Da có cấu tạo khá phức tạp gồm 3 lớp, lớp biểu bì, trung bì và hạ bì. Các lớp kết hợp chặt chẽ với nhau thành tổ chức bao phủ toàn bộ cơ thể.

Da có tính đàn hồi, có thể kéo giãn về mọi phía, là hàng rào vật lý bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân ngoại lai xâm nhập vào.

Lớp biểu bì

Là lớp ngoài cùng, có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại mọi tác nhân có hại từ môi trường, kể cả sự xâm nhập của vi khuẩn.

Lớp biểu bì có chứa các tế bào sắc tố melanin quyết định màu da và ngăn chặn các tia cực tím đi sâu vào da. Lớp biểu bì còn có tác dụng tổng hợp vitamin D dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời.

Biểu bì luôn có sự đổi mới, quá trình này còn gọi là quá trình sừng hóa da. Ban đầu các tế bào mới do lớp trong cùng sinh ra (còn gọi là lớp đáy), các tế bào mới di chuyển dần lên tạo thành các tế bào lớp trên, cuối cùng thành lớp sừng và tróc khỏi bề mặt da.

Thông thường quá trình di chuyển từ lớp đáy lên lớp ngoài cùng mất khoảng 14 ngày và mất thêm 14 ngày nữa để tróc ra hỏi bề mặt da. Tùy theo độ tuổi quá trình này có khác nhau, càng lớn thời gian diễn ra càng chậm. Vì thế làn da người lớn tuổi trở nên dày, nhăn nheo.

Ở trẻ em quá trình sừng hóa diễn ra nhanh và liên tục, nên da em bé lúc nào cũng mềm mại, hồng hòa và khỏe mạnh.

Lớp trung bì

Là lớp dày nhất của da, nằm ngày dưới lớp biểu bì. Lớp này chứa các tuyến tiết chất nhờn, tuyến mồ hôi, nang lông. Ngoài ra còn chứa các sợi collagen, elastin, chứa các mạch máu, dây thần kinh, hyaluronic acid.

Lớp trung bì có nhiều chức năng, như nuôi dưỡng biểu bì (qua lớp đáy), cơ quan bài tiết mồ hôi, chất nhờn, đào thải chất bã và các chất độc, là cơ quan điều chỉnh thân nhiệt.

Đặc biệt bảo đảm tính đàn hồi, tính mềm dẻo, phục hồi hình thể và vị trí ban đầu của da sau cử động. Khi da bị giãn quá mức, làm đứt gãy các sợi elastin và collagen sẽ gây ra hiện tượng rạn da.

Lớp hạ bì

Nằm dưới lớp trung bì, chứa nhiều mỡ, nên còn gọi là lớp mỡ dưới da. Lớp này đóng vai trò như một tấm đệm bảo vệ các cơ quan phía trong và giúp giữ nhiệt.

Lớp mỡ dưới da có độ dày mỏng khác nhau tùy vị trí, dày nhất là vùng bụng, ngực, mông, đùi và mỏng nhất ở mí mắt, mũi, môi.

Ngoài phân loại da theo từng lớp, căn cứ vào kết quả soi da và tính chất của da, mà có thể phân biệt da thành 3 loại:

- Da dầu: Có đặc điểm nhờn, trơn, mồ hôi dầu, mùi thường khó chịu. Những trường hợp này tóc thường bị bết, nhiều gầu, da dễ bị trứng cá, mụn bọc.

- Da khô, nhạy cảm: Có đặc điểm da thường khô, mốc, bong vảy, sờ có cảm giác khô ráp, dễ nhăn nheo. Da này dễ nhạy cảm, dễ bị dị ứng với các tác nhân môi trường, mỹ phẩm, thuốc.

- Da thường, da hỗn hợp: Hầu hết mọi người thuộc loại da này, làn da mềm mại, ít nhờn, không khô ráp.

Da mặt

Là vùng da đặc biệt, thường xuyên hở và là vùng da thể hiện vẻ đẹp của cơ thể. Da mặt có hệ thống mạch máu, thần kinh phong phú, có nhiều cấu trúc riêng, như cấu trúc mỏng ở vùng mí mắt, vùng mũi, môi.

Da mặt khá nhạy cảm, dễ chịu tác động của các yếu tố môi trường như nhiệt độ, tia tử ngoại, bụi bận, vi khuẩn,... Những yếu tố này làm da vùng mặt dễ thoái hóa, lão hóa, nám, tàn nhang….

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Da liễu