Rối loạn chuyển hóa lipid máu hiểu một cách đơn giản là tăng mỡ máu. Lipid tham gia vào thành phần cấu tạo nhiều cơ quan và giữ nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể.
Rối loạn chuyển hóa lipid máu dẫn đến bệnh cảnh xơ vữa động mạch. Hậu quả của xơ vữa động mạch rất nguy hiểm, như có thế gây nồi máu cơ tim, tai biến mạch não.
Một số loại lipid quan trọng trong máu
- LDL-Cholesterol (còn gọi là cholesterol xấu hay mỡ xấu): Được coi là mỡ xấu vì khi LDL-Cholesterol tăng nhiều trong máu, dễ lắng đọng ở thành mạch (đặc biệt là mạch vành và mạch não) hình thành mảng xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa tăng dần gây hẹp hoặc tắc mạch, cũng có thể vỡ ra đột ngột gây tắc mạch cấp dẫn đến những bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não.
- HDL-Cholesterol (còn gọi là mỡ tốt): Được gọi là tốt bởi vì nó vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan, cũng vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch. Do vậy, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến chứng tim mạch nguy hiểm khác.
- Triglycerid: Là một dạng mỡ trong cơ thể, thường tăng cao ở người thừa cân, béo phì, ít vận động.
Nguyên nhân gây rối loạn chuyển hóa lipid máu
- Nguyên nhân ngoại sinh: Chủ yếu do chế độ ăn, như ăn nhiều mỡ, phủ tạng động vật, trứng, bơ, dầu, đồ chiên rán, uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá,…. Một số nguyên nhân khác như ít vận động thể lực, dùng thuốc chẹn beta giao cảm kéo dài,… cũng có thể gây rối loạn chuyển hóa lipid máu.
- Nguyên nhân nội sinh: Do di truyền, thiếu hụt men lipase, rối loạn gen chuyển hóa HDL-Cholesterol,…
- Nguyên nhân thứ phát: Rối loạn chuyển hóa lipid do hậu quả một số bệnh như hội chứng thận hư, suy giáp, đái tháo đường, suy gan,…
Trị số bình thường một số loại lipid trong máu
- Cholesterol toàn phần:
+ Trị số bình thường dưới 5,2mmol/l
+ Tăng giới hạn từ 5,2 – 6,2mmol/l
+ Khi cholesterol trên 6,2mmol/l được coi là tăng
- Triglycerid:
+ Bình thường dưới 2,26mmol/l
+ Tăng giới hạn từ 2,26 – 4,5mmol/l
+ Tăng khi triglycerid từ 4,5 – 11,3mmol/l
+ Tăng rất cao khi trên 11,3mmol/l
- HDL-Cholesterol:
+ Bình thường HDL-C > 0,9mmol/l
+ Giảm khi HDL-C dưới 0,9mmol/l
- LDL-Cholesterol:
+ Bình thường dưới 3,4mmol/l
+ Tăng giới hạn từ 3,4 – 4,1mmol/l
+ Tăng nhiều khi trên 4,1mmol/l
Yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành của rối loạn chuyển hóa lipid máu
(1) Nam giới trên 45 tuổi hoặc nữ trên 55 tuổi
(2) Trong gia đình có người bị bệnh động mạch vành
(3) Hút thuốc là nhiều
(4) Tăng huyết áp
(5) HDL-Cholesterol dưới 0,9mmol/l
(6) Mắc bệnh đái tháo đường
Điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu
- Điều chỉnh lối sống:
Đây là biện pháp áp dụng đối với mọi trường hợp có rối loạn chuyển hóa lipid. Các biện pháp tập trung vào:
+ Chế độ ăn giảm cholesterol và giảm calo (nếu có béo phì), nói chung là hạn chế thức ăn nhiều đạm như thịt lợn, thịt bò, thịt chó, trứng, hải sản,… Không ăn mỡ, phủ tạng động vật, các loại phô mai, bơ, kem, bánh ngọt…
+ Ăn nhiều rau, uống nhiều nước, ngày uống ít nhất 2,5 lít nước sôi để nguội, ăn nhiều trái cây tươi
+ Uống ít rượu bia, bỏ hút thuốc (nếu có)
+ Tăng cường thể dục thể thao, luyện tập các môn phù hợp với sở thích, độ tuổi và không có chống chỉ định. Ngày tập ít nhất 60 phút, ít nhất 5 ngày/ tuần. Trường hợp có biểu hiện bệnh động mạch vành thì phải làm nghiệm pháp gắng sức trước khi chỉ định cường độ cũng như nội dung luyện tập.
Thời gian điều chỉnh lối sống ít nhất là 6 tháng, cứ 6 – 8 tuần nên kiểm tra lại cholesterol máu. Chế độ ăn phải được duy trì lâu dài, dù có phải dùng thuốc hay không.
Điều chỉnh chế độ ăn không áp dụng với phụ nữ mang thai, và hết sức lưu ý ở người già.
