Bệnh viêm da cơ địa, còn gọi là bệnh chàm thể tạng là bệnh viêm da biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Đa số trường hợp, bệnh bắt đầu ở tuổi ấu thơ, sau đó tái phát nhiều lần trong suốt cuộc đời.
Triệu chứng điển hình của bệnh là ngứa, sau đó gãi, gây ra bệnh cảnh ngứa – gãi, càng ngứa càng gãi, làm cho bệnh càng nặng làm tăng nguy cơ bội nhiễm.
Bệnh có tính chất gia đình rõ, hay gặp ở những người có bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng…
Các yếu tố nguy cơ
- Tiếp xúc với các dị nguyên như bụi, lông gia súc, thức ăn, phấn hoa, thuốc, thay đổi thời tiết,…
- Tuổi phát bệnh thường vào khoảng 2 tháng đầu sau khi sinh, rất hiếm gặp phát bệnh khi đã trưởng thành.
- Yếu tố gia đình, di truyền rõ: Nếu cả bố và mẹ đều bị viêm da cơ địa thì có đến 80% các con bị bệnh này, tỷ lệ mắc ở các con giảm xuống 60% nếu có bố hoặc mẹ bị bệnh này.
Biểu hiện lâm sàng
- Dấu hiệu sớm nhất và điển hình là ngứa, càng ngứa càng gãi nhiều, càng gãi lại có cảm giác càng ngứa, tạo thành vòng xoắn bệnh lý ngứa – gãi, làm tăng nguy cơ bị bội nhiễm.
- Kèm với ngứa, trên da hình thành các mẩn đỏ, ranh giới không rõ, hoặc các đám mụn nước có chảy dịch.
- Nếu bị bội nhiễm, thì có thể có mủ, có nhiều dịch, các ổ mủ thành từng đám trên bề mặt da hoặc thành từng nốt nhỏ nhưng có nhiều nốt. Sau một thời gian ổ mủ vỡ ra hoặc do gãi gây vỡ, hình thành những vết loét.
- Các đám mẩn đỏ do viêm da cơ địa thường gặp ở trán, hai gò má, ngực, lưng, hai tay, chân, và đôi khi ở khắp cơ thể. Ngoài ra, cũng có thể gặp những tổn thương lớn của bệnh ở những nếp gấp da lớn như lòng bàn tay, bàn chân, cổ, nếp gấp khuỷu, gối,…
- Ngoài biểu hiện trên da, người bị viêm da cơ địa còn có thể có các biểu hiện cơ quan khác nữa như viêm mũi xoang dị ứng, hen phế quản, viêm kết mạc,…
- Các biểu hiện toàn thân có thể gặp như mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, đau đầu,…
- Biểu hiện ở giai đoạn mạn tính có thể gặp là hình thành các đám da dầy, thâm, các vết nứt gây đau, đây là hậu quả do ngứa – gãi nhiều.
Chẩn đoán
Có nhiều tiêu chuẩn được đưa ra để chẩn đoán viêm da cơ địa, nhưng tiêu chuẩn của Hanifin và Rajka (1980) được áp dụng rộng rãi nhất. Gồm 4 tiêu chuẩn chính và khoảng hơn 10 tiêu chuẩn phụ:
Tiêu chuẩn chính:
(1) Ngứa
(2) Viêm da mạn tính và tái phát
(3) Hình thái và vị trí thương tổn điển hình
- Trẻ em: Biểu hiện khu trú ở mặt, vùng duổi của tay, chân
- Trẻ lớn và người trưởng thành: Biểu hiện dày da thành đám, gặp ở những vùng nếp gấp
(4) Tiền sử gia đình hoặc bản thân có bệnh dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng, hoặc đã từng bị viêm da cơ địa.
Tiêu chuẩn phụ
(1) Da khô
(2) Viêm môi
(3) Đục thủy tinh thể
(4) Viêm kết mạc mắt và kích thích ở mắt tái phát
(5) Mặt đỏ hoặc tái
(6) Dị ứng thức ăn
(7) Chàm ở bàn tay
(8) Xét nghiêm máu có tăng IgE
(9) Phản ứng da tức thì typ 1 dương tính
(10) Dễ bị nhiễm trùng da và hay tái phát
(11) Ngứa khi ra mồ hôi
(12) Vẩy phấn trắng trên da
(13) Dày sừng nang lông
(14) Tuổi phát bệnh sớm
Được chẩn đoán xác định viêm da cơ địa khi có 3 tiêu chuẩn chính và ít nhất 3 tiêu chuẩn phụ.
