Rối loạn chuyển hóa lipid máu là tình trạng khá phổ biến, là nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch, biến chứng nặng nhất có thể gặp là nhồi máu cơ tim và tai biến mạch não.

Rối loạn chuyển hóa lipid máu hầu hết không có biểu hiện gì, chỉ chẩn đoán được khi làm xét nghiệm các thành phần lipid trong máu.

Trong cơ thể có nhiều loại lipid, nhưng quan trọng nhất là cholesterol và triglycerid. Có hai loại cholesterol liên quan trực tiếp đến sự hình thành mảng xơ vữa động mạch, đó là LDL-Cholesterol và HLD-Cholesterol.

LDL-Cholesterol (còn gọi là cholesterol xấu): Được coi là xấu vì khi LDL-Cholesterol tăng nhiều trong máu, dễ lắng đọng ở thành mạch (đặc biệt là mạch vành và mạch não) hình thành mảng xơ vữa động mạch.

HDL-Cholesterol (còn gọi là cholesterol tốt): Được gọi là tốt bởi vì nó vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan, cũng vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch. Do vậy, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến chứng tim mạch nguy hiểm khác.

Điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu, song song với việc dùng thuốc thì điều chỉnh chế độ ăn, thay đổi thói quen sinh hoạt và hoạt động thể lực cũng có vai trò vô cùng quan trọng.

Các nhóm thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu

- Nhóm statins:

Là nhóm thuốc được lựa chọn ưu tiên trong điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu, vì tác dụng làm giảm LDL-C rất tốt. Ngoài ra còn làm tăng HDL-C và giảm triglycerid. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đều chứng minh được lợi ích của nhóm statins trong việc làm giảm các nguy cơ bệnh tim mạch.

Các thuốc thường dùng trên trong lâm sàng là atorvastatin (Lipitor), rosuvastatin (Crestor), simvastatin (Zocor),… Thuốc nhóm này nên dùng xa bữa ăn, có thể uống 1 lần, trước khi đi ngủ.

Tác dụng của statins trên lipid máu làm giảm LDL-C 20-60%, giảm triglycerid 10-33%, tăng HDL-C 5 – 10%. Ngoài ra còn cải thiện mức độ dãn tĩnh mạch nội mô, chống huyết khối, làm ổn định mảng xơ vữa….

Khi điều trị bằng statins cần phải xét nghiệm lipid máu để theo dõi và chỉnh liều thuốc cho phù hợp. Ngoài ra, còn phải xét nghiệm men gan (AST, ALT) và men CK để đánh giá các tác dụng phụ của thuốc, trong đó tổn thương gan và cơ vân là đáng lo ngại nhất.

Ngoài nhóm statins, hiện nay có nhiều nhóm khác nữa cũng được sử dụng điểu điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu, tuy nhiên chỉ sử dụng nhóm khác trong các trường hợp không đạt được mục đích hạ LDL-C dù đã dùng liều statin tối ưu, không dung nạp với statins, triglycerid tăng quá cao,…

Các nhóm thuốc khác thường dùng là:

- Các dẫn xuất fibrate

Hiện nay 2 nhóm được sử dụng rộng rãi nhất là fenofibrat (lipanthyl) và gemfibrozil (lopid). Thuốc có tác dụng hạ triglycerid mạnh, hạ LDL-C và tăng HDL-C nhẹ, vì vậy có tác dụng tốt với trường hợp tăng triglycerid. Không dùng nhóm này phối hợp với nhóm statins, vì nguy cơ tăng tác dụng phụ.

Tác dụng phụ có thể gặp là phù mặt, đau bụng, buồn nôn, đau đầu, mẩn ngứa, men gan tăng, tăng nguy cơ sỏi mật.

- Nicotinic acid (niacin):

Nhóm này dùng phối hợp với statins, hoặc các trường hợp không dung nạp với statins. Đây là vitamin tan trong nước, ức chế sản xuất các lipoprotein tại gan. Thuốc có tác dụng hạ LDL-C và tăng HDL-C mức độ vừa phải.

Một số tác dụng phụ có thể gặp mẩn ngứa, buồn nôn, đầy bụng, chóng mặt, mất ngủ, hạ huyết áp, tăng men gan,…

Chống chỉ định trong trường hợp bị gút, loét dạ dày tá tràng, chống chỉ định tương đối ở bệnh nhân đái tháo đường.

- Nhóm gắn acid mật:

Hai thuốc thường dùng là cholestyramin và colestipol, thường dùng phối hợp với nhóm statins, hoặc không dung nạp với statins. Không được dùng trong trường hợp triglycerid tăng quá cao.

- Nhóm ức chế sự hấp thu cholesterol:

Nhóm này gồm ezetimibe, được chỉ định phối hợp với statins, hoặc những trường hợp không dung nạp với statin, không dùng khi triglycerid tăng cao, vì không có tác dụng hạ triglycerid.

- Điều trị thay thế bằng hormon sinh dục nữ (estrogen):

Có thể có ích ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh có rối loạn lipid máu. Đây là thuốc được lựa chọn đầu tiên đối với phụ nữ sau tuổi mãn kinh có rối loạn chuyển hóa lipid máu. Lựa chọn tốt nhất là sử dụng estrogen thảo dược, vì tác dụng tốt nhưng không có hoặc rất ít tác dụng phụ.

- Nhóm acid béo không bão hòa (OMEGA 3):

Những acid béo DHA và EPA là thành phần chính của dầu cá, tác dụng làm hạ triglycerid khá mạnh, làm tăng HDL-C vừa phải. Nhóm này được dùng trong trường hợp triglycerid cao và thường dùng phối hợp với nhóm fibrate.

Các biện pháp luyện và thay đổi chế độ ăn, sinh hoạt

Đây là biện pháp áp dụng đối với mọi trường hợp có rối loạn chuyển hóa lipid. Các biện pháp tập trung vào:

+ Chế độ ăn giảm cholesterol và giảm calo (nếu có béo phì), nói chung là hạn chế thức ăn nhiều đạm như thịt lợn, thịt bò, thịt chó, trứng, hải sản,… Không ăn mỡ, phủ tạng động vật, các loại phô mai, bơ, kem, bánh ngọt…

+ Ăn nhiều rau, uống nhiều nước, ngày uống ít nhất 2,5 lít nước sôi để nguội, ăn nhiều trái cây tươi

+ Uống ít rượu bia, bỏ hút thuốc (nếu có)

+ Tăng cường thể dục thể thao, luyện tập các môn phù hợp với sở thích, độ tuổi và không có chống chỉ định. Ngày tập ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày/ tuần. Trường hợp có biểu hiện bệnh động mạch vành thì phải làm nghiệm pháp gắng sức trước khi chỉ định cường độ cũng như nội dung luyện tập.

Thời gian điều chỉnh lối sống ít nhất là 6 tháng, cứ 6 – 8 tuần nên kiểm tra lại cholesterol máu. Chế độ ăn phải được duy trì lâu dài, dù có phải dùng thuốc hay không.

Điều chỉnh chế độ ăn không áp dụng với phụ nữ mang thai, và hết sức lưu ý ở người già.
 

Ths.Bs Vũ Văn Lực

Rối loạn lipid máu