- Điều trị bằng thuốc
Điều trị cấp một:
+ Điều trị đối với những trường hợp có rối loạn chuyển hóa lipid nhưng chưa có tiền sử bệnh mạch vành.
+ Mục tiêu điều trị nhằm đạt được LDL-C dưới 4,1mmol/l với những trường hợp có ít hơn 2 yếu tố nguy cơ hoặc LDL-C dưới 3,4mmol/l nếu có từ 2 yếu tố nguy cơ trở lên.
+ Nguyên tắc điều trị bắt đầu bằng điều chỉnh lối sống. Dùng thuốc khi điều chỉnh lối sống trên 6 tháng mà thất bại hoặc phải dùng thuốc ngay khi LDL-C quá cao (trên 5mmol/l) hoặc LDL-C cao trên 4,1mmol/l nhưng có quá nhiều yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành.
Điều trị cấp hai:
+ Điều trị đối với những trường hợp đã có biểu hiện bệnh mạch vành. Mục tiêu điều trị chủ yếu là làm giảm LDL-C dưới 2,6mmol/l.
+ Phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt điều chỉnh lối sống, đồng thời dùng thuốc phối hợp ngay khi LDL-C trên 3,4mmol/l.
Các nhóm thuốc điều trị:
Hiện này có nhiều loại thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu (còn gọi là thuốc hạ mỡ máu) có hiệu quả cao. Các nhóm thuốc thường dùng:
+ Nhóm statin:
Đây là nhóm được lựa chọn đầu tiên để điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu, thuốc có tác dụng hạ LDL-C mạnh, hạ triglycerid và tăng HDL-C.
Một số thuốc thuộc nhóm này như simvastatin, atorvastatin, rosuvastatin…. Thuốc nhóm này không nên dùng gần bữa ăn, có thể uống 1 lần trước khi đi ngủ.
Tác dụng phụ có thể gặp như khó tiêu, ỉa chảy, táo bón, buồn nôn, đau bụng, đau đầu, mất ngủ, tăng men gan, đau cơ, tiêu cơ vân, viêm đa cơ,…
Khôn nên dùng nhóm statin với các loại thuốc cyclosporin, các dẫn xuất fibrat, niacin,… vì các thuốc này có thể làm tăng độc tính khi dùng cùng nhau.
+ Các dẫn xuất fibrat
Hiện nay 2 nhóm được sử dụng rộng rãi nhất là fenofibrat (lipanthyl) và gemfibrozil (lopid). Thuốc có tác dụng hạ triglycerid mạnh, hạ LDL-C và tăng HDL-C nhẹ, vì vậy có tác dụng tốt với trường hợp tăng triglycerid.
Tác dụng phụ có thể gặp là phù mặt, đau bụng, buồn nôn, đau đầu, mẩn ngứa, men gan tăng, tăng nguy cơ sỏi mật.
+ Nicotinic acid (niacin):
Đây là vitamin tan trong nước, ức chế sản xuất các lipoprotein tại gan. Thuốc có tác dụng hạ LDL-C và tăng HDL-C mức độ vừa phải.
Một số tác dụng phụ có thể gặp mẩn ngứa, buồn nôn, đầy bụng, chóng mặt, mất ngủ, hạ huyết áp, tăng men gan,…
Chống chỉ định trong trường hợp bị gút, loét dạ dày tá tràng, chống chỉ định tương đối ở bệnh nhân đái tháo đường.
+ Điều trị thay thế bằng hormon sinh dục nữ (estrogen):
Có thể có ích ở phụ nữ sau tuổi mãn kinh có rối loạn lipid máu. Đây là thuốc được lựa chọn đầu tiên đối với phụ nữ sau tuổi mãn kinh có rối loạn chuyển hóa lipid máu. Lựa chọn tốt nhất là sử dụng estrogen thảo dược, vì tác dụng tốt nhưng không có hoặc rất ít tác dụng phụ.
+ Một số thuốc điều trị phối hợp: Các loại OMEGA 3, OMEG 3-6-9 được chứng minh là có tác dụng hạ lipid máu. Vì vậy, có thể sử dụng các sản phẩm OMEGA 3 hoặc OMEGA 3-6-9 đối với các trường hợp rối loạn chuyển hóa lipid máu, cho dù có phải điều trị bằng thuốc hay không.
Vấn đề kết hợp thuốc
Có thể dùng kết hợp 2 nhóm điều trị rối loại lipid máu khác nhau nếu dùng một loại không hiệu quả hoặc trường hợp có tăng quá cao. Sự kết hợp tốt nhất là sử dụng nhóm statin và niacin.
Theo dõi khi dùng thuốc
Cần kiểm tra cholesterol và triglycerid máu mỗi 3 – 4 tuần điều trị. Nếu không thấy đáp ứng sau 2 tháng điều trị, mặc dù đã dùng liều tối ưu, thì nên thay bằng thuốc khác hoặc kết hợp 2 thuốc.
Ths.Bs Vũ Văn Lực
Rối loạn lipid máu