Viêm họng mạn tính là một bệnh thường gặp, là tình trạng quá phát của niêm mạc gây cảm giác vướng víu, ngứa rát, ho khạc đờm kéo dài, thường là đờm quánh dính hoặc trắng nhầy. Bệnh thường phối hợp với bệnh viêm mũi xoang mạn tính, viêm thanh quản, khí phế quản mạn tính,...
 

Nguyên nhân gây viêm họng mạn tính:

- Nhiễm khuẩn tái phát nhiều lần vùng mũi họng như viêm họng, viêm mũi xoang. Dịch nhầy xuất tiết luôn chảy xuống họng, là nguyên nhân thường gây viêm họng, làm quá phát tổ chức lympho ở thành họng.
- Ô nhiễm môi trường, khói bụi, khói công nghiệp, khói thuốc lá,… cũng gây viêm họng mạn tính.
- Viêm amidan mạn tính và nhiễm trùng răng lợi gây đau họng.
- Thở bằng miệng: Không khí thở trực tiếp vào miệng không qua mũi sẽ không được lọc sạch bụi bẩn, đồng thời không được làm ấm, làm ẩm nên rất dễ nhiễm khuẩn họng. Nguyên nhân thở bằng miệng thường là do tắc mũi, polyp mũi, viêm mũi dị ứng, viêm mũi vận mạch, quá phát cuốn mũi, vẹo vách ngăn mũi hoặc u vùng mũi; tắc ở vùng vòm họng (do u vòm hoặc VA quá phát); do dị tật bẩm sinh như vẩu răng, sứt môi, hở hàm ếch....
- Yếu tố cơ địa: Cơ địa dị ứng, suy gan, đái đường,…

Bệnh viêm họng mạn tính gồm 4 thể:

- Viêm họng mạn tính sung huyết đơn thuần: Niêm mạc họng đỏ, nổi nhiều tia mao mạch.
- Viêm họng mạn tính xuất tiết: Thành sau họng có tăng xuất tiết nhầy, trong, hơi dính vào niêm mạc, chảy từ vòm xuống hạ họng, tạm thời mất đi khi bệnh nhân nuốt. Niêm mạc họng cũng đỏ và nổi nhiều tia mao mạch.
- Viêm họng mạn tính quá phát: Niêm mạc họng đỏ và dày lên. Tổ chức bạch huyết ở thành sau họng phát triển mạnh, quá phát thành từng đám to nhỏ không đều, màu hồng hoặc đỏ. Có khi tập trung thành một dải gồ lên ở phía sau và dọc theo trụ sau của amidan trông như một trụ sau thứ hai gọi là “trụ giả”. Thể này gọi là viêm họng hạt.
- Viêm họng mạn tính teo: Quá phát lâu ngày chuyển sang teo. Niêm mạc họng teo dần, những tuyến nhầy dưới niêm mạc cũng teo đi làm cho niêm mạc họng từ đỏ thẫm biến thành màu hồng rồi nhợt nhạt, khô và đọng những vảy mỏng, vàng, khô bám vào từng chỗ. Niêm mạc họng trở thành mỏng, các trụ sau cũng teo biến đi làm cho họng trở nên rộng hơn. Tiết nhầy khô lại biến thành vảy dính vào niêm mạc.

 

Các triệu chứng viêm họng mạn tính

Viêm họng mạn tính tương đối dễ phát hiện, có nhiều dấu hiệu khá đặc trưng như:

- Ho khan là dấu hiệu đầu tiên, những cơn ho có thể kéo dài dai dẳng và xuất hiện nhiều về đêm, mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào cơ địa cũng như giai đoạn của bệnh.
- Cảm giác đau, đau âm ỉ ở trong họng, nuốt nước bọt thôi cũng làm cổ họng cảm thấy đau tức cũng như vô cùng khó chịu.
- Trường hợp viêm họng do dị ứng, sẽ thấy ngứa họng, khó chịu như có dị vật trong cổ họng, lúc nào cũng chỉ muốn khạc nhổ để đẩy dị vật ra khỏi họng.
- Nếu viêm nặng, hoặc đợt viêm cấp có thể có sốt cao, kèm đau đầu
- Thường khạc nhiều đờm, đờm xanh đục, quánh và dính, đôi khi đờm dính máu.

Bên cạnh các triệu chứng trên, bệnh nhân bị viêm họng mạn tính còn có thể xuất hiện thêm một số triệu chứng khác, như cơ thể luôn có cảm giác mệt mỏi, kèm theo đó là sổ mũi, hắt hơi, không muốn ăn, khàn giọng, mất tiếng.

Triệu chứng trên cũng có thể gặp ở một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên khác. Để chẩn đoán xác định, cũng như chẩn đoán phân biệt viêm họng mạn tính với các bệnh khác, thường các bác sĩ sẽ chỉ định nội soi tai mũi họng và làm một số xét nghiệm máu. Nội soi tai mũi họng là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện, nhưng rất có giá trị.

Điều trị viêm họng mạn tính

Viêm họng mạn tính sẽ tiến triển nặng lên nếu như không được điều trị tích cực và kịp thời. Phương pháp điều trị viêm họng mạn tính:

- Khi xác định được nguyên nhân gây viêm họng mạn tính cần phải điều trị loại trừ hết nguyên nhân gây bệnh.
- Cần điều trị dứt điểm các nguyên nhân gây viêm vùng mũi họng như viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan, viêm VA (nếu có). Trường hợp này, chủ yếu các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh và chống viêm, giảm phù nề phù hợp, uống khoảng 7-10 ngày.
- Điều trị dị ứng, kích ứng họng (nếu có) và chống viêm tại chỗ bằng thuốc xịt họng như Hadocort-D, xịt họng (và/hoặc mũi) ngày 3-4 lần sẽ dễ chịu ngay và giúp nhanh hết bệnh. Thuốc này cũng chỉ nên dùng trong khoảng 7-10 ngày.
- Đốt điện có thể được áp dụng đối với thể quá phát
- Phẫu thuật điều trị nguyên nhân đối với các trường hợp bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch,...
- Điều trị các yếu tố nguy cơ là tác nhân gây cản trở lưu thông mũi: Như phẫu thuật vẹo vách ngăn, cắt polyp mũi,...
- Cùng với việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, nhỏ mũi, rửa mũi, súc họng, khí dung bằng nước muối ấm ngày 2 - 3 lần.

Phòng tránh bệnh viêm họng mạn tính:

- Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối 0,9% ấm.
- Loại bỏ các tác nhân kích thích như thuốc lá, rượu bia, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
- Tránh những nơi khói bụi, ô nhiễm, khí độc hại, lông gia súc, gia cầm
- Vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh sạch sẽ
- Nâng cao thể trạng: Chế độ ăn giầu dinh dưỡng, bổ sung đầy vitamin A, canxi, vitamin D3, MK7,...

 

Để được bác sĩ tư vấn kỹ hơn về "BỆNH VIÊM HỌNG" bạn đọc vui lòng gọi 19001259 ( giờ hành chính ) hoặc hòm thư songkhoe@bacsituvan.vn ( tư vấn miễn phí ).

Tai mũi họng