầu ở tuyến bã nhờn.
  • Nhỏ nước mắt nhân tạo hàng ngày: Tránh tình trạng khô mắt
  • Đeo kính bảo vệ mắt: Nên đeo kính râm khi đi ra ngoài trời, mục đích để chống chói và bụi
  • Dùng thuốc kháng sinh: Được chỉ định khi nguyên nhân gây viêm là do nhiễm khuẩn, có thể dùng thuốc kháng sinh tra mắt tại chỗ hoặc dùng đường toàn thân hoặc dùng cả tra mắt tại chỗ kết hợp với đường toàn thân.
  • Viêm do virus: Tốt nhất là dùng thuốc bôi tại chỗ kháng virus

5. Dự phòng viêm bờ mi

Để dự phòng, có thể tập một số thói quen tốt trong sinh hoạt thường ngày như sau:

  • Rửa mắt ít nhất mỗi ngày hai lần, bao gồm sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ
  • Hạn chế đưa tay chạm lên mắt, đặc biệt nếu chưa rửa tay
  • Không chà xát mí mắt khi bị ngứa
  • Cẩn thận tẩy trang mi mắt nếu có trang điểm trong ngày
  • Không kẻ mắt quá sát bờ mi
  • Không dùng mĩ phẩm gây kích ứng da
  • Bảo vệ mi mắt tránh nguy cơ bị rách da do dị vật, vật sắc nhọn.

Viêm bờ mi