Trong lòng xoang được lót bởi niêm mạc hô hấp, các chất xuất tiết của xoang đều đổ vào hốc mũi qua các lỗ nhỏ (các lỗ thông mũi - xoang). Các xoang đều có lỗ thông nối với nhau nên khi bị viêm 1 xoang kéo dài dễ đưa đến các xoang khác gọi là viêm đa xoang.

Các xoang được chia thành 2 nhóm:

- Nhóm xoang trước: Gồm xoang hàm, xoang sàng trước, xoang trán vây quanh hốc mắt. Nhóm xoang này đều đổ ra ngách mũi giữa, sau đó niêm dịch vượt qua mặt trong cuốn mũi giữa ở phần sau để đổ vào họng mũi. Khi trẻ mới sinh, xoang sàng đã hình thành, xoang hàm còn nhỏ, xoang trán thì khoảng 4-7 tuổi mới bắt đầu phát triển.

- Nhóm xoang sau: Gồm xoang sàng sau và xoang bướm ở sâu dưới nền sọ, liên quan tới phần sau ổ mắt, dây thần kinh thị giác, xoang tĩnh mạch hang, tuyến yên. Xoang sàng sau đổ ra ngách mũi trên, xoang bướm đổ ra vùng khứu giác của hố mũi.

 

Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang:

Có nhiều nguyên nhân gây viêm xoang, nhưng các nguyên nhân phổ biến có thể kể ra như:
 
- Ứ đọng chất nhầy do cản trở luồng không khí vào khiến chất dịch thoát không kịp, lỗ thông xoang tắc nghẽn làm môi trường cho vi khuẩn, nấm phát triển trong các xoang.
- Một chất nào đó, thường là hóa chất, thức ăn, dị vật,... làm cho niêm mạc mũi phù nề, gây bít tắc lỗ thông xoang và nhiễm trùng.
- Cơ thể đề kháng kém, suy giảm miễn dịch, suy yếu niêm mạc đường hô hấp, rối loạn hệ thần kinh thực vật không đủ sức chống lại vi khuẩn. Bệnh nhân viêm xoang kèm theo viêm một số bộ phận khác.
- Tuyến nhầy của viêm mạc xoang hoạt động quá nhiều.
- Hệ thống lông chuyển, có chức năng vận chuyển các chất nhầy trong xoang ra ngoài hoạt động kém.
- Do viêm mũi sau nhiễm vi rút (cúm, sởi, quai bị,...), bị bội nhiễm, viêm mũi dị ứng kéo dài hoặc do tình trạng vẹo vách ngăn. Có trường hợp viêm xoang là hậu quả của sâu răng, nhiễm trùng răng hàm trên.
- Sau chấn thương có tổn thương niêm mạc xoang.

Triệu chứng của viêm xoang:

Tùy theo mức độ và giai đoạn viêm mà có biểu hiện đầy đủ hay có một vài triệu chứng. Trường hợp điển hình, viêm xoang có 4 triệu chứng chính:

- Đau nhức: Vùng bị nhức tùy theo xoang bị viêm, như xoang hàm nhức vùng má, xoang trán nhức giữa 2 cung lông mày. Xoang sàng trước nhức giữa 2 mắt, xoang sàng sau và xoang bướm nhức trong sâu, có thể nhức vùng gáy. Trong nhiều trường hợp, viêm xoang gây đau nửa đầu, dễ gây nhâm lẫn với bệnh khác.
- Chảy dịch: Viêm xoang thường gây ra hiện tượng chảy dịch, tùy thuộc vào vị trí xoang bị viêm mà dịch nhầy có thể chảy ra phía mũi hoặc xuống họng. Viêm các xoang trước thì dịch chảy ra mũi trước. Viêm các xoang sau thì dịch chảy vào họng. Triệu chứng chảy dịch làm cho người bệnh có cảm giác luôn phải khụt khịt mũi hoặc cảm giác lờ đờ ở cổ họng luôn muốn khạc nhổ. Tùy theo mức độ bệnh nặng hay nhẹ, bệnh mới bị hay bị lâu năm, dịch nhầy sẽ có màu trắng đục, màu vàng nhạt hoặc màu xanh, có mùi hôi,...
- Nghẹt mũi: Mũi có thể nghẹt 1 bên, có thể nghẹt cả 2 bên.
- Điếc mũi: Viêm xoang nặng, phù nề nhiều ngửi không biết mùi do mùi không len lỏi lên đến thần kinh khứu giác.

 

Điều trị viêm xoang:

Viêm xoang là căn bệnh rất khó chịu, gây mệt mỏi, làm ảnh hưởng đến học tập và làm việc của người bệnh. Thậm chí nếu để bệnh nặng, có thể dẫn đến một số biến chứng như viêm phế quản mạn tính, viêm họng mạn tính hay viêm dây thần kinh thị giác,...

Khi bị viêm xoang, cần đi khám để được điều trị kịp thời và phù hợp. Nếu được điều trị đúng bệnh sẽ cải thiện sớm và hiệu quả, nhưng đòi hỏi phải kiên trì kiêng cữ, tuân thủ đúng liều thuốc, thời gian, cũng như lời khuyên của bác sĩ.

