Rối loạn tiêu hóa là thuật ngữ chỉ tình trạng co thắt không đều các cơ vòng của ống tiêu hóa, gây đau bụng, đầy hơi chướng bụng kèm theo thay đổi tính chất phân.

Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em nói chung không phải là bệnh nguy hiểm, sẽ khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm và dúng phương pháp. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng, bệnh có thể diễn biến dai dẳng, làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hậu quả có thể làm trẻ suy dinh dưỡng, chậm phát triển cả về thể chất và trí não.

Ngược lại, từ tình trạng suy dinh dưỡng, làm giảm sức đề kháng, rất dễ bị các tác nhân gây bệnh tấn công trong đó có tình trạng nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm khuẩn hô hấp, tạo nên bệnh cảnh gọi là vòng xoắn bệnh lý.

Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ em

Đường tiêu hóa ở trẻ em chưa hoàn thiện, hệ miễn dịch phát triển chưa phát triển đầy đủ, nên rất dễ mắc rối loạn tiêu hóa. Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa, các nguyên nhân có thể nêu ra như:

- Chế độ ăn:

Đối với trẻ em, chế độ ăn rất quan trọng để cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, tạo nền tảng cho trẻ phát triển. Tuy nhiên, từ thức ăn cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở trẻ.

Ngoài ra, thành phần thức ăn cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa. Các thức ăn chứa các thành phần mà đường ruột của trẻ không khấp thu hoặc khó hấp thu.

- Sức đề kháng yếu:

Trẻ em là giai đoạn các bộ phận trong cơ thể đang hoàn thiện, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Điều này khiến trẻ rất dễ bị các vi khuẩn xâm nhập gây bệnh rối loạn tiêu hóa, đặc biệt với những trẻ sơ sinh mà không được bú sữa mẹ. Sữa mẹ là loại sữa tốt nhất đối với trẻ, sữa non còn chứa các kháng thể từ mẹ, giúp trẻ chống lại các tác nhân gây bệnh.

- Loạn khuẩn đường tiêu hóa

Hệ tiêu hóa của trẻ luôn có những chủng vi khuẩn có lợi phát triển, có tác dụng làm ổn định hệ vi sinh đường ruột. Khi dùng kháng sinh, ngoài diệt vi khuẩn có hại thì cũng diệt luôn vi khuẩn có lợi, gây loạn khuẩn đường tiêu hóa. Đây là nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa khá thường gặp ở trẻ em.

- Môi trường sống mất vệ sinh

Môi trường xung quanh có rất nhiều vi khuẩn có thể gây bệnh, nếu không vệ sinh sạch sẽ có thể dễ bị nhiễm khuẩn gây bệnh rối loạn tiêu hóa. Bệnh cũng có thể lây từ trẻ này sang trẻ khác hoặc từ người lớn sang trẻ em.

Biểu hiện lâm sàng

- Nôn, trớ: Đây là biểu hiện thường gặp nhất, trẻ có thể tự nhiên nôn, cũng có thể nôn sau khi ăn, khi khóc, khi ho. Nếu chỉ nôn vài lần, sau đó hết thì không đáng lo, nhưng nếu nôn nhiều, làm trẻ không hấp thu được thức ăn, thậm chí có thể gây mất nước thì phải khám và điều trị bằng thuốc.

- Tiêu chảy: Khi trẻ đi ngoài phân lỏng toàn nước trên 3 lần/ ngày thì được coi là tiêu chảy. Tiêu chảy ở trẻ em rất nguy hiểm, nó nguy hiểm là do mất nước. Trước khi tìm nguyên nhân và điều trị nguyên nhân thì cần bù nước và điện giải ngay. Nếu bệnh diễn biến nặng thì phải đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

- Đầy bụng, chướng bụng: Đây là biểu hiện cũng khá thường gặp, trẻ có thể bụng chướng căng, ấm ách, rất khó chịu.

- Táo bón: Táo bón là khi trẻ đi ngoài ít hơn 3 lần trong 1 tuần, kèm theo phân cứng, vón cục. Đây cũng là biểu hiện thường gặp, nhất là những trẻ không được bú sữa mẹ và những trẻ ăn dặm mà thức ăn ít chât xơ.

Chẩn đoán

Chẩn đoán rối loạn ở trẻ nói chung khá dễ, các biểu hiện thường sớm và rõ ràng như:

- Nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc đầy bụng, ăn không tiêu, quấy khóc, ăn uống kém

- Có thể có sốt nếu do nhiễm khuẩn

- Xét nghiệm công thức máu thường ít thay đổi, có thể có bạch cầu tăng

- Siêu âm ổ bụng, nói chung không phát hiện gì đặc biệt. Một số trường hợp có thể thấy hạch mạc treo, quai ruột nổi.

- Soi phân có thể phát hiện hồng cầu, bạch cầu trong phân, có thể phát hiện các vi khuẩn gây bệnh

- Nếu tình trạng nặng, không đáp ứng với điều trị, cần cấy phân để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Điều trị rối loạn tiêu hóa

Điều trị rối loạn tiêu hóa ở trẻ cần lưu ý đến nguy cơ mất nước, giảm hấp thu chất dinh dưỡng và tình trạng táo bón. Các biện pháp điều trị tập trung vào:

- Bổ sung ngay cho trẻ men vi sinh, giúp bổ sung các vi khuẩn có lợi nhằm tạo nên sự cân bằng vi khuẩn trong hệ tiêu hóa. Tốt nhất nên sử dụng các loại men vi sinh chứa đồng thời 2 thanh phần là vi khuẩn có lợi (probiotics) và chất xơ hòa tan (prebiotics) còn gọi là Fructose-Oligosaccharide (FOS). Prebiotics có tác dụng làm tăng nhu động ruột, hạn chế tình trạng tiêu chảy, hạn chế táo bón. Ngoài ra prebiotics còn là nguồn thức ăn hữu ích cho probiotics, điều này giúp cho bé hấp thu tối đa thức ăn, chất dinh dưỡng.

- Nếu trẻ có tiêu chảy, cần bổ sung ngay nước và điện giải bằng dung dịch oresol, có thể cho bé uống thay nước, ngoài ra vẫn cho bé uống sữa như bình thường.

- Nếu do nguyên nhân nhiễm khuẩn thì phải dùng kháng sinh đường ruột. Nhưng lưu ý là việc dùng kháng sinh cũng là nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa, vì vậy phải sử dụng hết sức cẩn thận, chỉ dùng khi thật cần thiết và phải theo chỉ định của bác sĩ.

Dự phòng rối loạn tiêu hóa

- Vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, vệ sinh tay, chân, đồ chơi của trẻ,…. Lưu ý là vệ sinh trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Cung cấp cho trẻ đầy đủ chất dinh dưỡng, cân đối theo lứa tuổi

- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung vitamin, và các dưỡng chất cần thiết

- Tăng cường vận động, chạy nhảy, chơi bóng, đạp xe ba bánh.

- Sử dụng men vi sinh hàng ngày, tốt nhất là dùng loại có 2 thành phẩn là men vi sinh và chất xơ hòa tan. Có thể dùng thường xuyên hoặc mỗi đợt tối thiểu 3 tháng, năm 2 – 3 đợt.

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Rối loạn tiêu hóa