Đau dây thần kinh tọa (còn gọi là dây thần kinh hông to) là hội chứng thần kinh có đặc điểm chủ yếu là đau dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa và các nhánh của nó.

Bệnh gặp ở nam gấp 3 lần nữ, chủ yếu ở độ tuổi 30 – 60. Có rất nhiều nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa, nhưng chủ yếu do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa

- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:

Đây là nhóm nguyên nhân thường gặp nhất, chiếm 75% các trường hợp. Ở người trẻ, thoát vị đĩa đệm thường xảy ra cấp tính sau các động tác gắng sức mạnh không đúng tư thế của cột sống (nâng vật nặng sai tư thế, cử động đột ngột của thân...). Ở người lớn tuổi, thoái hoá đĩa đệm là nguyên nhân hay gặp gây đau mạn tính và tái phát. Có khi tổn thương đĩa đệm do các chấn thương nhẹ nhưng trong thời gian dài, như lái xe đường dài, tư thế làm việc xấu.

- Bất thường cột sống thắt lưng cùng (mắc phải hoặc bẩm sinh):

+ Viêm nhiễm tại chỗ (do bị lạnh, nhiễm khuẩn, nhiễm độc chì, tiểu đường,…), K di căn cột sống (K tiền liệt tuyến, K vú, u buồng trứng …).

+ Các dị tật bẩm sinh như: Gù, vẹo, lệch trục cột sống, hẹp ống sống.

- Nguyên nhân trong ống sống: U tủy và u màng tủy, viêm màng nhện tủy khu trú, áp xe ngoài màng cứng vùng thắt lưng.

Biểu hiện lâm sàng

- Đau vùng thắt lưng: Đây là biểu hiện gặp ở hầu hết các trường hợp, đau lan xuống mông, đùi, cẳng chân và bàn chân. Tùy theo mức độ, có thể biểu hiện ở một hoặc cả hai bên.

- Đau có tính chất cơ học, tức đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.

- Đau có thể kèm theo dị cảm, tê bì, kiến bò, thậm chí mất cảm giác.

- Thăm khám có thể thấy vẹo người sang bên lành, hạn chế vận động, teo cơ.

- Dấu hiệu chuông bấm dương tính, hệ thống điểm Valleix dương tính, nghiệm pháp Lasègue dương tính.

Biểu hiện cận lâm sàng

- Các xét nghiệm máu thông thường nói chung ít thay đổi

- Chụp X quang cột sống: Có thể phát hiện các tổn thương tại chỗ, như thoái hóa cột sống, trật đốt sống, xẹp đốt sống, khối áp xe cạnh cột sống,…

- Chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng (MRI): Có thể phát hiện được chính xác, vị trí khối thoát vị, mức độ chèn ép tủy. Ngoài ra còn phát hiện được các tổn thương khác tại chỗ như thoái hóa cột sống, khối u, áp xe cạnh cột sống….

Điều trị

Điều trị không dùng thuốc:

- Nghỉ ngơi tuyệt đối trong trường hợp nặng, nên nằm trên nền cứng giường cứng, tránh nằm võng. Tránh vận động mạnh như xoay người đột ngột, chạy nhảy, cúi gập người...

- Vật lý trị liệu, các biện pháp kéo giãn cột sống, nắn cột sống, thể dục trị liệu, chiếu tia hồng ngoại, sóng ngắn,… cũng có tác dụng tốt

Ðiều trị bằng thuốc:

- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs) là lựa chọn đầu tiên trong điều trị đau dây thần kinh tọa. Có thể dùng một trong các nhóm meloxicam, cerecoxib, etoricoxib, diclofenac,… Thường kết hợp với thuốc giảm đau paracetamol và thuốc giãn cơ vân như myonal, mydocalm.

- Glucocorticoid như dexamethasone, prednisolon, betamethason,... được dùng trong trường hợp bệnh kéo dài, hay tái phát. Có thể dùng đường uống, đường tĩnh mạch hoặc tiêm ngoài màng cứng.

- Trường hợp do nhiễm khuẩn, do lao,… phải dùng thuốc kháng sinh phù hợp. Nếu có áp xe cạnh cột sống phải dẫn lưu ổ áp xe.

Điều trị hỗ trợ:

Ngoài điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu, có thể sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng giúp hỗ trợ điều trị và dự phòng tái phát:

- Giúp cột sống khỏe mạnh, giảm lực đè lên vị trí bị chèn ép bằng sản phẩm chứa canxi, vitamin D, MK7 cùng các dưỡng chất thiết yếu. MK7 vừa có tác dụng vận chuyển canxi vào tận xương, vừa có tác dụng kéo canxi ra khỏi chỗ không cần thiết thậm chí nguy hiểm, như không cho canxi lắng đọng ở mạch máu và mô mềm. Đây là tác dụng kép vừa có tác dụng giúp xương chắc khỏe, vừa ngăn chặn hình thành các bệnh lý tim mạch, vôi hóa cột sống hay sỏi thận.

- Làm giảm chèn ép rễ thần kinh và mạch máu, giảm tê bì, giúp tăng tái tạo sụn khớp bằng sản phẩm chứa tiền vitamin B1, các vitamin nhóm B, chondroitin, Ginkgo Biloba và cao Blueberry.

Điều trị phẫu thuật:

Phẫu thuật được chỉ định trong các trường hợp:

- Liệt và teo cơ: Cần chỉ định phẫu thuật sớm, tránh tàn phế

- Đau dữ dội: Sau điều trị tích cực nhiều tháng (thường là 3 - 6 tháng) mà bệnh vẫn không cải thiện, gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động hàng ngày.

- Tái phát nhiều lần: Xu hướng ngày càng nặng, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động.

- Hội chứng đuôi ngựa: Liệt vận động, kèm rối loạn cảm giác, dinh dưỡng ở một hoặc hai chân và vùng sinh dục hậu môn, rối loạn cơ tròn bàng quang.

Phẫu thuật có thể mổ mở để lấy khối thoát vị, giải phóng rễ thần kinh hoặc dùng tia laser để làm tiêu khối thoát vị.

Phòng bệnh

Đau dây thần kinh tọa tuy có nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là do chèn ép rễ thần kinh gây ra do thoát vị đĩa đệm. Đây là điểm quan trọng cần chú ý để dự phòng.

- Tăng cường thể dục thể thao, hạn chế ngồi nhiều, đứng lâu. Ngày tốt nhất nên tập khoảng 60 phút, ít nhất 5 ngày/ tuần.

- Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, tránh tình trạng thừa cân béo phì. Nếu có béo phì cần đi khám và điều trị ngay.

- Trong lao động, đặc biệt lao động chân tay luôn phải chú ý đến các động tác cúi, bê vác hay gánh vật nặng, phải cố gắng giữ cột sống thẳng.

- Điều trị kịp sớm và triệt để các bệnh lý tại cột sống thắt lưng, như thoái hóa cột sống, viêm cột sống, lao cột sống,…
 

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Đau thần kinh tọa