Viêm mũi dị ứng là một bệnh khá phổ biến, chiếm khoảng 32% các bệnh lý về tai mũi họng. Sự biến đổi về khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng cũng tăng theo.
Viêm mũi dị ứng là phản ứng của cơ thể trước những chất lạ (dị nguyên) xâm nhập vào cơ thể, khi đó sẽ tạo ra các kháng thể để chống lại. Sự kết hợp giữa kháng thể dị ứng với các dị nguyên tạo ra chất histamin, đây là một chất gây ra một loạt các phản ứng dị ứng.
Các dị nguyên có thể xâm nhập cơ thể bằng nhiều đường khác nhau như đường hô hấp, ăn uống, qua da, niêm mạc… Mỗi người có thể bị mẫn cảm với một hoặc nhiều loại dị nguyên khác nhau.
Viêm mũi dị ứng có thể xảy ra theo mùa (thay đổi thời tiết, phấn hoa,…), cũng có thể xảy ra ở mọi thời điểm (do thức ăn, bụi, lông gia súc,…).
Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu, các thuốc điều trị hiện chỉ tập trung vào điều trị triệu chứng, điều trị làm giảm các biểu hiện của dị ứng gây ra.
Các nhóm thuốc điều trị viêm mũi dị ứng bao gồm:
Nhóm kháng histamin H1
Kháng histamin H1 không trực tiếp ngăn sự tạo thành histamin nhưng có tác dụng ức chế có cạnh tranh với histamin tại receptor H1, làm mất các tác dụng của histamin tại cơ quan đích. Qua đó làm giảm các biểu hiện của viêm mũi dị ứng.
Căn cứ vào dược động học, tác dụng, các thuốc kháng histamin H1 được chia làm 2 thế hệ:
- Kháng histamin H1 thế hệ 1:
Nhóm này rất dễ đi qua hàng rào máu não, có tác dụng kháng histamin cả trung ương và ngoại vi, ngoài chống dị ứng còn có một số tác dụng như an thần, chống nôn, ức chế ho, đặc biệt gây buồn ngủ,…. Một số được sử dụng chống say tàu xe. Nhóm này gồm các thuốc như diphenhydramine, chlorpheniramine, promethazine, hydorxyzine….
- Kháng histamin H1 thế hệ 2:
Nhóm này rất ít đi qua hàng rào máu não, thời gian bán thải kéo dài, chỉ có tác dụng ngoại vi, rất ít tác dụng trung ương, không an thần, không chống nôn, không gây buồn ngủ. Một số có tác dụng gây buồn ngủ nhưng ở liều cao. Nhóm này gồm các thuốc như loratadin, desloratadin, fexofenadine, cetirizine,…
Nhóm thuốc gây co mạch
- Loại uống: Các thuốc cường giao cảm, gây co mạch, giảm sung huyết, phù nề, ngạt mũi. Tuy nhiên, có thể gây ra các tác dụng phụ tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, đau thắt ngực, nhức đầu, choáng váng, khó ngủ, chán ăn, run chân tay. Không nên dùng cho người có những bệnh như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, cường tuyến giáp, đái tháo đường. Do nhiều tác dụng phụ nên nhóm này hiện ít được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng.
- Loại thuốc nhỏ, xịt mũi: Thường dùng naphazolin, xylomethazolin..., có tác dụng co mạch tại chỗ, chống phù nề, đỡ nghẹt mũi ngay, dễ chịu. Khi dùng liều cao, kéo dài, một phần thuốc qua mạch máu niêm mạc mũi thấm vào máu, gây các tác dụng phụ toàn thân giống khi uống, vì vậy chỉ nên dùng liều vừa đủ, một đợt chỉ dùng nhiều nhất là 7 ngày.
- Thuốc làm săn niêm mạc mũi: Dung dịch natrichlorid 0,9% làm săn niêm mạc, gây co mạch, chống phù nề, đỡ nghẹt mũi, không độc, dùng cho người lớn và trẻ em bất cứ tuổi nào kể cả sơ sinh. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại xịt nước muối biển có tác dụng tốt, dùng cho mọi đối tượng, có thể dùng thường xuyên.
Nhóm corticoid
Thường dùng betamethasone, dexamethasone, budesonid,… được bào chế dưới dạng thuốc xịt hoặc hít. Khi hít thuốc tạo thành những hạt nhỏ li ti bám vào niêm mạc mũi, chỉ với một liều không lớn (so với liều uống) vẫn có tác dụng tốt. Do dùng liều thấp nên ít có tác dụng phụ như đối với dạng uống hoặc tiêm.
Corticoid ức chế lành vết thương, nên không được dùng trong trường hợp có vết thương hở (rách niêm mạc, sau phẫu thuật). Dùng lâu ngày có thể gây bội nhiễm nấm candida ở mũi họng. Có khá nhiều độc tính với trẻ em, cho nên không nên dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi, riêng betamethasone không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
Trường hợp có viêm mũi dị ứng có bội nhiễm, có thể dùng corticoid dạng xịt phối hợp với kháng sinh. Nếu nhiễm khuẩn nặng, cần tập trung dùng kháng sinh mạnh đường toàn thân, khi khỏi nhiễm khuẩn rồi thì mới tiếp tục dùng corticoid.
Một số loại thuốc xịt hiện nay chứa 3 thành phần gồm xylomethazolin (giúp co mạch, hết ngạt mũi), dexamethasone (giúp chống viêm, hết ngạt mũi, sổ mũi) và neomycin sulfat (kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn tại chỗ) như thuốc Hadocort D cho hiệu quả khá cao trong điều trị các triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng.
Kết luận
Bệnh viêm mũi dị ứng khá thường gặp, bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Nói chung, các bệnh lý liên quan đến cơ dị ứng thường tồn tại suốt đời nhưng các triệu chứng lại có thể thay đổi theo thời gian.
Việc điều trị các bệnh dị ứng còn gặp nhiều khó khăn, do không có thuốc điều trị triệt để, chỉ điều trị triệu chứng thôi.
Ths.Bs Vũ Văn Lực
Viêm mũi dị ứng