Điều trị
Nguyên tắc điều trị:
- Chống khô da bằng các thuốc dưỡng ẩm
- Điều trị bằng thuốc bôi có chứa corticoid trong thời gian ngắn (thường không quá 7 ngày)
- Bôi tacrolimus (thuốc thế hệ mới trong điều trị bệnh viêm da cơ địa) không chứa corticoid, kết hợp với dưỡng ẩm trong thời gian dài để tránh tái phát.
- Sử dụng thuốc kháng histamin để chống ngứa
- Trường hợp có bội nhiễm, phải sử dụng kháng sinh để điều trị bội nhiễm
Điều trị cụ thể:
Tùy theo biêu hiện viêm da cơ địa ở giai đoạn cấp hay mạn tính mà có biện pháp điều trị khác nhau.
- Viêm da cơ địa cấp, sử dụng các lại thuốc sau đây:
+ Dùng các loại kem dưỡng da có tác dụng làm mềm da
+ Bôi kem có chứa corticoid, kết hợp với kháng sinh, có thể dùng một trong các loại như Ladorvan, Gentrisone,… Cũng có thể dùng lại kem bôi chỉ chứa corticoid như Diprosalic, kết hợp với kháng sinh đường uống, để phòng bội nhiễm
+ Uống thuốc kháng histamin chống ngứa, tùy theo độ tuổi mà dùng các loại khác nhau. Ở trẻ em dùng loại siro, có thể dùng một trong các loại Aerius, Clarityn,… Ở trẻ lớn và người trưởng thành thì dùng dạng viên, có thể dùng một trong các loại thuốc Clarityn, Fexofenadin, …
- Viêm da cơ địa giai đoạn bán cấp và mạn tính:
Khi qua giai đoạn cấp, bệnh có thể diến biến kéo dài hoặc tai phát nhiều lần, khi đó cần điều trị để duy trì và phòng tái phát. Các thuốc dùng trong giai đoạn này:
+ Tiếp tục sử dụng kem bôi hoặc sữa tắm làm mềm da, có thể dùng thường xuyên, tốt nhất nên dùng loại thảo dược
+ Dùng kem bôi chứa corticoid nhưng chỉ dùng trong thời gian ngắn, tốt nhất không quá 7 ngày
+ Hiện nay loại kem không phải corticoid như tacrolimus được coi là thuốc điều trị viêm da cơ địa thế hệ mới, được coi là tốt nhất hiện nay, dùng thay thế corticoid, thuốc không có tác dụng phụ nên có thể dùng kéo dài.
+ Uống thuốc chống ngứa nhóm kháng histamin
+ Một số trường hợp nặng, có thể phải dùng corticoid đường uống, nhưng phải được chỉ định chặt chẽ, tránh tác dụng phụ hoặc quen thuốc.
Mộ số điểm lưu ý khi điều trị bệnh viêm da cơ địa:
- Phải kết hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và người bệnh, đối với trẻ nhỏ thì phải thì bố mẹ phải kết hợp với bác sĩ điều trị để thực hiện chăm sóc cho trẻ tốt nhất.
- Dùng các loại khăn mềm để lau trên da, tránh các tổn thương có thể gặp do lau bằng khăn cứng.
- Kem dưỡng da hoặc sữa tắm dưỡng da làm mềm da phải dùng hàng ngày, dùng thường xuyên, tốt nhất là dùng loại có nguồn gốc thảo dược.
Phòng bệnh
Do bệnh viêm da cơ địa có tính chất gia đình, di truyền khá rõ, nên nhiều trường hợp, dự phòng không mang lại hiệu quả cụ thể. Các biện pháp dự phòng chủ yếu tập trung vào tránh các nguy cơ bị dị ứng như:
- Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối 0,9% ấm.
- Loại bỏ các tác nhân kích thích như thuốc lá, rượu bia, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
- Tránh những nơi khói bụi, ô nhiễm, khí độc hại, lông gia súc, gia cầm, phấn hoa,...
- Hạn chế ăn các thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua, ghẹ, mực,…
- Vệ sinh nhà cửa, môi trường xung quanh sạch sẽ
- Nâng cao thể trạng: Chế độ ăn giầu dinh dưỡng, bổ sung đầy vitamin A, canxi, vitamin D3, MK7,...
Ths.Bs Vũ Văn Lực
Viêm da cơ địa