Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có cùng nguyên nhân, cùng cơ chế, nhưng vùng cổ có nhiều trung tâm quan trọng nên thoát vị đĩa đệm vùng cổ nguy hiểm hơn.

Thoát vị đĩa đệm vùng cổ khá thường gặp, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, nhất là ở nước ta, nơi có nhiều công việc đặc thù gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột sống.

Đĩa đệm được cấu tạo bởi nhân nhầy, vòng sợi và mâm sụn có tác dụng làm giảm ma sát gữa các đốt sống khi vận động. Khi bị thoát vị, đĩa đệm chèn ép vào các rễ thần kinh, mạch máu và các tổ chức xung quanh.

Nguyên nhân hàng đầu gây thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là do thói quen sinh hoạt, như tư thế làm việc xấu, ngồi nhiều đứng lâu, bê vác nặng,…

Biểu hiện lâm sàng

- Nhóm bệnh lý rễ thần kinh:

Khối thoát vị gây chèn ép rễ thần kinh, gây ra các biểu hiện đau tê vùng cổ, vai gáy. Đau lan sang tay, thậm chí đến bàn tay.

Đôi khi cơn đau lan lên đầu, cảm giác nhức nhối, khó chịu, đôi khi có cảm giác đau mơ hồ không rõ ràng.

Nhiều trường hợp biểu hiện yếu cơ ở cánh tay, cẳng tay một cách kín đáo, khó nhận biết. Chỉ thấy cảm giác cầm nắm vật hơi khó khăn, tay không còn lực.

- Nhóm bệnh lý tủy:

Thoát vị đĩa đệm ra trước, chèn ép tủy lâu ngày có thể gây tăng trương lực cơ chi dưới, yếu hai chi dưới, rối loạn cảm giác ở hai tay

Một số trường hợp có rối loạn cơ thắt, mót tiểu, đái dầm, đôi khi có khó thở, táo bón.

- Biểu hiện tiền đình:

Do khối thoát vị chèn ép vào hệ thống động mạch sống – nền gây ra. Các biểu hiện có thể gặp gồm ù tai, giảm thính lực, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mất thăng bằng. Trường hợp nặng có thể xuất hiện cơn đột quỵ, kèm theo mất ý thức hoặc không.

Chẩn đoán

- Tiêu chuẩn lâm sàng chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ:

(1) Khởi phát sau một chấn thương cột sống cổ hoặc có tính chất cơ học.

(2) Có hội chứng rễ thần kinh vùng cổ, đau, tê vùng cổ, lan sang hai tay

(3) Có hội chứng tủy cổ, gây yếu hai chi dưới, rối loạn cảm giác hai tay, rối loạn tiểu tiện.

(4) Biểu hiện tiền đình, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất thăng bằng

- Chẩn đoán quyết định:

Chẩn đoán quyết định căn cứ vào chụp cộng hưởng từ (MRI), trên phim MRI có thể thấy ró vị trí khối thoát vị, mức độ chèn ép tổ chức xung quanh, và các tổn thương phối hợp tại cột sống cổ.

Điều trị

Điều trị thoái hóa cột sống cổ về cơ bản cũng giống như thoái hóa cột sống thắt lưng. Các phương pháp điều trị bao gồm:

Điều trị nội khoa:

Điều trị thoát vị đĩa đệm chủ yếu là điều trị nội khoa (chiếm 90 – 95% các trường hợp). Các biện pháp điều trị chủ yếu là:

- Dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAIDs), đây là thuốc đầu tay trong điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm. Có thể dùng một trong các loại như celecoxib, etoricoxib, meloxicam, diclofenac,….

- Thường kết hợp với thuốc giảm đau paracetamol và thuốc giãn cơ như myonal hoặc mydocalm

- Thuốc tăng cường dẫn truyền xung động thần kinh như nivalin dạng uống hoặc tiêm bắp thịt.

- Những trường hợp nặng có thể dùng corticoid đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

Điều trị không dùng thuốc:

- Đang trong giai đoạn đau cấp cần bất động hoàn toàn, nằm trên nền cứng, không nằm đệm. Thời gian bất động 5 – 7 ngày.

- Đeo đai cột sống, đeo liên tục cả lúc ngủ.

- Vật lý trị liệu, xông hơi, chườm nóng cũng có tác dụng tốt, có thể thực hiện kéo giãn đốt sống bằng các thiết bị hỗ trợ tại các trung tâm phục hồi chức năng

Điều trị hỗ trợ:

Ngoài điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu, có thể sử dụng các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng giúp hỗ trợ điều trị và dự phòng tái phát:

- Giúp cột sống khỏe mạnh, giảm lực đè lên vị trí bị chèn ép bằng sản phẩm chứa canxi, vitamin D, MK7 cùng các dưỡng chất thiết yếu.

- Làm giảm chèn ép rễ thần kinh và mạch máu, giảm tê bì, giúp tăng tái tạo sụn khớp bằng sản phẩm chứa tiền vitamin B1, các vitamin nhóm B, chondroitin, Ginkgo Biloba và cao Blueberry.

Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp:

- Có hội chứng chèn ép tuỷ cấp

- Đã được điều trị nội khoa cơ bản từ 3 - 4 đợt ở các cơ sở chuyên khoa có trình độ chuyên sâu mà không kết quả, bệnh làm ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và làm việc.

- Các biện pháp phẫu thuật có thể áp dụng là mổ mở hoặc mổ nội soi lấy đĩa đệm.

Phòng bệnh

- Tăng cường thể dục thể thao, hạn chế ngồi nhiều, đứng

- Giữ cột sống cổ thẳng và phù hợp, hạn chế các tư thể xấu, hạn chế bê vác nặng

- Sử dụng ghế ngồi chỉnh hình, giúp cho cột sống có tư thế sinh lý khi ngồi

- Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp, tránh thừa cân, béo phì

- Bỏ hút thuốc (nếu có), hút thuốc ngoài gây ra các bệnh lý đường hô hấp, còn làm tăng nguy cơ của các vấn đề cột sống.

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Thoát vị đĩa đệm