- Điều trị bằng thuốc: Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp:

+ Thuốc kháng histamine (chlorpheniramin, promethazin, loratadine,... ): Các loại thuốc này rất hiệu quả đối với ngứa và sổ mũi do dị ứng nhưng không có tác dụng chữa nghẹt mũi. Do vậy cần phối hợp với các thuốc điều trị nghẹt mũi.
+ Thuốc Corticoid (dạng xịt, dạng uống): Các thuốc này có tác dụng kháng viêm mạnh, cải thiện nhanh triệu chứng viêm, nghẹt mũi, sổ mũi. Tuy nhiên, thuốc có khá nhiều tác dụng phụ, nên phải hết sức thận trọng khi sử dụng, chỉ sử dụng khi thật cần thiết và phải có sự chỉ định của bác sĩ.
+ Thuốc co mạch giúp thông mũi: Thường dùng là xylometazolin. Thuốc khá hiệu quả trong việc làm thông mũi nhưng cũng có tác dụng phụ. Loại thuốc này dùng dưới dạng uống hay xịt, chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày do hiện tượng nhờn thuốc tạo nên vòng bệnh lý luẩn quẩn dẫn tới viêm mũi mạn tính.

Trong 1 số loại thuốc xịt hiện nay chứa 3 thành phần gồm Xylomethazolin (giúp co mạch, hết ngạt mũi), Dexathethazone (giúp chống viêm, hết ngạt mũi, sổ mũi) và Neomycin sulfat (kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn tại chỗ) như thuốc Hadocort D cho hiệu quả khá cao trong điều trị các triệu chứng của bệnh viêm xoang khi kết hợp với các thuốc điều trị khác.

+ Thuốc giảm đau, hạ sốt: Thường dùng nhóm paracetamol hoặc ibuprofen, sử dụng khi có đau đầu, đau nhức xoang kèm theo sốt hoặc không.
+ Thuốc súc rửa mũi: Dùng dung dịch nước muối loãng hoặc NaCl 0,9% cho vào lọ nhựa sạch, rồi nhỏ vài giọt vào hốc mũi sau đó cúi xuống và xì sạch dịch mũi, thực hiện như vậy vài lần vào các buổi sáng, chiều, tối.
+ Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp bị nhiễm trùng nặng, bệnh bị tái phát hoặc kéo dài dai dẳng thì việc sử dụng thuốc kháng sinh là cần thiết. Việc dùng thuốc kháng sinh phải đúng và đủ liều, dùng liều cao ngay từ đầu, tránh tình trạng kháng thuốc.
+ Thuốc kháng nấm: Khi viêm xoang do nhiễm nấm, cần sử dụng thuốc kháng nấm. Liều dùng, thời gian dùng thuốc phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm nấm và tốc độ đáp ứng của bệnh.

- Điều trị bằng phẫu thuật hoặc thủ thuật:

+ Thủ thuật Proetz súc rửa xoang: Đây là cách rửa xoang, lấy mủ từ xoang ra bằng áp lực âm không gây đau hoặc chảy máu, không cần dụng cụ y khoa như kìm, kéo… phù hợp với những trường hợp viêm mũi xoang nhẹ.
+ Khi điều trị nội khoa bằng thuốc không đỡ, hoặc tình trạng bệnh nặng, kéo dài, hay tái phát, thì phải tiến hành phẫu thuật. Hiện nay chủ yếu áp dụng phẫu thuật nội soi nạo xoang, hoặc hút rửa mũi xoang qua đường miệng.
+ Phẫu thuật cắt polyp mũi, chỉnh hình vách ngăn để điều trị các tác nhân gây viêm (nếu có). Trường hợp viêm xoang do răng, cần phải nhổ răng gây bệnh.

Cách phòng ngừa bệnh viêm xoang:

Để phòng ngừa bệnh Viêm xoang hiệu quả, chúng ta cần lưu ý một số biện pháp sau:

- Đeo khẩu trang trước khi ra đường hoặc làm công việc gặp nhiều bụi, giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ, tránh xa khói bụi, chất thải, khói thuốc lá...
- Tránh hít luồng không khí lạnh, khô: Không nên để mũi đối diện trực tiếp với luồng gió của máy lạnh hoặc máy quạt khi nằm ngủ, hoặc khi ngồi làm việc. Cần giữ ấm khi đi ngoài trời lạnh, trời mưa, đặc biệt với những ai phải làm việc quá khuya hoặc dậy quá sớm.
- Khi tắm hoặc đi bơi, nếu bị nước vào tai hoặc mũi cần biết cách để cho nước ra ngoài.
- Vệ sinh mũi thường xuyên với dung dịch nước muối biển.
- Tránh stress: Khi làm việc quá sức, lo lắng nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu rất dễ bị nhiễm khuẩn, trong đó mũi xoang dễ bị nhiễm nhất vì là cơ quan lọc không khí trước khi đưa vào cơ thể.
- Bệnh có thể lây lan, vì vậy không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị viêm xoang.
- Khi có các triệu chứng ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi, cần được điều trị ngay tránh trường hợp biến chứng thành bệnh viêm xoang.

 
Để được bác sĩ tư vấn kỹ hơn về "BỆNH VIÊM XOANG" bạn đọc vui lòng gọi 19001259 ( giờ hành chính ) hoặc hòm thư songkhoe@bacsituvan.vn ( tư vấn miễn phí ).
 

Viêm xoang